Nhận biết viêm nang lông ở ngực và cách điều trị hiệu quả
Ngày 19/06/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Tình trạng viêm nang lông ở ngực là một trong những dạng viêm nang lông thường gặp nhất. Bệnh nhân khi bị viêm nang lông ở ngực có thể xuất hiện những nốt mụn sưng viêm, tấy đỏ và rất ngứa khi chạm vào. Bệnh tuy không gây nguy hiểm nhưng gây nhiều bất tiện trong cuộc sống của người bệnh.
Bệnh viêm nang lông ở ngực nếu không được điều trị kịp thời, chăm sóc cẩn thận và đúng cách có nguy cơ lây nhiễm sang vùng da khác rất cao, dẫn đến nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tính thẩm mỹ của làn da và cả sự tự tin của người bệnh.
Viêm nang lông ở ngực là gì?
Bệnh viêm nang lông ở ngực còn gọi là viêm lỗ chân lông ở ngực, là bệnh lý về da rất dễ mắc phải, đặc biệt là với phụ nữ. Theo một số thống kê mới nhất cho thấy tỷ lệ phụ nữ bị viêm nang lông ở ngực cao hơn đàn ông đến 10%. Vậy viêm nang lông ở ngực là bệnh gì?
Viêm nang lông nói chung và viêm nang lông ở ngực nói riêng là bệnh lý do vi khuẩn, nấm men hoặc nấm sợi gây nên. Những tác nhân gây bệnh này khi xâm nhập vào nang lông sẽ sinh sôi phát triển khiến nang lông bị viêm nhiễm, từ đó dẫn đến mụn mủ, ngứa ngáy, tấy đỏ vùng da ngực.
So với những vùng da khác như mông, nách, đùi,... thì ngực là vị trí rất dễ bị viêm nang lông và khi bị rồi lại khá khó điều trị. Nguyên nhân là vì đây là khu vực các tuyến bã nhờn hoạt động vô cùng mạnh mẽ, điều tiết lượng mồ hôi, chất nhờn lớn để điều hòa nhiệt độ cơ thể. Thêm vào đó, đây cũng là khu vực chịu nhiều cọ xát với quần áo, tạo điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh xâm nhập và gây bệnh.
Viêm nang lông ở ngực nếu không điều trị sớm sẽ rất dễ tiến triển thành bệnh viêm nhiễm da nặng hơn, tình trạng bệnh cũng phức tạp hơn rất nhiều khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, thậm thí sau khi chữa xong còn để lại nhiều vết thâm, sẹo trên da rất mất thẩm mỹ.
Nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông ở ngực
Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lý da liễu viêm nang lông ở ngực được xác định là do sự rối loạn nội tiết tố bên trong cơ thể người cùng với điều kiện thời tiết nóng ẩm làm nang lông tăng cường đổ mồ hôi, dầu nhờn nhưng không được vệ sinh đúng cách dẫn đến nang lông tắc nghẽn, vi khuẩn xâm nhập và phát triển thành ổ viêm. Khi này, những sợi lông không được phát triển bình thường sẽ dẫn đến viêm nhiễm nặng hơn, gây ra một số biểu hiện như lông mọc ngược gây ngứa ngáy, đau rát khó chịu.
Nhìn chung, tác nhân gây bệnh viêm nang lông ở ngực có thể kể đến như:
Sự tấn công của các loại vi khuẩn, nấm men, sợi nấm hoặc ký sinh trùng trên da,...
Dạ bị tổn thương do cạo, tẩy lông sai cách, tai nạn hoặc phẫu thuật khiến vi khuẩn dễ xâm nhập hơn.
Sử dụng sản phẩm dưỡng da kém chất lượng làm lỗ chân lông bị bít tắc, lông mọc ngược, viêm nang lông.
Đối tượng có tiền sử mắc các bệnh da liễu khác như mụn trứng cá hoặc bệnh tiểu đường, dùng nhiều thuốc kháng sinh,... cũng có nguy cơ bị viêm nang lông ở ngực cao hơn.
Mặc quần áo bó sát, thiếu thông thoáng hoặc không thấm hút được mồ hôi.
Chế độ ăn uống kém lành mạnh, ăn nhiều thực phẩm dầu mỡ, uống đồ uống có cồn, ăn uống nhiều thực phẩm chứa nhiều đường, không thường xuyên bổ sung rau củ quả,... cũng khiến làn da mất đi sức đề kháng tự nhiên, tạo cơ hội cho vi khuẩn dễ tấn công hơn.
Sinh hoạt không điều độ, thường xuyên thức khuya, ăn uống không đúng giờ,...
Dấu hiệu khi bị viêm nang lông ở ngực
Nhận biết viêm nang lông ở ngực thông qua những dấu hiệu cụ thể sẽ giúp bạn điều trị bệnh ngay từ giai đoạn đầu, tránh lây lan sang những vùng da xung quanh. Một số dấu hiệu điển hình khi mắc bệnh có thể kể đến như:
Da ửng đỏ, sưng tấy bất thường, trên da xuất hiện những đốm nhỏ kèm theo cảm giác ngứa ngáy liên tục, càng gãi càng ngứa.
Đốm viêm nhỏ giống như mụn mủ xuất hiện trên da, bên trong đốm viêm có thể có nhân trắng hoặc ứ đọng dịch màu vàng.
Vị trí bị viêm nang lông ở ngực có một lớp màng mỏng bao phủ khiến những sợi lông không mọc bình thường được mà cuộn ngược vào trong rất khó chịu.
Tổn thương do viêm nhiễm trên da thường tập trung thành từng mảng giống như phát ban, nổi mẩn, mề đay hoặc rải rác trên da.
Một số trường hợp bệnh nhân khi bị viêm nang lông ở ngực còn có thể xuất hiện những nốt mụn mủ sưng rất to trên da hoặc các nốt lở loét khi vi khuẩn tấn công mạnh, da viêm nhiễm nặng.
Cách chữa viêm nang lông ở ngực
Điều trị viêm nang lông ở ngực được đánh giá là rất khó, bệnh dễ tái đi tái lại nhiều lần do tác động của thời tiết, quần áo bó sát, đổ nhiều mồ hôi,... Với từng trường hợp bệnh nhân mà bác sĩ chỉ định cách trị viêm nang lông ở ngực khác nhau, cụ thể là:
Trị viêm nang lông ở ngực bằng liệu pháp thiên nhiên
Với những người bị viêm nang lông ở ngực dạng nhẹ, bệnh chưa lây lan có thể áp dụng cách chữa tại nhà bằng nguyên liệu thiên nhiên, kết hợp với thay đổi thói quen sống, vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc quần áo rộng rãi thoải mái,... để hỗ trợ bệnh mau lành. Một vài cách chữa viêm nang lông ở ngực bạn có thể tham khảo như:
Dùng bã cà phê: Bã cà phê có công dụng tẩy tế bào chết giúp nang lông được thông thoáng hơn, từ đó giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn nang lông, vi khuẩn cũng mất đi nơi trú ngụ. Mỗi lần dùng bạn trộn đều 1 thìa canh bã cà phê với 1 thìa sữa tươi không đường, có thể thêm mật ong để dưỡng ẩm. Dùng hỗn hợp này mát xa lên da và để yên trong 10 - 15 phút.
Bột đậu đỏ: Bột đậu đỏ chứa nhiều vitamin và khoáng chất có khả năng giúp da sáng mịn hơn, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Hỗn hợp bột đậu đỏ với sữa chua không đường là loại mặt nạ tuyệt vời để đẩy lùi bệnh viêm nang lông ở ngực đấy.
Trị viêm nang lông ở ngực bằng Tây y
Hiện nay phương pháp chữa viêm nang lông ở ngực bằng Tây y được đa số bác sĩ sử dụng vì có hiệu quả nhanh chóng. Với những bệnh nhân bị viêm nang lông trung bình đến nặng, đây là phương pháp tối ưu nhất. Khi điều trị, căn cứ vào hiện trạng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc bôi hoặc cả thuốc uống và thuốc bôi. Những loại thuốc này hầu hết đều là thuốc kê đơn nên tuyệt đối không tự ý sử dụng khi chưa được bác sĩ hướng dẫn.
Viêm nang lông ở ngực tuy khó điều trị nhưng nếu bạn kết hợp các phương pháp điều trị một cách hiệu quả, điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt và ăn uống thì bệnh sẽ nhanh chóng thuyên giảm và tránh được nguy cơ tái phát về sau. Khi nhận thấy dấu hiệu bị viêm nang lông, người bệnh không nên tự điều trị tại nhà mà hãy đến bệnh viện kiểm tra và lắng nghe bác sĩ tư vấn.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.