Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ngứa lỗ tai trái: Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 16/02/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ngứa lỗ tai trái có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý ở tai. Muốn khắc phục dứt điểm tình trạng này, bạn cần tìm ra nguyên nhân lỗ tai trái bị ngứa để áp dụng biện pháp điều trị phù hợp.

Phần lớn các trường hợp ngứa lỗ tai bên trái đều không nguy hiểm và có thể khắc phục nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu không can thiệp sớm thì có thể gây viêm nhiễm, ảnh hưởng xấu đến thính lực. Tùy từng nguyên nhân gây ngứa lỗ tai mà cách khắc phục cũng khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đi tìm căn nguyên của tình trạng này và các cách chữa trị hiệu quả nhất.

Nguyên nhân gây ngứa lỗ tai trái

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng ngứa lỗ tai bên trái hoặc bên phải.

Tích tụ nhiều ráy tai

Ráy tai giúp bảo vệ lỗ tai khỏi nước và bụi bẩn. Thông thường, chúng có thể tự đẩy ra ống tai để giữ cho lỗ tai thông thoáng, sạch sẽ. Hoặc chúng được loại bỏ ra ngoài bằng các dụng cụ lấy ráy tai. Tuy nhiên, khi ráy tai không thể tự đẩy ra hoặc thói quen lười vệ sinh sẽ làm chúng tích tụ nhiều và cứng. Điều này dẫn đến ngứa ngáy, khó chịu ở lỗ tai.

ngứa lỗ tai trái 1
Ngứa lỗ tai trái có thể do ráy tai bị tích tụ dày và cứng bên trong

Bệnh viêm tai

Đây là tình trạng tổn thương và viêm nhiễm bên trong tai do vi khuẩn, virus xâm nhập hoặc do các yếu tố tác động từ môi trường. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là trẻ nhỏ. Bên cạnh triệu chứng ngứa ở lỗ tai, người bệnh còn thấy đau nhức bên trong tai. Trường hợp nặng có thể gây sốt, mưng mủ, chảy dịch và biến chứng nghe kém, thủng màng nhĩ.

Nhiễm trùng tai

Ngứa ngáy lỗ tai trái cũng là một biểu hiện của nhiễm trùng tai. Hiện tượng này thường xuất hiện khi người bệnh bị cảm lạnh, cảm cúm do virus và bội nhiễm vi khuẩn. Dịch viêm chảy ra ống tai sẽ gây kích ứng, ngứa lỗ tai. Người bệnh còn có thể gặp một số triệu chứng khác như: Ù tai, nghe kém, chóng mặt. Nếu không điều trị sớm sẽ thành viêm nhiễm mãn tính, thủng màng nhĩ.

Tai mắc bệnh về da

Tai cũng có thể gặp một số bệnh lý về da như: Nấm, chàm, vảy nến, viêm da… Chúng gây ngứa trong lỗ tai hoặc xung quanh tai và xuất hiện mảng da bong tróc, mẩn đỏ. Bệnh xảy ra do bị nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn hoặc ảnh hưởng của viêm tai, nhiễm trùng tai. Ngoài cảm giác ngứa, người bệnh có thể thấy ù tai, đau nhức ở tai, giảm khả năng nghe, chảy dịch vàng hoặc trắng.

ngứa lỗ tai trái 2
Bệnh nấm tai gây ra tình trạng ngứa ngáy bên trong tai

Dị ứng thực phẩm

Nhiều trường hợp ngứa bên trong tai trái là do dị ứng thực phẩm. Cơ địa phản ứng mẫn cảm với hoạt chất trong thực phẩm dẫn tới dị ứng. Để nhận biết dị ứng, bạn xem xét các dấu hiệu khác kèm theo như: Ngứa mặt, ngứa miệng hoặc ngứa toàn thân, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, đau đầu… Thực phẩm dễ gây dị ứng có thể kể đến: Hải sản, sữa, hạt phỉ, quả hạch…

Các nguyên nhân khác

Các nguyên nhân khác gây ngứa bên trong tai trái hoặc phải bao gồm:

  • Tai ứ đọng nước bẩn do bơi lặn ở ao hồ, kênh rạch bị ô nhiễm.
  • Khi tắm để nước vào trong tai, ứ đọng lâu ngày gây ngứa ngáy.
  • Viêm mũi dị ứng cũng có thể ảnh hưởng đến tai và gây ngứa lỗ tai.
  • Ngứa lỗ tai do dùng máy trợ thính và bị kích ứng với chất liệu của máy.
  • Sử dụng tai nghe dính vi khuẩn, bụi bẩn, nấm mốc.

Cách xử trí khi bị ngứa lỗ tai trái

Khi bị ngứa lỗ tai mà không kèm theo triệu chứng bất thường, bạn nhớ lại xem có phải do lâu ngày chứa ngoáy ráy tai. Trường hợp này bạn có thể đến dịch vụ lấy ráy tai uy tín hoặc phòng khám tai mũi họng để loại bỏ chúng. Không nên tự làm bằng tăm bông, dụng cụ lấy ráy tai vì dễ làm chúng tụt sâu vào trong.

ngứa lỗ tai trái 3
Không nên dùng dụng cụ ngoáy tai để chọc ngoáy vào trong

Trường hợp ngứa trong tai lâu ngày không khỏi hoặc có các triệu chứng khác kèm theo, bạn nên đến khám ở cơ sở y tế hoặc phòng khám về tai mũi họng. Các bác sĩ sẽ nội soi kiểm tra bên trong tai và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Hầu hết bệnh lý ở tai đều không nguy hiểm và có thể chữa khỏi bằng thuốc uống, thuốc nhỏ hoặc theo đường tiêm.

Dưới đây là một số loại thuốc chữa viêm tai, nhiễm trùng tai hiệu quả cao được các bác sĩ khuyên dùng:

  • Thuốc nhỏ tai Otifar Pharmedic: Điều trị viêm tai giữa và viêm tai ngoài. Chống chỉ định đối với trường hợp thủng màng nhĩ.
  • Dung dịch nhỏ tai cồn Boric 3%: Điều trị nấm tai, dự phòng viêm tai giữa và viêm tai ngoài. Thuốc có thể dùng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.
  • Thuốc nhỏ tai Fosmicin-S For Otic: Điều trị viêm tai giữa, viêm tai ngoài. Sản phẩm xuất xứ Nhật Bản.

Lưu ý thuốc chữa viêm tai, nhiễm trùng tai là thuốc kê đơn. Bạn không nên tùy ý sử dụng nếu chưa được bác sĩ chỉ định. Tuyệt đối không dùng các loại thuốc nhỏ tai gia truyền bán tràn lan trên mạng internet.

ngứa lỗ tai trái 4
Dùng thuốc nhỏ tai phải theo chỉ định của bác sĩ

Cách phòng ngừa tình trạng ngứa lỗ tai trái

Tình trạng lỗ tai trái bị ngứa có thể gặp ở mọi lứa tuổi và là hiện tượng phổ biến. Để phòng ngừa lỗ tai bị ngứa, bạn áp dụng các biện pháp dưới đây.

  • Thường xuyên rửa sạch vành tai để giảm bã nhờn, ngăn ngừa tích tụ tế bào chết, vi khuẩn.
  • Khăn mặt dùng để lau rửa tai phải được vệ sinh sạch sẽ, không dùng chung khăn với người khác.
  • Nếu thường xuyên dùng tai nghe, tai trợ thính thì nên bảo quản ở nơi sạch sẽ và lau chùi vệ sinh, xịt khử khuẩn.
  • Nếu làm việc ở môi trường đặc thù nhiều bụi bẩn thì nên có biện pháp để bảo vệ lỗ tai, tránh bị dị vật hoặc bụi bẩn lọt vào ống tai.
  • Không bơi lặn ở vùng nước bẩn. Khi tắm gội hoặc rửa tai thì nên tránh dội nước vào bên trong tai.
  • Không dùng ngón tay chọc ngoáy vào bên trong tai. Đầu ngón tay chứa rất nhiều vi khuẩn sẽ khiến chúng lọt vào ống tai.
  • Định kỳ đi lấy ráy tai ở các dịch vụ chuyên nghiệp hoặc phòng khám chuyên khoa.
ngứa lỗ tai trái 5
Nên định kỳ đi lấy ráy tai ở các dịch vụ uy tín, đảm bảo an toàn

Mong rằng bài viết sẽ giúp bạn tìm được nguyên nhân ngứa lỗ tai trái và sớm điều trị dứt điểm. Bạn lưu ý giữ gìn vệ sinh tai sạch sẽ để phòng ngừa bệnh nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Hellobacsi.com

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm