Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Ốm nghén là một triệu chứng phổ biến xuất hiện ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ. Nhiều mẹ muốn biết nghén nặng nhất vào tuần thứ mấy? Khi nào ốm nghén kết thúc? Để có thể chuẩn bị sức khỏe và tự chăm sóc bản thân nhằm vượt qua giai đoạn này nhẹ nhàng.
Ốm nghén khiến mẹ bầu cảm giác buồn nôn và thỉnh thoảng có thể dẫn đến tình trạng nôn mửa. Ốm nghén có thể gây ra cảm giác khó chịu, mệt mỏi và ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ mang thai. Đa số trường hợp ốm nghén giảm dần sau vài tháng đầu của thai kỳ, vì vậy nhiều mẹ thắc mắc rằng nghén nặng nhất vào tuần thứ mấy? Khi nào ốm nghén kết thúc?
Cảm giác ốm nghén thường xuất hiện ở giai đoạn đầu của thai kỳ. Từ 50% đến 90% phụ nữ mang thai phải đối mặt với những cảm giác không dễ chịu như buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi và chóng mặt hàng ngày trong giai đoạn ốm nghén. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1% trong số đó phải đối mặt với trạng thái ốm nghén nặng, cần phải tìm đến sự trợ giúp từ y tế.
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu và nỗ lực, nhưng đến nay, nguyên nhân gây ra cảm giác ốm nghén trong thai kỳ vẫn chưa được hiểu rõ. Một số giả thuyết đã được đưa ra liên quan đến sự biến đổi trong hệ thống nội tiết tố khi mang thai. Theo một số nghiên cứu, sự tăng cao của nồng độ progesterone có thể là một trong những nguyên nhân chính, khiến các cơ trong hệ tiêu hóa trở nên chùng và chảy. Điều này có thể dẫn đến việc thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản, gây ra cảm giác buồn nôn. Progesterone cũng có thể làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn, làm tăng nguy cơ khó tiêu và tạo ra cảm giác nặng bụng.
Ngoài ra, một số phụ nữ có hệ thần kinh nhạy cảm hơn có thể trải qua những phản xạ mạnh mẽ hơn đối với các biến đổi trong cơ thể, đặc biệt là trong giai đoạn mang thai. Cơ thể của họ phản ứng mạnh mẽ hơn với những thay đổi này, gây ra những cảm giác ốm nghén nặng và không dễ chịu.
Thời điểm xuất hiện các biểu hiện đầu tiên của ốm nghén thai kỳ có thể khác nhau đối với từng phụ nữ, nhưng hầu hết mẹ sẽ bắt đầu cảm nhận sự khó chịu từ khoảng nửa cuối của ba tháng đầu tiên, từ tuần thứ 6 đến thứ 8 của thai kỳ.
Nói một cách khác, trước tuần thứ 6 của thai kỳ, không có triệu chứng gì bất thường nào xuất hiện ở mẹ bầu. Sự xuất hiện bất thường đầu tiên thường là cảm giác buồn nôn bất ngờ khi tỉnh dậy sau những ngày trễ kinh, là tín hiệu rõ ràng cho việc mang thai.
Ốm nghén khi mang thai còn được gọi là "bệnh buổi sáng" (morning sickness) do triệu chứng thường nặng vào buổi sáng. Tuy nhiên, đa số phụ nữ mang thai có thể chịu ảnh hưởng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, đặc biệt là khi tiếp xúc với mùi, vị thức ăn, âm thanh, ánh sáng hoặc nơi đông người. Mẹ bầu cũng thường cảm thấy mất hứng thú với thức ăn, luôn mệt mỏi, thiếu năng lượng và không thể tập trung vào bất kỳ hoạt động nào ngoài cảm giác buồn nôn, đau đầu, chóng mặt và rối loạn giấc ngủ.
Đỉnh điểm của các triệu chứng này có thể thay đổi tùy thuộc vào từng cơ thể của phụ nữ, nhưng thường xuất hiện nhiều vào tuần thứ 9 của thai kỳ. Một số giả thuyết đã được đề xuất để giải thích hiện tượng này là do đây là thời điểm mà các cơ quan của thai nhi phát triển hoàn chỉnh. Dưới sự tác động của một lượng lớn nguyên liệu, chất xúc tác và các phản ứng chuyển hóa, cơ thể của người mẹ trở nên mất cân bằng và các hệ thống cơ quan bị ảnh hưởng.
Cần lưu ý rằng ốm nghén không phải là dấu hiệu tốt hoặc xấu về tình trạng thai nhi và không liên quan đến sự phát triển của em bé cũng như không giúp đánh giá sức khỏe của mẹ. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu mất nước quá nhiều, gặp rối loạn điện giải nặng do nôn ói hoặc giảm cân đột ngột, điều này là dấu hiệu cảnh báo và cần phải nhập viện để có can thiệp kịp thời. Trong những trường hợp ốm nghén gây nguy hiểm đến tính mạng của mẹ, việc đình chỉ thai kỳ có thể được xem xét.
Sau những ngày đầy gian nan với những cơn ốm nghén, hầu hết phụ nữ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn vào tuần thứ 16 của thai kỳ. Chỉ có một số nhỏ (khoảng 10%) vẫn phải chịu đựng cảm giác buồn nôn và nôn mửa kéo dài suốt quãng thời gian mang thai cho đến khi sinh.
Do đó, nếu bạn vẫn cảm thấy bị ốm nghén liên tục qua giai đoạn này cần thông báo với bác sĩ bởi vì điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Thai nhi có thể bị suy dinh dưỡng do thiếu hụt năng lượng từ mẹ, dẫn đến phát triển thể chất và tâm lý chậm chạp sau này. Thay vào đó, hãy thông báo cho bác sĩ chăm sóc thai sản của bạn để nhận được sự hỗ trợ y tế.
Ngoài việc sử dụng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ, các mẹ bầu cũng có thể sử dụng các loại thảo dược hoặc mùi vị giúp cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn, như mùi sả, kẹo gừng, trà gừng hoặc bổ sung các loại vitamin, khoáng chất và uống đủ nước. Ngoài ra, việc duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tránh căng thẳng, lo lắng và không phải vướng bận công việc sẽ giúp làm giảm cảm giác khó chịu của ốm nghén. Các liệu pháp vật lý bên ngoài như châm cứu, bấm huyệt, thôi miên, xoa bóp và thư giãn cơ thể cũng đã được chứng minh có hiệu quả trong việc giảm triệu chứng ốm nghén khi mang thai.
Tóm lại, ốm nghén là một hiện tượng phổ biến ở phụ nữ mang thai, thường xảy ra trong ba tháng đầu tiên với đỉnh điểm là vào tuần thứ chín. Đây cũng là thời điểm mà thai nhi rất nhạy cảm và dễ gặp nguy cơ sảy thai. Để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé, việc đi khám thai định kỳ, đặc biệt là khi triệu chứng ốm nghén trở nên nặng hơn, là rất quan trọng để bác sĩ có thể can thiệp kịp thời.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp thắc mắc mẹ bầu thường nghén nặng nhất vào tuần thứ mấy? Khi nào ốm nghén kết thúc? Từ đó giúp các bà mẹ có cách "đối phó" tốt nhất để vượt qua những tháng ngày "khó khăn, vất vả" một cách dễ dàng nhất để chào đón đứa con mới chào đời.
Xem thêm:
Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy
Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.