Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Nhận biết các dấu hiệu dọa sảy thai và cách phòng ngừa

Ngày 27/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sẩy thai là một biến chứng trong thai kỳ mà không một ai mong muốn nó xảy ra. Để phòng ngừa dấu hiệu dọa sảy thai xuất hiện, mẹ bầu cần quan tâm đến từng thay đổi nhỏ của cơ thể trong quá trình mang thai. Việc thăm khám thai thường xuyên giúp bác sĩ đánh giá sức khỏe mẹ và bé, phòng ngừa các nguy cơ sức khỏe.

Dọa sảy thai tức là mặc dù thai nhi vẫn còn sống trong bụng mẹ, nhưng người thai phụ lại có các dấu hiệu như đau bụng dưới, sốt cao, ra máu bất thường. Nếu không được chăm sóc y tế kịp thời, dấu hiệu dọa sảy thai có thể tiến triển đến biến chứng sảy thai. Dọa sảy thai thường xảy ra khi thai nhi dưới 20 tuần tuổi, đặc biệt gặp ở những mẹ bầu lớn tuổi.

Dấu hiệu dọa sảy thai

Bạn đọc cần tìm hiểu thật kỹ các kiến thức cần thiết khi mang thai, để cả mẹ và bé trải qua một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh. Trong những tuần đầu tiên khi có thai, mẹ bầu cần đến ngay cơ sở y tế thăm khám nếu có các biểu hiện dưới đây, vì rất có thể đây là dấu hiệu dọa sảy thai.

Đau bụng

Đau bụng là dấu hiệu đầu tiên xuất hiện và cũng dễ cảm nhận được nhất, mẹ bầu sẽ đau râm ran hoặc từng cơn ở vùng bụng dưới, có thể kèm theo cảm giác mỏi ở thắt lưng. Nếu tình trạng đau kéo dài không thuyên giảm, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc và xử trí kịp thời.

nhan-biet-cac-dau-hieu-doa-say-thai-va-cach-phong-ngua 1
Dấu hiệu đầu tiên của dọa sảy thai là đau bụng dưới

Ra máu bất thường

Một dấu hiệu dọa sảy thai cần lưu ý nữa là khi mẹ bầu ra máu hoặc dịch màu hồng bất thường. Tùy vào mức độ nguy hiểm của cơn dọa sảy thai, màu sắc của máu có thể biến thiên từ hồng nhạt, đỏ đến nâu thẫm.

Khi mang thai, nếu thai phụ nhận thấy có ra màu đỏ thẫm trong khoảng từ 7 đến 10 ngày sau khi rụng trứng hoặc màu sắc máu khác lạ so với chu kỳ kinh nguyệt thông thường, thì tốt nhất nên đi khám để kiểm tra sức khỏe. Ngoài ra, trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu thai kỳ), nếu mẹ bầu thường xuyên chảy máu hoặc tiết ra dịch màu hồng thì đây có thể là dấu hiệu dọa sảy thai.

Tuy vậy, cũng có nhiều trường hợp có nguy cơ dọa sảy thai nhưng không có biểu hiện chảy máu, chỉ phát hiện được thông qua siêu âm. Nguyên nhân là do lúc này bong rau kín và chưa lộ ra ngoài nên không ghi nhận chảy máu. Chính vì thế, việc khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ là rất cần thiết, không phải đợi đến lúc cơ thể không khỏe mới đến khám.

Mẹ bầu sốt cao

Khi mang thai 3 tháng đầu, nếu thai phụ sốt cao trên 38 độ C thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo sảy thai. Nếu tình trạng sốt cao kèm với phát ban, đau khớp thì rất có thể mẹ bầu đang bị nhiễm trùng hoặc nhiễm virus. Bệnh nhiễm trùng xảy ra trong thai kỳ có thể để lại biến chứng câm điếc bấm sinh cho bé. Do đó, khi có dấu hiệu sốt cao mẹ bầu cần đi kiểm tra ngay.

Đau buốt khi đi tiểu

Tiểu đau, tiểu ra máu hoặc tiểu buốt rát là dấu hiệu cho thấy đường tiết niệu của bạn đang có vấn đề.

Nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc viêm bàng quang rất dễ mắc phải ở phụ nữ mang thai, do đó mẹ bầu cần đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời, phòng ngừa nguy cơ sảy thai.

nhan-biet-cac-dau-hieu-doa-say-thai-va-cach-phong-ngua 2
Đau buốt khi đi tiểu có thể là dấu hiệu mẹ bầu bị nhiễm trùng đường tiết niệu

Làm gì để giữ thai khi có dấu hiệu dọa sảy thai?

Khi xuất hiện các dấu hiệu dọa sảy thai, con đường đi đến sảy thai thật là rất ngắn. Do đó, để đảm bảo an toàn cho mẹ và giữ cho thai nhi khỏe mạnh chào đời, dưới đây là lời khuyên từ bác sĩ khi mẹ bầu xuất hiện dấu hiệu dọa sảy thai sớm, bao gồm:

  • Mẹ cần nghỉ ngơi lập tức: Bạn cần nghỉ ngơi ngay khi cơ thể phát ra các tín hiệu nguy hiểm cho em bé. Có thể bạn sẽ phải nằm yên nghỉ ngơi nhiều ngày tùy theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Không thay đổi tư thế đột ngột: Khi thay đổi trạng thái từ nằm sang ngồi hoặc đứng dậy đi lại, mẹ bầu cần cử động hết sức nhẹ nhàng và cẩn thận. Khi xoay người nên từ từ chứ không đột ngột chuyển tư thế, cũng không nên ngồi yên một chỗ quá lâu.
  • Tránh tuyệt đối làm các công việc nặng nhọc: Làm việc nhà nhiều, bê vác nặng, đứng lâu,... có thể dẫn đến nguy cơ xuất hiện các dấu hiệu dọa sảy thai. Trong thai kỳ thì mẹ bầu cần được nghỉ ngơi nhiều và chỉ vận động với cường độ phù hợp.
  • Không xoa bụng: Vì xoa bụng có thể làm kích thích tử cung, khiến cơn động thai càng nguy hiểm hơn.
  • Kiêng chuyện chăn gối và các hoạt động thân mật: Quan hệ tình dục và những hành động gần gũi quá mức có thể kích thích tử cung co bóp, gây nguy hiểm cho bé.
  • Xây dựng chế độ ăn giàu dinh dưỡng: Vào thời điểm này, cần xây dựng thực đơn khi mang thai thật đầy đủ dinh dưỡng và chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Tăng cường bổ sung thêm các thực phẩm giàu protein, canxi, acid folic, chất xơ,... Hạn chế tối đa các món ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ và thức ăn nhanh.
  • Trấn an bản thân, giữ tinh thần thoải mái: Khi bạn lo sợ, càng nghĩ ngợi xa xôi thì cơ thể và thai nhi sẽ càng bị ảnh hưởng, nhất là khi đang có dấu hiệu dọa sảy thai.
  • Đến phòng khám chuyên khoa sản để được thăm khám và chăm sóc y tế.
nhan-biet-cac-dau-hieu-doa-say-thai-va-cach-phong-ngua 3
Mẹ bầu cần nghỉ ngơi nhiều và tránh vận động mạnh khi mang thai

Cách phòng ngừa tình trạng dọa sảy thai

Sảy thai có thể xảy ra rất đột ngột mà trước đó không hề có dấu hiệu cảnh báo trước. Vì thế, mẹ bầu cần ghi nhớ những lưu ý dưới đây nhằm ngăn ngừa tình trạng dọa sảy thai xảy ra, cũng như giúp mẹ và bé trải qua một thai kỳ thoải mái và khỏe mạnh.

  • Trước khi có ý định có em bé, vợ chồng nên đi khám tiền hôn nhân để kiểm tra sức khỏe sinh sản và loại trừ các nguy cơ khi mang thai.
  • Mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất cần thiết trước và trong quá trình mang thai.
  • Nếu phụ nữ đang sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,... cần dừng ngay khi có ý định có em bé vì các chất này rất độc hại cho sức khỏe thai nhi.
  • Duy trì cân nặng lý tưởng trước và trong quá trình mang thai. Phụ nữ khi mang thai không nên tăng cân quá nhanh vì béo phì cũng có thể là nguyên nhân gây ra các vấn đề sản khoa.
  • Không tự ý sử dụng thuốc trong quá trình mang thai mà không có chỉ dẫn từ bác sĩ. Các loại thuốc như thuốc kháng sinh, kháng viêm, nội tiết,... có thể ảnh hưởng đến thai nhi, gây ra dị tật bẩm sinh.
  • Mẹ bầu được xác định thiếu hụt nội tiết cần được bổ sung ngay sau khi biết là có thai.
  • Phụ nữ đang mắc phải các bệnh lý như tiểu đường, bệnh tuyến giáp hay bệnh phụ khoa thì cần được điều trị và kiểm soát tốt trước khi có ý định mang thai.
nhan-biet-cac-dau-hieu-doa-say-thai-va-cach-phong-ngua 4
Khi mang thai bạn không được tự ý sử dụng thuốc khi không có chỉ dẫn từ bác sĩ

Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc thông tin về các dấu hiệu dọa sảy thai cũng như cách phòng ngừa biến chứng nguy hiểm này. Cùng theo dõi chuỗi bài viết mang thai an toàn từ nhà thuốc Long Châu để trang bị những kiến thức cần thiết, bảo vệ sức khỏe mẹ và bé trước, trong và sau thai kỳ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin