Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Áp lực nội sọ là gì?

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Áp lực nội sọ bình thường khoảng 7 – 15 mmHg. Nếu tăng lớn hơn 20 mgHg được gọi là tăng áp lực nội sọ. Tăng áp lực nội sọ là một trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức để ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn hoặc tử vong.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Áp lực nội sọ là gì?

Áp lực nội sọ (ICP) là áp lực gây ra bởi dịch não tủy, mô não và máu bên trong hộp sọ. Thể tích não chiếm 80%, máu 10% và dịch não tủy chiếm 10% trong hộp sọ. Áp lực nội sọ được đo bằng milimet thủy ngân (mmHg), thường là 7-15 mmHg.

Tăng huyết áp nội sọ khi áp lực lực nội sọ ở mức lớn hơn 20 mmHg. Để hiểu rõ về tăng áp lực nội sọ, hãy nghĩ hộp sọ như một cái hộp cứng. Sau chấn thương não, hộp sọ có thể bị lấp đầy bởi mô não, máu hoặc dịch não tủy. Hộp sọ sẽ không căng ra như da để đối phó với những thay đổi này. Hộp sọ có thể trở nên quá đầy và làm tăng áp lực lên mô não. Điều này được gọi là tăng áp lực nội sọ.

Não là cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể, nếu áp lực nội sọ càng cao thì nguy cơ thiếu máu lên não, thoát vị não càng lớn. Hậu quả là mô não dần chết đi và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Tăng áp lực nội sọ thường gặp trong các tình huống chấn thương sọ não, u não,… Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp có thể không tìm ra nguyên nhân, còn được gọi là tăng áp lực nội sọ vô căn, những người có nguy cơ mắc tăng áp lực nội sọ vô căn thường là phụ nữ 20-50 tuổi, béo phì, hội chứng Cushing, suy giáp hoặc cường giáp. Áp lực nội sọ tăng kéo dài trong tăng áp nội sọ vô căn có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tăng áp lực nội sọ

Trẻ sơ sinh:

  • Ngủ nhiều hơn bình thường;
  • Thóp phồng;
  • Nôn vọt.

Trẻ lớn hơn và người lớn:

  • Giảm sự tỉnh táo;
  • Đau đầu;
  • Nhìn mờ;
  • Hôn mê;
  • Các triệu chứng của hệ thần kinh, bao gồm yếu, tê, các vấn đề về chuyển động của mắt và nhìn đôi;
  • Co giật;
  • Nôn vọt.

Khi nào nên gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào của tăng áp lực nội sọ, đặc biệt là đau đầu đột ngột, nôn vọt, hãy đến bệnh viện cấp cứu gần nhất để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến áp lực nội sọ bất thường

Tăng áp lực nội sọ là một vấn đề y tế nghiêm trọng và đe dọa tính mạng. Áp lực lớn có thể làm tổn thương não hoặc tủy sống bằng cách đè lên các cấu trúc quan trọng và hạn chế lưu lượng máu vào não. Nhiều tình trạng có thể làm tăng áp lực nội sọ. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Vỡ phình động mạch và xuất huyết dưới nhện;
  • U não;
  • Viêm não;
  • Chấn thương sọ não;
  • Não úng thủy;
  • Xuất huyết não;
  • Xuất huyết não thất;
  • Viêm màng não;
  • Áp xe não;
  • Tụ máu dưới màng cứng;
  • Cục máu đông trong tĩnh mạch não (huyết khối xoang tĩnh mạch).
Áp lực nội sọ là gì? 4
U não là một trong những nguyên nhân gây tăng áp lực nội sọ

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc tăng áp lực nội sọ?

Những người chấn thương đầu sau tai nạn giao thông có nguy cơ tăng áp lực nội sọ cao hơn. Cho nên, nếu bạn có chấn thương vùng đầu, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được theo dõi, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tăng áp lực nội sọ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ tăng áp lực nội sọ bao gồm:

  • Tai nạn giao thông;
  • Béo phì;
  • Nhiễm độc vitamin A;
  • Thiếu máu thiếu sắt nặng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tăng áp lực nội sọ

Để chẩn đoán tăng áp lực nội sọ, bác sĩ có thể sẽ thực hiện các bước như sau:

  • Hỏi về tiền căn bản thân, gia đình và khám thực thể bao gồm khám thần kinh để kiểm tra các giác quan, sự cân bằng và trạng thái tinh thần.
  • Soi đáy mắt: Khám đáy mắt rất quan trọng trong tăng áp lực nội sọ. Thường tăng áp lực nội sọ gây phù gai thị.
  • Chọc dò tủy sống: Xét nghiệm giúp đo áp lực của dịch não tủy, giúp chẩn đoán hội chứng tăng áp lực nội sọ, ngoài ra chọc dò tủy sống còn giúp chẩn đoán các trường hợp hợp khác như viêm não, viêm màng não.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI): Là xét nghiệm hình ảnh giúp quan sát toàn bộ cấu trúc bên trong đầu và hộp sọ. Xét nghiệm giúp xác định nguyên nhân gây tăng áp lực nội sọ.
  • Xét nghiệm sinh hóa máu: Các xét nghiệm máu giúp bác sĩ đánh giá tình trạng nhiễm trùng và phát hiện các bệnh lý khác đi kèm.
Áp lực nội sọ là gì? 5
Phương pháp chọc dò tủy sống chẩn đoán tăng áp lực nội sọ

Tăng áp lực nội sọ vô căn có thể được chẩn đoán nếu bạn có tăng áp lực nội sọ và không tìm thấy nguyên nhân nào khác.

Phương pháp điều trị tăng áp lực nội sọ

Việc điều trị tăng áp lực nội sọ phụ thuộc vào nguyên nhân.

Đối với các dạng tăng tăng áp lực nội sọ lâu dài hoặc mãn tính, đặc biệt là tăng huyết áp nội sọ vô căn, một loại thuốc lợi tiểu như Acetazolamide sẽ được sử dụng để điều trị. Trong trường hợp có u não, Dexamethasone được dùng để giảm áp lực nội sọ. Mặc dù cơ chế chính xác vẫn chưa được biết nhưng nghiên cứu hiện tại cho thấy Dexamethasone có khả năng làm giảm hàm lượng nước quanh khối u và áp lực mô não cục bộ để giảm áp lực nội sọ.

Điều trị tăng áp lực nội sọ có thể bao gồm các phương pháp:

  • Tư thế nằm: Nằm đầu cao để giảm đau, an thần.
  • Truyền Mannitol: Truyền Mannito là liệu pháp thẩm thấu làm giảm áp lực nội sọ.
  • Furosemid: Thuốc Furosemid giúp giảm phù não và giảm sản xuất dịch não tủy.
  • Chọc dò dịch não tủy: Đây là phương pháp có thể hỗ trợ cả chẩn đoán và điều trị, nó giúp rút bớt dịch não tủy dư thừa ra ngoài từ đó giúp giảm áp lực nội sọ lên não. Tuy nhiên, cần chú ý không được rút 1 lần quá nhiều sẽ gây áp lực nội sọ giảm quá thấp.
  • Barbiturat: Có thể được xem xét trong trường hợp thuốc an thần và các phương pháp điều trị thông thường không thành công trong việc giảm áp lực nội sọ.
  • Liệu pháp hạ thân nhiệt: Hạ thân nhiệt đến 32-35ᵒC có thể được sử dụng trong trường hợp tăng áp lực nội sọ dai dẳng không đáp ứng với liệu pháp tăng thẩm thấu và Barbiturat.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật giải áp là một phẫu thuật thần kinh trong đó một phần của hộp sọ được cắt bỏ và màng cứng được nâng lên, cho phép phần não bị phù lên không bị chèn ép. Nó thường được coi là biện pháp cuối cùng khi tất cả các biện pháp hạ áp lực nội sọ khác đều thất bại.
Áp lực nội sọ là gì? 6
Phẫu thuật được thực hiện khi các biện pháp hạ áp lực nội sọ khác thất bại

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tăng áp lực nội sọ

Chế độ sinh hoạt:

  • Uống nhiều nước ít nhất 2 lít nước/ngày;
  • Bỏ thuốc lá, rượu bia;
  • Duy trì cân nặng bình thường;
  • Hỏi ý kiến bác sĩ khi có ý định sử dụng thêm các thuốc khác ngay cả thực phẩm chức năng;
  • Theo dõi phát hiện những triệu chứng mới, hoặc nếu có dấu hiệu nặng lên của các triệu chứng trước đây thì nên liên hệ ngay với bác sĩ để được bác sĩ tư vấn hoặc thay đổi chiến lược điều trị phù hợp.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Chế độ ăn bao gồm trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc và các sản phẩm từ sữa ít béo. Tránh đồ ăn và đồ uống có đường, thức uống có ga;
  • Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn như gà rán, khoai tây chiên, thịt xông khói, xúc xích.
Áp lực nội sọ là gì? 7
Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn

Hãy liên hệ với chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn phù hợp với tình trạng của bạn hoặc người nhà của bạn.

Phương pháp phòng ngừa tăng áp lực nội sọ hiệu quả

Có thể phòng ngừa tăng áp lực nội sọ bằng giảm nguy cơ chấn thương sọ não. Đội mũ bảo hiểm thích hợp cho các môn thể thao nguy hiểm, khi chạy xe ngay cả xe đạp. Nếu bạn bị đau đầu dai dẳng, mờ mắt, thay đổi mức độ tỉnh táo, các vấn đề về hệ thần kinh hoặc co giật, hãy gặp bác sĩ ngay lập tức để được trợ giúp.

Nguồn tham khảo
  1. Increased Intracranial Pressure (ICP) Headache: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/headache/increased-intracranial-pressure-icp-headache
  2. Increased intracranial pressure: https://medlineplus.gov/ency/article/000793.htm
  3. Intracranial hypertension: https://www.nhs.uk/conditions/intracranial-hypertension/
  4. Management of Intracranial Hypertension: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2452989/
  5. Increased Intracranial Pressure: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482119/ 

Các bệnh liên quan

  1. Tật tai nhỏ

  2. Chứng ngủ nhiều nguyên phát

  3. Bại não trẻ em

  4. U tuyến nước bọt mang tai

  5. Tật mắt nhỏ

  6. viêm não tự miễn

  7. U não

  8. U men xương hàm

  9. Ung thư tuyến nước bọt

  10. U nang giáp móng