Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nên tầm soát khám ung thư cổ tử cung khi nào? Những ai nên đi khám ung thư cổ tử cung?

Ngày 10/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ tư đối với phụ nữ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, với sự phát triển của phương pháp phòng ngừa, nó trở thành một trong những loại ung thư có thể ngăn ngừa được nhiều nhất. Để tầm soát khám ung thư cổ tử cung, phụ nữ cần bắt đầu từ khi nào?

Ung thư cổ tử cung là một trong những loại bệnh lý có tỉ lệ tử vong cao. Đáng lưu ý, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh đang tăng lên do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như thực phẩm, môi trường, và lối sống. Để phát hiện nguy cơ sớm và tăng cơ hội sống sót, việc tầm soát định kỳ là biện pháp hiệu quả nhất. Quá trình khám ung thư cổ tử cung thì bạn nên tham khảo bài viết dưới đây.

Khái niệm về bệnh ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung thường xuất phát từ các tế bào ở cổ tử cung. Có hai dạng chính của ung thư cổ tử cung: Ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào tuyến. Từ các tế bào vảy và tuyến ở cổ tử cung chúng có thể phát triển thành 2 loại ung thư này.

Virus HPV (Human Papillomavirus) là tác nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung. Đây là loại virus có khả năng xâm nhập vào cổ tử cung và gây biến đổi tế bào. HPV có nhiều chủng khác nhau và hầu hết mọi người tiếp xúc với virus này thông qua quan hệ tình dục. Mặc dù phần lớn trường hợp nhiễm HPV tự phục hồi sau một thời gian ngắn và không gây ra vấn đề lớn, nhưng một số chủng HPV nguy cơ cao có thể gây ra biến đổi tế bào cổ tử cung, tiềm ẩn nguy cơ gây ra ung thư cổ tử cung.

Khám ung thư cổ tử cung gồm những gì và nên khám khi nào?
Tổng quan về bệnh ung thư cổ tử cung

Khám ung thư cổ tử cung quan trọng như thế nào?

Khám ung thư cổ tử cung là quá trình thực hiện các phương pháp kiểm tra để phát hiện sớm tế bào tiền ung thư hoặc tế bào ung thư ở cổ tử cung. Do tế bào cổ tử cung cần một khoảng thời gian tương đối dài (từ 3 đến 5 năm) để phát triển thành ung thư sau khi bị nhiễm HPV, việc tầm soát định kỳ có vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm sự biến đổi của tế bào. Điều này giúp kịp thời tìm biện pháp điều trị, ngăn chặn khả năng phát triển ung thư của chúng.

Thực tế đã chứng minh rằng tầm soát định kỳ khám ung thư cổ tử cung có thể phát hiện và điều trị sớm bệnh lý này. Khi phát hiện ở giai đoạn bệnh khởi phát, việc điều trị trở nên dễ dàng hơn và tỷ lệ thành công tăng lên. Đồng thời, khả năng tiến triển và lan rộng ung thư đến các khu vực khác của cơ thể cũng được kiểm soát tốt hơn.

Những ai nên đi khám ung thư cổ tử cung?

Những bạn nên đi thực hiện tầm soát sớm khám ung thư cổ tử cung bao gồm:

  • Phụ nữ trong độ tuổi trung niên, đặc biệt là những người có nguy cơ cao và chưa từng thực hiện các phương pháp tầm soát khám ung thư cổ tử cung trước đó. Tuy nhiên, các phụ nữ từ 21 tuổi cũng nên xem xét thực hiện xét nghiệm tầm soát.
  • Những bạn có các triệu chứng bất thường như rong kinh, chảy máu bất thường ngoài kỳ kinh.
  • Người có cảm giác đau rát khi quan hệ tình dục.
  • Những người mắc phải viêm nhiễm phụ khoa mạn tính.
Khám ung thư cổ tử cung gồm những gì và nên khám khi nào?
Chị em viêm nhiễm phụ khoa có dấu hiệu ung thư cổ tử cung

Nên tầm soát khám ung thư cổ tử cung khi nào?

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACCS) và Cơ quan Y tế Dự phòng Hoa Kỳ (USPSTF), có thể giúp phòng ngừa và hạn chế tác động của các virus HPV đối với cơ thể bằng việc tiêm vaccine chống HPV. Tuy nhiên, việc thực hiện đồng thời các xét nghiệm sàng lọc và tầm soát khám ung thư cổ tử cung định kỳ là quan trọng để tăng hiệu quả phòng ngừa ung thư.

Việc thực hiện các xét nghiệm sàng lọc khám ung thư cổ tử cung phụ thuộc vào trạng thái sức khỏe và lịch sử bệnh của mỗi người. Dưới đây là độ tuổi được khuyến nghị thực hiện các xét nghiệm sàng lọc khám ung thư cổ tử cung:

Dưới 21 tuổi

Không cần thực hiện xét nghiệm sàng lọc khám ung thư cổ tử cung.

Từ 21 đến 29 tuổi

Ở độ tuổi này, USPSTF khuyến nghị sử dụng phương pháp xét nghiệm Pap đầu tiên vào tuổi 21, sau đó là mỗi 3 năm một lần. Ngay cả khi có quan hệ tình dục trước 21 tuổi, không cần thực hiện xét nghiệm sàng lọc khám ung thư cổ tử cung.

Từ 30 đến 65 tuổi

Ở độ tuổi này, USPSTF khuyến nghị thực hiện kiểm tra khám ung thư cổ tử cung bằng một trong các phương pháp sau:

  • Xét nghiệm HPV mỗi 5 năm: Nếu kết quả bình thường, có thể đợi 5 năm cho lần kiểm tra tiếp theo.
  • Kết hợp xét nghiệm HPV và Pap mỗi 5 năm: Nếu cả hai kết quả đều bình thường, có thể thực hiện kiểm tra sau 5 năm.
  • Xét nghiệm Pap mỗi 3 năm: Nếu kết quả bình thường, có thể chờ 3 năm cho lần kiểm tra tiếp theo.

Trên 65 tuổi

Các kết quả xét nghiệm trước đó bình thường, liên hệ bác sĩ để được tư vấn có nên tiếp thực hiện các phương pháp tầm soát khám ung thư cổ tử cung hay không. Tuy nhiên, nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, vẫn cần tiếp tục khám sàng lọc sau độ tuổi 65.

Khám ung thư cổ tử cung gồm những gì và nên khám khi nào?
Tiêm HPV để phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Việc thực hiện tầm soát khám ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm không chỉ giúp điều trị hiệu quả mà còn nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Đặc biệt, việc thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ có thể giữ vững vai trò làm mẹ thiêng liêng của nhiều phụ nữ. Chính vì thế, từ sau 21 tuổi, các chị em nên tự đến thăm khám và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc theo khuyến nghị của các chuyên gia. Kết hợp với việc tiêm chủng phòng ngừa virus HPV, các biện pháp này giúp tăng cường hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm