Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nguyên nhân để chân lên tường bị tê chân

Ngày 20/09/2022
Kích thước chữ

Tư thế để chân lên tường là một tư thế yoga đem lại nhiều lợi ích sức khỏe, khiến nó trở thành tư thế phổ biến cho những người mới bắt đầu tập yoga. Nhưng khi bạn để chân lên tường bị tê chân, vậy nguyên nhân cho vấn đề này là gì? Hãy cùng đi tìm câu trả lời trong bài viết này nhé!

Yoga là một phương pháp luyện tập trí óc giúp bạn giải tỏa căng thẳng và giúp cơ thể trở nên linh hoạt. Để chân lên tường là một bài tập yoga giúp cơ thể giảm căng thẳng, nhưng khi để chân lên tường có thể sẽ bị tê chân. Cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu nguyên nhân để chân lên tường bị tê chân thông qua bài viết dưới đây!

Nguyên nhân để chân lên tường bị tê chân và tư thế để chân lên tường đúng cách 1 Nguyên nhân khi bạn để chân lên tường bị tê chân là gì?

Lợi ích của tư thế để chân lên tường

Để chân lên tường là một tư thế yoga phục hồi cho phép cơ thể và tâm trí được thư giãn, giúp giảm căng thằng và mệt mỏi. Đây là một trong những tư thế dễ thực hiện nhất vì nó không đòi hỏi nhiều sự linh hoạt hay sức lực của cơ thể. Dù là một tư thế thụ động, lợi ích của tư thế để chân lên tường khá tuyệt vời.

Một số lợi ích của tư thế để chân lên tường:

  • Thư giãn tâm trí và cơ thể: Để chân lên tường là một cách tuyệt vời giúp xoa dịu thần kinh và giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Tư thế này giúp bạn giải tỏa những lo lắng, căng thẳng và lấy lại trạng thái cân bằng.
  • Tăng lưu thông tuần hoàn: Tư thế này có thể giúp giảm phù nề ở chân và bàn chân, đảo ngược tác động của trọng lực lên phần nửa dưới của cơ thể. Tư thế này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc dẫn lưu tĩnh mạch, đồng thời cải thiện lưu chuyển của tuần hoàn, tác động tích cực tới những người bị huyết áp thấp hoặc dành nhiều thời gian để đứng do yêu cầu công việc.
  • Làm dịu chứng chuột rút: Động tác này là một trong nhiều cách giúp làm dịu đi tình trạng chuột rút. Tư thế này có thể được thực hiện ngay sau khi hoạt động thể chất hoặc do những tác động xấu do ngồi hoặc đứng quá lâu trong ngày. Ngoài ra, để chân lên tường còn giúp thư giãn cơ sàn chậu, giảm đau bụng kinh, đau lưng.
  • Giảm đau đầu và đau nửa đầu: Vì phần lớn các cơn đau đầu thường liên quan đến căng thẳng, tư thế này giúp các cơ ở cổ, vai và lưng được kéo căng nhẹ nhàng, đồng thời cải thiện lưu thông máu lên đầu.
  • Cải thiện giấc ngủ: Để chân lên tường là một tư thế thư giãn rất tốt. Việc kết hợp tư thế này cùng với việc kiểm soát nhịp thở giúp quá trình trao đổi chất trong cơ thể ổn định trở lại. Nhịp tim sau đó sẽ giảm xuống, tạo phản ứng cho cơ thể thư giãn, giúp đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
  • Kéo căng gân khoeo và cơ mông: Tư thế để chân lên tường nhẹ nhàng kéo giãn gân khoeo, cơ mông, cột sống và hông, đồng thời giảm bớt áp lực lên lưng dưới. Ngoài ra, góc nghiêng của cơ thể trong tư thế này làm giảm độ cong của cột sống thắt lưng, giúp kéo dài và kéo căng cơ lưng.
Nguyên nhân để chân lên tường bị tê chân và tư thế để chân lên tường đúng cách 2 Để chân lên tường giúp cải thiện giấc ngủ

Nguyên nhân để chân lên tường bị tê chân

Việc để chân lên tường bị tê chân có thể không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng. Khi thực hiện động tác này, hay bất cứ bài tập nào khác, sẽ làm lưu lượng máu tăng lên trong cơ thể. Lúc này, các cơ sẽ "nở" ra để thích ứng với bài tập. Mặc dù điều này giúp tăng phát triển cơ và sức bền, nhưng đồng thời chúng cũng gây chèn ép các dây thần kinh và tĩnh mạch, khiến cho chân bị ngứa ran hoặc tê bì trong hoặc sau khi để chân lên tường.

Để chân lên tường bị tê chân cũng có thể là do cân bằng chất lỏng trong cơ thể bị thay đổi, dẫn đến mất cân bằng điện giải hoặc mất nước, gây ảnh hưởng đến cách các cơ co lại và thư giãn. Điều này đặc biệt xảy ra ở những người bị giảm natri, canxi và kali trong máu, vì cơ bắp cần những chất điện giải này để co lại.

Ngoài ra, việc đi những đôi giày tập hoặc quần áo quá ôm sát có thể làm cản trở lưu thông của máu, gây ra tê chân. Tuy nhiên nếu không phải do nguyên nhân quần áo chật, hiện tượng tê chân khi để chân lên tường có thể là dấu hiệu của chấn thương. Nếu không thực hiện động tác đung cách, chấn thương cùng bên hoặc thoát vị đĩa đệm có thể sẽ xảy ra, gây tê chân ngay cả khi không luyện tập.

Nguyên nhân để chân lên tường bị tê chân và tư thế để chân lên tường đúng cách 3 Mặc quần áo tập quá chật có thể bị tê chân khi tập luyện

Một nguyên nhân nữa cũng có thể gây tê chân khi thực hiện động tác này là do u thần kinh Morton. Đặc điểm của tình trạng này là các cơn đau nhói lên ở chân, đồng thời là cảm giác tê và bỏng rát ở bàn chân.

Tư thế để chân lên tường như thế nào là đúng?

Nhìn chung, tình trạng để chân lên tường bị tê chân thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và không quá ảnh hưởng đến sức khỏe. Để giảm tình trạng tê bì chân, cũng như tránh khỏi các chấn thương không đáng có, bạn nên thực hiện tư thế này đúng cách.

Các bước để thực hiện tư thế để chân lên tường đúng cách:

  • Bước 1: Bắt đầu tư thế bằng cách ngồi dựa lưng trái vào tường.
  • Bước 2: Nhẹ nhàng xoay người sang trái và đưa hai chân lên tường. Dùng tay để giữ thăng bằng khi xoay người.
  • Bước 3: Hạ lưng xuống sàn và nằm xuống. Để vai và đầu nằm trên sàn nhà.
  • Bước 4: Nhẹ nhàng đẩy mông sát vào tường. Để cánh tay mở rộng ở hai bên, lòng bàn tay hướng lên trên.
  • Bước 5: Thả lỏng chân để lực dồn về phía xương chậu.
  • Bước 6: Giữ tư thế này từ 5 – 10 phút, kết hợp với hít thở đều.
  • Bước 7: Để thả lỏng, từ từ đẩy người ra khỏi tường và trượt hai chân xuống bên phải. Dùng tay để giữ thăng bằng khi trở lại tư thế ngồi.
Nguyên nhân để chân lên tường bị tê chân và tư thế để chân lên tường đúng cách 4 Thực hiện đúng tư thế giúp giảm nguy cơ chấn thương

Lưu ý khi thực hiện để chân lên tường

Mặc dù tư thế để chân lên tường rất dễ thực hiện, nhưng người tập cũng cần lưu ý những điều sau đây:

  • Trong quá trình tập luyện, không nên mặc quần áo hoặc đi giày quá chật.
  • Những người đang đang bị chấn thương cơ bắp chân, hông, lưng dưới, xương chậu, đầu gối, mắt cá chân, cổ… không nên thực hiện động tác để chân lên tường, vì nó có thể gây khó khăn hoặc tăng nặng chấn thương trong quá trình duy trì tư thế.
  • Người tập đang bị viêm đốt sống cổ, trượt đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, đau lưng dữ dội, các vấn đề liên quan đến tim… không nên thực hiện động tác này.
  • Dù là động tác đơn giản nhưng những người bị tăng nhãn áp, vừa thực hiện phẫu thuật đục thủy tinh thể, hoặc đang gặp các vấn đề liên quan đến mắt khác không nên thực hiện động tác này.
  • Trong quá trình để chân lên tường bị tê chân, mông, lưng dưới hoặc vị trí khác, người tập nên dừng động tác này ngay lập tức.
Nguyên nhân để chân lên tường bị tê chân và tư thế để chân lên tường đúng cách 5 Không thực hiện để chân lên tường khi bị đau cổ

Vậy là bạn đã cùng Nhà Thuốc Long Châu giải đáp được các nguyên nhân khi để chân lên tường bị tê chân và giới thiệu cho bạn đọc tư thế để chân lên tường đúng cách. Nhà Thuốc Long Châu chúc bạn đọc có một ngày nhiều sức khỏe và làm việc hiệu quả! Theo dõi website của nhà thuốc Long Châu để cập nhật thêm nhiều thông tin sức khỏe bổ ích bạn nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin