Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Nên ăn bao nhiêu gừng mỗi ngày thì tốt cho sức khỏe?

Ngày 21/12/2024
Kích thước chữ

Nên ăn bao nhiêu gừng mỗi ngày để tận dụng các lợi ích sức khỏe mà không gặp phải vấn đề tiêu hóa hay các tác dụng không mong muốn? Cùng tìm hiểu câu trả lời qua bài viết này để biết cách sử dụng gừng sao cho an toàn và hiệu quả.

Gừng là một loại gia vị và thảo dược quý, nổi tiếng với các lợi ích sức khỏe như hỗ trợ tiêu hóa, giảm viêm và tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên, việc sử dụng gừng cần được điều chỉnh đúng liều lượng để phát huy tối đa lợi ích mà không gây tác dụng phụ. Vậy, mỗi ngày nên ăn bao nhiêu gừng là đủ?

Nên ăn bao nhiêu gừng mỗi ngày thì tốt cho sức khỏe?

Gừng là dược liệu có thể được sử dụng như một vị thuốc trong điều trị một số tình trạng bệnh lý. Liều dùng thường dao động từ 4 - 12g, tương đương khoảng 2 - 5 lát gừng tươi, liều lượng tùy vào tình trạng sức khỏe và mục đích sử dụng của mỗi người.

Gừng có thể được dùng độc vị hoặc kết hợp với các thảo dược khác, chế biến bằng cách sắc uống hoặc giã lấy nước. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng liều dùng gừng để chữa bệnh phải được chỉ định và hướng dẫn bởi bác sĩ hoặc lương y có chuyên môn, tránh việc tự ý sử dụng gây ảnh hưởng không mong muốn.

nen-an-bao-nhieu-gung-moi-ngay-thi-tot-cho-suc-khoe (3).png
Nên ăn bao nhiêu gừng mỗi ngày thì tốt cho sức khỏe?

Đặc biệt, gừng khô có tính nóng mạnh hơn gừng tươi. Những người có cơ địa nhiệt, hoặc đang gặp các vấn đề viêm nhiễm, nên hạn chế hoặc tránh sử dụng gừng để tránh làm tình trạng bệnh nặng hơn.

Nếu có ý định dùng gừng như một loại thực phẩm bổ sung thảo dược hằng ngày, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Liều cao của gừng trong thực phẩm chức năng hoặc các sản phẩm tự chế biến có thể gây ra tác dụng phụ về tiêu hóa.

Cách chế biến gừng

Gừng là một nguyên liệu đa năng và dễ dàng chế biến trong các món ăn hàng ngày. Gừng tươi là lựa chọn phổ biến nhất bởi hương vị thơm ngon và hàm lượng gingerol cao – một hợp chất có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Sau khi gọt vỏ, bạn có thể:

  • Thái lát: Thêm vào trà hoặc nước uống để tạo hương vị thanh mát.
  • Thái hạt lựu hoặc băm nhỏ: Dùng để nêm nếm các món xào, canh, súp hoặc nước sốt.
  • Mài nhuyễn: Trộn cùng mật ong hoặc chanh để tạo hỗn hợp uống hỗ trợ tiêu hóa.

Ngoài gừng tươi, bạn cũng có thể sử dụng gừng ở các dạng khác như:

  • Gừng khô: Thường dùng trong trà thảo mộc hoặc các món hầm.
  • Dạng bột: Dễ bảo quản, lý tưởng để thêm vào bánh, trà, hoặc gia vị nêm.
  • Dầu gừng: Một lựa chọn mạnh mẽ để làm gia vị trong món salad hoặc nước chấm.
  • Nước ép gừng: Dùng trực tiếp hoặc kết hợp với nước ép hoa quả, nước detox.
Nên ăn bao nhiêu gừng mỗi ngày thì tốt cho sức khỏe? 2
Gừng khô, bột gừng, dầu gừng, nước ép gừng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe

Những món ăn kết hợp với gừng:

  • Món mặn: Thêm gừng vào món cá kho, thịt nướng, hoặc súp để tăng hương vị.
  • Món ngọt: Dùng gừng bột làm bánh quy, bánh gừng, hoặc nước uống giải khát.
  • Đồ uống: Trà gừng, nước ép gừng và chanh mật ong là lựa chọn hoàn hảo cho các ngày se lạnh.

Ai không nên dùng gừng?

Mặc dù gừng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng không phải ai cũng phù hợp để sử dụng loại gia vị này. Dưới đây là một số đối tượng cần lưu ý hoặc tránh sử dụng gừng, nhằm đảm bảo an toàn và tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

  • Trẻ dưới 2 tuổi không nên sử dụng gừng trong chế độ ăn uống của mình.
  • Những người bị sỏi mật nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng gừng.
  • Nếu bạn chuẩn bị phẫu thuật hoặc gây mê, việc sử dụng gừng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Gừng có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu và làm tăng nguy cơ chảy máu trong và sau khi phẫu thuật. Vì vậy, bạn nên thông báo với bác sĩ nếu sử dụng gừng thường xuyên, để đảm bảo sự an toàn trong quá trình điều trị.
  • Mặc dù gừng có thể giúp giảm buồn nôn trong thai kỳ, nhưng phụ nữ mang thai và cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng gừng.
  • Người mắc bệnh tim cần đặc biệt cẩn trọng khi sử dụng gừng.
  • Nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường, bạn cần theo dõi chặt chẽ mức đường huyết của mình khi sử dụng gừng và luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
  • Gừng có thể tăng nguy cơ chảy máu khi kết hợp với các thuốc làm loãng máu như warfarin (Coumadin), clopidogrel (Plavix) hoặc aspirin.
  • Với khả năng hạ huyết áp, gừng có thể làm giảm huyết áp quá mức khi kết hợp với thuốc điều trị huyết áp cao. Điều này có thể gây ra tình trạng huyết áp thấp hoặc nhịp tim không đều. Nếu bạn đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh liều lượng phù hợp.
nen-an-bao-nhieu-gung-moi-ngay-thi-tot-cho-suc-khoe (1).png
Một số đối tượng cần lưu ý hoặc tránh sử dụng gừng

Dù gừng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, nhưng bạn nên sử dụng với lượng vừa phải. Đặc biệt, nếu dùng gừng như một phần của chế độ dinh dưỡng hoặc bổ sung thảo dược, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn và tránh tác dụng phụ không mong muốn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin