Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nấm phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị

Ngày 22/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nấm phổi là một bệnh lý không quá phổ biến nhưng lại gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ với bạn đọc những thông tin về bệnh nấm phổi như nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị.

Bệnh nấm phổi có chữa được không? Đây là câu hỏi được nhiều người đặt ra, bởi bệnh gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh nếu không được điều trị đúng cách.

Tổng quát về bệnh nấm phổi

Bệnh nấm phổi là gì?

Nấm phổi là một dạng nhiễm trùng phổi và thường xảy ra ở những người suy giảm miễn dịch hoặc đang mắc phải một bệnh lý mạn tính nào đó hoặc từng có những tổn thương ở phổi không hồi phục trước đây.

Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh nấm phổi chỉ chiếm 0,02% trong tổng các bệnh lý về phổi. Tuy nhiên, nguy cơ tử vong do nấm phổi lên tới 70% nếu không được điều trị kịp thời.

Hiện nay, việc điều trị nấm phổi không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm và chẩn đoán bệnh từ giai đoạn đầu là rất khó. Các triệu chứng ban đầu của bệnh dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp thông thường khác nên người bệnh thường chủ quan.

Nấm phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị 1
Nấm phổi là bệnh lý hiếm gặp nhưng gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người bệnh

Bệnh nấm phổi có chữa được không? Có nguy hiểm không?

Nấm phổi không phải là một căn bệnh phổ biến và hiếm khi xảy ra ở người khỏe mạnh. Người mắc bệnh nấm phổi có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị trong giai đoạn sớm.

Tuy nhiên, bệnh nấm phổi sẽ rất nguy hiểm và gia tăng tỷ lệ tử vong nếu người bị nấm phổi không được chẩn đoán và điều trị sớm. Lúc này, các bào tử nấm nhân lên và lây lan nhanh chóng sang các cơ quan khác trong cơ thể, từ đó gây ra các biến chứng nghiêm trọng như nấm não, nấm màng não, viêm cơ, viêm nội nhãn, nhiễm nấm huyết…

Ngoài ra, các triệu chứng ban đầu của nấm phổi dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác trên hệ hô hấp, khiến người bệnh chủ quan không đi thăm khám sớm. Từ đó, bệnh ngày càng trở nên trầm trọng hơn và làm tăng nguy cơ tử vong.

Các triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh nấm phổi

Tùy thuộc vào chủng vi nấm ký sinh cùng với tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh mà triệu chứng bệnh sẽ khác nhau, cụ thể như sau:

Nấm phổi do nấm Candida

Các triệu chứng như:

  • Sốt cao đột ngột hoặc sốt cao kéo dài;
  • Khàn tiếng;
  • Khó thở;
  • Ho khan hoặc ho có đờm.

Ngoài ra, người bệnh sẽ thấy xuất hiện một lớp màu trắng bao phủ trên bề mặt lưỡi, khoang miệng và họng. Từ đó gây tổn thương khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc ăn uống và sụt cân nhanh chóng.

Nấm phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị 3
Sốt cao dai dẳng là triệu chứng điển hình của bệnh nấm phổi

Nấm phổi do nấm Cryptococcus

Các triệu chứng bệnh như:

  • Sốt kèm theo đau đầu dữ dội;
  • Chóng mặt;
  • Ho kéo dài;
  • Khó thở;
  • Đau tức ngực;
  • Rối loạn ý thức;
  • Có thể bị hôn mê;
  • Xuất hiện các nốt phỏng hoặc loét ở họng và miệng.

Nấm phổi do nấm Aspergillus:

Bệnh nấm phổi do nấm Aspergillus gây ra sẽ được chia thành 3 thể khác nhau là:

  • U nấm phổi;
  • Nấm phổi phế quản dị ứng;
  • Nấm phổi xâm nhập.

Ở mỗi thể bệnh lại xuất hiện các triệu chứng khác nhau, tuy nhiên hầu hết đều có đặc điểm như sau:

  • Sốt cao và ho dai dẳng là hai triệu chứng điển hình nhất;
  • Cơ thể mệt mỏi;
  • Chán ăn dẫn đến sụt cân nhanh;
  • Đau tức ngực;
  • Đau họng;
  • Đau đầu.

Trong trường hợp bệnh ở thể phế quản dị ứng, người bệnh có thể xuất hiện thêm các triệu chứng tổn thương hệ hô hấp khác như hen phế quản. Trường hợp ở thể nấm phổi xâm nhập hoặc u phổi thì có thể gây ra hiện tượng ho ra máu rất nguy hiểm.

Nguyên nhân nhiễm nấm phổi là gì?

Vi nấm có thể tồn tại ở nhiều môi trường khác nhau như nước, đất, trong không khí, trên bề mặt vật dụng… hay thậm chí là sống trên da hoặc bên trong cơ thể người.

Nấm gây bệnh thường có các đặc điểm như hình sợi, có nhân, thành tế bào là hợp chất glucid và được bao phủ bởi kitin. Nấm sinh sản cực kỳ nhanh chóng bằng hình thức nhân đôi tế bào hoặc sinh sản vô tính.

Vi nấm là một loại sinh vật không có rễ nên cần có vật sống để chúng ký sinh hoặc sống bằng hình thức hoại sinh. Một số chủng nấm được xem là tác nhân chính gây ra bệnh nấm phổi là:

  • Candida;
  • Aspergillus;
  • Cryptococcus.
Nấm phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị 2
Nấm Candida là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh nấm phổi

Những ai là người hay bị mắc bệnh nấm phổi nhất?

Hầu hết các loại nấm không thể xâm nhập vào các cơ quan để gây hại khi cơ thể người khỏe mạnh. Tuy nhiên, nấm sẽ phát triển và gây bệnh tại phổi khi cơ thể con người vô tình tạo ra những điều kiện thuận lợi. Những đối tượng sau đây sẽ dễ mắc phải bệnh nấm phổi hơn người khỏe mạnh, bao gồm:

  • Những người sử dụng corticoid trong dài ngày hoặc lạm dụng thuốc kháng sinh.
  • Những người cao tuổi, người mắc bệnh lý mạn tính lâu năm.
  • Người bị suy giảm hệ miễn dịch khiến cho cơ thể không đủ sức để chống lại sự phát triển của nấm gây bệnh, chẳng hạn người bị nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân ghép tạng…
  • Người bị rối loạn chuyển hóa hoặc suy dinh dưỡng.
  • Mắc các bệnh lý về máu gây giảm bạch cầu kéo dài như bệnh bạch cầu cấp tính hoặc bệnh lympho.
  • Người từng bị bệnh lao phổi.

Cách chữa bệnh nấm phổi ở người

Việc điều trị bệnh nấm phổi sẽ không quá khó nếu người bệnh được chẩn đoán sớm, chính xác và điều trị đúng cách. Bác sĩ sẽ dựa vào loại nấm gây bệnh và kết quả của kháng sinh đồ để cho người bệnh sử dụng các loại thuốc kháng nấm phù hợp.

Có rất nhiều loại thuốc kháng nấm trên thị trường. Tuy nhiên, các nhóm thuốc sau đây thường sẽ đem lại hiệu quả điều trị bệnh nấm phổi cao nhất như:

  • Nhóm thuốc Echinocandins: Nhóm thuốc này đem lại hiệu quả điều trị cao và an toàn.
  • Nhóm thuốc Amphotericin B: Thường được sử dụng dưới dạng liposome để giảm tối đa độc tính của thuốc.
  • Nhóm thuốc Azole: Nhóm này có thể được chỉ định điều trị nấm phổi. Tuy nhiên, đối với trường hợp bệnh do vi nấm Aspergillus thường ít được chỉ định vì tỷ lệ kháng thuốc khá cao.

Ngoài ra, trường hợp người bị bệnh nấm phổi do di chứng của bệnh lao phổi thì phương pháp điều trị nội khoa không đem lại hiệu quả. Bác sĩ sẽ chủ động bơm trực tiếp một lượng amphotericin thông qua ống nội soi để đưa thuốc vào hang lao có u nấm. Biện pháp này được chỉ định cho bệnh nhân nấm phổi có biểu hiện ho ra máu nhẹ, ngược lại, nếu tình trạng ho ra máu nặng thì khả năng cao bệnh đã chuyển biến xấu và có thể phải thực hiện phẫu thuật do động mạch phế quản đã bị bít tắc.

Nấm phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị 4
Bệnh nhân bị nấm phổi sẽ được chỉ định sử dụng thuốc kháng nấm

Tóm lại, bệnh nấm phổi có thể do nhiều loại vi nấm gây ra và thể hiện nhiều triệu chứng khác nhau. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp chẩn đoán, điều trị phù hợp. Hãy tiếp tục truy cập vào trang web của Nhà thuốc Long Châu để đọc thêm nhiều thông tin sức khỏe bổ ích nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm