Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nghiên cứu tế bào gốc và gel tái tạo đĩa đệm cột sống

Ngày 14/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hiện nay trên thế giới, các công nghệ mới để điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống vẫn đang được các chuyên gia nỗ lực nghiên cứu mỗi ngày. Một trong những phương pháp hứa hẹn mang lại hiệu quả trong việc điều trị thoát vị đĩa đệm đó là liệu pháp tế bào gốc và hydrogel.

Khi mắc phải thoát vị đĩa đệm, triệu chứng điển hình nhất đó là đau kèm theo cảm giác tê từ mông xuống cẳng chân, ngoài ra còn có thể gặp phải yếu chân, làm giảm chất lượng sinh hoạt và làm việc hàng ngày. Các liệu pháp sinh học tái tạo đang được nghiên cứu nhằm cải thiện, hồi phục sức khỏe cho người bệnh thoát vị đĩa đệm.

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng như thế nào?

Thoát vị đĩa đệm là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng đĩa đệm bị trượt, lệch,... khiến cho phần nhân nhầy bên trong đĩa đệm bị lệch ra khỏi vị trí bình thường, ảnh hưởng đến các dây thần kinh và tủy sống ở khu vực đó, gây tê bì, đau nhức. Thoát vị đĩa đệm có liên quan đến một hoặc nhiều đĩa đệm ở giữa các đốt sống trên cột sống, hai dạng phổ biến nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Thoát vị đĩa đệm có thể là kết quả của chấn thương từ lao động, tai nạn giao thông, chấn thương thể thao,... hoặc cũng có thể là do đĩa đệm bị thoái hóa. Tùy thuộc vào vị trí bị thoát vị mà người bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau như bỏng rát, đau nhức, mất cảm giác, tê, yếu cơ,... ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt và vận động thường ngày của người bệnh, thậm chí có thể mất khả năng di chuyển và tàn phế. Trên thực tế, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là phổ biến nhất, do đó biểu hiện thường gặp nhất là đau lan tỏa từ thắt lưng xuống chân. Một số trường hợp không xuất hiện triệu chứng, khiến cho việc phát hiện và điều trị thoát vị đĩa đệm trở nên khó khăn hơn.

Nghiên cứu tế bào gốc và gel tái tạo đĩa đệm cột sống 1
Biểu hiện thường gặp nhất là đau lan tỏa từ thắt lưng xuống chân

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm có thể kể đến như di truyền, hút thuốc lá, bệnh béo phì gây ra áp lực với các đĩa đệm ở lưng dưới, nghề nghiệp yêu cầu phải mang vác nặng hoặc tư thế cúi gập, vặn người sang một bên nhiều.

Một số phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm hiện nay

Giống như các loại bệnh lý khác, thoát trị đĩa đệm cần được chẩn đoán và điều trị sớm để có thể kiểm soát bệnh hiệu quả và phòng tránh các biến chứng nguy hiểm. Tùy theo tình trạng sức khỏe thực tế, mức độ ảnh hưởng của thoát vị đĩa đệm mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp. 

Điều trị không dùng thuốc

Dưới đây là một số cách điều trị thoát vị đĩa đệm không dùng thuốc được sử dụng phổ biến hiện nay:

  • Nghỉ ngơi: Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm thường được bác sĩ khuyến nghị nghỉ ngơi khoảng 1 - 2 ngày để các tổn thương, sưng tấy có thời gian lành lại. Trong thời gian này, cần tránh tập thể dục, vận động mạnh, khiêng vác vật nặng hoặc thực hiện các động tác cần phải cúi, gập người. Tuy nhiên, bạn không nên nghỉ quá lâu để tránh bị co cứng cơ và khớp.
  • Massage: Đây là phương pháp hiệu quả để giảm đau, tăng cường lưu thông máu hiệu quả. Trước khi lựa chọn massage, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để chọn kiểu massage phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.
  • Vật lý trị liệu: Tập vật lý trị liệu là phương pháp phổ biến và hiệu quả để cải thiện các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm. Việc thực hiện vật lý trị liệu cần được giám sát và hướng dẫn bởi các kỹ thuật viên có chuyên môn. Các bài tập có thể là kéo căng để giữ cho cơ thể linh hoạt, các bài tập thể dục nhịp điệu giúp giảm đau, tăng sản xuất endorphin.
  • Chườm nóng hoặc lạnh: Các triệu chứng đau có thể được giảm đáng kể khi áp dụng chườm nóng hoặc chườm lạnh. Nguyên tắc chung đó là trong 24 giờ đầu tiên sau chấn thương sẽ chườm lạnh, sau đó chườm nóng hoặc lạnh tùy theo nhu cầu của người bệnh. Trong một số trường hợp có thể luân phiên sử dụng cả hai.
  • Liệu pháp xung điện: Các xung điện có thể làm cho các cơ co lại. Lặp đi lặp lại phương pháp này giúp giảm đau, cải thiện sức khỏe cơ bắp, cải thiện tuần hoàn máu,...
  • Phương pháp Chiropractic: Là phương pháp bác sĩ sẽ sử dụng chính hai tay hoặc dụng cụ, máy móc để nắn chỉnh xương, khớp bị lệch trở về đúng vị trí của nó. Phương pháp Chiropractic có thể làm giảm cơn đau ở vùng lưng dưới hiệu quả. Tuy nhiên, với thoát vị đĩa đệm cột sống cổ cần phải thật thận trọng để đề phòng nguy cơ đột quỵ.
Nghiên cứu tế bào gốc và gel tái tạo đĩa đệm cột sống 2
Tập vật lý trị liệu là phương pháp phổ biến và hiệu quả để cải thiện các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm

Điều trị nội khoa

Ngoài những phương pháp điều trị không dùng thuốc, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng một số loại thuốc để giúp giảm đau hiệu quả hơn, khiến cho người bạn cảm thấy dễ chịu hơn trong sinh hoạt thường ngày:

  • Thuốc giảm đau không kê đơn: Bác sĩ có thể tư vấn cho bạn dùng một số loại thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen, Ibuprofen hoặc Naproxen sodium nếu cơn đau của bạn ở mức nhẹ đến trung bình. Ngoài ra, những bệnh nhân bị co thắt cơ có thể được chỉ định dùng thuốc giãn cơ (tuy nhiên, nhóm thuốc này có thể gây tác dụng phụ không mong muốn như choáng váng, mệt mỏi, buồn ngủ,...). Thuốc giảm đau Opioid sẽ được bác sĩ cân nhắc chỉ định nếu các loại thuốc trên không hiệu quả trong việc làm giảm cơn đau. Tuy nhiên, Opioid có thể gây buồn nôn, buồn ngủ, lú lẫn, táo bón,...
  • Tiêm thuốc Steroid: Trong trường hợp các phương pháp nghỉ ngơi, vật lý trị liệu, thuốc giảm đau dạng uống không đạt được hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân tiêm màng ngoài cứng (tiêm thuốc Steroid ở khu vực xung quanh dây thần kinh cột sống), vị trí thích hợp cho việc tiêm thuốc sẽ được xác định thông qua hình ảnh CT hoặc X-quang. Steroid giúp giảm sưng, đau hiệu quả và thường áp dụng cho bệnh nhân từ trung bình đến nặng. 
Nghiên cứu tế bào gốc và gel tái tạo đĩa đệm cột sống 3
Bác sĩ có thể tư vấn cho bạn dùng một số loại thuốc giảm đau không kê đơn

Điều trị ngoại khoa

Nếu các biện pháp nêu trên không cải thiện được triệu chứng trong khoảng từ 4 đến 6 tuần, phương pháp phẫu thuật có thể được lựa chọn. Hiện nay có một số phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm như sau:

  • Mổ hở: Mổ hở được gọi là giải nén cột sống sau hoặc mở ống sống (laminectomy). Phương pháp này sẽ cắt bỏ một phần vòng khung xương bao phủ tủy sống (gọi là Lamina) để mở rộng ống sống, giải phóng các áp lực ở tủy sống và cắt bỏ gai xương gây chèn ép lên các rễ thần kinh. Tuy nhiên, phương pháp laminectomy có thể làm tổn thương dây thần kinh cột sống, rò rỉ dịch não tủy, đau lưng dai dẳng,...
  • Vi phẫu: Đây là một thủ thuật ít xâm lấn hơn so với mổ hở. Các bác sĩ sẽ tạo một vết rạch nhỏ để loại bỏ phần đĩa đệm bị lệch gây áp lực lên các rễ thần kinh, thậm chí là có thể cắt bỏ cả phần đĩa đệm đã bị hỏng ra ngoài. 
  • Nội soi: Phẫu thuật nội soi là dành cho những bệnh nhân điều trị nội khoa không hiệu quả, thoát vị di trú, thoát vị đĩa đệm gây chèn ép thần kinh cấp tính,... Phương pháp này có thể giải phóng áp lực cho tủy sống và các dây thần kinh với vết mổ chỉ khoảng 2,5 cm trên da. 
  • Hợp nhất cột sống: Sau khi đĩa đệm hoặc đốt sống đã được cắt bỏ, bác sĩ có thể kết hợp thủ thuật hợp nhất hai bên đĩa đệm để cố định cột sống của bệnh nhân vĩnh viễn, ngăn chặn xương di chuyển.
  • Thay đĩa đệm nhân tạo: Phương pháp này được chỉ định để điều trị cho trường hợp thoát vị một đĩa đệm cột sống ở lưng dưới, người bệnh đã trải qua 6 tháng điều trị bảo tồn nhưng không đặt được hiệu quả. Bác sĩ sẽ nới rộng khoảng cách giữa hai đốt sống, thay đĩa đệm bị hỏng bằng đĩa đệm nhân tạo đã được lựa chọn trước đó (có thể bằng nhựa hoặc kim loại).
Nghiên cứu tế bào gốc và gel tái tạo đĩa đệm cột sống 4
Phẫu thuật nội soi có thể giải phóng áp lực cho tủy sống và các dây thần kinh với vết mổ chỉ khoảng 2,5 cm trên da

Nghiên cứu điều trị thoát vị đĩa đệm bằng liệu pháp sinh học

Hiện nay, đã có nhiều nghiên cứu về các liệu pháp sinh học như sử dụng tế bào gốc hoặc gel để tái tạo đĩa đệm cột sống. Tiến sĩ Lichun Lu - giám đốc Phòng thí nghiệm Y học tái tạo và Vật liệu sinh học Mayo Clinic, đang hướng dẫn nghiên cứu của Astudillo Potes về các liệu pháp tái tạo cho đĩa đệm cột sống. Nhóm của Lichun Lu đang nghiên cứu cách các phân tử lớn liên kết với nhau để giúp xương và mô liên kết, chẳng hạn như đĩa đệm cột sống.

Nghiên cứu tiền lâm sàng của họ đang thăm dò xem liệu tế bào gốc trung mô được bọc trong hydrogel trị liệu sinh học có thể chữa lành cho các đĩa đệm cột sống bị rách hoặc vỡ hay không. Tế bào gốc trung mô là tế bào gốc trưởng thành với các yếu tố tăng trưởng cho thấy tiềm năng sửa chữa các mô bị tổn thương. Hydrogel tương tự như mô sống tự nhiên và có thể được sử dụng để vận chuyển thuốc.

Astudillo Potes cho biết: “Trong nghiên cứu tiền lâm sàng, chúng tôi đang nghiên cứu các tế bào được bọc trong vật liệu sinh học dựa trên gelatin được đưa đến các đĩa đệm cột sống bị tổn thương và sau đó ghi lại kết quả”.

Nhóm của Tiến sĩ Lu hiện đang áp dụng nghiên cứu này trên mô hình động vật. Họ hy vọng sẽ trả lời được câu hỏi khoa học về việc liệu việc sử dụng các tế bào trong hydrogel có thể chữa lành cho các mô bị hỏng hay không.

Tiến sĩ Lu cho biết: “Hiểu rõ hơn về tế bào gốc và hydrogel là điều quan trọng để tìm ra liệu pháp sinh học mới nhằm giải quyết nguyên nhân cơ bản của thoái hóa đĩa đệm”. "Nghiên cứu cơ bản này có thể giúp nhóm của chúng tôi tổng hợp dữ liệu về việc liệu tế bào gốc, cùng với các phân tử hoạt tính sinh học, được truyền qua hydrogel có mang lại sự cải thiện lâu dài so với phẫu thuật hay không."

Nghiên cứu tế bào gốc và gel tái tạo đĩa đệm cột sống 5
Nghiên cứu điều trị thoát vị đĩa đệm bằng liệu pháp sinh học

Ngoài ra, trước đây cũng đã từng có một số nghiên cứu về triển vọng của liệu pháp tiêm hydrogel làm giảm triệu chứng đau lưng do tình trạng đĩa đệm bị tổn thương. Hydrogel có thể được tiêm vào cột sống để lấp đầy các vết rách và vết nứt trong đĩa đệm bị ảnh hưởng, khôi phục một số đệm để giảm đau. Tuy nhiên, một câu hỏi cần vẫn chưa được trả lời đó là hydrogel sẽ tồn tại trong bao lâu trong đĩa đệm đã được sửa chữa. Điều này cần được báo cáo bằng các thử nghiệm lâm sàng đầy đủ và cần được chứng minh trên con người. Theo đó, các thử nghiệm cần cho thấy rằng gel có thể được duy trì trong đĩa đệm, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, không bị mòn hoặc rò rỉ ra ngoài theo thời gian.

Trên đây là những thông tin mà chúng tôi chia sẻ đến bạn về nghiên cứu về sử dụng tế bào gốc và gel tái tạo đĩa đệm cột sống, cũng như về các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm đã có hiện nay. Nếu những nghiên cứu mới này được xác nhận, thì đây có thể là một phương pháp điều trị rất hứa hẹn để làm giảm các cơn đau do thoát vị đĩa đệm gây ra.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm