Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ngộ độc barbiturat và những thông tin quan trọng cần biết

Ngày 28/05/2022
Kích thước chữ

Ngộ độc barbiturat thường xảy ra với người dùng quá liều barbiturat. Vậy nguyên nhân, triệu chứng, hậu quả và cách xử trí khi ngộ độc barbiturat là gì?

Barbiturat là một loại thuốc thường được sử dụng để an thần, điều trị mất ngủ, co giật hay động kinh… Có nhiều người phải dùng thường xuyên vì ký do bệnh lý. Nhưng vì lý do nhầm lẫn hoặc cố ý, đã có nhiều trường hợp ngộ độc barbiturat một cách đáng tiếc do sử dụng quá liều. 

Ngộ độc barbiturat là gì?

Barbiturat nằm trong nhóm thuốc độc bảng B. Với tác dụng ức chế thần kinh trung ương, thuốc được sử dụng để an thần, làm thuốc ngủ, thuốc mê và điều trị chứng động kinh. Barbiturat có 4 nhóm với hiệu quả các động khác nhau gồm:

  • Nhóm tác dụng rất ngắn.
  • Nhóm tác dụng ngắn.
  • Nhóm tác dụng trung bình. 
  • Nhóm tác dụng kéo dài.

Các nhóm barbiturat tác dụng ngắn thường được dùng trong gây mê. Các nhóm barbiturat tác dụng kéo dài thường được dùng trong điều trị bệnh động kinh. Ngộ độc barbiturat là tình trạng cơ thể bị nhiễm độc và tổn thương nghiêm trọng do sử dụng lượng lớn barbiturat trong thời gian ngắn. 

ngộ độc barbiturat 1 Barbiturat cần được sử dụng theo kê toa của bác sĩ

Nguyên nhân ngộ độc barbiturat

Tình trạng ngộ độc thuốc barbiturat có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như: 

  • Bệnh nhân lạm dụng barbiturat, dùng liều quá cao hoặc sử dụng tùy tiện không tham khảo ý kiến của bác sĩ. Thuốc có thể gây ngộ độc khi bệnh nhân dùng vượt quá 5 – 10 lần liều dùng cho phép. Với những người đã từng dùng thuốc trong thời gian dài trước đó, liều gây ngộ độc có thể cao hơn. 
  • Trẻ em vô tình uống phải thuốc do tò mò và người lớn để thuốc gần tầm tay trẻ em.
  • Uống nhầm barbiturat do lọ thuốc không được dán nhãn cẩn thận. 
  • Nạn nhân tâm lý không ổn định, đang gặp stress hoặc khủng hoảng trong cuộc sống cố tình dùng barbiturat quá liều để tự tử.
  • Nạn nhân bị đầu độc một cách cố ý. 

Barbiturat gây độc theo cơ chế:

  • Barbiturat gây tăng GABA (một acid amin tự nhiên có khả năng ức chế dẫn truyền thần kinh), làm ức chế hệ thần kinh trung ương. 
  • Barbiturat liều cao cơ thể ức chế hoạt động co bóp ở tim, làm tụt huyết áp nhanh chóng. 
  • Thuốc cũng tác động lên trung tâm hô hấp, làm giảm thông khí phế nang và dẫn đến tình trạng suy hô hấp.
  • Barbiturat có thể ức chế thần kinh thực vật, làm huyết áp giảm và là nguyên nhân dẫn đến trụy mạch. 
ngộ độc barbiturat 2 Ngộ độc barbiturat có thể xảy ra do sự vô ý hoặc cố tình sử dụng thuốc quá liều

Biểu hiện ngộ độc barbiturat

Nạn nhân ngộ độc khi dùng quá liều barbiturat sẽ có các biểu hiện lâm sàng như:

  • Các triệu chứng xuất hiện sớm nhất có thể là nói lắp, nói nhịu, ý thức lẫn lộn, gọi hỏi đáp ứng chậm hoặc không đáp ứng.  
  • Sau đó, tình trạng này sẽ dần trở nên nghiêm trọng hơn như: thở chậm; có thể xuất hiện cơn ngừng thở, hôn mê…
  • Một số dòng thuốc barbiturat có tác dụng chậm, nạn nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng nặng dần như: Phản xạ gân xương của nạn nhân bị giảm đáng kể, đồng tử ban đầu co nhỏ rồi sau đó giãn ra. Sau đó bệnh nhân có thể bị rơi vào trạng thái hôn mê sâu. 
  • Ngoài ra, nạn nhân ngộ độc barbiturat có thế bị rối loạn thân nhiệt, huyết áp hạ đột ngột, suy hô hấp.
  • Ở một số nạn nhân còn xuất hiện bọng nước trên da. 
  • Với các bệnh nhân lạm dụng thuốc barbiturat dài ngày có thể xuất hiện triệu chứng tinh thần hoảng loạn, mê sảng, toàn thân co giật…

Ngoài các triệu chứng trên, ngộ độc thuốc barbiturat còn đi kèm các biến chứng nguy hiểm như: Viêm phổi, xẹp phổi, lòng mạch có huyết khối, suy đa tạng và có thể dẫn đến tử vong.

Sơ cứu và điều trị nạn nhân ngộ độc barbiturat

Việc điều trị nạn nhân bị ngộ độc thuốc barbiturat cần tuân thủ đúng nguyên tắc: Ổn định các chức năng sống - loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể - phòng ngừa bội nhiễm - đảm bảo dinh dưỡng.

Hiện chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho nhóm thuốc barbiturat. Khi phát hiện người bị ngộ độc, người nhà có thể thực hiện các biện pháp sơ cứu như sau:

  • Đảm bảo chức năng hô hấp bằng cách lấy hết thuốc còn mắc lại trong đường thở, hút hết đờm dãi trong miệng và họng để nạn nhân thở dễ dàng hơn.
  • Gọi ngay cấp cứu hoặc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. 
  • Khi xe cấp cứu chưa đến kịp hoặc chưa kịp đưa đến cơ sở y tế, nạn nhân có dấu hiệu ngưng thở cần được hô hấp nhân tạo. 
ngộ độc barbiturat 3 Ngộ độc barbiturat cần được cấp cứu và điều trị kịp thời

Khi được đưa đến các cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ tiến hành hồi sức cấp cứu chuyên sâu và điều trị bằng các loại thuốc giải độc phù hợp: 

  • Đặt nội khí quản, mở khí quản hoặc thông khí nhân tạo, soi hút phế quản…
  • Hầu hết nạn nhân ngộ độc barbiturat đều có dấu hiệu tụt huyết áp. Các bác sĩ sẽ đảm bảo tuần hoàn bằng cách đặt catheter tĩnh mạch; bù dịch đẳng trương.
  • Theo dõi các chỉ số xét nghiệm và bù điện giải, bù dịch tùy trường hợp. 
  • Nếu bệnh nhân còn tỉnh, các bác sĩ sẽ tiến hành rửa dạ dày và lấy dịch rửa đầu tiên để xét nghiệm độc tố. 
  • Nếu các chức năng sống của bệnh nhân còn ổn định, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng than hoạt tính để giải độc. 
  • Tăng cường truyền dịch để bù nước, bù điện giải.
  • Với các bệnh nhân có bệnh nền suy gan, suy thận, suy tim cần được theo dõi để tránh tình trạng phù phổi cấp. 
  • Trường hợp bị ngộ độc nặng, nạn nhân có bệnh nền suy gan, suy thận cần được lọc máu để loại trừ chất độc. 
  • Ngoài ra, các bác sĩ sẽ cho nạn nhân điều trị kháng sinh để tránh bội nhiễm, chống tắc mạch… và điều trị các tổn thương khác nếu có.
  • Sau khi bệnh nhân được điều trị ổn định cần được khám chuyên sâu tâm thần. 

Cách phòng ngừa ngộ độc barbiturat

Ngộ độc thuốc barbiturat ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe nạn nhân, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc, mỗi gia đình cần áp dụng các biện pháp phòng tránh như:

  • Gia đình có bệnh nhân cần dùng thuốc barbiturat tốt nhất nên để người thân quản lý và cho bệnh nhân uống khi cần thiết. Không nên để bệnh nhân tự ý sử dụng. Ngoài ra, cũng không nên tích trữ thuốc, để nơi dễ tiếp cận, tránh việc bệnh nhân lén lấy thuốc sử dụng sai mục đích. 
  • Nên dán nhãn tên thuốc để tránh nhầm lẫn đáng tiếc. 
  • Lọ thuốc barbiturat cần được để xa tầm tay trẻ em, người cao tuổi.

Là một loại thuốc thuộc nhóm thuốc độc, barbiturat cần được sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ. Bất cứ hành động tùy ý sử dụng hay lạm dụng thuốc đều dẫn đến hậu quả sức khỏe không mong muốn. Mong rằng với những thông tin trên, các gia đình sẽ biết cách sử dụng thuốc khoa học để tránh trường hợp ngộ độc barbiturat đáng tiếc xảy ra. 

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin