Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Người lớn hắt hơi sổ mũi uống thuốc gì? Lưu ý khi sử dụng thuốc hắt hơi sổ mũi

Ngày 19/06/2023
Kích thước chữ

Hắt hơi sổ mũi là những triệu chứng thường gặp ở người lớn, nguyên nhân chủ yếu là do cảm cúm thông thường. Mặc dù các triệu chứng này không nguy hiểm nhưng lại khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Vậy người lớn hắt hơi sổ mũi uống thuốc gì? Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Hắt hơi sổ mũi được xem là phản xạ tự nhiên của cơ thể giúp chống lại những tác nhân gây hại. Tuy không gây nguy hiểm về mặt sức khỏe nhưng lại gây nhiều bất tiện trong cuộc sống của người bệnh. Chính vì vậy, rất nhiều người thắc mắc người lớn hắt hơi sổ mũi uống thuốc gì? Hay ho sổ mũi uống thuốc gì? Để trả lời cho câu hỏi này, mời bạn tìm hiểu bài viết sau đây.

Nguyên nhân gây hắt hơi sổ mũi ở người lớn

Trước khi trả lời cho câu hỏi người lớn hắt hơi sổ mũi uống thuốc gì, bạn cũng nên nắm được những nguyên nhân gây hắt hơi sổ mũi ở người lớn. 

Theo các bác sĩ chuyên khoa, hắt hơi sổ mũi không phải bệnh mà là một triệu chứng. Hắt hơi sổ mũi là một phản xạ tự nhiên có lợi giúp bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân có hại từ bên ngoài, đặc biệt là có khả năng tống xuất các vi khuẩn gây bệnh ra ngoài. Mặc dù bản chất hắt hơi sổ mũi là một phản xạ có lợi, tuy nhiên nếu chúng diễn ra quá nhiều sẽ gây khó chịu cho người bệnh.

Nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng hắt hơi sổ mũi ở người lớn là bệnh cảm cúm thông thường hay nhiễm trùng đường hô hấp trên với nguyên nhân thường gặp là do virus. Khi đó, bên cạnh triệu chứng hắt hơi sổ mũi, người bệnh còn kèm theo nhiều triệu chứng khác như đau họng, sốt, đau đầu, ho, nghẹt mũi, khàn tiếng. Bên cạnh đó, hắt hơi sổ mũi còn có thể là dấu hiệu của tình trạng viêm mũi dị ứng.

Như vậy, có thể thấy hắt hơi sổ mũi không phải những triệu chứng của các bệnh lý quá nguy hiểm. Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể là dấu hiệu cảnh báo sức đề kháng của cơ thể suy giảm, hệ miễn dịch suy yếu nên các loại virus dễ tấn công và gây bệnh. Khi gặp các triệu chứng này, người bệnh không nên quá lo lắng, mà thay vào đó nên tìm hiểu về các loại thuốc trị ho và sổ mũi cho người lớn để các triệu chứng nhanh chóng được cải thiện.

Ngoài ra, một số yếu tố thuận lợi dưới đây có thể gây hắt hơi sổ mũi ở người lớn mà bạn nên lưu ý:

  • Thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ môi trường quá thấp làm cơ thể khó thích nghi.
  • Môi trường ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, chất thải.
  • Niêm mạc mũi suy yếu.
  • Cơ địa người bệnh dị ứng với các yếu tố bên ngoài như khói bụi, phấn hoa, nấm mốc, lông thú cưng…
  • Ảnh hưởng của chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…
Người lớn hắt hơi sổ mũi uống thuốc gì? Lưu ý khi sử dụng thuốc hắt hơi sổ mũi 1
Cảm cúm là nguyên nhân thường gặp gây hắt hơi sổ mũi ở người lớn

Người lớn hắt hơi sổ mũi uống thuốc gì?

Câu hỏi người lớn hắt hơi sổ mũi uống thuốc gì được rất nhiều người quan tâm, nhất là trong thời điểm giao mùa. Theo các bác sĩ chuyên khoa, các bệnh lý thường không chỉ gây hắt hơi sổ mũi đơn thuần mà còn gây nên các triệu chứng khác như ho, nhức đầu, đau nhức cơ, sốt… Chính vì vậy, hắt hơi sổ mũi ở người lớn cần có sự phối hợp nhiều loại thuốc khác nhau. Cụ thể như sau:

Thuốc kháng histamin

Kháng histamin được xem là loại thuốc có tác dụng làm giảm các triệu chứng hắt hơi sổ mũi hiệu quả. Bên cạnh việc làm giảm các triệu chứng hắt hơi sổ mũi, nhóm thuốc này còn có tác dụng làm giảm ho hiệu quả. Các sản phẩm trị hắt hơi, sổ mũi, ho trên thị trường hiện nay thường chứa hoạt chất kháng histamin như: Brompheniramine, chlorpheniramine.

Tuy nhiên, tác dụng phụ phổ biến của nhóm thuốc này là gây buồn ngủ. Chính vì vậy, người lớn hắt hơi sổ mũi khi sử dụng loại thuốc này không nên lái xe, sử dụng máy móc phức tạp hay làm những việc đòi hỏi sự tập trung, tỉnh táo. Bên cạnh đó, thuốc kháng histamin cũng không nên sử dụng cho những người bị ho có đờm.

Người lớn hắt hơi sổ mũi uống thuốc gì? Lưu ý khi sử dụng thuốc hắt hơi sổ mũi 2
Người lớn hắt hơi sổ mũi uống thuốc gì là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm

Thuốc hạ sốt giảm đau

Trả lời cho câu hỏi người lớn hắt hơi sổ mũi uống thuốc gì chính là thuốc hạ sốt giảm đau. Tuy không phải nhóm thuốc trực tiếp làm giảm các triệu chứng hắt hơi sổ mũi, nhưng chúng lại giúp kiểm soát những nguyên nhân gây nên hắt hơi sổ mũi (thường là cảm cúm), từ đó gián tiếp giúp các triệu chứng hắt hơi sổ mũi cải thiện theo. Một số loại thuốc thường được các bác sĩ chỉ định như paracetamol, ibuprofen, aspirin

Khi sử dụng các nhóm thuốc này, người bệnh cũng cần lưu ý tới những tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra như: Paracetamol có thể gây ảnh hưởng đến chức năng gan, trong khi ibuprofen và aspirin có nguy cơ gây kích ứng và làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Chính vì vậy, bạn cần sử dụng thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.

Thuốc giảm ho

Một trong những nguyên nhân thường gặp khác khiến người bệnh bị hắt hơi sổ mũi là cảm lạnh, vì vậy hầu hết người bệnh đều có kèm thêm triệu chứng ho. Chính vì vậy, câu hỏi cảm ho sổ mũi uống thuốc gì thì không thể thiếu thuốc giảm ho. Nhóm thuốc giảm ho có tác dụng ức chế trung tâm ho ở hệ thần kinh trung ương, từ đó giúp giảm ho. Các thuốc giảm ho bạn có thể được các bác sĩ kê đơn là codein, dextromethorphan, pholcodine…

Tuy nhiên, các loại thuốc này cũng có những tác dụng phụ nhất định như: Codein gây táo bón và buồn ngủ, dextromethorphan và pholcodine cũng có thể gây buồn ngủ nhưng ở mức độ nhẹ hơn.

Người lớn hắt hơi sổ mũi uống thuốc gì? Lưu ý khi sử dụng thuốc hắt hơi sổ mũi 3
Thuốc giảm ho thường được dùng trong những trường hợp hắt hơi sổ mũi do cảm lạnh

Thuốc thông mũi

Bên cạnh các triệu chứng nêu trên, người lớn hắt hơi sổ mũi còn thường kèm theo triệu chứng nghẹt mũi vô cùng khó chịu. Chính vì vậy, việc sử dụng các loại thuốc thông mũi là vô cùng cần thiết. Chúng có tác dụng co mạch, từ đó giúp làm giảm sưng, giảm viêm niêm mạc mũi và giảm cảm giác khó chịu. Các loại thuốc thông mũi thường sử dụng bao gồm: Ephedrine, phenylephrine, pseudoephedrine. 

Tuy nhiên, nhóm thuốc này lại có nguy cơ làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, từ đó gây khó ngủ nếu như người bệnh dùng thuốc vào buổi tối. Chính vì vậy, người bệnh có tiền sử tăng nhãn áp hay tăng huyết áp cần báo cho các bác sĩ để được chỉ định các loại thuốc phù hợp.

Những lưu ý khi sử dụng thuốc hắt hơi sổ mũi

Bên cạnh các loại thuốc sử dụng khi hắt hơi sổ mũi, bạn cũng cần nắm được một số lưu ý sau khi sử dụng các thuốc hắt hơi sổ mũi:

  • Tuyệt đối không được tự ý sử dụng các loại kháng sinh để trị hắt hơi sổ mũi hay cảm cúm. Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng diệt vi khuẩn, không có tác dụng diệt virus gây nên cảm cúm. Chính vì vậy, người lớn bị hắt hơi sổ mũi không được sử dụng kháng sinh bừa bãi, trừ khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa trong những trường hợp cảm cúm kèm theo bội nhiễm, tránh tình trạng kháng thuốc.
  • Không được chủ quan với những loại thuốc không cần kê đơn, bạn luôn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng, tránh tác dụng phụ không mong muốn.
  • Các thuốc hắt hơi sổ mũi có thể tương tác với các loại thuốc khác nên người bệnh cần thận trọng để tránh các vấn đề không may xảy ra.
  • Sử dụng các thuốc trị hắt hơi sổ mũi theo đúng chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa, không tự ý mua thuốc, không tự ý tăng giảm liều thuốc, tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
  • Khi các triệu chứng không cải thiện thậm chí nặng nề hơn, hay kèm theo các triệu chứng nguy hiểm khác, bạn cần đi khám ngay để được bác sĩ thăm khám và xử trí kịp thời.
Người lớn hắt hơi sổ mũi uống thuốc gì? Lưu ý khi sử dụng thuốc hắt hơi sổ mũi 4
Người lớn bị hắt hơi sổ mũi cần sử dụng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp phần nào câu hỏi người lớn hắt hơi sổ mũi uống thuốc gì, cũng như nắm được những những lưu ý khi sử dụng các loại thuốc trị hắt hơi sổ mũi. Bạn không nên tự ý dùng thuốc mà nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng để tránh các tác dụng không mong muốn. 

Chúc bạn nhiều sức khỏe cũng như đừng quên tiếp tục theo dõi các bài viết tiếp theo của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Tham khảo 1 số loại thuốc:

 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin