Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị máu tụ dưới màng cứng mạn tính
Ngày 25/07/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Máu tụ dưới màng cứng mạn tính là một tình trạng nguy hiểm có thể gây đe dọa tính mạng, vì vậy bất cứ trường hợp nào sau chấn thương đầu đều cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Để hiểu rõ hơn về tụ máu dưới màng cứng mạn tính, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Tụ máu dưới màng cứng là một loại chảy máu trong sọ, vị trí nằm gần não và thường xảy ra sau chấn thương đầu. Các triệu chứng như đau đầu và nói lắp có thể phát triển ngay sau chấn thương hoặc nhiều ngày đến nhiều tháng sau đó, lúc này được gọi là máu tụ dưới màng cứng mạn tính.
Nguyên nhân gây máu tụ dưới màng cứng mạn tính
Tụ máu dưới màng cứng mạn tính là một tập hợp cũ của máu và các sản phẩm phân hủy máu giữa bề mặt não và lớp phủ ngoài cùng của não (màng cứng). Giai đoạn mạn tính của tụ máu dưới màng cứng bắt đầu vài tuần sau lần chảy máu đầu tiên.
Tụ máu dưới màng cứng phát triển khi các tĩnh mạch bắc cầu bị rách gây xuất huyết và rò rỉ máu. Đây thường là những tĩnh mạch nhỏ chạy giữa màng cứng và bề mặt não và thường là kết quả của chấn thương đầu. Sau đó, một khối máu tụ hình thành trên bề mặt não. Trong trường hợp tụ máu dưới màng cứng mạn tính, máu rò rỉ từ tĩnh mạch chậm theo thời gian có thể từ nhiều ngày đến vài tháng sau đó.
Tụ máu dưới màng cứng thường gặp hơn ở người lớn tuổi do não co lại, teo nhỏ lại hơn mức bình thường khi lão hóa. Sự co lại này làm các tĩnh mạch bắc cầu bị kéo giãn và suy yếu, làm chúng có nhiều nguy cơ bị vỡ hơn trên người lớn tuổi, ngay cả sau chấn thương đầu nhẹ.
Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng gây máu tụ dưới màng cứng có thể kể đến như:
Sử dụng rượu trong thời gian dài, nghiện rượu.
Sử dụng aspirin, thuốc chống đông máu như warfarin hoặc thuốc kháng viêm như ibuprofen trong thời gian dài.
Các bệnh dẫn đến giảm đông máu, rối loạn đông máu.
Chấn thương đầu.
Người cao tuổi.
Triệu chứng của tụ máu dưới màng cứng mạn tính
Trong một số trường hợp tình trạng này có thể không biểu hiện ra triệu chứng. Tuy nhiên, tùy thuộc vào kích thước của khối máu tụ và vị trí nó chèn ép lên não, bất kỳ triệu chứng nào sau đây có thể xảy ra:
Đau đầu dai dẳng.
Khó đi lại, chóng mặt và mất thăng bằng.
Buồn nôn và ói mửa.
Mệt mỏi.
Lú lẫn và khó nói.
Thường xuyên mệt mỏi, uể oải.
Bất thường về hệ thần kinh và yếu ở tay, chân.
Mất trí nhớ và thay đổi tính cách, đặc biệt phổ biến ở người cao tuổi.
Trong trường hợp xuất huyết não nghiêm trọng, tình trạng bệnh nhân có thể xấu đi và xuất hiện các triệu chứng như:
Máu tụ dưới màng cứng mạn tính có thể thường gặp hơn đối với những đối tượng sau đây:
Những người bị chấn thương ở đầu.
Người già.
Trẻ sơ sinh.
Bệnh nhân đang uống thuốc chống đông máu.
Các vận động viên chơi những môn thể thao tác động mạnh.
Những người tiêu thụ quá nhiều rượu.
Các biến chứng của tụ máu dưới màng cứng mạn tính có thể xảy ra:
Tổn thương não vĩnh viễn.
Các triệu chứng kéo dài dai dẳng, chẳng hạn như đau đầu, lú lẫn, khó tập trung, chóng mặt và mất trí nhớ.
Co giật.
Phương pháp điều trị tụ máu dưới màng cứng mạn tính
Nhìn chung, những bệnh nhân không có triệu chứng được điều trị bằng các biện pháp bảo tồn bao gồm theo dõi, điều trị nội khoa, kiểm soát áp lực nội sọ, đảo ngược thuốc chống đông máu và các lần kiểm tra liên tiếp.
Phương pháp điều trị được lựa chọn dựa trên sự xuất hiện của các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng (đau đầu nhẹ so với co giật động kinh) liên quan đến khối máu tụ cũng như kích thước và hiệu ứng choán chỗ của nó. Nếu có triệu chứng nặng hoặc khối máu tụ dày hơn 10mm hay đẩy lệch đường giữa hơn 7 mm, phẫu thuật sẽ được đề nghị. Bằng chứng về sự tiến triển trên phim chụp X quang trong quá trình theo dõi bảo tồn cũng là một chỉ định hợp lý cho điều trị phẫu thuật.
Phẫu thuật hút dịch
Phương pháp điều trị phổ biến nhất là phẫu thuật nhằm giảm áp lực trong não. Nhiều kỹ thuật phẫu thuật khác nhau đã được đề xuất và thúc đẩy một số đánh giá và thử nghiệm lâm sàng:
Phẫu thuật mở sọ sau đó dẫn lưu máu tụ tự phát.
Phẫu thuật mở sọ và dẫn lưu ống thông.
Phẫu thuật mở sọ nhỏ và loại bỏ máu tụ bằng phương pháp nội soi.
Tạo shunt dưới màng cứng - phúc mạc như một phương pháp thay thế cho trẻ sơ sinh và bệnh nhân cao tuổi.
Phẫu thuật mở sọ lớn, loại bỏ máu tụ và cắt màng não, hoặc dẫn lưu qua lỗ khoan có hoặc không có hệ thống dẫn lưu kín liên tục.
Một phương pháp điều trị tụ máu dưới màng cứng mạn tính khác là thuyên tắc động mạch màng não giữa. Trong thủ thuật này, bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu để đưa ống thông qua các mạch máu ở cánh tay hoặc chân, được hướng dẫn bằng tia X, đến động mạch màng não giữa ở phía hộp sọ có tụ máu. Nằm ở mặt dưới của hộp sọ, động mạch màng não giữa có chức năng cung cấp máu cho các màng bao quanh tụ máu và góp phần vào sự phát triển của nó. Bác sĩ phẫu thuật sẽ dùng cuộn dây bằng bạch kim siêu nhỏ hoặc sử dụng vật liệu dính để làm tắc hoàn toàn động mạch màng não giữa để giảm chảy máu. Sau thủ thuật, chảy máu từ màng tụ máu dưới màng cứng bất thường sẽ giảm và tụ máu bắt đầu co lại. Thông thường, tụ máu sẽ tự khỏi sau vài tháng.
Các phương pháp điều trị khác có thể sử dụng là dùng thuốc, ví dụ như thuốc chống co giật để ngăn ngừa co giật tổn thương não hoặc corticosteroid để giảm sưng.
Tiên lượng của bệnh nhân bị máu tụ dưới màng cứng mạn tính
Bệnh nhân bị tụ máu dưới màng cứng mạn tính sẽ có quá trình phục hồi và phục hồi chức năng riêng biệt. Quá trình phục hồi có thể mất nhiều tuần, nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm, tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của tụ máu, vị trí chấn thương đầu, mức độ tổn thương não và tốc độ trị liệu của bệnh nhân. Một số bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng suốt đời hoặc biến chứng kéo dài do tụ máu hoặc do điều trị. Trong những trường hợp này, liệu pháp phục hồi chức năng có thể cần thiết để giúp bệnh nhân tiếp tục các hoạt động bình thường. Các liệu pháp phục hồi chức năng có thể bao gồm:
Vật lý trị liệu nhằm phục hồi lại khả năng vận động, khả năng phối hợp hoặc tình trạng suy nhược cơ của người bệnh.
Liệu pháp nghề nghiệp giúp khôi phục các công việc thường ngày.
Liệu pháp ngôn ngữ hoặc giọng nói để phục hồi hoặc cải thiện các vấn đề về giọng nói hoặc ngôn ngữ.
Liệu pháp tâm lý nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến tâm trạng, hành vi, sự ổn định về mặt cảm xúc, các vấn đề về tập trung hoặc chú ý hoặc các mối quan tâm khác.
Điều quan trọng cần biết là mỗi người bệnh sẽ có tốc độ hồi phục chức năng khác nhau, cần dành nhiều thời gian để tịnh dưỡng và nghỉ ngơi, bao gồm cả việc tạm ngừng sử dụng thiết bị điện tử.
Tóm lại, máu tụ dưới màng cứng mạn tính là loại tụ máu có thể gây chảy máu chậm trong não và mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng để phát triển các triệu chứng, nhưng tất cả đều cần được điều trị ngay khi các triệu chứng của chúng phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.