Long Châu

Ngộ độc rượu gừng xảy ra khi nào? Dùng rượu gừng thế nào cho đúng?

Ngày 10/06/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rượu gừng thường được các chị em phụ nữ sau sinh sử dụng thoa ngoài để giữ ấm. Nhưng một số trường hợp sử dụng sai cách dễ dẫn đến ngộ độc rượu gừng. Hãy cùng tìm hiểu để dùng rượu gừng đúng cách ngay sau đây nhé!

Rượu gừng được xem là một bài thuốc giải cảm và giữ ấm hiệu quả cho phụ nữ sau sinh. Tuy nhiên, nhiều chị em phụ nữ uống rượu gừng liên tục dẫn đến ngộ độc rượu gừng. Trước khi sử dụng rượu gừng hạ thổ sau sinh, các mẹ bỉm hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về lợi ích và cách sử dụng rượu gừng đúng cách để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong bài viết sau đây nhé! 

Ngộ độc rượu gừng xảy ra khi nào?

Hàng năm có đến hàng trăm ca ngộ độc rượu được báo cáo. Nếu nhẹ thì say và nôn mửa và có dấu hiệu rối loạn hành vi, một số trường hợp nặng hơn thì hôn mê, trụy tim mạch. Dù có được cấp cứu kịp thời thì hệ quả của ngộ độc rượu vẫn rất nặng nề. 

Khi uống quá nhiều rượu gừng, không chỉ dễ bị ngộ độc do rượu mà rượu khi kết hợp với gừng sẽ tăng tính nóng, khi uống lâu dài dễ gây ảnh hưởng đến gan và ruột. 

Mặt khác, nếu ngâm rượu gừng sai cách hoặc mua phải loại rượu gừng hạ thổ giả mạo kém chất lượng, ký sinh trùng dễ xâm nhập vào cơ thể và gây độc. Có thể nói, ngộ độc rượu gừng còn nguy hiểm gấp đôi với ngộ độc rượu trắng thông thường.  

ngộ độc rượu gừng 1

Khi dùng quá liều lượng, ngộ độc rượu gừng sẽ nặng nề hơn cả ngộ độc rượu thông thường

Rượu gừng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khi dùng đúng cách

Không kể đến việc ngộ độc rượu gừng do dùng sai cách thì nếu rượu gừng được dùng đúng cách sẽ là một phương thuốc chữa trị bệnh hiệu quả theo y học cổ truyền. Dưới đây là một số công dụng của rượu ngâm gừng đối với sức khỏe: 

Rượu gừng giải cảm, trị cúm, sốt và mệt mỏi 

Gừng có tính ấm khi ngâm rượu giúp loại bỏ hàn khí xâm nhập vào thân thể đồng thời tăng cường lưu thông khí huyết. Từ đó, rượu gừng được dùng để giảm sốt và mệt mỏi. 

Cách sử dụng: Xoa bóp trực tiếp một lượng vừa đủ rượu gừng lên vùng quanh thái dương, cổ, lưng và lòng bàn tay để làm ấm cơ thể, giải cảm.  

Ngoài dùng rượu gừng ngâm sẵn, bạn cũng có thể chọn gừng củ già giã nhuyễn và vắt lấy nước cốt thoa lên các vùng cơ thể như trên để giảm sốt và cảm. 

Rượu gừng tốt cho phụ nữ sau sinh 

Rượu gừng hạ thổ được dân gian tin dùng từ xưa đến nay cho các mẹ bỉm sau sinh, giúp các chị em cải thiện vóc dáng và giảm cân, giúp hầu hết các nhóm cơ trên cơ thể nhanh chóng lấy lại độ săn chắc trở lại sau sinh con. 

Ngoài ra, sau sinh các lỗ chân lông trên cơ thể người phụ nữ thường giãn nở rộng nên khi dùng rượu gừng thoa ngoài còn giúp giữ ấm cho cơ thể, chống lạnh tay chân và phòng các bệnh hậu sản. Đồng thời, ngăn ngừa các chứng đau nhức xương khớp sau này.  

Cách sử dụng: Lấy rượu gừng hạ thổ để massage lên da hoặc pha vào nước để phụ nữ sau sinh lau người. Thông thường nên dùng rượu gừng nghệ kết hợp với nhau để thoa cho phụ nữ sau sinh trong 1 - 2 tuần đầu sau sinh và 1 - 2 lần/ngày. 

Giảm mỡ bụng với rượu gừng 

Gừng có tính nóng nên khi tiếp xúc với da sẽ sinh nhiệt từ đó thúc đẩy quá trình phân hủy mỡ nhanh chóng. Tác dụng này của gừng sẽ được phát huy tốt hơn nhờ vào chất dẫn là rượu. 

Khi dùng, lấy một lượng rượu gừng vừa phải thoa đều lên bụng và kết hợp với massage trong vòng 15 phút để đánh tan mỡ bụng một cách tốt nhất.

ngộ độc rượu gừng 3

Rượu gừng thoa ngoài giúp giảm mỡ bụng rất tốt

Rượu gừng chữa trị một số bệnh khác 

Rượu gừng cũng thường được dùng để ngâm chân giúp lưu thông khí huyết, giảm căng thẳng và đau đầu. Đồng thời, cũng rất tốt cho sức khỏe của tim mạch vì cải thiện lưu thông máu đến các cơ quan. 

Rượu gừng thường được dùng để cải thiện các vấn đề về tiêu hóa như: 

  • Chữa buồn nôn: Ngậm một vài ngụm rượu gừng rồi nuốt. Lặp lại một vài lần cho đến khi hết nôn. 
  • Giảm đầy bụng, ợ hơi bằng cách uống 10ml rượu gừng mỗi 2 - 3 lần/ngày. 

Cách ngâm rượu gừng

Để đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa nguy cơ ngộ độc do rượu gừng, bạn cần biết cách ngâm rượu gừng sao cho đúng. Dưới đây là nguyên liệu cần chuẩn bị và các bước để ngâm rượu gừng chuẩn nhất.  

Chuẩn bị các nguyên liệu

  • Gừng củ nhỏ, vỏ mỏng và nên chọn loại có màu vàng tươi, củ bị xước nhẹ và bên ngoài có màu hơi nâu, vỏ khô lại. 
  • Bình thủy tinh hoặc bình sứ có dung tích phù hợp với lượng nguyên liệu đã chuẩn bị. 
  • Rượu để ngâm nên chọn rượu nếp trắng với nồng độ khoảng 35 độ. 

ngộ độc rượu gừng 4

Ngâm rượu gừng đúng cách giúp hạn chế nguy cơ gây ngộ độc

Cách ngâm

  • Rửa sạch gừng. Dùng bàn chải chà sạch lớp đất và bụi bẩn còn bám trên rễ. 
  • Ngâm gừng đã làm sạch bằng nước muối loãng để đảm bảo loại bỏ được vi khuẩn và các vi sinh vật còn trú ngụ trong củ gừng. 
  • Sau khi ngâm gừng trong nước muối và cạo sạch vỏ, bạn có thể giã nát củ gừng hoặc thái thành từng thát mỏng hay để nguyên củ để ngâm vào rượu đều cho tác dụng như nhau. Tuy nhiên,  giã nát củ gừng được cho là giúp củ gừng tiết ra nhiều tinh dầu hơn. 
  • Khi ngâm rượu gừng lưu ý tỷ lệ phù hợp là 2kg gừng tương ứng với 1 lít rượu trắng.

Trên đây là toàn bộ thông tin về cách sử dụng rượu gừng. Hy vọng chúng sẽ giúp ích cho bạn để sử dụng rượu gừng trong chữa bệnh và tăng cường sức khỏe. Đồng thời có tinh thần cảnh giác hạn chế ngộ độc rượu gừng xảy ra nhé! 

Vi Quỳnh 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm