Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Nguyên nhân gây nứt gót chân và các biện pháp phòng ngừa

Ngày 02/08/2022
Kích thước chữ

Nứt da gót chân khiến người bệnh rất khó chịu, đặc biệt là cảm giác đau đớn khi di chuyển hoặc đứng lâu do vết nứt gây ra. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng và gây ra nhiều nguy cơ viêm da. Vậy nứt gót chân là bệnh gì và nguyên nhân gây nứt gót chân là gì?

Nứt gót chân không phải bệnh lý nguy hiểm, nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Tìm hiểu được nguyên nhân gây nứt gót chân sẽ biết được giải pháp nào để điều trị dứt điểm và cách phòng ngừa không cho bệnh tái phát. 

Những nguyên nhân gây nứt gót chân

Nguyên nhân gây nứt gót chân và các biện pháp phòng ngừa 1 Thiếu nước là một trong các nguyên nhân gây nứt gót chân 

Nứt gót chân là một chứng bệnh ngoài da với các triệu chứng như da chân ngứa, bong tróc, nứt, thậm chí là chảy máu. Người có làn da khô thường bị nứt gót chân hoặc bệnh thường xảy ra hoặc tiến triển nặng khi thời tiết vào mùa hanh khô.

Những nguyên nhân gây nứt gót chân gồm:

Cơ thể thiếu nước

Khi cơ thể thiếu nước sẽ khiến bạn gặp các biến chứng nghiêm trọng như mệt mỏi và giảm sự trao đổi chất trong cơ thể. Tình trạng thiếu nước kết hợp với nhiệt độ thấp của không khí khiến cho da chân dễ bị thô ráp và nứt nẻ hơn.

Thừa cân, béo phì

Nếu như bạn bị thừa cân hoặc béo phì thì nguy cơ gây áp lực cho bàn chân và lớp mỡ dưới ở gót chân càng lớn. Khi đó, gót chân phải mở rộng hơn để hỗ trợ chức năng nâng đỡ cơ thể, vì thế gây nên tình trạng nứt gót chân.

Nứt gót chân có thể do thiếu vitamin

Nguyên nhân gây nứt gót chân có thể do cơ thể đang thiếu vitamin. Vậy bị nứt gót chân là thiếu chất gì? Khi cơ thể thiếu vitamin B3 có thể gây ra bệnh pellagra với triệu chứng khô da và nứt gót chân. Vitamin B3 thuộc nhóm vitamin hòa tan trong nước, có chức năng giúp cơ thể chuyển hoá thức ăn thành năng lượng và giúp cơ thể sử dụng protein cũng như chất béo để duy trì làn da, mái tóc và hệ thần kinh được khỏe mạnh. Bệnh Pellagra sẽ khiến da bị khô và bong tróc da trên tất cả các bộ phận của cơ thể bao gồm cả gót chân. Tuy nhiên tình trạng viêm da do bệnh này thường xuất hiện nhiều trên bàn chân. 

Ngoài ra, nguyên nhân gây nứt gót chân có thể do thiếu một số loại vitamin khác như vitamin A, vitamin E, vitamin C hoặc các vi chất như kẽm hoặc các acid béo không no nối đôi và nối đơn.

Mang giày không phù hợp

Khi bạn mang cỡ giày không vừa với chân, đi dép xỏ ngón hoặc mang giày cao gót có hở gót chân, điều này khiến cho lớp mỡ ở gót chân phải giãn nở rộng để cân bằng trọng lượng cho toàn bộ cơ thể. 

Nguyên nhân gây nứt gót chân và các biện pháp phòng ngừa 2 Mang giày, dép không phù hợp cũng gây nứt gót chân

Do đứng quá lâu

Đừng quá lâu cũng là một trong các nguyên nhân gây nứt gót chân. Khi bạn đứng quá lâu đặc biệt ở những nơi sàn gỗ hoặc sàn cứng có thể làm tăng thêm áp lực cho bàn chân và gót chân. Hơn nữa, việc đứng lâu còn gây áp lực cho toàn bộ vùng da ở chân đặc biệt là vùng gót chân. 

Nứt gót chân do mãn kinh

Những phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh thường bị chứng dày sừng ánh sáng hay gọi là dày sừng quang hóa (keratoderma) khiến cho da của toàn cơ thể bị nứt nẻ trong đó có cả da gót chân. Phụ nữ ở độ tuổi này cần cải thiện tình trạng nứt nẻ bằng cách sử dụng thuốc bôi mỡ estrogen cho gót chân theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Tắm sai cách

Khi bạn tắm với nước quá nóng, tắm lâu hoặc thường xuyên tắm nhiều lần trong ngày sẽ có hại cho gót chân của bạn. Điều này sẽ làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da khiến da khô hoặc sần sùi. Bên cạnh đó, khi bạn tắm và dùng các loại xà phòng hoặc chất tẩy rửa có hoạt tính mạnh cũng góp phần làm hỏng “hàng rào” bảo vệ tự nhiên của da, gây nứt da chân hoặc nứt nẻ da ở những bộ phận cơ thể khác, đặc biệt là gót chân.

Các biện pháp ngăn ngừa nứt nẻ gót chân

Khi đã biết rõ nguyên nhân gây nứt gót chân, bạn sẽ có cách điều trị và phòng ngừa căn bệnh này.

Những điều nên tránh để bảo vệ gót chân

  • Bạn không nên mang dép xỏ ngón và dép xăng đan vì có thể làm tăng nguy cơ khô chân.
  • Bạn cũng không nên chọn giày hở gót chân vì thường không cung cấp đủ sự hỗ trợ gót chân.
  • Tránh đi giày gót cao và nhọn, vì loại giày này có thể khiến gót chân lệch sang một bên.
  • Bạn hãy mang giày vừa vặn vì mang giày quá chật khiến chân bị nứt nẻ.

Để ngăn ngừa gót chân nứt nẻ

  • Tránh đứng một tư thế hoặc ngồi khoanh chân quá lâu, nên đổi tư thế thường xuyên.
  • Thoa kem dưỡng ẩm cho gót chân vào ban đêm, sau đó mang vớ để khóa ẩm cho chân.
  • Theo dõi gót chân hàng ngày, đặc biệt khi bạn bị bệnh tiểu đường hoặc một bệnh khác gây khô da.
  • Mang đệm lót giày tùy chỉnh (nẹp chỉnh hình) để lót gót chân cho êm và phân bổ đều trọng lượng cơ thể trên chân.
  • Bạn lưu ý mang vớ có đệm chất lượng tốt hoặc đã được kiểm nghiệm lâm sàng.
  • Để giữ ẩm vùng da gót chân và giúp phần đệm gót chân không bị giãn nở, bạn có thể sử dụng miếng lót gót chân silicon.
  • Uống nhiều nước.
  • Sử dụng đá bọt sau khi tắm để giúp ngăn da dày lên. Tuy nhiên, tránh nạy để loại bỏ vết chai ở chân nếu bạn bị tiểu đường hoặc các bệnh lý thần kinh ngoại biên. Việc làm này có thể vô tình tạo ra vết thương hở và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Tránh bị nứt gót chân bằng cách ngâm chân

Nguyên nhân gây nứt gót chân và các biện pháp phòng ngừa 3 Ngâm chân thường xuyên có thể khắc phục tình trạng nứt gót chân

Khắc phục tình trạng bị nứt gót chân, bạn nên thường xuyên ngâm chân với các nguyên liệu tự nhiên. Ví dụ, để giúp bạn dễ dàng tẩy sạch tế bào chết và làm mềm phần da chết trên gót chân, bạn có thể ngâm chân bằng hỗn hợp nước pha loãng với listerine. Listerine cũng là một chất khử trùng thân thiện, lành tính với da nhờ các phytochemical và thymole có tính chất gần giống với tinh dầu bạc hà, giúp đẩy lùi các nguyên nhân gây nứt gót chân và giữ gìn sự mềm mại cho da.

Chuẩn bị:

  • 1 cốc listerine.
  • 1 cốc giấm trắng.
  • 2 cốc nước đủ để chân ngập trong nước.

Thực hiện:

  • Bạn pha đều hỗn hợp nước, listerine và giấm trắng vào trong chậu đủ rộng để chứa hai bàn chân.
  • Đặt chân vào chậu chứa hỗn hợp trên và ngâm trong khoảng 15 phút.
  • Lấy chân ra, chà nhẹ gót chân bằng đá bọt.
  • Rửa lại chân bằng nước ấm, dùng khăn vải mềm lau khô chân rồi thoa kem dưỡng ẩm vào gót chân.

Ngoài ra bạn có thể thử một số cách khác như trị nứt gót chân bằng chuối, dừa, baking soda... Nứt gót chân để lâu có thể nặng hơn dẫn đến chảy máu khó chịu. Hi vọng bài viết chia sẻ về nguyên nhân gây nứt gót chân bên trên sẽ giúp bạn phòng ngừa bệnh hiệu quả hơn.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm