Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Trào ngược dạ dày ban đêm là gì? Cách khắc phục hiệu quả

Ngày 26/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chứng trào ngược dạ dày ban đêm là bệnh phổ biến và gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của nhiều bệnh nhân. Tìm hiểu nguyên nhân và triệu chứng để sớm khắc phục tình trạng này.

Trào ngược dạ dày ban đêm là những nỗi ám ảnh kinh hoàng và dai dẳng của bệnh nhân. Cũng bởi vì xảy ra vào ban đêm mà trào ngược dạ dày rất khó để kiểm soát và có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Trong bài viết nãy, hãy cùng tìm hiểu để biết khắc phục những cơn trào ngược về đêm nhé!

Chứng trào ngược dạ dày ban đêm là gì?

Chứng trào ngược dạ dày ban đêm là một trong những vấn đề sức khỏe thường gặp ở nhiều người. Nó là hiện tượng mà axit dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra cảm giác đau rát và khó chịu, đặc biệt là vào ban đêm. Tình trạng này có thể gây ra nhiều phiền toái và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Nguyên nhân trào ngược dạ dày thường xảy ra vào ban đêm có thể do:

  • Lượng axit dịch vị dư thừa vào ban đêm nhiều hơn ban ngày. Bởi khi ngủ, dạ dày của bạn vẫn không ngừng bo bóp và tiết ra axit dịch vị. 
  • Khi ngủ, dạ dày nằm ngang với thực quản nên dễ xảy ra trào ngược hơn.
  • Nước bọt với thành phần bicarbonat (HCO3) giúp trung hòa dịch vị được tiết ra ít hơn vào ban đêm.
  • Căng thẳng tinh thần và áp lực thường dâng trào ban đêm, trước khi ngủ khiến cho tình trạng tăng tiết axit và trào ngược diễn ra thường xuyên hơn.
Trào ngược dạ dày ban đêm là gì? Cách khắc phục hiệu quả 1
Trào ngược dạ dày ban đêm thường nguy hiểm và khó kiểm soát hơn

Người bị trào ngược dạ dày vào ban đêm có những biểu hiện gì?

Chứng trào ngược axit dạ dày lúc ngủ thật sự là một cơn ác mộng, khiến nhiều bệnh nhân mất ngủ. Một số triệu chứng trào ngược axit dạ dày về đêm có thể bao gồm:

  • Cảm giác đau tức ở vùng ngực kèm theo khó thở, thở khò khè. 
  • Ho khan và cảm giác khó chịu ở vùng cổ họng.
  • Buồn nôn hay nôn mửa, nhiều hay ít tùy thuộc vào mức độ trào ngược.
  • Luôn có cảm giác khát nước vì khô rát cổ họng.
  • Những triệu chứng này sẽ khiến bạn nhân khó ngủ sâu giấc, thường xuyên mất ngủ hay thức giấc giữa đêm.

Trào ngược axit dịch vị về đêm nguy hiểm như thế nào?

Trào ngược dạ dày vào ban đêm khó kiểm soát hơn so với những trường hợp diễn ra vào ban ngày. Ngoài ra, theo những nghiên cứu gần đây cho thấy trào ngược vào ban đêm có thể làm tăng đến 30% nguy cơ ung thư do viêm thực quản so với trào ngược vào ban ngày.

Ngoài ra, trào ngược về đêm có thể gây nên các biến chứng như:

  • Dịch vị trào ngược quá nhiều, tiếp xúc đến dây thanh quản làm co thắt dây thanh quản, kích thích cổ họng, đó là nguyên do trào ngược dạ dày gây ho dai dẳng.
  • Nếu hiện tượng co thắt dây thanh quản do trào ngược trầm trọng hơn sẽ làm co thắt đường hô hấp. Từ đó oxy không được đưa vào phổi và có thể hình thành những cơn ngưng thở khi ngủ.
  • Mất ngủ dai dẳng do các triệu chứng trào ngược axit dịch vị sẽ khiến cơ thể bệnh nhân mệt mỏi và suy nhược.
  • Tăng nguy cơ viêm loét dạ dày và các biến chứng khác do trào ngược không được kiểm soát tốt.
Trào ngược dạ dày ban đêm là gì? Cách khắc phục hiệu quả 2
Trào ngược dạ dày là nguyên nhân của hàng loạt vấn đề tiêu hoá khác

Khi bị trào ngược dạ dày về đêm thì cần làm gì?

Tình trạng trào ngược về đêm rất khó để kiểm soát và có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Chính vì thế, đừng chủ quan lơ là với các dấu hiệu trào ngược dạ dày, hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.

Thay đổi thói quen sinh hoạt khoa học hợp lý

Một phần quan trọng trong kế hoạch kiểm soát trào ngược dạ dày là điều chỉnh thói quen sinh hoạt sao cho khoa học, lành mạnh. Cụ thể như sau:

  • Tránh ăn quá nhiều đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ, khó tiêu hoá.
  • Ăn chế độ ăn thanh đạm, chú trọng cân bằng dưỡng chất, giàu đạm, chất béo tốt và chất xơ, vitamin.
  • Không ăn quá no, đặc biệt là ngay trước khi ngủ.
  • Uống nhiều nước lọc, 2 lít nước mỗi ngày là cần thiết. Trong đó có thể kết hợp các loại nước ép trái cây giàu vitamin.
  • Hạn chế uống trà, cafe hay các loại chất kích thích dạ dày khác.
  • Luôn giữ tinh thần thư giãn thoải mái, nhất là trước khi đi ngủ. Hạn chế thức khuya quá nhiều và làm việc vào ban đêm liên tục.
  • Khi ngủ, bạn có thể kê gối đầu cao hơn để hạn chế tư thế dạ dày ngang với thực quản gây trào ngược.
Trào ngược dạ dày ban đêm là gì? Cách khắc phục hiệu quả 3
Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh là bước đầu để cải thiện trào ngược axit

Dùng thuốc điều trị trào ngược dạ dày

Để điều trị trào ngược axit dạ dày, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn một số thuốc trị trào ngược dạ dày sau đây:

Thuốc kháng histamin H2 là nhóm thuốc giúp giảm tiết axit dạ dày, điển hình gồm cimetidin, famotidin, ranitidin,... Đây là nhóm thuốc thường dùng để trị đau dạ dày, viêm loét dạ dày và trào ngược axit dạ dày.

Thuốc kháng axit cũng là nhóm thuốc thường được dùng để điều trị trào ngược, giúp làm trung hòa pH dịch vị. Các thuốc kháng axit thường chứa thành phần nhôm, magie,... được dùng sau bữa ăn từ 1 - 3 giờ hoặc trước khi ngủ.

Thuốc ức chế bơm proton (PPIs) là nhóm thuốc điều trị các bệnh về dạ dày phổ biến nhất hiện nay, với các loại thuốc như omeprazol, lansoprazol,... Thuốc có tác dụng giảm tiết axit dạ dày nhờ vào cơ chế ức chế thụ thể tạo ra axit trong dạ dày.

Lưu ý rằng cũng như bất kỳ loại thuốc nào, các nhóm thuốc điều trị trào ngược dạ dày đều tiềm ẩn nguy cơ tác dụng phụ nhất định. Vì vậy, bạn phải luôn đảm bảo dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ/dược sĩ và thông báo ngay với bác sĩ khi có những triệu chứng bất thường.

Hy vọng những thông tin trên đây của Nhà thuốc Long Châu có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng trào ngược dạ dày ban đêm. Những cơn trào ngược về đêm không chỉ là nguyên nhân gây mất ngủ dai dẳng mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ. Vì vậy, hãy chú ý nhận biết những dấu hiệu của trào ngược và can thiệp kịp thời nhé!

Quỳnh Vi

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm