Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Nguyên nhân khiến trẻ cứ 12h đêm la khóc và các biện pháp khắc phục

Ngày 15/12/2024
Kích thước chữ

Trẻ cứ 12h đêm la khóc khiến nhiều bậc cha mẹ đứng ngồi không yên. Hiểu được tâm lý đó, trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ bật mí cho bạn đọc nguyên nhân khiến trẻ cứ 12h đêm la khóc và cách khắc phục. Chính vì thế, nếu cha mẹ cũng đang quan tâm đến chủ đề này thì đừng bỏ qua bài viết hôm nay cha mẹ nhé.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến trẻ cứ 12h đêm la khóc? Cha mẹ phải làm gì để khắc phục tình trạng này? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu bài viết dưới đây để tìm ra lời giải đáp cho những thắc mắc này nhé.

Đặc điểm khi trẻ khóc đêm

Trẻ khóc đêm là nỗi ám ảnh của không ít mẹ bỉm sữa. Theo các chuyên gia, khóc đêm hay khóc dạ đề là tình trạng trẻ khóc dữ dội vào một thời điểm cố định trong ngày, thường vào buổi tối hoặc giữa đêm, mà không có nguyên nhân rõ ràng. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở trẻ trong giai đoạn 2-3 tháng tuổi.

Những đặc điểm khi trẻ khóc đêm bao gồm:

  • Khóc thét dữ dội: Bé khóc với âm lượng lớn, không ngừng, khiến mặt và toàn thân ửng đỏ vì gắng sức.
  • Trẻ thường quấy khóc vào một khung giờ cố định, phổ biến là vào chiều tối hoặc đúng khoảng 12h đêm, khiến cha mẹ khó hiểu và khó dỗ.
  • Căng cơ và khó chịu rõ rệt: Hai bàn tay nắm chặt, bụng căng cứng, đầu gối co lên, lưng cong, cơ thể oằn mình. Đây là dấu hiệu trẻ cảm thấy đau đớn hoặc khó chịu.
  • Giấc ngủ không sâu: Trẻ thường xuyên giật mình tỉnh giấc và khóc ré lên, khiến giấc ngủ bị ngắt quãng, không kéo dài.
  • Vì khóc đêm nhiều, trẻ thường bỏ bú hoặc bú không đủ trong các cữ chiều tối, dẫn đến thiếu dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự phát triển.
Nguyên nhân khiến trẻ cứ 12h đêm la khóc và các biện pháp khắc phục 1
Khóc thét dữ dội là một trong những đặc điểm khi trẻ khóc đêm

Vì sao trẻ cứ 12h đêm la khóc?

Hiện tượng trẻ khóc dạ đề (khóc dai dẳng vào ban đêm) là vấn đề khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Hiện tượng này được lý giải qua hai góc độ chính đó là tâm linh và khoa học.

Về tâm linh

Trong quan niệm dân gian, trẻ khóc dạ đề thường gắn liền với những yếu tố mang tính tâm linh như:

  • Ảnh hưởng từ đám tang: Người lớn trong gia đình mới đi dự đám tang có thể mang theo "âm khí" về nhà, khiến trẻ nhạy cảm và khó chịu.
  • Giờ sinh xấu: Trẻ sinh vào những giờ không may mắn (như giờ mão mùa đông, giờ ngọ mùa xuân, giờ dậu mùa hè, giờ tý mùa thu) có thể dễ bị quấy nhiễu về tâm linh.
  • Phong thủy nhà ở: Môi trường sống có nhiều âm khí hoặc phong thủy yếu kém cũng được cho là ảnh hưởng đến tâm trạng và sức khỏe của trẻ.

Theo khoa học

Tính đến thời điểm hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác khiến trẻ cứ 12h đêm la khóc song có một số giả thuyết được đưa ra nhằm giải thích hiện tượng trẻ cứ 12h đêm la khóc, cụ thể:

  • Hệ thần kinh của trẻ chưa hoàn thiện, trẻ thường nhạy cảm với môi trường xung quanh. Một tiếng động nhỏ hoặc ánh sáng đột ngột có thể khiến trẻ giật mình và khóc. Ngoài ra, do hệ thần kinh của trẻ còn non yếu, trẻ dễ gặp phải căng thẳng hoặc phản ứng mạnh mẽ với ác mộng.
  • Những vấn đề về tiêu hóa phổ biến ở trẻ nhỏ như trào ngược dạ dày, đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu… cũng có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu và thức giấc.
  • Bỉm ướt hoặc đói bụng: Trẻ khóc vào ban đêm có thể do bỉm bẩn hoặc cảm giác đói. Việc kiểm tra và thay bỉm hoặc cho bé bú kịp thời sẽ giúp cải thiện giấc ngủ.
  • Trẻ bị thiếu hụt canxi và còi xương cũng có thể là yếu tố tác động khiến trẻ khóc đêm. Khi bị thiếu hụt canxi, trẻ thường có biểu hiện ra mồ hôi trộm, chậm mọc răng, rụng tóc vành khăn, giật mình khi ngủ…
  • Ngoài ra, các yếu tố môi trường như nhiệt độ phòng, ánh sáng, âm thanh… cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ cứ 12h đêm la khóc.
Nguyên nhân khiến trẻ cứ 12h đêm la khóc và các biện pháp khắc phục 2
Vì sao trẻ cứ 12h đêm la khóc?

Ảnh hưởng của việc trẻ cứ 12h đêm la khóc

Thực tế cho thấy, trẻ cứ 12h đêm la khóc không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến cha mẹ hay người chăm sóc trẻ. Cụ thể:

Về phía trẻ

Việc trẻ khóc đêm kéo dài, đặc biệt kèm theo những dấu hiệu bất thường (bỏ bú, chậm tăng cân, biểu hiện bệnh lý), có thể dẫn đến:

  • Chán ăn: Quấy khóc làm trẻ mệt mỏi, giảm hứng thú với việc bú sữa hoặc ăn uống. Các cữ bú cũng vì thế mà bị gián đoạn, ảnh hưởng trực tiếp đến dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển.
  • Chậm phát triển: Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển não bộ, tăng trưởng chiều cao và cân nặng. Trẻ khóc đêm liên tục sẽ không có được giấc ngủ chất lượng và hậu quả là làm chậm tốc độ tăng trưởng và ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài của trẻ.
  • Nguy cơ rủi ro cao: Khóc quá lâu không được dỗ dành có thể khiến trẻ mệt mỏi, khó thở, thậm chí là dẫn đến nhiều vấn đề hô hấp nghiêm trọng. Ngoài ra, trẻ khóc đêm kéo dài còn làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.

Về phía cha mẹ

Việc bé khóc đêm cũng gây tác động tiêu cực đến sức khỏe và tinh thần của phụ huynh:

  • Mất ngủ, mệt mỏi: Cha mẹ không có đủ giấc ngủ dẫn đến kiệt sức và giảm khả năng chăm sóc con.
  • Căng thẳng, chán nản: Nghe trẻ khóc liên tục mà không tìm ra nguyên nhân hoặc cách giải quyết dễ khiến cha mẹ rơi vào tâm lý bất lực, thậm chí có nguy cơ trầm cảm sau sinh.
Nguyên nhân khiến trẻ cứ 12h đêm la khóc và các biện pháp khắc phục 3
Trẻ cứ 12h đêm la khóc khiến cha mẹ mệt mỏi

Phải làm sao để cải thiện tình trạng trẻ cứ 12h đêm la khóc?

Trẻ sơ sinh khóc đêm thường là do các thay đổi sinh lý, như mọc răng, tè dầm, đói hoặc sự chưa thích nghi hoàn toàn với môi trường bên ngoài. Hiện tượng này thường sẽ tự hết khi bé được 3-6 tháng tuổi.

Tuy nhiên, nếu trẻ khóc kéo dài do bệnh lý (như trào ngược dạ dày, thiếu canxi, hoặc còi xương), cần điều trị đúng cách để cải thiện tình trạng này.

Ngoài ra, để cải thiện tình trạng khóc đêm cho trẻ, theo các chuyên gia, cha mẹ nên:

  • Thiết lập giờ ngủ cố định: Tạo thói quen cho trẻ biết phân biệt giờ ngủ và giờ thức. Trước khi ngủ, thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng giúp bé thư giãn như tắm, mát xa cơ thể của trẻ, âu yếm, thủ thỉ trò chuyện, đọc sách, kể chuyện hoặc hát ru bé. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể cho trẻ nghe nhạc êm dịu hoặc các bản hòa tấu nhẹ nhàng.
  • Thay đổi không gian ngủ: Tránh tiếng ồn lớn, ánh sáng mạnh khiến trẻ giật mình. Thường xuyên vệ sinh phòng ngủ, chỗ ngủ thoáng mát và sạch sẽ. Đảm bảo nơi bé ngủ không bị gió lùa, quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Đảm bảo bé được bú no: Bú no trước khi ngủ sẽ giúp bé không bị đói giữa đêm và dễ ngủ hơn. Sau khi bú, bế thẳng trẻ khoảng 10-15 phút để ợ hơi, tránh đầy bụng gây khó chịu.
  • Bổ sung canxi và vitamin D: Như đã trình bày phía trên, thiếu hụt canxi hoặc vitamin D có thể làm trẻ giật mình, khó ngủ. Hãy đảm bảo rằng mẹ và bé có chế độ ăn uống đầy đủ các thực phẩm giàu canxi và vitamin D. Cho trẻ tắm nắng thường xuyên vào buổi sáng để cơ thể tổng hợp vitamin D tự nhiên.
  • Nếu gia đình tin vào yếu tố tâm linh, có thể thử một số mẹo sau để yên tâm hơn: Treo tỏi đầu giường, đặt gối đinh lăng, sử dụng cành dâu tằm treo ở nơi trẻ ngủ, xông phòng bằng tinh dầu, đặt dao cùn đầu giường…
  • Cha mẹ nên đưa trẻ đi kiểm tra nếu: Trẻ khóc đêm kéo dài dù đã thử các biện pháp trên. Trẻ có biểu hiện bỏ bú, chậm tăng cân hoặc các dấu hiệu bệnh lý như sốt, tiêu chảy. Trẻ khóc đêm kèm theo co giật, khó thở hoặc các triệu chứng bất thường khác.
Nguyên nhân khiến trẻ cứ 12h đêm la khóc và các biện pháp khắc phục 4
Cha mẹ nên đưa trẻ đến khám bác sĩ nếu trẻ khóc đêm kéo dài kèm triệu chứng bất thường

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh hiện tượng trẻ cứ 12h đêm la khóc mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Có thể thấy rằng, hiện tượng trẻ cứ 12h đêm la khóc là hiện tượng khá phổ biến và thường không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc chăm sóc đúng cách, xác định nguyên nhân đồng thời tạo môi trường thuận lợi để trẻ dễ đi vào giấc ngủ sẽ giúp giảm tình trạng này, đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ và giảm căng thẳng cho cha mẹ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin