Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Lichen phẳng: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và phương pháp điều trị bệnh

Ngày 14/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Lichen phẳng là một rối loạn hiếm gặp không rõ nguyên nhân, thường ảnh hưởng đến người lớn tuổi. Lichen phẳng có thể ảnh hưởng đến da (lichen phẳng ở da), khoang miệng (lichen phẳng ở miệng), cơ quan sinh dục (lichen phẳng ở dương vật hoặc âm hộ), da đầu (lichen phẳng ở da đầu), móng tay hoặc thực quản. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh lichen phẳng tùy thuộc vào vị trí xuất hiện.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Lichen phẳng là gì?

Lichen phẳng (Lichen planus) là tình trạng phát ban có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau trên cơ thể, ví dụ ở miệng, da đầu, vùng bẹn, bộ phận sinh dục... Lichen phẳng không lây nhiễm, do đó bạn không thể mắc bệnh này từ người khác và bạn không thể truyền bệnh này cho bất kỳ ai. Lichen phẳng không phải là một loại ung thư.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Lichen phẳng

Các triệu chứng của bệnh Lichen phẳng khác nhau tùy thuộc vào vị trí ảnh hưởng. Các triệu chứng bao gồm:

  • Các vết sưng màu tím, sáng bóng, phẳng, thường ở mặt trong của cẳng tay, cổ tay hoặc mắt cá chân;
  • Vùng phát ban nơi da bị trầy xước;
  • Các mảng trắng có ren trên lưỡi hoặc bên trong má;
  • Ngứa;
  • Vết loét đau ở miệng hoặc bộ phận sinh dục;
  • Rụng tóc;
  • Sẹo hoặc mất móng tay;
  • Những đường đậm từ đầu móng đến chân móng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Lichen phẳng

Bệnh Lichen phẳng ở vùng âm đạo thường khó điều trị, có thể gây ra sẹo và đau dữ dội. Các vết loét ở bộ phận sinh dục có thể khiến việc quan hệ tình dục trở nên đau hơn. Lichen phẳng ở da và móng bị ảnh hưởng có thể sẫm màu hơn ngay cả sau khi lành. Lichen phẳng ở miệng gây ra các vết loét miệng có thể ảnh hưởng đến khả năng ăn uống, đồng thời tăng nguy cơ ung thư miệng. Lichen phẳng hiếm khi ảnh hưởng đến ống tai nhưng nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến mất thính lực.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa da liễu để được kiểm tra và tư vấn, đặc biệt khi có những vết sưng nhỏ hoặc phát ban xuất hiện trên da mà không rõ lý do. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Lichen phẳng: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và phương pháp điều trị bệnh 1
Lichen phẳng ở ngoài da, nhìn như các đốm phát ban, có thể gây ngứa

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Lichen phẳng

Nguyên nhân nguyên phát của Lichen phẳng chưa được biết rõ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho rằng nguyên nhân có thể liên quan đến hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào của cơ thể. Cơ chế đề xuất là thông qua trung gian miễn dịch liên quan đến các tế bào T (tế bào T CD8+) trực tiếp chống lại tế bào. Điều hòa tăng cường sự kết dính giữa các tế bào ICAM-1 và các cytokine liên quan đến phản ứng miễn dịch, ví dụ như interferon (IFN)-gamma, yếu tố hoại tử khối u (TNF)-alpha, interleukin (IL)-1 alpha, IL-6 và IL-8, cũng có thể đóng một vai trò trong sinh bệnh học của lichen phẳng.

Lichen phẳng là bệnh không lây nhiễm. Một số tình trạng có thể dẫn đến bệnh Lichen phẳng như:

  • Nhiễm viêm gan C;
  • Thuốc giảm đau và các loại thuốc khác. Ví dụ thuốc lợi tiểu (điều trị huyết áp cao và bệnh tim) và thuốc dùng để ngăn ngừa bệnh sốt rét;
  • Phản ứng dị ứng với kim loại trong vật liệu trám răng.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Lichen phẳng?

Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh Lichen phẳng, đặc biệt là người lớn tuổi, trung niên. Lichen phẳng trong miệng thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới. Lichen phẳng ở da thường phát triển nhất ở độ tuổi từ 30 đến 60. Lichen phẳng ở da ở trẻ em có xảy ra nhưng hiếm gặp.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Lichen phẳng

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Lichen phẳng là di truyền, nhưng hiếm gặp, thường do loại Lichen phẳng bọng nước ở da.

Lichen phẳng: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và phương pháp điều trị bệnh 2
Di truyền là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Lichen phẳng

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm Lichen phẳng

Để chẩn đoán bệnh Lichen phẳng, bác sĩ sẽ hỏi thăm triệu chứng, tiền sử bệnh và thực hiện một số xét nghiệm như:

  • Sinh thiết để tìm mẫu tế bào điển hình của bệnh Lichen phẳng.
  • Xét nghiệm máu tìm dấu hiệu của các bệnh lý khác dẫn đến bệnh Lichen phẳng, ví dụ như viêm gan C.

Điều trị Lichen phẳng

Nội khoa

Nếu bệnh không gây triệu chứng như đau hoặc khó chịu thì có thể không cần điều trị. Lichen phẳng trên da thường tự khỏi sau vài tháng hoặc sau vài năm.

Điều trị nội khoa bằng thuốc có thể giúp giảm ngứa, giảm đau và nhanh lành vết thương. Nếu bệnh ảnh hưởng đến móng tay thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Ngay cả khi điều trị có hiệu quả, các triệu chứng vẫn có thể quay trở lại.

Corticosteroid là thuốc thường dùng để giảm đau, kháng viêm và giảm sưng tấy. Dạng bào chế được lựa chọn đầu tiên để điều trị bệnh Lichen phẳng trên da là dùng kem hoặc thuốc mỡ corticosteroid. Nếu corticosteroid dùng tại chỗ không giúp cải thiện tình trạng hoặc làm lan rộng vết thương thì nên thông báo cho bác sĩ điều trị để có phương pháp điều trị hiệu quả hơn. Lưu ý các tác dụng phụ khi sử dụng corticosteroid.

Lichen phẳng: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và phương pháp điều trị bệnh 3
Corticosteroid là thuốc thường dùng để điều trị triệu chứng bệnh Lichen phẳng

Các loại thuốc uống khác được sử dụng cho bệnh Lichen phẳng là thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine và thuốc kháng sinh metronidazole. Đối với các triệu chứng nghiêm trọng hơn, có thể cần dùng đến thuốc ức chế miễn dịch. Các loại thuốc sau đây đã được sử dụng hiệu quả nhưng cần nghiên cứu thêm:

  • Cyclosporine;
  • Azathioprin;
  • Methotrexat;
  • Mycophenolate;
  • Sulfasalazine.

Thuốc kháng histamine dùng bằng đường uống có thể làm dịu vùng da ngứa do Lichen phẳng gây ra.

Retinoid cũng là một trong những thuốc dùng để điều trị bệnh Lichen phẳng trên da. Retinoid có thể gây dị tật bẩm sinh, vì vậy loại thuốc này không dành cho những người đang mang thai hoặc có thể mang thai. Nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của bạn có thể đề nghị bạn trì hoãn việc điều trị hoặc chọn một phương pháp điều trị khác.

Liệu pháp ánh sáng

Liệu pháp ánh sáng có thể giúp làm sạch Lichen phẳng ảnh hưởng đến da. Cách tiếp cận này còn được gọi là liệu pháp quang học. Đây là phương pháp liên quan đến việc cho vùng da bị ảnh hưởng tiếp xúc với tia cực tím 2 đến 3 lần một tuần trong vài tuần. Tác dụng phụ có thể xảy ra là sự thay đổi màu da kéo dài (tăng sắc tố sau viêm) ngay cả sau khi da lành lại.

Ngoại khoa

Hiện chưa có phương pháp ngoại khoa nào được áp dụng để điều trị bệnh Lichen phẳng. Tuy nhiên, nếu bệnh Lichen phẳng trên da bị bội nhiễm, gây hoại tử mô và không thể điều trị bằng kháng sinh thì có thể áp dụng thủ thuật cắt lọc để loại bỏ các tế bào bị hoại tử, hạn chế tình trạng nhiễm trùng lan rộng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của Lichen phẳng

Chế độ sinh hoạt:

  • Tắm bằng nước ấm. Rửa sạch, lau khô và thoa kem dưỡng ẩm.
  • Đắp khăn ẩm, mát.
  • Sử dụng loại kem hoặc thuốc mỡ hydrocortisone. Chỉ dùng khi bạn không sử dụng sản phẩm corticosteroid theo toa trên da.
  • Tránh làm trầy xước da và làm tổn thương móng tay.
  • Đánh răng hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa hàng ngày nếu bạn bị bệnh Lichen phẳng ở miệng.
  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng: Bệnh Lichen phẳng có thể gây tình trạng ngứa da, do đó nếu bệnh nhân có cơ địa dị ứng thì nên tránh dùng thực phẩm gây dị ứng để giảm nguy cơ trầm trọng ngứa da.

Phòng ngừa Lichen phẳng

Hiện nay chưa có phương pháp phòng ngừa bệnh Lichen phẳng.

Các câu hỏi thường gặp về Lichen phẳng

Làm thế nào để giảm bớt triệu chứng Lichen phẳng ở nhà?

Lichen phẳng trên da:

  • Rửa bằng nước ấm, tránh xà phòng và sữa tắm.
  • Gội đầu trên bồn rửa hoặc bồn tắm để dầu gội không chạm vào phần da còn lại.
  • Dưỡng ẩm cho da.
  • Cố gắng không gãi da.

Lichen phẳng ở cơ quan sinh dục:

  • Tránh mặc quần bó hoặc quần áo bó sát.
  • Cẩn thận lau khô người sau khi đi tiểu để giảm nguy cơ nước tiểu tiếp xúc với da - tránh chà xát vùng đó.
  • Sử dụng chất bôi trơn nếu quan hệ tình dục gây đau đớn.

Lichen phẳng trong miệng:

  • Tránh thức ăn mặn, cay và chua, hoặc rượu, nếu thực phẩm đó làm đau miệng.
  • Đánh răng cẩn thận hai lần một ngày để giữ cho nướu sạch khỏe, giảm thiểu tình trạng nhiễm trùng.
  • Sử dụng nước súc miệng không chứa cồn vì cồn dễ gây kích ứng.
Lichen phẳng: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và phương pháp điều trị bệnh 4
Biểu hiện của Lichen phẳng trong miệng

Tôi nên tránh những thực phẩm và đồ uống nào nếu bị bệnh Lichen phẳng?

Nếu bạn bị bệnh Lichen phẳng ở miệng, bạn nên tránh các thức ăn hoặc đồ uống cay hoặc có tính axit vì có thể gây kích ứng thêm, bao gồm:

  • Ớt cay;
  • Quả cam quýt;
  • Cà chua;
  • Rượu bia;

Ngoài việc tránh các thức ăn, đồ uống cay, chua, bạn nên tránh hút thuốc.

Bệnh Lichen phẳng có cần điều trị không?

Lichen phẳng có thể không cần điều trị nhưng hầu hết các trường hợp sẽ cần điều trị. Nếu bạn có Lichen phẳng trên da, có thể mất vài tháng hoặc vài năm mới khỏi. Nếu bạn mắc bệnh Lichen phẳng ở miệng, có thể phải mất đến 5 năm mới khỏi. Nếu bạn có Lichen phẳng trên dương vật, âm đạo hoặc âm hộ, bạn có thể cảm thấy khó chịu hoặc đau khi quan hệ tình dục. Bệnh lichen phẳng không lây nhiễm qua đường tình dục.

Nguồn tham khảo
  1. Lichen planus: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/lichen-planus/diagnosis-treatment/drc-20351383
  2. Lichen planus: https://www.uptodate.com/contents/lichen-planus
  3. Lichen planus: https://www.nhs.uk/conditions/lichen-planus/
  4. Lichen planus: diagnosis and treatment: https://www.aad.org/public/diseases/a-z/lichen-planus-treatment
  5. Lichen planus: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17723-lichen-planus

Các bệnh liên quan

  1. Dày sừng nang lông

  2. Giời leo

  3. Bướu bã đậu

  4. Mụn cóc phẳng

  5. Vàng da

  6. Hội chứng Marfan

  7. Chàm

  8. Nám nội tiết

  9. Lichen xơ hóa

  10. Vảy nến