Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những bệnh đường hô hấp thường gặp khi giao mùa

Ngày 04/03/2024
Kích thước chữ

Các bệnh đường hô hấp thường gặp khi giao mùa ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh sẽ có phương án điều trị thích hợp.

Các bệnh đường hô hấp thường gặp khi giao mùa ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh sẽ có phương án điều trị thích hợp. Một số bệnh đường hô hấp thường gặp khi trời trở lạnh gồm: Bệnh về nhiễm trùng đường hô hấp trên và nhiễm trùng đường hô hấp dưới.

Các bệnh lý về nhiễm trùng đường hô hấp trên

Dưới đây là danh sách 3 loại bệnh thường gặp khi đường hô hấp trên bị tổn thương:

Bệnh cảm cúm

Bệnh do virus cúm gây nên và có khả năng lây nhiễm cao, lây truyền nhanh. Thậm chí, virus này có thể gây thành dịch và đại dịch. Bệnh cúm lây qua đường hô hấp, không khí giọt nhỏ qua nước bọt hoặc dịch tiết mũi của người mắc virus cúm. Triệu chứng của bệnh gồm:

  • Sốt, đau đầu, mỏi cơ, mệt mỏi, sổ mũi, ho và đau họng.
  • Có thể kèm theo các bệnh lý đường tiêu hóa như: Nôn, buồn nôn, tiêu chảy (thường gặp nhất ở trẻ em).

Hầu hết mọi người đều có khả năng nhiễm bệnh cúm. Tỷ lệ cảm nhiễm với chủng virus mới rất cao, có thể lên đến 90% bao gồm cả người lớn và trẻ em. Bên cạnh đó, trẻ em, người cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính, bị suy giảm miễn dịch sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn ở người khác. Những đối tượng này khi nhiễm bệnh có thể chịu những biến chứng nặng, thậm chí dẫn đến tử vong.

nhung-benh-duong-ho-hap-thuong-găp-khi-giao-mua-1.jpg
Nên tiêm vắc xin cúm để phòng bệnh 

Thời gian ủ bệnh thường trong vòng 1 - 4 ngày. Bệnh có thể khởi phát trước sốt 1 ngày và kéo dài 7 ngày ở người lớn hoặc thậm chí lâu hơn đối với người bị suy giảm miễn dịch. 

Trong thời tiết giao mùa, lạnh và ẩm thấp, đường hô hấp của con người dễ bị tổn thương. Vì vậy, việc cảm nhiễm bệnh sẽ tăng cao. Thông thường, với bệnh nhẹ, người bệnh sẽ hồi phục dần trong 2 - 7 ngày.

Viêm xoang là bệnh đường hô hấp thường gặp

Viêm xoang là tình trạng nhiễm trùng của màng niêm mạc lót trong các lòng xoang. Sự viêm nhiễm này xảy ra do vi trùng, siêu vi trùng hoặc dị ứng gây phù nề. Lúc này, đường kính các lỗ xoang bị thu hẹp làm mủ và dịch viêm ứ đọng trong xoang không thoát ra được gây tình trạng tích tụ chất lỏng hoặc chất nhầy bên trong.

Triệu chứng của bệnh viêm xoang:

  • Đau nhức ở vùng có xoang viêm.
  • Chảy dịch nhầy màu trắng, đục, vàng nhạt hay màu xanh kèm mùi hôi phía mũi hoặc xuống họng tùy thuộc vào vị trí xoang bị viêm.
  • Nghẹt mũi, khó thở, khó chịu trong người.
  • Đau nhức mỗi khi hắt hơi.
  • Điếc mũi khi xoang gây phù nề khiến người bệnh không còn cảm nhận được mùi.
  • Đau đầu, sốt, chóng mặt, choáng váng.

Viêm thanh quản

Đây là một trong những bệnh đường hô hấp thường gặp ở nhiều đối tượng kể cả trẻ em và người lớn. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do: Vi khuẩn, virus, nấm, thời tiết, môi trường, nói to, nói nhiều,... Viêm thanh quản có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Người mắc bệnh viêm thanh quản thường có các triệu chứng:

  • Sốt cao hoặc sốt nhẹ.
  • Khàn tiếng, ho, thở rít.
  • Mệt mỏi, ớn lạnh.
  • Đau họng, nuốt vướng.
  • Ngứa, cay hoặc rát nhẹ vùng thanh quản.
nhung-benh-duong-ho-hap-thuong-găp-khi-giao-mua-2.jpg
Những người có công việc phải nói nhiều thường bị viêm thanh quản

Một số bệnh lý về viêm đường hô hấp dưới

Dưới đây là một số bệnh về đường hô hấp dưới bạn không nên chủ quan:

Viêm phế quản

Đây là tình trạng niêm mạc ống phế quản bị viêm. Các tổn thương này gây ra nhiều triệu chứng, điển hình nhất là ho, đờm. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm phế quản đến từ: Đề kháng kém, tác động của môi trường, ảnh hưởng của công việc, bệnh trào ngược dạ dày.

Virus hợp bào gây ra viêm phế quản rất dễ phát tán, lây lan qua không khí thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc sử dụng chung đồ dùng với họ. Khi mắc bệnh này, bạn sẽ gặp những triệu chứng điển hình:

  • Ho khan, ho có đờm hoặc ho thành từng tiếng.
  • Sốt nhẹ, sốt cao theo cơn hoặc liên tục kéo dài.
  • Tiết đờm xanh, vàng hoặc trắng.
  • Thở khò khè do lòng phế quản bị thu hẹp.

Viêm tiểu phế quản

Đây là một bệnh đường hô hấp thường gặp do virus gây ra. Đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ sơ sinh, trẻ dưới 6 tháng tuổi và trong những tháng mùa đông.

Viêm tiểu phế quản xảy ra khi có một loại virus (đa phần là do virus hợp bào RSV) lây nhiễm xâm nhập vào tiểu phế quản gây nhiễm trùng. Từ đó, các tiểu phế quản sưng lên và bị viêm, chất nhầy trong lòng phế quản tăng khiến không khí khó lưu thông ra vào trong phổi.

nhung-benh-duong-ho-hap-thuong-găp-khi-giao-mua-3.jpg
Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi dễ mắc bệnh viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản là bệnh rất dễ lây thông qua việc tiếp xúc gần với không khí nơi có người bệnh hoặc sử dụng chung đồ vật với người đó rồi chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Triệu chứng của bệnh lý viêm tiểu phế quản bao gồm:

  • Ho có đờm hoặc không đờm.
  • Sốt cao hoặc sốt nhẹ theo cơn hoặc liên tục. Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp tình trạng này.
  • Viêm long hô hấp trên gây sổ mũi nghẹt mũi.
  • Tiết nhiều đờm xanh, vàng hoặc trắng.
  • Thở khò khè, thở nhanh.
  • Trẻ biếng ăn.

Viêm phổi

Tiếp tục là một bệnh đường hô hấp thường gặp mà chúng ta không thể chủ quan. Đây là tình trạng các phế nang trong phổi bị viêm do một nguyên nhân nào đó. Viêm phổi có thể xuất hiện tại một nơi cố định hoặc vài vùng, thậm chí viêm toàn bộ phổi. 
Nguyên nhân gây viêm phổi gồm: Vi khuẩn, virus, nấm, môi trường ô nhiễm, thói quen sinh hoạt thiếu khoa học,... Người bệnh mắc chứng viêm phổi sẽ có những triệu chứng: 

  • Người mệt mỏi, suy nhược.
  • Tức ngực, khó thở.
  • Thân nhiệt luôn tăng cao, tiết nhiều mồ hôi.
  • Tiêu chảy, nôn mửa không kiểm soát.

Các bệnh đường hô hấp thường gặp, đặc biệt là nhiễm trùng đường hô hấp dưới nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Vì vậy, người bệnh nên đến gặp bác sĩ ngay khi có triệu chứng bất thường. Bên cạnh đó, bạn hãy xây dựng thói quen ăn uống khoa học, tập luyện tăng cường sức khỏe giúp cơ thể có sức đề kháng phòng chống bệnh. 

Xem thêm: Hẹp khí quản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.