Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ngón tay bị co quắp: Nguyên nhân, điều trị và phương pháp phòng ngừa

Ngày 29/10/2023
Kích thước chữ

Ngón tay bị co quắp có thể do thiếu chất, nhiễm lạnh hoặc do co rút Dupuytren. Bài viết này Nhà thuốc Long Châu sẽ giải đáp các nguyên nhân cũng như cách điều trị tình trạng co rút ngón tay, mời bạn đọc cùng tham khảo nội dung sau đây nhé!

Dấu hiệu co rút các cơ vùng cổ tay và bàn tay có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những nguyên nhân có thể gây ra dấu hiệu ngón tay bị co quắp và cách bạn có thể phòng ngừa chúng nhé! 

Nguyên nhân khiến ngón tay bị co quắp

Ngón tay bị co quắp hay co rút có thể do nhiều nguyên nhân, có thể gặp phải ở bất kì ai nhưng phổ biến hơn ở người lớn tuổi và những người thường xuyên sử dụng cơ cổ tay hoặc cơ tay cho các công việc lặp đi lặp lại.

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng co rút cơ ngón tay, bao gồm:

Giảm lượng máu cung cấp

Một trong những nguyên nhân phổ biến gây co rút cơ tay và cổ tay là do sự giảm cung cấp máu đến khu vực này. Điều này có thể xảy ra do tắc nghẽn mạch máu hoặc vấn đề về tuần hoàn.

Tắc nghẽn mạch máu có thể sinh ra do lượng mỡ trong máu cao tích tụ hoặc do cục máu đông cản trở máu lưu thông đến các chi. Ngoài ra, các vấn đề về rối loạn tuần hoàn bao gồm tăng huyết áp hay tắc nghẽn động mạch cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến việc lưu thông máu.

ngón tay bị co quắp nguyên nhân điều trị và phương pháp phòng ngừa 1
Ngón tay bị co quắp thường là triệu chứng của thiếu máu, máu lưu thông kém

Thiếu nước

Thiếu nước cũng là nguyên nhân dẫn đến co rút ngón tay và cơ bắp. Cơ thể có thể bị mất nước nếu bạn tiểu nhiều, đổ nhiều mồ hôi, nôn, tiêu chảy hoặc không cung cấp đủ nước qua thức ăn và nước uống. Điều quan trọng là cần uống đủ khoảng 8 ly nước tương đương 2 lít nước mỗi ngày.

Các bệnh lý và tình trạng y tế như tiểu đường, bệnh thận và tiêu hóa, các loại thuốc lợi tiểu,... cũng là những nguyên nhân gây ra thiếu nước. Tình trạng này sẽ bao gồm buồn ngủ, khô mắt, mệt mỏi và mệt lả. Những vấn đề y tế này cần được đi khám bác sĩ và điều trị phù hợp.

Lạm dụng cơ bắp

Thường xuyên “bắt ép" cơ bắp làm việc quá mức hoặc kéo dài trong thời gian dài có thể khiến cơ bắp bị co rút. Một số nguyên nhân chính dẫn đến việc cơ bắp làm việc quá sức mà bạn cần lưu ý:

  • Tập luyện các bài tập như nâng tạ nặng ở cường độ cao.
  • Làm việc liên tục mà không nghỉ ngơi hoặc thay đổi tư thế làm việc.
  • Không khởi động giãn cơ trước khi tập luyện.

Nhiễm lạnh

Tiếp xúc với thời tiết lạnh quá mức hay cơ thể nhiễm lạnh cũng có thể gây co rút cơ tay và bàn tay.

Rối loạn điện giải

Những tình trạng rối loạn điện giải trong máu như: Hạ magie, kiềm hoá máu, hạ canxi máu hay hạ kali máu,... Cũng có thể gây ra những dấu hiệu co rút cơ như ngón tay bị co quắp. Ngoài ra, những dạng rối loạn này cũng kéo theo nhiều triệu chứng khác như:

  • Hạ canxi máu: Triệu chứng thắt bụng, rối loạn nhịp tim, co thắt cơ, co giật,...
  • Hạ magie máu: Yếu cơ, run, tăng huyết áp, nhịp tim nhanh,...
  • Hạ kali máu: Bồn nôn, nôn, táo bón,...
ngón tay bị co quắp nguyên nhân điều trị và phương pháp phòng ngừa 2
Hạ canxi máu là một trong các nguyên nhân phổ biến khiến tay, chân co quắp lại

Co rút Dupuytren

Co rút Dupuytren là một tình trạng y tế liên quan đến co rút cơ cân bàn tay, đặc biệt gây ảnh hưởng lớn đến các ngón tay áp út và ngón tay áp út giữa. Đặc điểm của bệnh này là sự hình thành các sợi mô liên kết trong lòng bàn tay và cơ bắp gắn liền với các dây chằng gắn với ngón tay, dẫn đến việc co rút và hạn chế sự mở rộng của các khớp ngón tay.

Nguyên nhân cụ thể gây ra co rút Dupuytren vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ đã được liên kết với bệnh này:

  • Yếu tố di truyền, nếu bạn có người thân trong gia đình mắc phải bệnh này thì bạn có nguy cơ cao cũng bị co rút Dupuytren.
  • Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi.
  • Nam giới có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới.
  • Hút thuốc hoặc lạm dụng rượu.
  • Người bị bệnh tiểu đường sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn người bình thường. 
  • Tác dụng phụ của thuốc điều trị động kinh.

Điều trị co quắp ngón tay do co rút Dupuytren

Có một số phương pháp điều trị cho bệnh co rút Dupuytren, phụ thuộc vào giai đoạn của căn bệnh và mức độ ảnh hưởng của nó. Dưới đây là một số phương pháp điều trị thường được sử dụng:

Điều trị trong giai đoạn sớm

Giai đoạn sớm của bệnh có thể được điều trị bằng cách tập vật lý trị liệu và sử dụng nẹp ngón tay để giữ cho ngón tay trong tư thế thẳng.

ngón tay bị co quắp nguyên nhân điều trị và phương pháp phòng ngừa 3
Nẹp và vật lí trị liệu có thể giúp điều trị tình trạng co rút ngón tay trong giai đoạn đầu

Điều trị trong giai đoạn muộn

Trong giai đoạn này, người bệnh có thể được tiêm thuốc Collagenase hoặc Corticosteroid vào bàn tay để làm chậm diễn tiến của bệnh.

Phẫu thuật

Trong trường hợp bệnh ảnh hưởng nhiều đến việc thẩm mỹ, chức năng cũng như khả năng cầm nắm của bàn tay, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật. Phương pháp phẫu thuật này thường liên quan đến việc tách và cắt bỏ mô bàn tay bị ảnh hưởng để giúp các ngón tay trở lại vị trí bình thường của chúng. Tuy nhiên, bệnh co rút vẫn có thể tái phát sau quá trình phẫu thuật.

Xạ trị

Một phương pháp điều trị khác là xạ trị, phương pháp này được áp dụng cho trường hợp co rút nhẹ và mô không quá dày. Xạ trị giúp dừng hoặc làm chậm sự dày lên của các mô và thường chỉ được áp dụng một lần.

Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp điều trị phải dựa trên đánh giá và khuyến nghị của bác sĩ chuyên khoa.

Cách phòng ngừa và cải thiện tình trạng co quắp ngón tay

Việc phòng ngừa và cải thiện tình trạng ngón tay bị co quắp phụ thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh. Nếu co rút ngón tay xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý, bạn cần nhanh chóng đi khám bác sĩ để được điều trị sao cho phù hợp. Trong các trường hợp co quắp do thiếu chất, thiếu nước hoặc do lạm dụng cơ bắp thì bạn cần chú ý:

  • Ăn uống đủ chất: Đảm bảo bạn cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, bao gồm vitamin D từ thực phẩm như cá, gan cá và dầu cá,...
  • Duy trì đủ lượng nước cho cơ thể: Uống đủ nước hàng ngày, khoảng 2 lít nước để tránh tình trạng thiếu nước.
  • Tập co duỗi cơ thường xuyên: Tập luyện nhẹ nhàng bằng cách co duỗi các ngón tay và cổ tay để duy trì sự linh hoạt của cơ bắp và máu.
  • Tránh lạnh: Bảo vệ cổ tay và bàn tay khỏi tiếp xúc với môi trường lạnh quá mức.
  • Chủ động chăm sóc sức khỏe toàn diện: Nếu bạn có triệu chứng bất thường, hãy tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ để xác định nguyên nhân và điều trị phù hợp.

Cần lưu ý rằng dấu hiệu cho thấy ngón tay bị co quắp có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc duy trì sức khỏe toàn diện cùng với sự chú ý đến các yếu tố phòng ngừa có thể giúp bạn tránh tình trạng này và cải thiện sức khỏe bàn tay và cổ tay của bạn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin