Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả khi trẻ bị chàm khô

Ngày 17/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh chàm khô ở trẻ là một vấn đề sức khỏe thường gặp khi da quá khô, nứt nẻ dẫn đến tình trạng viêm da gây khó chịu cho trẻ nhỏ. Nếu không được chăm sóc đúng cách, chàm khô có thể gây ra viêm nhiễm và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin bệnh chàm khô ở trẻ em, các biện pháp điều trị để đạt được hiệu quả tốt nhất giúp làn da của bé được hồi phục nhanh chóng. Nếu đang quan tâm đến vấn đề này, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

Bệnh chàm khô ở trẻ em là gì?

Chàm khô là một bệnh viêm da mãn tính thường gặp ở trẻ nhỏ, gây ra nhiều phiền toái và khó chịu cho bé. Đặc điểm của chàm khô là da bị nứt nẻ, bong tróc và có thể chảy máu, khiến bé quấy khóc, bỏ ăn và khó ngủ. Tuy nhiên, bệnh chàm không nguy hiểm và không lây nhiễm, vì vậy cha mẹ không cần lo lắng về việc cách ly khi chăm sóc con.

Tuy vậy, nếu chàm khô kéo dài và không được điều trị kịp thời, nó có thể gây khó chịu cho bé, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của bé. Do đó, nếu phát hiện bé bị chàm, cha mẹ nên đưa bé đi khám sớm. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi mắc chàm khô khá cao.

Có những trường hợp bé bị chàm ở khuỷu tay, đầu gối, mắt cá chân hoặc cổ tay. Các vết chàm này xuất hiện ở vùng má, cánh tay, chân, da đầu hoặc ngực và có dạng da khô dày, bong vảy, ban đầu nhỏ nhưng sau đó lan rộng ra. Bệnh chàm khô có các giai đoạn khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi của bé. Ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, da bị chàm khô thường có xu hướng nổi ban hồng kèm mụn nước, da nứt nẻ, và trên mặt, trán, má, cằm xuất hiện nhiều các đốm chàm.

Với trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi, các đốm chàm khô thường xuất hiện rõ nhất ở đầu gối và khuỷu tay, do đây là giai đoạn bé tập bò và dễ bị trầy xước. Nếu vùng da bị chàm này bị nhiễm trùng, sẽ hình thành các lớp vảy vàng kèm mụn nước phồng rộp. Các đốm chàm khô ở trẻ từ 2 - 5 tuổi thường xuất hiện ở vùng quanh miệng, mí mắt, và các nếp gấp của bàn tay và chân.

benh-cham-kho-o-tre-em-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-1.jpg
Bệnh chàm khô biểu hiện bởi các nốt mụn nước tại vùng da khô

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chàm khô ở trẻ em

Nguyên nhân gây ra bệnh chàm khô ở trẻ em vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Tuy nhiên, theo các chẩn đoán từ bác sĩ, có hai nguyên nhân chính được cho là dẫn đến tình trạng này, bao gồm yếu tố di truyền và tác động từ môi trường bên ngoài.

Có nhiều yếu tố khác nhau có thể làm cho bệnh chàm khô ở trẻ em trở nên nặng hơn, bao gồm:

  • Da quá khô: Da thiếu ẩm và không đủ dầu tự nhiên có thể dẫn đến chàm khô.
  • Kích ứng do chất hóa học: Tiếp xúc với các chất hóa học như xà phòng mạnh, chất tẩy rửa hay các chất dị ứng khác có thể kích ứng da và góp phần vào sự phát triển của chàm khô.
  • Tâm lý sợ sệt căng thẳng: Tình trạng căng thẳng tâm lý có thể gây ra hoặc làm nặng hơn triệu chứng của chàm khô.
  • Thay đổi nhiệt độ đột ngột: Sự biến đổi nhiệt độ bên ngoài không ổn định, như từ môi trường lạnh vào môi trường ấm, có thể làm cho da trở nên khô và kích ứng.
  • Vùng da bị nhiễm trùng: Nhiễm trùng da, bao gồm nhiễm trùng vi khuẩn hoặc nấm, có thể gây chàm khô hoặc làm tình trạng chàm trở nên nặng hơn.
  • Dị ứng với các loại chất gây kích ứng: Trẻ có thể phản ứng dị ứng với các loại lông động vật, hóa chất, khói thuốc lá hoặc các tác nhân gây kích ứng khác, từ đó góp phần vào tình trạng chàm khô.
benh-cham-kho-o-tre-em-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-2.jpg
Da khô là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh chàm khô ở trẻ

Các biện pháp giúp điều trị chàm khô ở trẻ

Điều trị chàm khô cho trẻ bằng các mẹo dân gian

Trong lứa tuổi trẻ em, việc sử dụng nhiều loại thuốc Tây y thường làm phụ huynh lo lắng về những tác dụng phụ. Đó là lý do tại sao nhiều người tìm đến các phương pháp dân gian sử dụng nguyên liệu tự nhiên để chữa chàm khô.

  • Dưa leo: Rửa sạch dưa leo, cắt thành lát mỏng và đắp lên vùng da bị chàm khô. Điều này sẽ giúp làm ẩm da, giảm tình trạng khô nứt và giảm đau cho bé.
  • Nha đam: Sử dụng dao để tách lớp vỏ ngoài của cây nha đam, lấy phần gel bên trong và bôi lên vùng da bị chàm khô. Sau 30 phút rửa lại với nước sạch.
  • Bột cây đàn hương: Trộn bột cây đàn hương với một chút nước để tạo thành một hỗn hợp đặc sánh, sau đó bôi lên vùng da bị chàm khô của bé. Sau khoảng 30 phút rửa lại bằng nước sạch.

Các phương pháp này khá an toàn cho trẻ em. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chúng chỉ giúp giảm các triệu chứng chàm một phần. Đối với những trường hợp chàm khô nặng hơn, hoặc khi chàm lan rộng trên diện tích lớn, các phương pháp này không mang lại hiệu quả cao. Hơn nữa, khi sử dụng các nguyên liệu tự nhiên, nếu không tuân thủ quy trình vệ sinh, có thể dễ dẫn đến nhiễm trùng da cho bé.

benh-cham-kho-o-tre-em-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-3.jpg
Nha đam giúp giảm các triệu chứng do chàm khô gây ra

Điều trị chàm khô bằng cách sử dụng thuốc Tây y

Với phương pháp Tây y, bác sĩ thường kê đơn các loại thuốc hoặc kem bôi da nhằm giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh chàm khô ở trẻ nhỏ.

Kem dưỡng ẩm: Các loại kem dưỡng ẩm chứa nhiều dầu và nước có thể được sử dụng để điều trị chàm khô cho bé. Bố mẹ nên bôi một lớp dày lên da của trẻ hai lần mỗi ngày. Đặc biệt, việc dưỡng ẩm cho bé trong 3 phút sau khi tắm sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất.

Thuốc Steroid: Trong trường hợp vết chàm đã bị nhiễm trùng nhẹ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc steroid với nồng độ thấp. Khi sử dụng thuốc steroid để bôi lên da của trẻ, bố mẹ cần tuân thủ những quy tắc sau đây:

  • Chỉ sử dụng steroid trên vùng da đỏ, ngứa và bị thô ráp, không sử dụng trên da lành.
  • Không sử dụng steroid ở vùng có nếp gấp trong thời gian dài, ví dụ như nách, đùi, háng.
  • Tránh sử dụng steroid ở vùng mí mắt.
  • Khi sử dụng steroid để điều trị vùng mặt, chỉ nên sử dụng các loại steroid có nồng độ nhẹ.
  • Không sử dụng steroid quá 2 lần/ngày.

Thuốc kháng Histamine: Đây là một loại thuốc được sử dụng phổ biến, có tác dụng giảm triệu chứng ngứa và giúp trẻ ngủ ngon hơn. Tuy thuốc này có thể được hấp thu nhanh hoặc chậm tùy thuộc vào cơ địa mỗi người. Cần sử dụng loại thuốc này cho trẻ một cách cẩn thận, vì nó có thể gây ra một số tác dụng phụ như khô mắt, buồn ngủ.

Kháng sinh: Trong trường hợp chàm khô nặng, diện tích lớn hoặc bị nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê toa sử dụng kháng sinh.

Lưu ý: Khi sử dụng các loại thuốc Tây y cho trẻ, bố mẹ cần tuân thủ tuyệt đối liều lượng và phác đồ mà bác sĩ chỉ định để tránh gây tác dụng phụ hoặc tình trạng "quen thuốc".

benh-cham-kho-o-tre-em-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-4.jpg
Sử dụng kem bôi da giúp làm dịu triệu chứng khó chịu do chàm khô gây ra

Điều trị chàm khô bằng thuốc Đông y

Phương pháp này sử dụng các bài thuốc Nam với thành phần hoàn toàn từ thảo dược tự nhiên, mang lại độ an toàn cao cho trẻ em. Y học cổ truyền tập trung vào việc điều trị căn bệnh từ gốc, đem lại hiệu quả cao và giúp chữa dứt điểm bệnh chàm khô, đồng thời phòng ngừa tái phát.

Một trong những bài thuốc thảo dược được nghiên cứu là Thanh bì Dưỡng can thang, chuyên xử lý căn bệnh chàm và viêm da. Dựa trên sự hỗ trợ của khoa học hiện đại, Thanh bì Dưỡng can thang đã được làm mới, giảm điều chỉnh về thành phần và công thức. Từ đó, bài thuốc này mang đến bước đột phá trong việc loại bỏ căn bệnh chàm từ gốc. Việc sử dụng Y học cổ truyền trong điều trị chàm khô ở trẻ nhỏ đem lại một lựa chọn tự nhiên và an toàn.

Hy vọng thông tin trong bài viết sẽ giúp cha mẹ có thêm những kiến thức về bệnh chàm khô ở trẻ em và các cách điều trị giúp cải thiện tình trạng chàm khô ở trẻ. Tuy nhiên, trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp nào, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để đảm bảo được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm