Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính cực kỳ nguy hiểm lây từ động vật sang người. Bệnh dại có thể lây từ vật nuôi phổ biến và thân thiết, không có thuốc đặc trị lại có tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy, hiểu biết về căn bệnh này càng nhiều càng có lợi. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những dấu hiệu bệnh dại ở người điển hình nhất.
Bệnh dại ở người là gì?
Bệnh dại ở người là bệnh viêm não tủy cấp tính gây ra bởi virus dại được lây truyền từ động vật sang người. Virus dại lây truyền qua các vết cắn, vết liếm của động vật lên các vùng da hở của người. Sau khi xâm nhập vào cơ thể con người, virus dại từ mô dưới da hay từ cơ bắp tấn công các dây thần kinh ngoại biên ngoài não và tủy sống và gây ra bệnh dại.
Sau đó, chúng lại tiếp tục di chuyển di chuyển theo các dây thần kinh đến não và tủy sống với tốc độ khoảng 1,2cm - 2,4cm mỗi ngày. Khi virus dại bắt đầu xâm nhập não bộ, người bệnh bắt đầu có những triệu chứng hành vi bất thường và biểu hiện lâm sàng rõ nét.
Virus dại lây truyền trong cơ thể người và gây bệnh dại ở người
Virus dại có thể ủ bệnh trong cơ thể người trước khi phát bệnh từ vài ngày đến 2 năm tùy trường hợp. Thời gian ủ bệnh, mức độ nặng nhẹ của bệnh phụ thuộc vào các yếu tố:
- Mức độ nghiêm trọng của vết thương do động vật bị dại gây ra.
- Nồng độ virus bệnh dại xâm nhập vào cơ thể người.
- Loại động vật cắn người và lây truyền bệnh dại.
- Khả năng miễn dịch của mỗi người.
- Vị trí vết cắn hay vết thương hở tiếp xúc với dịch tiết mang virus gây bệnh dại. Dấu hiệu bệnh dại ở người sẽ xuất hiện sớm nếu vết cắn ở những vị trí đầu mút dây thần kinh hay vùng gần não và tủy sống.
Những dấu hiệu bệnh dại ở người xuất hiện sớm nhất
Bệnh dại là một trong những bệnh lây từ chó mèo sang người cực kỳ nguy hiểm và có xu hướng gia tăng ở nước ta. Căn bệnh này có 2 đặc điểm đáng sợ: Hiện nay chưa có thuốc đặc trị và tỷ lệ tử vong trên 90%. Vì vậy, việc nhận biết sớm dấu hiệu bệnh dại ở người rất quan trọng. Những dấu hiệu này sẽ khác nhau theo từng giai đoạn, cụ thể là:
Thời kỳ ủ bệnh dại
Thời kỳ ủ bệnh dại ở người được tính từ khi bị động vật bị bệnh dại cắn đến khi phát bệnh. Việc người mắc bệnh dại có được cứu sống hay không phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn này. Nhưng điều đáng nói là dấu hiệu bệnh lý lúc này dưỡng như không có.
Dấu hiệu duy nhất để chúng ta hoài nghi về bệnh dại là những vết cào xước và vết cắn trên da. Đây là lý do bất cứ ai khi bị chó, mèo mắc bệnh dại cào hay cắn phải đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại ngay lập tức. Những trường hợp tử vong do bệnh dại đều là trường hợp không tiêm phòng hoặc tiêm phòng chậm trễ.
Thời kỳ ủ bệnh không có triệu chứng của bệnh dại rõ ràng
Thời kỳ khởi phát bệnh dại
Thời kỳ khởi phát là khi xuất hiện những biểu hiện ban đầu trước khi bệnh nhân mắc bệnh dại phát bệnh. Khi đó, dấu hiệu bệnh dại ở người có thể là:
- Ở vết thương do động vật mắc bệnh dại gây ra xuất hiện cảm giác ngứa, châm chích, đau nhức, sưng tấy tùy người.
- Người bệnh cảm giác bồn chồn, lo lắng không yên.
- Tính tình người bệnh thay đổi khác ngày thường, dễ bị kích động.
- Nhiều bệnh nhân không nhớ việc mình đã bị chó, mèo dại cào cắn.
Thời kỳ toàn phát của bệnh dại
Khi mắc bệnh dại, người bệnh có thể mắc 1 trong 2 thể: Bệnh dại thể liệt và bệnh dại thể cuồng. Tùy từng thể, triệu chứng bệnh dại sẽ khác nhau.
Dấu hiệu ở người mắc bệnh dại thể cuồng:
- Nhận thấy rõ bệnh nhân sợ nước, sợ đến gần hay sợ nghe tiếng nước.
- Bệnh nhân nhạy cảm thái quá với gió thổi, quạt điện, ánh sáng, tiếng ồn…
- Người bệnh bị kích thích tâm thần vận động nên hung dữ, thích gây gổ, đập phá.
- Nét mặt bệnh nhân căng thẳng, lo lắng.
- Sau đó tứ chi bị run rẩy, co cứng, dẫn đến co giật.
- Đờm dãi nhiều, sùi bọt mép, rối loạn tim mạch.
- Khi có thắt họng và khí quản, người bệnh sẽ bị khó thở, hôn mê và tử vong do ngừng tim.
Dấu hiệu ở người mắc bệnh dại thể liệt:
Bệnh dại thể liệt thường gặp ở bệnh nhân có tiêm phòng dại nhưng tiêm muộn nên không kịp ngăn chặn virus dại tấn công lên não. Khi gặp thể này, dấu hiệu bệnh dại ở người thường là:
- Triệu chứng sợ gió, sợ nước, sợ tiếng ồn khá điển hình.
- Ban đầu, cảm giác đau xuất hiện vùng cột sống.
- Sau đó, bệnh nhân bị liệt chân rồi liệt tay.
- Tổn thương lan tới não, bệnh nhân sẽ ngừng tim và tử vong trong 4 - 10 ngày.
Bị chó, mèo dại cắn cần sơ cứu vết thương đúng cách
Phòng bệnh dại ở người
Khi đã bị bệnh dại và xuất hiện những dấu hiệu trên, tỷ lệ giữ được tính mạng vô cùng hiếm hoi. Vì vậy, tốt nhất mỗi chúng ta nên học cách chủ động phòng bệnh dại ở người. Ngay khi bị chó, mèo dại cắn, chúng ta cần làm ngay 2 việc: Xử lý vết thương đúng cách và tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván và bệnh dại.
Cách rửa vết thương bị chó, mèo dại tấn công gây ra
Các bước rửa vết thương khi bị chó, mèo dại cắn:
- Cắt bỏ phần vải quần áo ở vị trí bị cắn để loại bỏ dịch tiết nước bọt của động vật trên đó.
- Để vị trí bị thương dưới vòi nước chảy mạnh rửa trong 10 phút. Nên dùng nước ấm và xà phòng diệt khuẩn để rửa. Không nặn máu, không chà sát vết thương.
- Dùng cồn để sát trùng vết thương, không dùng dầu hỏa, lá cây hay các cách truyền miệng theo kinh nghiệm dân gian khác.
- Băng bông gạc sạch rồi đến cơ sở y tế.
Tiêm phòng bệnh uốn ván và bệnh dại
Người bị chó, mèo cắn thường được bác sĩ định tiêm 2 loại vắc xin gồm vắc xin phòng bệnh uốn ván và vắc xin phòng bệnh dại. Tùy mức độ nặng nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm riêng vắc xin bệnh dại hoặc tiêm kết hợp với huyết thanh kháng dại. Huyết thanh kháng dại có nhiệm vụ giúp cơ thể tạo miễn dịch thụ động cho đến khi vắc xin phòng dại tạo kháng thể chủ động để bảo vệ bệnh nhân.
Tiêm phòng dại là việc nên làm càng sớm càng tốt
Tùy từng bệnh nhân, các bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị, lịch tiêm cụ thể theo mức độ nặng nhẹ của bệnh. Hiện nay, bệnh dại ở người chưa có thuốc đặc trị. Khi bệnh nhân có những dấu hiệu bệnh dại ở người, các bác sĩ chỉ có thể điều trị triệu chứng bằng cách an thần, để bệnh nhân nghỉ ngơi ở nơi riêng biệt, yên tĩnh và đủ tối.
Trên đây là toàn bộ thông tin về dấu hiệu bệnh dại ở người theo từng giai đoạn phát triển của bệnh. Tốt nhất, mỗi người nên chủ động tiêm vắc xin phòng dại càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe cho chính mình.
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Tổng hợp