Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Nhận biết sớm dấu hiệu bệnh gan ở trẻ em để điều trị kịp thời

Thục Hiền

01/04/2025
Kích thước chữ

Bệnh gan ở trẻ em là tình trạng gan bị tổn thương do nhiều nguyên nhân như nhiễm virus, rối loạn chuyển hóa, di truyền hoặc tác dụng phụ của thuốc. Các dấu hiệu bệnh gan ở trẻ em thường gặp bao gồm vàng da, mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu sẫm màu và gan to. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời giúp hạn chế biến chứng và bảo vệ chức năng gan cho trẻ.

Gan đóng vai trò quan trọng trong việc lọc độc, hỗ trợ tiêu hóa và chuyển hóa chất trong cơ thể. Ở trẻ em, bệnh gan thường khó phát hiện sớm do triệu chứng không rõ ràng. Việc nhận biết kịp thời các dấu hiệu bệnh gan ở trẻ em bất thường có thể giúp cha mẹ đưa trẻ đi khám và điều trị đúng lúc, tránh biến chứng nguy hiểm.

7 dấu hiệu bệnh gan ở trẻ em cha mẹ không nên bỏ qua

Vàng da và vàng mắt

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hiện tượng da và mắt chuyển sang màu vàng thường liên quan đến bệnh lý gan. Nguyên nhân chủ yếu là do nồng độ bilirubin – một sắc tố màu vàng – tăng cao trong máu. Điều này có thể do viêm gan, rối loạn chức năng gan hoặc tắc nghẽn đường mật.

Phân biệt giữa vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý:

  • Vàng da sinh lý: Xuất hiện sau 24 giờ sau sinh, thường tự hết trong 1 – 2 tuần.
  • Vàng da bệnh lý: Xuất hiện sớm (trước 24 giờ tuổi), kèm theo vàng mắt, sốt, bú kém, hay quấy khóc.
nhan-biet-som-dau-hieu-benh-gan-o-tre-em-de-dieu-tri-kip-thoi 1
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hiện tượng da và mắt chuyển sang màu vàng thường liên quan đến bệnh lý gan

Nước tiểu sẫm màu

Trẻ có thể bị gan nếu nước tiểu chuyển màu vàng đậm hoặc nâu. Trường hợp trẻ đã uống đủ nước mà nước tiểu vẫn không trong hơn thì cần được kiểm tra chức năng gan.

Phân nhạt màu

Phân bình thường của trẻ có màu vàng nhạt. Nếu phân chuyển sang màu trắng, xám hoặc nhạt bất thường, đó có thể là dấu hiệu gan không thải độc tốt, khiến bilirubin không được bài tiết qua đường tiêu hóa.

Gan to

Gan to là biểu hiện rõ ràng của bệnh lý gan. Trẻ có thể cảm thấy khó chịu vùng bụng, biếng ăn, đầy bụng hoặc hay quấy khóc do khó chịu.

Tăng cân chậm hoặc không tăng

Khi gan hoạt động kém, khả năng hấp thu dưỡng chất bị ảnh hưởng. Trẻ thường chán ăn, nhanh no, thậm chí buồn nôn, dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến phát triển thể chất và trí tuệ.

Bụng trướng, sưng

Tình trạng bụng căng hoặc phình lên có thể do dịch tích tụ trong ổ bụng (cổ trướng). Đây là biểu hiện gan bị viêm hoặc tổn thương, gây rò rỉ dịch từ gan và ruột.

Dấu hiệu viêm gan

Ở giai đoạn đầu, viêm gan có thể gây đau bụng, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, chán ăn. Sau đó là các biểu hiện rõ hơn như vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu. Nếu viêm gan kéo dài trên 6 tháng, nguy cơ trở thành mãn tính là rất cao.

Trẻ nhiễm viêm gan B có thể có thêm các biểu hiện như sốt, buồn nôn, táo bón hoặc tiêu chảy, nước tiểu sẫm và phân nhạt màu.

nhan-biet-som-dau-hieu-benh-gan-o-tre-em-de-dieu-tri-kip-thoi 2
Nếu nghi ngờ có dấu hiệu bệnh gan ở trẻ em, nên đưa bé đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời

Cha mẹ cần chú ý theo dõi các biểu hiện trên. Nếu nghi ngờ trẻ có dấu hiệu liên quan đến gan, nên đưa bé đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ có dấu hiệu bệnh gan?

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường liên quan đến gan, đặc biệt nghi ngờ viêm gan B, việc đầu tiên là đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra. Trẻ có thể cần thực hiện các xét nghiệm để đánh giá chức năng gan và xác định nguyên nhân cụ thể.

Trong suốt quá trình điều trị, phụ huynh cần nghiêm túc làm theo chỉ định của bác sĩ. Nếu trẻ phải dùng thuốc, cần đảm bảo uống đúng liều, đúng giờ. Đồng thời, cha mẹ nên điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt của bé theo lời khuyên từ bác sĩ để hỗ trợ phục hồi chức năng gan.

Việc theo dõi sát sao diễn biến sức khỏe của trẻ trong thời gian điều trị là rất quan trọng. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần trao đổi ngay với bác sĩ để kịp thời điều chỉnh phương pháp chăm sóc. Bên cạnh đó, việc tái khám định kỳ giúp kiểm soát tiến triển bệnh và đảm bảo điều trị đúng hướng.

Cách phòng ngừa bệnh gan ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Gan của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, còn non yếu và dễ bị tổn thương. Vì thế, cha mẹ cần chủ động bảo vệ sức khỏe gan của con bằng những thói quen sau:

  • Dinh dưỡng hợp lý: Cho trẻ ăn uống đủ chất, ưu tiên thực phẩm giàu vitamin, chất xơ, khoáng chất. Các loại ngũ cốc, hạt, rau củ và trái cây tươi nên được đưa vào khẩu phần hằng ngày. Đảm bảo thức ăn được nấu chín, sạch sẽ và an toàn.
  • Hạn chế thực phẩm gây hại: Tránh cho trẻ tiêu thụ đồ ăn nhiều đường, thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt có gas, bánh kẹo và đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc.
  • Tăng cường vận động: Khuyến khích trẻ chơi đùa, vận động hoặc tham gia các hoạt động thể chất phù hợp với lứa tuổi để giữ cơ thể khỏe mạnh, phòng tránh thừa cân – yếu tố có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ.
  • Thận trọng khi dùng thuốc: Không tự ý cho trẻ uống thuốc, kể cả thuốc cảm thông thường. Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh ảnh hưởng không tốt đến gan.
  • Tiêm phòng đầy đủ: Đảm bảo trẻ được tiêm vaccine phòng viêm gan A và B đúng lịch. Đây là bước quan trọng để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm virus gây hại cho gan.
    Việc chăm sóc đúng cách ngay từ đầu sẽ giúp gan của trẻ phát triển khỏe mạnh và phòng tránh được nhiều bệnh lý nguy hiểm.
nhan-biet-som-dau-hieu-benh-gan-o-tre-em-de-dieu-tri-kip-thoi 3
Cho trẻ ăn uống đủ chất, ưu tiên thực phẩm giàu vitamin, chất xơ và khoáng chất

Các biến chứng nguy hiểm của bệnh gan ở trẻ nhỏ

Nếu bệnh gan ở trẻ không được phát hiện và điều trị sớm, gan có thể bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Suy dinh dưỡng: Trẻ bị gan to thường có cảm giác đầy bụng, khó tiêu hoặc đau âm ỉ vùng bụng, dẫn đến chán ăn. Khi gan hoạt động kém, khả năng hấp thu dưỡng chất bị ảnh hưởng, khiến trẻ sụt cân và thiếu năng lượng.
  • Vàng da, vàng mắt: Đây là dấu hiệu phổ biến khi gan không xử lý được bilirubin – một sắc tố mật tích tụ trong máu. Biểu hiện rõ rệt là da và mắt ngả vàng.
  • Bệnh não gan: Khi chức năng gan suy giảm, các chất độc trong máu không được loại bỏ kịp thời có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Trẻ có thể trở nên mệt mỏi, lơ mơ, phản ứng chậm hoặc thay đổi hành vi.
  • Rối loạn đông máu: Gan đóng vai trò sản xuất các yếu tố đông máu. Khi gan tổn thương, quá trình này bị rối loạn, dễ gây chảy máu kéo dài, bầm tím bất thường hoặc thậm chí xuất huyết nội tạng như não, dạ dày, ruột.
nhan-biet-som-dau-hieu-benh-gan-o-tre-em-de-dieu-tri-kip-thoi 4
Việc điều trị kịp thời và theo dõi sát sao sẽ giúp hạn chế các biến chứng nghiêm trọng, bảo vệ sức khỏe lâu dài cho trẻ

Hi vọng qua bài viết "Nhận biết sớm dấu hiệu bệnh gan ở trẻ em để điều trị kịp thời", cha mẹ sẽ có thêm kiến thức để nhận biết sớm những biểu hiện bất thường liên quan đến gan ở trẻ. Việc phát hiện và can thiệp đúng lúc không chỉ giúp trẻ hồi phục nhanh hơn mà còn phòng tránh được các biến chứng nguy hiểm. Đừng chủ quan với bất kỳ dấu hiệu nào – hãy luôn theo dõi sức khỏe của con và đưa trẻ đi khám khi có nghi ngờ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin