Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Nhãn cầu: Cấu tạo, chức năng và các bệnh lý liên quan

Ngày 31/07/2024
Kích thước chữ

Trong bài viết dưới đây, mọi thông tin cơ bản và quan trọng nhất về nhãn cầu như cấu tạo chi tiết, vai trò, những vấn đề sức khỏe thường gặp,... sẽ được chia sẻ cặn kẽ tới bạn đọc.

Nhãn cầu (cầu mắt) là một cấu trúc được hợp thành từ hệ thống màng, cơ, dây chằng và chất dịch. Bộ phận quan trọng này chi phối trực tiếp đến thị lực của mỗi người. Vậy nên việc nằm lòng cấu tạo, vai trò và các bệnh lý liên quan sẽ giúp bạn bảo vệ cầu mắt một cách tốt nhất.

Nhãn cầu là gì?

Nhãn cầu là là một cấu trúc mô mềm nằm trong xương hốc mắt với kết cấu hình cầu đặc trưng. Bộ phận này có độ phân hóa cực cao với nhiều thành phần tích hợp. Mỗi thành phần đảm nhiệm một vai trò riêng nhưng đều hướng đến nhiệm vụ chung là giúp bạn quan sát thấy người và vật thể nằm ngay trước mắt.

Nhãn cầu: Cấu tạo, chức năng và các bệnh lý liên quan 3
Cầu mắt giúp bạn quan sát được hình ảnh của vật và người trong trường thị giác

Cấu tạo nhãn cầu

Cầu mắt được cấu tạo từ những bộ phận cơ bản sau:

  • Củng mạc: Đây là một lớp màng cứng màu trắng, kết cấu dày dặn, nằm bao bọc ngoài cùng, có tác dụng bảo vệ cầu mắt trước những va chạm cơ học. Ngoài ra củng mạc còn giúp định hình phom dáng của vùng cầu mắt.
  • Võng mạc: Lớp màng nằm trong cùng, có vai trò tiếp nhận kích thích ánh sáng và truyền về trung khu thần kinh thị giác ở não bộ. Trên võng mạc có hoàng điểm hay còn gọi là điểm vàng. Đây là nơi “sum tụ” của các tế bào thụ cảm thị giác (tế bào hình nón và tế bào hình que).
  • Hắc mạc: Nằm giữa 2 loại màng vừa đề cập đến. Hắc mạc rất giàu mạch máu và tế bào sắc tố. Vai trò chủ chốt là nuôi dưỡng và biến lòng của cầu mắt thành buồng tối, giúp hình ảnh trên võng mạc hiển thị rõ nét hơn.
  • Giác mạc: Loại màng trong suốt nằm ngay phía trước nhãn cầu. Bộ phận này có dạng chỏm, không chứa hệ mạch máu và có khả năng đàn hồi rất tốt.
  • Tiền phòng: Thành phần này nằm xen giữa tròng đen và giác mạc. Trong tiền phòng có chứa thủy dịch giúp duy trì nhãn áp và nuôi dưỡng giác mạc cũng như thủy tinh thể.
  • Tròng đen (mống mắt): Nằm ngăn cách giữa tiền phòng và hậu phòng. Trung tâm tròng đen có một lỗ gọi là con ngươi (đồng tử). Nhiệm vụ chính của tròng đen là điều tiết lượng ánh sáng đi vào đồng tử thông qua việc mở rộng hay co nhỏ kích thước của bộ phận này.
  • Hậu phòng: Định vị ngay sau mống mắt và trước dịch kính. Đại diện này cũng chứa thủy dịch và liên thông với tiền phòng thông qua con ngươi.
  • Thủy tinh thể: Bộ phận này được ví như một thấu kính lồi, đường kính xấp xỉ 1cm và dày cỡ 4mm. Thủy tinh thể là thành phần tối quan trọng trong hệ thống khúc xạ, có thể tăng giảm độ dày để chỉnh ảnh rơi đúng hoàng điểm khi ta quan sát vật.
  • Dịch kính: Dịch lỏng này nằm sát thủy tinh thể và lấp đầy phần sau của cầu mắt. Vai trò của chúng là tạo điều kiện cho tia sáng dẫn vào đáy mắt; nuôi dưỡng võng mạc, thủy tinh thể; ổn định áp lực trong cầu mắt để hạn chế nguy cơ rách võng mạc và giúp hệ thấu kính làm việc hiệu quả hơn.
  • Thể mi: Là một tổ chức nằm liền kề hắc mạc và con ngươi. Bộ phận này đảm nhiệm chức năng điều tiết và sản sinh ra thủy dịch.
Nhãn cầu: Cấu tạo, chức năng và các bệnh lý liên quan 1
Nhãn cấu có cấu tạo gồm nhiều bộ phận, trong đó quan trọng nhất là hệ thống thấu kính và võng mạc - nơi chứa hoàng điểm (điểm rơi của hình ảnh khi bạn quan sát vật)

Chức năng của nhãn cầu

Như đã nhắc qua ở trên, mặc dù mỗi bộ phận của nhãn cầu đảm đương một vai trò riêng nhưng tất cả đều cùng hướng đến một chức năng chung. Đó là giúp chúng ta nhìn thấy rõ hình ảnh của vật thông qua sự hỗ trợ của dây thần kinh thị giác và trung khu phân tích thị giác ở não bộ.

Nhãn cầu: Cấu tạo, chức năng và các bệnh lý liên quan 2
Việc tiếp nhận hình ảnh của nhãn cầu ngoài có sự tham gia của võng mạc, hệ thống thấu kính còn có sự góp mặt của dây thần kinh thị giác và trung khu phân tích thị giác ở não bộ

Các bệnh phổ biến ở nhãn cầu

Dưới đây là những vấn đề sức khỏe liên quan đến cầu mắt mà ai cũng có thể mắc phải. Nguyên nhân gây ra rất đa dạng: Lão hóa, nhiễm khuẩn, rối loạn tự miễn,..., ngoài ra còn có một số trường hợp phát sinh vô căn (không rõ nguyên do).

  • Thoái hóa điểm vàng: Là hiện tượng hoàng điểm mất dần chức năng do lão hóa, tổn thương tại khu vực võng mạc.
  • Đục thủy tinh thể: Là trường hợp tập trung chất đạm thành từng đám trong thủy tinh thể. Từ đó dẫn đến tình trạng mờ đục, khiến ánh sáng đi qua bị tán xạ và ảnh hưởng đến việc tiếp nhận ánh sáng ở vùng võng mạc.
  • Đau mắt đỏ: Là tình trạng phần mô có kết cấu trong suốt bao phủ mặt trong mí mắt và lớp phủ bên ngoài mắt có hiện tượng viêm đỏ do vi sinh vật hoặc chất gây dị ứng. Bệnh có dấu hiệu đặc trưng là cầu mắt màu hồng hoặc hơi đỏ, mí mắt sưng, chảy dịch,...
  • Viêm màng bồ đào: Màng bồ đào là cách gọi khác của phức hợp hắc mạc, tròng đen và thể mi. Viêm màng bồ đào có thể phát sinh vô căn (không có nguyên nhân cụ thể) hoặc do nhiễm trùng, chấn thương và tác dụng phụ của thuốc.
  • Tăng nhãn áp: Là trường hợp áp lực nội nhãn tăng cao quá mức do thủy dịch không thể thoát ra. Một người được đánh giá là tăng nhãn áp nếu áp lực đồng tử cao hơn 21mmHg.
  • Giác mạc hình chóp: Ở những người mắc phải bệnh lý này, giác mạc bị lồi hẳn ra và có kết cấu hình chóp đặc trưng. Nguyên nhân là do sợi collagen nhỏ trong mắt yếu đi, không thể gia cố giác mạc đúng vị trí và có hình dạng như bình thường.
  • Viêm giác mạc: Giác mạc bị sưng viêm có thể do ký sinh trùng, virus, vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập. Giác mạc rất mỏng và nhạy cảm nên khi bị viêm rất dễ để lại di chứng. Nếu không can thiệp sớm và đúng cách, bệnh có thể dẫn  đến nguy cơ mất thị lực.
  • Tật khúc xạ: Vấn đề sức khỏe này xuất hiện khi hình ảnh của vật rơi trước hoặc sau võng mạc khiến người bệnh không thể nhìn rõ vật cần quan sát. Có 4 loại tật khúc xạ thường gặp, đó là cận thị, loạn thị, viễn thị và lão thị.
  • Dị ứng: Bệnh phát sinh khi mắt tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như phấn hoa, lông chó mèo, mỹ phẩm, khói, bào tử nấm mốc, nước hoa,... Triệu chứng thường gặp là ngứa, rát, đỏ, phù nề,... Bệnh thường xảy ra vào mùa hè, xuân, thu; hiếm khi xuất hiện trong mùa đông.
Nhãn cầu: Cấu tạo, chức năng và các bệnh lý liên quan 4
Các bệnh liên quan đến cầu mắt cần được thăm khám sớm để can thiệp kịp thời

Trên đây là những thông tin chi tiết nhất về cấu tạo, chức năng và các vấn đề sức khỏe liên quan đến nhãn cầu. Sau cùng, chúc bạn sàng lọc được những nội dung hữu ích và biết cách chăm sóc, bảo vệ mắt cũng như phòng tránh các bệnh lý thường gặp ở bộ phận này! Trân trọng!

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.