Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Nguyên nhân bạn bị nấc cụt do đâu?

Ngày 10/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thông thường, nấc cụt thường chỉ kéo dài trong vài phút và không gây ra biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, có những trường hợp nấc cụt kéo dài hàng giờ, thậm chí hàng năm, gây khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân nấc cụt do đâu trong nội dung bài viết dưới đây nhé!

Nấc cụt là hiện tượng co thắt không tự chủ của cơ hoành, cơ nằm dưới lồng ngực và ngăn cách giữa vùng ngực và vùng bụng, đóng vai trò quan trọng trong quá trình thở. Mỗi cơn co thắt này kèm theo tiếng nấc đặc trưng khi dây thanh quản đóng lại đột ngột, ngăn chặn dòng không khí vào phổi và tạo ra âm thanh đặc biệt.

Nếu cơn nấc cụt kéo dài dưới 24 giờ, đây là hiện tượng bình thường và không đáng lo ngại. Nhưng nếu bạn thường xuyên nấc cụt và kéo dài hơn 48 giờ hoặc tái phát theo chu kỳ, thì đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Nguyên nhân nấc cụt do ăn quá nhiều hoặc quá nhanh

Khi bạn ăn quá nhiều hoặc quá nhanh, dạ dày có thể phình ra do tích tụ thức ăn hoặc không khí, kích thích cơ hoành co lại đột ngột, gây ra nấc cụt. Hiện tượng này thường biến mất khi thức ăn được tiêu hóa hết.

Nguyên nhân bạn bị nấc cụt do đâu? 1
Khi bạn ăn quá nhiều hoặc quá nhanh gây ra nấc cụt

Để giảm cơn nấc cụt, bạn có thể đi dạo nhẹ nhàng để giúp dạ dày làm rỗng nhanh hơn. Ngoài ra nên tránh nằm ngay sau khi ăn vì điều này có thể làm chậm quá trình tiêu hóa.

Nguyên nhân nấc cụt do mất cân bằng điện giải

Sau khi hoạt động thể chất, cơ thể có thể thiếu hụt nước và điện giải do bài tiết mồ hôi. Sự mất cân bằng điện giải, do thiếu hụt hoặc tăng cao nồng độ kali và natri trong máu gây ảnh hưởng đến hệ thống dẫn truyền thần kinh và dễ gây ra nấc cụt.

Bạn có thể bổ sung điện giải bằng cách uống các dung dịch điện giải hoặc uống bù nước, và ăn trái cây như chuối và nước dừa.

Nguyên nhân nấc cụt do uống nước giải khát có ga

Dạ dày của bạn cũng có thể phình ra do các đồ uống có ga sinh ra khí trong dạ dày, kích thích cơ hoành và gây ra nấc cụt. Khí carbon dioxide trong đồ uống có ga khiến dạ dày đầy khí, dẫn đến nấc cụt ngắn hoặc chứng ợ chua. Việc hạn chế uống nước có ga có thể giúp giảm nguy cơ bị nấc cụt.

Nguyên nhân nấc cụt do căng thẳng hoặc bị kích động

Khi căng thẳng, chúng ta thường thở gấp, dẫn đến việc không khí vào dạ dày thay vì vào phổi, khiến dạ dày giãn căng và gây nấc cụt. Lo lắng hoặc kích động cũng có thể làm rối loạn đường dẫn truyền thần kinh giữa não và cơ hoành, gây ra nấc cụt.

Để giảm nấc cụt do căng thẳng, bạn có thể thử các phương pháp thư giãn như bài tập thở và thiền định.

Nguyên nhân bạn bị nấc cụt do đâu? 2
Thư giãn như bài tập thở và thiền định giảm cơn nấc cụt

Nguyên nhân nấc cụt do uống rượu

Uống rượu có thể gây nấc cụt do tính axit cao của rượu, kích ứng niêm mạc dạ dày và thực quản. Một số loại thức uống có cồn, như bia và cocktail, cũng chứa khí carbon dioxide, làm dạ dày trương phình và gây nấc cụt. Vì thế, nên hạn chế uống rượu có thể giúp ngăn ngừa nấc cụt.

Nguyên nhân nấc cụt do nhiệt độ thay đổi đột ngột

Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột, chẳng hạn như từ phòng máy lạnh ra ngoài trời nóng hoặc khi tắm nước quá lạnh hoặc quá nóng, có thể gây ra nấc cụt. Sự thay đổi nhiệt độ này có thể làm rối loạn đường dẫn truyền thần kinh từ não đến các cơ giữa các xương sườn, dẫn đến co thắt cơ hoành và gây ra nấc cụt.

Nguyên nhân nấc cụt do trải qua hóa trị, gây mê

Sử dụng thuốc gây mê trong phẫu thuật có thể gây ra nấc cụt do thuốc gây mê làm gián đoạn phản xạ ức chế của cơ hoành, dẫn đến tăng hoạt động của cơ hoành. Tương tự, ở một số bệnh nhân ung thư, nấc cụt có thể xảy ra sau đợt hóa trị liệu, đặc biệt là với các loại thuốc như cisplatin, carboplatin và etoposid. Ngoài ra, sau phẫu thuật cắt bỏ đại tràng hoặc một phần dạ dày, một số bệnh nhân có thể bị liệt dạ dày và nấc cụt mạn tính.

Các chứng bệnh có thể gây nấc cục kéo dài

Sắp xảy ra đột quỵ

Nấc cụt kéo dài có thể là một dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ, kèm theo các biểu hiện khác như đau ngực, tê nhức, mờ mắt. Trong một số trường hợp, cơn nấc cụt quá nặng có thể làm che khuất các dấu hiệu cảnh báo khác của đột quỵ.

Trào ngược axit dạ dày - thực quản (GERD)

Bệnh trào ngược axit dạ dày - thực quản (GERD) là tình trạng axit dạ dày chảy ngược vào thực quản, gây kích ứng niêm mạc thực quản. Các triệu chứng bao gồm đầy hơi, ợ nóng, đau dạ dày, tức ngực, khàn giọng, ho và nôn mửa, có thể kích thích cơ hoành và gây ra nấc cụt.

Nguyên nhân bạn bị nấc cụt do đâu? 3
Bệnh trào ngược axit dạ dày - thực quản (GERD) gây ra nấc cụt

Các bệnh ở vùng ngực

Nấc cụt kéo dài kèm theo khó thở, tức ngực hoặc nặng ngực có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như hen, viêm màng phổi, viêm phổi, viêm màng ngoài tim hoặc các biến chứng sau phẫu thuật lồng ngực.

Tổn thương thần kinh

Tổn thương dây thần kinh phế vị do các vấn đề liên quan đến cổ, họng, ngực và bụng hoặc khối u đều có thể gây ra nấc cụt liên tục. Các yếu tố kích thích bao gồm tóc hoặc vật thể lạ chạm vào màng nhĩ, khối u, u nang hoặc bướu cổ, và trào ngược dạ dày thực quản.

Tổn thương khi mang thai

Mang thai có thể gây ra nấc cụt do áp lực từ thai nhi lên cơ hoành, trào ngược axit, thay đổi hormone và căng thẳng.

Làm sao cho hết cơn nấc cụt?

Có nhiều cách chữa nấc cụt bằng các nguyên liệu thông thường, phổ biến có sẵn tại nhà:

Nuốt một thìa đường

Đây là mẹo dân gian phổ biến. Khi các hạt đường kích thích vào niêm mạc họng và thực quản, các dây thần kinh sẽ thiết lập lại phản xạ, giúp cơ hoành không còn co thắt liên tục và ngừng nấc. Bạn chỉ cần nuốt một thìa đường khô và chờ vài phút để thấy hiệu quả.

Ngậm một viên đá

Nếu bị nấc trong mùa hè, bạn có thể lấy ngay một viên đá nhỏ từ tủ lạnh. Ngậm viên đá trong miệng hoặc nhờ người khác chà đá lên mặt sẽ giúp ngừng nấc. Nếu cảm thấy quá lạnh, bạn có thể bọc viên đá trong lớp vải mỏng rồi chà lên mặt.

Uống nước

Uống từng ngụm nước nhỏ hoặc dùng ống hút có thể làm ngừng cơn nấc. Nước giúp làm dịu niêm mạc họng và cơ hoành, từ đó giảm co thắt.

Nguyên nhân bạn bị nấc cụt do đâu? 4
Uống từng ngụm nước nhỏ có thể làm ngừng cơn nấc

Hít thở sâu

Hít sâu và giữ hơi thở càng lâu càng tốt, ít nhất là 10 giây, sau đó thở ra nhẹ nhàng bằng miệng. Lặp lại nhiều lần cho đến khi ngừng nấc. Hít thở sâu giúp cơ hoành bị căng cứng, ngăn chặn cơ co lại liên tục.

Mật ong

Uống mật ong có thể giúp ngừng nấc. Mật ong tạo ra các xung động được dây thần kinh phế vị truyền thẳng từ não đến dạ dày, không qua cơ hoành, giúp ngăn ngừa co thắt cơ.

Bịt hai tai

Bịt hai tai trong vòng 5 phút và xoa tai đều nhịp nhàng có thể kích thích các nhánh của dây thần kinh phế vị, tạo ra cung phản xạ mới, từ đó làm ngừng cơn nấc. Tránh ấn mạnh gây đau tai.

Sợ hãi

Mặc dù sợ hãi có thể gây nấc, nhưng chính nó cũng có thể giúp hết nấc. Khi bạn bị bất ngờ hoặc sợ hãi, các dây thần kinh có thể bị kích thích và điều này có thể làm ngừng nấc.

Ép động mạch cảnh

Dùng hai ngón tay ép mạnh vào động mạch cảnh hai bên cổ trong vài giây. Cách này gây ức chế dây thần kinh quặt ngược, giảm kích thích co cơ hoành và ngừng nấc.

Hy vọng qua nội dung bài viết bạn đã hiểu rõ hơn về nguyên nhân nấc cụt do đâu? Nấc cụt là biểu hiện bình thường và không gây tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, tuy nhiên nếu tình trạng nấc cụt kéo dài quá 48 giờ thì đây có thể là tình trạng cảnh báo dấu hiệu bệnh lý. Bạn cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Ngô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.