Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ngâm chân nước nóng có tác dụng gì? Cách thực hiện và lưu ý

Ngày 06/02/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trong y học cổ truyền, phương pháp ngâm chân nước nóng là một phương pháp điều trị phổ biến. Bàn chân được ví như "trái tim thứ hai" của con người. Vì vậy, giữ ấm và chăm sóc bộ phận này là điều nên quan tâm. Hãy thử ngâm chân sau một ngày làm việc giúp giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bàn chân có nhiều “huyệt đạo” quan trọng của cơ thể, chăm sóc tốt cho đôi chân giúp cải thiện và nâng cao sức khỏe. Đặc biệt, ngâm chân nước nóng trước khi ngủ mang lại nhiều lợi ích bất ngờ không chỉ góp phần giúp máu lưu thông tốt, giảm căng thẳng, lo âu mà còn cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Ngâm chân có tác dụng gì?

Bàn chân được coi là bộ phận cuối cùng của chân. Bàn chân được cấu tạo từ nhiều xương nhỏ khác nhau giúp cơ thể thực hiện các hoạt động phức tạp một cách linh hoạt. Bàn chân tương tác linh hoạt với toàn bộ phần trên cơ thể giúp bạn đứng, chạy nhảy và tập thể dục.

Bàn chân có hơn 20 huyệt đạo trên cơ thể. Mỗi huyệt đạo đóng vai trò duy trì khả năng vận động và ảnh hưởng với sức khỏe khác nhau. Các huyệt gan lòng bàn chân kết nối với não, vì vậy ngâm chân có thể cải thiện giấc ngủ của bạn. Hiện nay đông y đã sử dụng phương pháp xoa bóp chân để giảm đau đầu, điều trị một số bệnh về xương khớp và giải độc,…

Ngâm chân nước nóng có tốt không? Nước nóng giúp giãn mạch máu vùng chân, máu lưu thông tốt hơn. Những tác dụng bất ngờ của việc ngâm chân trị liệu đối với sức khỏe:

Cải thiện trí não và tinh thần

Ngâm chân nước nóng trước khi ngủ sẽ mang lại cho bạn cảm giác thư thái, dễ chịu do máu được lưu thông tốt, từ đó bạn dễ dàng có giấc ngủ sâu và ngon hơn. Khi chất lượng giấc ngủ được cải thiện sẽ sản xuất hormone thư giãn để bắt đầu một ngày mới tràn đầy năng lượng và tăng khả năng tập trung. Một giấc ngủ ngon giúp bạn giảm căng thẳng, cũng như cân bằng cảm xúc.

Ngâm chân nước nóng có tác dụng gì? Cách thực hiện và lưu ý 1

Ngâm chân nước nóng trước khi ngủ sẽ mang lại cho bạn cảm giác thư giãn, lưu thông máu tốt và ngủ ngon hơn

Tăng cường sức khỏe

Ngâm chân nước ấm trước khi đi ngủ có thể phòng ngừa một số bệnh tật. Bởi trong khi ngâm chân, bạn sẽ cảm thấy thư giãn, cơ thể được cân bằng từ đó duy trì sức khỏe ổn định. Nước nóng thúc đẩy quá trình lưu thông máu ở vùng chân và giải độc cho các vùng trên cơ thể. Hơn nữa, ngâm chân bằng nước nóng còn tăng cường khả năng miễn dịch, có tác dụng chống viêm nhiễm, kháng khuẩn,…

Điều trị bệnh mãn tính

Thường xuyên ngâm chân bằng nước nóng kết hợp với bấm huyệt là phương pháp điều trị một số bệnh như tiểu đường, lạc nội mạc tử cung, bệnh xương khớp.

Chữa bệnh ngoài da

Một số loại nấm ở chân được điều trị hiệu quả bằng cách ngâm chân trong nước muối ấm. Muối là một trong những nguyên liệu chăm sóc da rất tốt với tác dụng tẩy tế bào chết, kháng viêm, giảm ngứa và nhanh hồi phục vết thương.

Khử mùi hôi chân

Không chỉ mang lại cảm giác thư thái mà ngâm chân nước nóng còn giúp bạn đánh bay mùi hôi chân. Bạn có thể kết hợp với một số loại thảo mộc và tinh dầu khác để đôi chân sạch sẽ, thơm tho.

Cách ngâm chân nước nóng

Để tăng hiệu quả của liệu pháp ngâm chân, bạn có thể thực hiện theo các bước sau:

  • Tìm một chiếc chậu/thau lớn để có thể ngâm chân thoải mái.
  • Cho thêm các nguyên liệu giúp thư giãn chân khác như muối, tinh dầu, thảo dược,…
  • Kiểm tra nhiệt độ của nước trước khi ngâm. Nếu nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, bạn có thể điều chỉnh bằng cách cho thêm nước vào đến khi bạn cảm thấy phù hợp.
  • Đặt hai chân vào thau nước ấm và ngồi thư giãn từ 15 - 20 phút. Tránh ngâm lâu vì có thể làm da chân bị khô.
  • Sau khi ngâm và lau khô bằng khăn bông thì thoa kem dưỡng ẩm để tránh da chân bị khô nứt.

Ngâm chân nước nóng có tác dụng gì? Cách thực hiện và lưu ý 2

Bạn có thể kết hợp nhiều tinh dầu, thảo dược để ngâm chân và nước cao hơn mắt cá chân

Một số công thức ngâm chân nước nóng

Ngâm chân nước muối ấm

Nguyên liệu:

  • 1.5 lít nước.
  • 20g muối hạt.

Cách làm:

  • Bạn cho muối vào nước sôi, khuấy đều cho muối tan hết.
  • Điều chỉnh nhiệt độ nước khoảng 40 độ C.
  • Nước ngâm phải ở trên mắt cá chân.

Ngâm chân nước gừng ấm

Nguyên liệu:

  • 1.5 lít nước.
  • 1 củ gừng già tươi.
  • 20g muối hạt.

Cách làm:

  • Đập nát gừng cho vào nước đun sôi, sau đó hòa tan muối hạt vào nước gừng.
  • Điều chỉnh nhiệt độ nước cho phù hợp.
  • Ngoài ra, bạn cũng có thể cho thêm gừng và muối vào đun sôi với nước, đợi nước nguội rồi ngâm chân.
  • Khi ngâm chân nên kết hợp bấm huyệt, xoa bóp để có hiệu quả tốt nhất.

Ngâm chân nước sả ấm

Nguyên liệu:

  • 1.5 lít nước.
  • 5 nhánh sả tươi.
  • 20g muối hạt.

Cách làm:

  • Bạn giã nát sả để ngâm chân cho vào nước đun sôi, sau đó hòa tan muối vào nước sả.
  • Điều chỉnh nhiệt độ nước cho phù hợp.
  • Nên ngâm chân cao hơn mắt cá chân và nhẹ nhàng xoa bóp toàn bàn chân.

Ngâm chân nước nóng có tác dụng gì? Cách thực hiện và lưu ý 3

Để tăng hiệu quả của liệu pháp ngâm chân bạn có thể kết hợp xoa bóp

Ngâm chân nước lá lốt

Nguyên liệu:

  • 1.5 lít nước.
  • 30g lá lốt tươi.
  • 20g muối hạt.

Cách làm:

  • Rửa sạch lá lốt và để ráo lá.
  • Sau đó đun sôi 1.5 lít nước, hòa tan muối rồi cho lá lốt vào.
  • Điều chỉnh nhiệt độ nước phù hợp và kết hợp massage khi ngâm chân.

Ngâm chân nước nóng với ngải cứu

Nguyên liệu:

  • 1.5 lít nước.
  • Lá ngải cứu.
  • 20g muối hạt.

Cách làm:

  • Lá ngải cứu rửa sạch, thái nhỏ rồi cho vào nước đun sôi có hòa tan muối rồi đổ nước vào thau/chậu.
  • Điều chỉnh nhiệt độ nước cho phù hợp.
  • Ngâm chân trong khoảng 15 phút rồi lau khô.

Một số lưu ý khi ngâm chân nước nóng

Ngâm chân tuy mang lại nhiều lợi ích nhưng không phải ai cũng có thể áp dụng liệu pháp này. Dưới đây là những đối tượng không nên ngâm chân nước nóng:

  • Người bị viêm khớp dạng thấp, xơ cứng động mạch, người bị giãn tĩnh mạch.
  • Trẻ em không được ngâm chân trong nước nóng vì đang ở tuổi phát triển. Ngâm chân nước nóng sẽ khiến dây chằng ở chân trở nên lỏng lẻo, không có lợi cho việc hình thành và phát triển của chân, nặng hơn nữa sẽ làm biến dạng cột sống.
  • Người bệnh tiểu đường cũng hạn chế ngâm chân nước nóng, bởi người mắc bệnh này thường bị mất cảm giác về nhiệt nên dễ bị bỏng da.
  • Không ngâm chân trước và sau khi ăn một giờ. Nên chọn khoảng thời gian từ 16h - 17h hoặc 21h để ngâm chân.
  • Bạn chỉ nên ngâm chân trong 10 - 15 phút.
  • Tăng dần nhiệt độ cho đến khi cơ thể cảm thấy ấm, lúc đầu không nên cho nước ấm, nước quá nóng. Sau khi ngâm chân, cần lau khô để đảm bảo không còn nước đọng lại giữa các kẽ chân gây cảm lạnh.
  • Nên đổ đầy nước cao hơn mắt cá chân 10 - 15cm. Bạn cũng có thể ngâm đến bắp chân để tăng cường lưu thông máu và ngăn ngừa chứng giãn tĩnh mạch.

Ngâm chân nước nóng là phương pháp trị liệu đơn giản và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ngoài một số lưu ý cụ thể khi ngâm chân, bất kỳ ai cũng có thể ngâm chân nước nóng hàng ngày để cải thiện sức khỏe và tinh thần.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Các bài viết liên quan