Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng/
  4. Thực phẩm dinh dưỡng

Nâng cao cảnh giác trước tác hại của trái nhàu!

21/06/2023
Kích thước chữ

Trái nhàu từ lâu đã rất quen thuộc với các bài thuốc của cả Đông y và Tây y. Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng cách, sức khỏe con người sẽ bị ảnh hưởng bởi tác hại của trái nhàu.

Cũng giống như những phương thuốc khác, trái nhàu khi được sử dụng đúng cách có thể mang lại lợi ích trong việc hỗ trợ sức khỏe. Tuy nhiên, loại quả này cũng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn nếu sử dụng sai cách. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về trái nhàu, công dụng và những lưu ý khi sử dụng.

Trái nhàu là gì?

Cây nhàu hay còn được biết đến với cái tên là cây ngao, nhàu núi, nhàu rừng, noni. Đây là loại cây thân gỗ, chiều cao trung bình từ 6 - 8m. Thân cây nhỏ, nhẵn, nhiều cành và lá mọc đối xứng. Hoa nhàu có màu trắng, thường mọc ở cuống lá hoặc ngọn cây.

Quả nhàu có hình dạng như quả trứng, dài từ 5 - 7cm, vỏ sần sùi và có màu xanh lục. Khi nhàu chín, thịt quả sẽ chuyển sang màu trắng, mềm, thơm, bao bọc lấy nhân cứng ở giữa.

Nâng cao cảnh giác trước tác hại của trái nhàu! 1
Trái nhàu là loại trái quen thuộc đối với người dân Việt Nam 

Tác dụng của trái nhàu

Trái nhàu được sử dụng trong y học cổ truyền với nhiều công dụng khác nhau nhờ hàm lượng chất dinh dưỡng phong phú, bao gồm hơn 20 loại axit hữu cơ, axit amin, vitamin và khoáng chất.

Một số lợi ích phổ biến của trái nhàu:

  • Trong y học cổ truyền: Trái nhàu thường được sử dụng trong các bài thuốc dân gian để hỗ trợ điều trị ho hen, hạ sốt, điều kinh, lợi tiểu, hoạt huyết và nhuận tràng.
  • Trong y học hiện đại: Một số nghiên cứu đã cho thấy trái nhàu có thể giúp hỗ trợ ổn định huyết áp, giảm nguy cơ béo phì, tiểu đường, và cải thiện tình trạng đau nhức, suy nhược cơ thể.

Ngoài ra, việc bổ sung trái nhàu trong chế độ ăn có thể giúp kích thích tiêu hóa, hỗ trợ cơ thể hấp thụ vitamin và khoáng chất tốt hơn. Trái nhàu cũng chứa chất chống oxy hóa, giúp trung hòa các gốc tự do có hại.

Nhiều người cho rằng làn da trở nên mịn màng, trắng sáng hơn sau khi ăn trái nhàu, tinh thần tươi trẻ hơn và giảm đáng kể nguy cơ rối loạn cảm xúc và trầm cảm. Tuy nhiên, hiện nay, những tuyên bố về khả năng cải thiện làn da, tinh thần và giảm trầm cảm của trái nhàu vẫn cần thêm các nghiên cứu lâm sàng để khẳng định.

Nâng cao cảnh giác trước tác hại của trái nhàu! 2
Trái nhàu mang lại nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe con người

Tác hại của trái nhàu

Bên cạnh những công dụng kể trên, người bệnh vẫn cần nâng cao cảnh giác khi sử dụng trái nhàu để chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Dưới đây là một số tác hại của trái nhàu:

  • Một số nghiên cứu cho thấy quả nhàu có thể chứa hàm lượng kali cao, việc sử dụng quá mức có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, cần thêm các nghiên cứu lâm sàng để xác định mối liên hệ chính xác giữa trái nhàu và các biến chứng thai kỳ.
  • Quả nhàu có tác dụng hạ huyết áp nên người bệnh bị huyết áp thấp không nên sử dụng loại quả này quá thường xuyên.
  • Vị chua của trái nhàu có thể gây đau dạ dày, ợ chua, trào ngược dạ dày khi bạn ăn loại quả này lúc đói.
  • Nước ép trái nhàu có thể gây ra phản ứng với một vài thành phần của thuốc, nhất là thuốc điều trị huyết áp cao, thuốc làm chậm quá trình đông máu. Người bệnh rất dễ gặp phải những phản ứng bất thường như: Tức ngực, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, khó thở, kiệt sức,...
Nâng cao cảnh giác trước tác hại của trái nhàu! 3
Tác hại của trái nhàu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi 

Dùng trái nhàu như thế nào cho đúng cách?

Để tận dụng tối đa lợi ích của trái nhàu, bạn cần nắm vững liều lượng sử dụng đối với mỗi đối tượng nhất định. Cụ thể:

  • Người trẻ tuổi nên uống khoảng 30ml nước ép trái nhàu. Những người to lớn, khỏe mạnh chỉ nên uống tối đa 750ml nước trái nhàu mỗi ngày.
  • Người bị chấn thương hoặc đang trong giai đoạn phục hồi sau phẫu thuật nên uống từ 180 - 240ml nước trái nhàu hàng ngày. Sau đó, giảm xuống 90 - 120ml/ngày.
  • Người cao tuổi được khuyến cáo chỉ nên uống 60ml nước trái nhàu/ngày, chia thành 2 lần sáng, tối.
  • Đối với bệnh nhân ung thư, uống nước ép nhàu mỗi ngày với liều lượng từ 180 - 240ml mỗi ngày có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư.
  • Với những người có tiền sử bệnh lý khác, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng loại quả này để điều trị bệnh.

Các món ngon từ trái nhàu

Nếu vẫn chưa biết chế biến trái nhàu như thế nào cho đúng cách, bạn có thể tham khảo một số loại thức uống bổ dưỡng từ trái nhàu như sau:

Nước ép trái nhàu

Cách đơn giản nhất là làm nước ép trái nhàu. Bạn cần chuẩn bị: 1 vài quả nhàu chín, 120ml nước đun sôi để nguội và 1 vài loại trái cây tạo ngọt.

Cách làm:

  • Bước 1: Bạn rửa sạch, gọt vỏ những trái nhàu chín rồi cắt thành từng miếng nhỏ trước khi xay.
  • Bước 2: Xay trái nhàu cùng với các loại quả khác để tạo vị ngọt cho nước ép.
  • Bước 3: Lọc phần bã qua rây để loại bỏ hạt và cặn rồi đổ nước ép ra cốc.

Nước cốt trái nhàu mật ong

Với công thức này, bạn cần có vài trái nhàu chín và mật ong nguyên chất.

Cách làm:

  • Bước 1: Bạn rửa sạch nhàu, để ráo rồi xếp vào bình thủy tinh.
  • Bước 2: Đổ mật ong vào bình sao cho ngập hết bề mặt nhàu.
  • Bước 3: Đậy kín nắp bình và ngâm hỗn hợp này trong 2 tuần là có thể sử dụng.
Nâng cao cảnh giác trước tác hại của trái nhàu! 4
Nhàu ngâm mật ong thơm ngon và giàu dinh dưỡng

Rượu trái nhàu

Rượu trái nhàu là bài thuốc dân từ lâu đời, bao gồm: 1kg nhàu chín và 3l rượu trắng.

  • Bước 1: Bạn rửa sạch trái nhàu, để ráo, cắt nhỏ rồi xếp vào bình thủy tỉnh.
  • Bước 2: Đổ hết 3 lít rượu vào bình và đóng chặt nắp bình.
  • Bước 3: Rượu trái nhàu nên ngâm từ 5 - 6 tuần thì sẽ đạt hương vị thơm ngon nhất và mang lại tác dụng hiệu quả nhất.

Bài viết trên đã giải đáp chi tiết về tác hại của trái nhàu. Trái nhàu có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu sử dụng đúng cách và điều độ. Tuy nhiên, việc sử dụng trái nhàu cần dựa trên bằng chứng khoa học rõ ràng, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai, người bệnh thận và những người đang dùng thuốc điều trị. Đồng thời, luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn. Hãy thật cẩn trọng khi sử dụng trái nhàu nói riêng và các loại dược liệu khác nói chung đối với từng đối tượng khi điều trị bệnh và nâng cao sức khỏe nhé!

Xem thêm: Chi tiết cách ngâm trái nhàu trị đau lưng đơn giản tại nhà

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin