Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi bạn không may sử dụng trúng thức ăn, nước uống chứa mầm bệnh, bệnh thường đi kèm với các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa. Người bệnh nên tránh ăn uống trong vài giờ để dạ dày nghỉ ngơi rồi sau đó thiết lập lại chế độ ăn uống thích hợp để sức khỏe nhanh hồi phục.
Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân ngộ độc thực phẩm
Bệnh nhân ngộ độc thực phẩm thường xuất hiện các hiện tượng như đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy. Những triệu chứng này sẽ làm cơ thể mất nước, mất cân bằng điện giải và trở nên rất mỏi mệt, kiệt sức. Do vậy, nguyên tắc hàng đầu để thiết lập chế độ dinh dưỡng cho người sau khi bị ngộ độc thực phẩm chính là bù nước và điện giải để bù lại lượng đã mất đi.
Sau khi ngộ độc thức ăn, hệ tiêu hóa của chúng ta sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng và hoạt động kém hiệu quả hơn bình thường. Bệnh nhân không nên ép bản thân ăn quá nhiều, nhồi nhét thức ăn hay ăn quá nhanh vì cơ thể sẽ không tiêu hóa được. Hãy bắt đầu bằng những món ăn nhẹ, có vị nhạt để xoa dịu, giúp dạ dày dần thích ứng và hạn chế kích thích phản ứng nôn.
Không tham gia các hoạt động thể chất mạnh khi cơ thể đang mệt mỏi để tránh xảy ra các tình huống xấu. Bệnh nhân nên dành thời gian nghỉ ngơi để sức khỏe được hồi phục hoàn toàn.
Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân ngộ độc thực phẩm
Nên ăn gì sau khi ngộ độc thực phẩm?
Dựa vào các nguyên tắc dinh dưỡng ở trên, người bệnh muốn nhanh chóng phục hồi năng lượng sau cơn ngộ độc thực phẩm có thể áp dụng những biện pháp dưới đây.
Uống nhiều nước
Nước đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể chống lại sự tác động của ngộ độc thực phẩm. Nôn mửa và tiêu chảy sẽ làm mất nước và cân bằng điện giải, do vậy hãy bắt đầu bằng việc uống vài ngụm nước nhỏ để phục hồi sức khỏe. Ngoài nước lọc bình thường, bạn có thể sử dụng nước ép trái cây, cháo loãng, nước canh, nước hầm, nước luộc gà hay các loại nước điện giải oresol đều được.
Ăn trái cây
Bạn nên ưu tiên lựa chọn những loại trái cây giúp xoa dịu dạ dày, giảm cảm giác buồn nôn để đẩy lùi các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm như chuối hay táo. Chuối chứa nhiều kali và đường tự nhiên, vừa có khả năng duy trì lượng chất lỏng trong cơ thể vừa bổ sung năng lượng dồi dào. Trong khi đó, táo sẽ giúp giảm tình trạng ợ nóng, trào ngược dạ dày, làm dịu lớp niêm mạc và giảm chứng tiêu chảy rất hiệu quả.
Chuối chứa nhiều kali và đường tự nhiên giúp duy trì lượng chất lỏng trong cơ thể
Sữa chua
Quá trình ngộ độc thực phẩm có thể tiêu diệt các lợi khuẩn đường ruột. Do vậy, khi cảm thấy bản thân đã khỏe lại, người bệnh có thể sử dụng sữa chua để tái tạo những vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
Ngũ cốc
Ngũ cốc chứa nhiều khoáng chất cần thiết như magie, canxi, kali và là nguồn dinh dưỡng cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể. Ngoài ra, nó còn có khả năng cải thiện nhu động ruột, giúp tăng sự kết rắn phân, giúp hệ tiêu hóa luôn được sạch sẽ. Bạn có thể nấu cháo yến mạch để sử dụng sau khi bị ngộ độc thực phẩm.
Ngũ cốc chứa nhiều khoáng chất cần thiết như magie, canxi, kali
Bên cạnh những loại thực phẩm trên, bạn có thể dùng thêm các nguyên liệu như gừng, mật ong, chanh để nâng cao sức khỏe sau khi ngộ độc. Những loại thực phẩm này có tính kháng khuẩn cao, giảm khó tiêu và thúc đẩy chức năng tiêu hóa rất hữu hiệu.
Không nên ăn gì sau khi ngộ độc thực phẩm?
Hệ tiêu hóa của người sau khi bị ngộ độc thực phẩm thường chưa được hồi phục hoàn toàn, nếu ăn phải một số thực phẩm không phù hợp sẽ khiến tình trạng bệnh càng nặng thêm. Bệnh nhân nên tránh các loại đồ uống, thức ăn khiến dạ dày thêm khó chịu dưới đây:
-
Thực phẩm gây đầy bụng khó tiêu, tăng cảm giác buồn nôn như đồ chiên rán, cay nóng, nhiều dầu mỡ, rau củ sống.
-
Đồ uống có gas, cồn hay caffein vì chúng dễ gây kích ứng dạ dày đồng thời có các hợp chất lợi tiểu, làm gia tăng nguy cơ mất nước của cơ thể.
-
Không sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ sữa động vật như phô mai, bơ, sữa,... vài ngày sau khi hết ngộ độc vì dạ dày tổn thương sẽ không dung nạp lactose có trong các sản phẩm này và gây ra tình trạng đầy bụng, khó tiêu.
Không nên ăn đồ chiên rán, cay nóng, nhiều dầu mỡ
Sau khi nôn, axit trong dạ dày bị trào ra miệng có thể làm hỏng men răng của bạn. Đánh răng lúc này có thể làm men răng thêm phần bị mòn. Bạn không nên đánh răng ít nhất 1 giờ sau khi nôn mà thay vào đó có thể súc miệng bằng hỗn hợp baking soda và nước. Ngoài ra, bạn có thể tắm bằng nước ấm để giúp tinh thần thư giãn, đánh bay các vi khuẩn có hại ra khỏi bề mặt cơ thể.
Ngộ độc thực phẩm quả thực không phải là trải nghiệm dễ chịu chút nào. Khi đã vượt qua các cơn đau này, bạn cần chăm sóc cơ thể đúng cách để nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Chế độ dinh dưỡng là điều vô cùng quan trọng trong quá trình này. Hy vọng bài viết ở trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc “Ăn gì sau khi bị ngộ độc thực phẩm?”. Bên cạnh những thực phẩm cần bổ sung, bạn cũng nên hạn chế hấp thụ các loại thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, bia rượu và cafein để giúp hệ tiêu hóa nhanh chóng bình phục bạn nhé!
Hoàng Trang
Nguồn tổng hợp