Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Nguyên nhân bị ngứa da vào ban đêm và phương pháp điều trị hiệu quả

Ngày 14/05/2020
Kích thước chữ

Bị ngứa da vào ban đêm còn được gọi là ngứa về đêm. Đây là một tình trạng khá phổ biến, khiến cho bạn cảm thấy ngứa ngáy và khó chịu trên da, đặc biệt là trong khoảng thời gian bạn đi ngủ. Ngứa da vào ban đêm có thể do một số nguyên nhân gây ra như các vấn đề về da, tác dụng phụ của thuốc, dị ứng, hoặc các bệnh lý tiềm ẩn. Để hiểu rõ hơn về những nguyên nhân này cũng như cách điều trị cụ thể, hãy theo dõi ngay bài viết sau đây.

Bị ngứa da vào ban đêm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giấc ngủ cũng như sức khỏe của con người. Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này. Vì vậy, việc tìm hiểu về các nguyên nhân gây bệnh là rất cần thiết để có hướng điều trị tốt nhất.

Nguyên nhân ngứa da vào ban đêm không phải do bệnh lý

Các yếu tố sinh lý hoặc môi trường có thể tác động đến làn da của bạn và gây ra tình trạng bị ngứa da vào ban đêm, các nguyên nhân này có thể kể đến như:

Thay đổi hormone

Hormone trong cơ thể có một sự thay đổi nhất định tùy thuộc vào thời điểm trong ngày. Vào ban đêm, cơ thể sẽ giải phóng Cytokine gây phản ứng viêm trong cơ thể, ngoài ra hormone corticosteroid giúp giảm viêm cũng giảm vào buổi tối. Do đó sự mất cân bằng các hormone này gây ra tình trạng ngứa cho cơ thể.

Khi phụ nữ trong thời kỳ mang thai và trong thời kỳ mãn kinh thì nội tiết tố thay đổi sẽ gây ra tình trạng da khô, từ đó sẽ thấy ngứa da hơn bình thường.

Nguyên nhân bị ngứa da vào ban đêm và phương pháp điều trị hiệu quả 1
Thay đổi hormone ở phụ nữ mang thai có thể gây ngứa

Căng thẳng thần kinh

Khi bị căng thẳng thần kinh, trầm cảm, tâm thần phân liệt thì làm tăng nguy cơ gây ngứa vào ban đêm. Khi cơ thể bị stress thì sẽ kích thích các dây thần kinh dưới da gây ra hiện tượng ngứa.

Thiếu nước

Vào ban đêm cơ thể thiếu nước, nếu không bổ sung đủ lượng nước vào ban ngày thì cơ thể thiếu nước sẽ dẫn đến ngứa ngày toàn thân, đặc biệt vào mùa đông khô, hanh, da sẽ xuất hiện triệu chứng ngứa ngáy thường xuyên hơn bình thường.

Do dị ứng thời tiết

Vào ban đêm khi thời tiết lạnh hơn thì những người có cơ địa dễ bị dị ứng thì da sẽ bị kích thích nhiều hơn dẫn đến ngứa ngáy. Khi càng gãi thì càng thấy ngứa.

Dị ứng thức ăn

Một số người có cơ địa dễ bị dị ứng thức ăn, một số thực phẩm gây dị ứng như: hải sản, sữa, thị bò, thịt gà,… Tùy cơ địa mỗi người mà cơn ngứa có thể từ nhẹ tới nặng, khi bị ngứa do dị ứng thức ăn thì không nên gãi mà nên tới gặp bác sĩ để có cách điều trị tốt nhất.

Dị ứng môi trường

Một số người do không chịu vệ sinh nơi ở thường xuyên, do đó tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, ký sinh trùng sinh sôi và phát triển, việc sử dụng chăn, gối, ga giường có chứa vi khuẩn thì sẽ rất dễ bị ngứa khắp người, đặc biệt là những người có làn da nhạy cảm.

Nguyên nhân bị ngứa da vào ban đêm và phương pháp điều trị hiệu quả 2
Chăn, gối không sạch sẽ cũng là một nguyên nhân khiến bạn bị ngứa da vào ban đêm

Nguyên nhân bị ngứa da vào ban đêm do bệnh lý

Bị ngứa da vào ban đêm cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh lý tiềm ẩn, từ các vấn đề về da như chàm, vẩy nến đến các bệnh lý nội khoa như suy thận, gan, bệnh tuyến, tiểu đường,...

Bệnh mề đay mẩn ngứa

Đây là bệnh đột ngột xuất hiện không rõ nguyên nhân, liên quan tới hệ thống miễn dịch của cơ thể, khi bị bệnh, da nổi các mảng sần đỏ trên da gây ngứa ngáy khó chịu.

Bị ghẻ

Khi sống trong môi trường không sạch sẽ thì nguy cơ bị ghẻ rất cao. Triệu chứng bị ghẻ là da mẩn đỏ, ngứa ngáy khắp người, cơ thể mọc nhiều mụn nước, có thể gây ra lở loét, đặc biệt cảm giác ngứa tăng vào ban đêm vì đây là thời gian ghẻ hoạt động.

Bệnh tuyến giáp

Bệnh tuyến giáp do suy giáp hay nhược giáp đều cần phải điều trị lâu dài. Khi bị mất cân bằng ở tuyến giáp thì sẽ làm cho da bị khô, phù nề, cơ thể chịu lạnh kém, ngoài ra còn gây nên cảm giác ngứa ngáy cho người bệnh.

Các bệnh ngoài da

Do mắc một số bệnh lý về da như vẩy nến, rôm sảy, nấm da, mề đay,… cũng khiến bị ngứa khắp người, đặc biệt ở những nơi có gió lạnh, khi bị ngứa thì càng gãi càng lây lan và càng thấy ngứa. Do đó cần phải đến các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị bệnh một cách tốt nhất.

Nguyên nhân bị ngứa da vào ban đêm và phương pháp điều trị hiệu quả 3
Bệnh vảy nến có thể khiến bạn bị ngứa khắp người

Bệnh về gan

Khi mắc các bệnh lý như xơ gan, viêm gan thì mật thừa ứ đọng trong gan gây ra tình trạng axit hóa dòng máu, ngoài việc có biểu hiện như vàng da thì sẽ xuất hiện các cơn ngứa. Cơn ngứa này sẽ lan ra toàn thân tùy theo mức độ bệnh.

Suy giảm chức năng thận

Thận có chức năng đào thải các độc tố ra ngoài theo đường tiểu tiện. Khi suy giảm chức năng thận thì các chất độc không được đào thải ra hết mà tích tụ bên trong cơ thể, trong các mô, da, gây phù nề, ngoài ra còn biểu hiện bằng cơn ngứa.

Bệnh tiểu đường

Khi bị tiểu đường thì lượng đường trong máu tăng cao, ảnh hưởng tới mạch máu và sự trao đổi chất, một số người sẽ bị khô sần ở da và ngứa khắp toàn thân.

Bệnh lý về máu

Khi bị một số bệnh lý về máu như tăng tiết histamin, loạn sản tủy, đa hồng cầu,… thì cũng sẽ gây ra tình trạng ngứa.

Bệnh xã hội

Ngứa da là biểu hiện đầu tiên của các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, sùi mào gà, giang mai, HIV/AIDS,… do sự phát triển của tụ cầu khuẩn vàng và vi khuẩn Demodex. Ngoài ra tác dụng phụ của thuốc trị các bệnh này cũng gây ra tình trạng ngứa da.

Bệnh Hodgkin hoặc Non-Hodgkin

Hai căn bệnh này sẽ khiến hạch bạch huyết sưng to, khi ở giai đoạn nặng thì sẽ bị tình trạng nổi mẩn ngứa khắp người.

Nguyên nhân bị ngứa da vào ban đêm và phương pháp điều trị hiệu quả 4
Bệnh Hodgkin hoặc Non-Hodgkin khiến hạch bạch huyết sưng to, giai đoạn nặng gây nổi mẩn ngứa

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như dị ứng thuốc paracetamol, thuốc kháng sinh, aspirin, bệnh cột sống, tiêu chảy mỡ (Celiac), khối u lympho,...

Điều trị ngứa da vào ban đêm

Việc điều trị bị ngứa da vào ban đêm phải tùy thuộc theo nguyên nhân gây ra tình trạng này. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến:

Điều trị nguyên nhân gốc rễ:

  • Nếu do bệnh lý: Điều trị bệnh lý tiềm ẩn như chàm, vẩy nến, suy gan, suy thận,... sẽ giúp giảm ngứa.
  • Nếu do dị ứng: Xác định và tránh các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi, lông động vật, thực phẩm,...
  • Nếu do tác dụng phụ của thuốc: Tham khảo ý kiến bác sĩ để thay đổi thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng.

Điều trị triệu chứng:

Tùy theo tình trạng ngứa da của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ cho các loại thuốc sau đây, có thể sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp cả hai thuốc uống và thuốc bôi, thường sử dụng các loại thuốc sau đây:

  • Thuốc kháng histamin: Giúp giảm ngứa do dị ứng, các loại thuốc kháng histamin thế hệ 1 như diphenhydramine, chlorpheniramine, hydroxyzine và promethazine; các loại thuốc kháng histamin thế hệ 2 như cetirizine, fexofenadine.
  • Kem corticosteroid: Giảm viêm và ngứa trên da.
  • Thuốc giảm đau: Nếu ngứa gây đau đớn hoặc khó chịu nghiêm trọng.
Nguyên nhân bị ngứa da vào ban đêm và phương pháp điều trị hiệu quả 5
Kem bôi corticosteroid giúp giảm viêm và ngứa trên da

Ngoài ra, liệu pháp ánh sáng sử dụng tia cực tím có thể giúp điều trị triệu chứng ngứa da.

Chăm sóc da:

  • Dưỡng ẩm: Sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên, đặc biệt là sau khi tắm, để giữ ẩm cho da.
  • Tắm nước ấm: Tránh tắm nước nóng vì có thể làm khô da và tăng ngứa.
  • Mặc quần áo thoải mái: Chọn quần áo rộng rãi, thoáng mát, làm từ chất liệu tự nhiên như cotton.
  • Tránh gãi: Gãi có thể làm tổn thương da và làm tình trạng ngứa nặng hơn.

Thay đổi lối sống:

  • Giảm căng thẳng: Căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ngứa. Thực hành các kỹ thuật thư giãn như yoga, thiền định.
  • Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ có thể làm tăng mức độ hormone gây stress, góp phần gây ngứa.
  • Tránh các tác nhân kích thích: Hạn chế sử dụng xà phòng, chất tẩy rửa mạnh, nước hoa, mỹ phẩm có thể gây kích ứng da.
Nguyên nhân bị ngứa da vào ban đêm và phương pháp điều trị hiệu quả 6
Ngồi thiền có thể giảm căng thẳng hiệu quả

Bị ngứa da vào ban đêm kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe của bạn. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do yếu tố sinh lý hay môi trường, nhưng cũng có thể là do những bệnh lý nguy hiểm. Chính vì thế nên nếu bị ngứa vào ban đêm thường xuyên, bạn hãy đến gặp bác sĩ Da liễu để được thăm khám, chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp. Lưu ý không được tự ý sử dụng thuốc hoặc các sản phẩm điều trị da mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:ngứadị ứng