Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ngộ độc gừng – bạn đã biết chưa?

Ngày 26/07/2022
Kích thước chữ

Gừng vừa là một loại gia vị, vừa là vị thuốc rất quý bởi tính chống viêm tự nhiên. Củ gừng có khả năng hỗ trợ điều trị các bệnh thông thường như: Cảm lạnh, đau lưng, đau bụng, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa… Tuy nhiên, không phải lúc nào việc sử dụng củ gừng tươi cũng tốt cho sức khỏe. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về chủ đề “Ngộ độc gừng” qua bài viết dưới đây nhé!

Ngộ độc là tình trạng cơ thể hấp thu quá mức một loại chất nào đó gây nguy hiểm nặng nề cho cơ thể hoặc thậm chí có nguy cơ tử vong. Và ngộ độc gừng là vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm và tìm hiểu. Gừng với rất nhiều tác dụng và được cho là có công dụng chống viêm tương tự như thuốc Aspirin. Nếu sử dụng với liều lượng nhỏ, vừa phải, gừng sẽ giúp xoa dịu tình trạng khó chịu ở dạ dày.

Tuy nhiên, khi lạm dụng gừng có thể gây ra rất nguy hiểm cho sức khỏe điển hình là làm chậm quá trình đông máu đáng kể và thậm chí có thể gây loãng máu. Điều này được xem là một trong những mối đe dọa rất nghiêm trọng đối với những bệnh nhân đang phải sử dụng các loại thuốc chống đông máu.

Ngộ độc gừng là gì - bạn đã biết chưa?

Đã từ rất lâu, gừng được xem là loại củ đem lại rất nhiều công dụng cho sức khỏe. Đối với Đông y, gừng có vị cay, tính ấm vào ba kinh: Phế, tỳ và vị. Có tác dụng tán hàn ôn trung, tiêu đàm và giải độc. Không những thế, củ gừng còn là một phương thuốc rất hữu hiệu có tác dụng chống lại virus cảm cúm và chống oxy hóa. Đối với Y học hiện đại, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong củ gừng có chứa cineol với tác dụng kích thích tại chỗ và diệt khuẩn.

Tuy nhiên, bất kỳ những gì chúng ta tiêu thụ vào cơ thể cũng cần một lượng vừa đủ nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất, và củ gừng cũng vậy. Khi quá lạm dụng loại củ này, người bệnh có thể dẫn tới các triệu chứng ngộ độc gừng gây ra những ảnh hưởng có liên quan mật thiết đến hệ thống tiêu hóa như: Ợ nóng, ợ hơi, tiêu chảy, gặp các rắc rối ở dạ dày và thậm chí là tình trạng kích ứng ở miệng.

Ngộ độc gừng – bạn đã biết chưa?1 Ngộ độc gừng gây ra những ảnh hưởng có liên quan mật thiết đến hệ thống tiêu hóa

Gừng ảnh hưởng đến phụ nữ đang mang thai và đang cho con bú

Theo cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo rằng, phụ nữ mang thai không nên sử dụng gừng và những những sản phẩm chiết xuất từ củ gừng mà chưa tham vấn ý kiến của bác sĩ phụ sản, bởi gừng có thể gây ra các cơn co thắt tử cung, dẫn đến tình trạng không mong muốn là sẩy thai hoặc sinh non. Không những thế, đối với các mẹ bỉm thời kỳ cho con bú cũng không nên tiêu thụ quá nhiều gừng vì có thể gây ra chứng mất ngủ ở trẻ.

Gừng ảnh hưởng đến cơ quan tim

Việc sử dụng gừng ở liều lượng cao có thể gây ra tình trạng tim đập nhanh. Nhiều kết quả nghiên cứu khác còn cho thấy việc tiêu thụ gừng dưới dạng thức uống có gas như bia gừng, rượu gừng… có thể gây ra ngộ độc gừng gây ra chứng rối loạn nhịp tim khi tiêu thụ quá nhiều.

Ngộ độc thuốc trừ sâu hoặc những kim loại nặng từ củ gừng

Đối với củ gừng, khi sử dụng, gừng nên được rửa sạch và ngâm với nước muối khoảng 30 phút sau đó hãy sử dụng nhằm hạn chế lượng thuốc trừ sâu bọ khi canh tác nhằm bảo vệ củ gừng hoặc những kim loại nặng trong đất, giúp hạn chế nguy cơ ngộ độc thuốc trừ sâu không mong muốn.

Sử dụng quá nhiều gừng có nguy cơ gây dị ứng

Theo nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, gừng có khả năng gây ra một số phản ứng dị ứng dẫn đến ngộ độc như: Tắc nghẽn đường thở, khó thở, sưng phồng xảy ra ở các bộ phận như môi, lưỡi, phát ban và nổi mề đay. Nếu rơi vào những hợp này, bệnh nhân cần ngưng sử dụng gừng và đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được kiểm tra kỹ hơn.

Ngộ độc gừng – bạn đã biết chưa?2 Sử dụng quá nhiều gừng có nguy cơ gây dị ứng nổi mề đay

Những cảnh báo khi sử dụng gừng nhằm tránh ngộ độc

  • Trà gừng là một thức uống thơm ngon được rất nhiều người yêu thích. Chúng có tác dụng giúp làm dịu bao tử nên có tác dụng hỗ trợ việc điều trị chứng buồn nôn hiệu quả. Tuy nhiên, nếu uống quá năm ly trà gừng mỗi ngày có thể gây ra ngộ độc như: Đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy, ợ nóng, tim đập nhanh và thậm chí mất ngủ.
  • Không những thế, gừng có khả năng kích thích cơ thể tiết ra rất nhiều mật. Do đó, những người mắc bệnh có liên quan đến túi mật thường được bác sĩ điều trị khuyến cáo không nên sử dụng gừng dưới mọi hình thức nhằm hạn chế gia tăng cơn đau túi mật.
  • Đối với bệnh nhân viêm gan cấp và mãn tính, bệnh nhân xơ gan không nên ăn gừng vì gừng sẽ kích thích sự bài tiết của các tế bào gan.
  • Đối với những người có dấu hiệu sốt cao, người có nguy cơ tổn thương mạch máu, xuất huyết… tuyệt đối không được dùng gừng vì chúng sẽ góp phần đẩy thân nhiệt tăng cao hơn bạn nghĩ.
  • Đối với những người có tạng nóng, hay bị nhiệt miệng và táo bón, người bị đau dạ dày cũng không nên tiêu thụ gừng vì có thể gây kích thích niêm mạc dạ dày, lâu dần có thể bào mòn niêm mạc dạ dày thậm chí gây loét dạ dày.
Ngộ độc gừng – bạn đã biết chưa?3 Bạn có thể uống trà gừng nhưng đừng quá lạm dụng nhằm hạn chế nguy cơ ngộ độc gừng

Sử dụng gừng sao cho hiệu quả?

Theo nhiều chuyên gia cho rằng, củ gừng nên sử dụng vào ban ngày, tốt nhất là vào buổi sáng. Lúc này, khí trong dạ dày nhiều, khi sử dụng một chút gừng sẽ kiện tì ôn vị, khích lệ cho dương khí bốc lên, có tác dụng tăng cường và thúc đẩy sự tuần hoàn máu, rất tốt cho tiêu hóa mà không lo ngộ độc. Cụ thể như sau:

  • Hạn chế sử dụng nhiều gừng buổi tối vì sẽ gây ra nóng trong và mất ngủ đặc biệt là ở người cao tuổi.
  • Đối với thời điểm mùa đông lạnh, có thể sử dụng 4 đến 20g gừng khô hãm làm trà để uống nhằm hạn chế lạnh bụng, ho và nhiều đờm.
  • Để chữa ho, dùng gừng sống rửa sạch sau đó giã lấy khoảng một thìa nước cốt trộn với mật ong tỉ lệ 1:1 rồi đun nóng, chia ra uống dần.
  • Người bị đau lưng, đau vai gáy do lạnh, dùng rượu gừng làm thuốc xoa bóp, mát - xa cơ để cơ bắp thả lỏng, thư giãn hoặc chườm nóng vai gáy với gừng rang muối hột.
  • Đối với trường hợp đau xương khớp mùa lạnh, việc ngâm chân, tay hoặc tắm với thảo dược có thành phần gừng hoặc sử dụng gừng rang với muối hột, dùng chườm lên vùng đau có tác dụng giảm đau nhức hiệu quả.
  • Có thể sử dụng gừng làm gia vị trong những món ăn nhằm giúp kích thích tiêu hóa.
  • Không ăn gừng khi đã có dấu hiệu hư hỏng, dập thối vì có thể tạo thành độc tố gây hại cho sức khoẻ.

Ngộ độc gừng nghe có vẻ khá xa lạ tuy nhiên cũng không ít trường hợp ngộ độc do gừng đã từng xảy ra. Khi lựa chọn gừng sử dụng cho gia đình, hãy lựa những củ gừng ta, có hình dáng nhỏ, thường có hình dáng không đẹp và không bắt mắt so với những loại gừng không rõ nguồn gốc. Khi sử dụng gừng, nên cân nhắc tiêu thụ đủ liều lượng và không nên quá lạm dụng gừng nhé!

Hoàng Yến

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Chủ đề:Ngộ độcGừng