Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Gút và viêm khớp dạng thấp là hai loại bệnh lý viêm khớp phổ biến ở độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, việc phân biệt gút và viêm khớp dạng thấp thường rất dễ bị nhầm lẫn vì có nhiều nét tương đồng nhau về triệu chứng. Vậy nên dựa vào những tiêu chí nào để có thể phân biệt được hai tình trạng bệnh lý này?
Bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp và gút (gout) thường có triệu chứng đau nhức tại khớp với những biểu hiện không đặc trưng nên rất khó phân biệt. Hai bệnh lý này đều xuất phát từ viêm khớp phổ biến, cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng hơn để nắm rõ về cơ chế, nguyên nhân và tình trạng bệnh. Vậy làm thế nào để phân biệt gút và viêm khớp dạng thấp? Nếu bạn đang quan tâm đến vấn đề này hãy cùng theo dõi bài viết sau của Nhà thuốc Long Châu nhé!
Những biểu hiện ban đầu của bệnh gút và viêm khớp dạng thấp có thể gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, 2 bệnh lý này đều có những nguyên nhân và phương pháp điều trị riêng biệt, người bệnh cần nắm rõ để có thể nhận biết dễ dàng hơn.
Để phân biệt gút và viêm khớp dạng thấp, trước tiên cần tìm hiểu bệnh gout là gì?
Gút là một bệnh lý có liên quan đến rối loạn chuyển hóa khi cơ thể mất cân bằng axit uric và hình thành nên các tinh thể urat lắng đọng tại khớp. Đây là căn bệnh thường gặp ở nam giới trong độ tuổi trung niên với các đặc điểm bao gồm: Khớp bị sưng đỏ và đau dữ dội; xảy ra ở các khớp ngón tay, ngón cái, khớp cổ tay, bàn chân…; gốc ngón chân cái bị biến dạng; các đợt viêm khớp diễn ra đột ngột và gây đau đớn mạnh; phạm vi hoạt động của các khớp bị suy giảm rõ rệt.
Trong giai đoạn đầu, bệnh không gây ra nhiều ảnh hưởng nhưng một số người có thể bị gút ở ngón chân, mắt cá chân, cổ tay hoặc khuỷu tay.
Nếu như cơ thể được bổ sung chất đạm quá nhiều thì sẽ có khả năng gây ra những đợt tái phát gút cấp và thường kéo dài từ 3 - 5 ngày. Khi các cơn đau do gút tiến triển biến chứng, người bệnh sẽ đau đến mức không thể khống chế được và có thể bị tê liệt tại các vị trí sưng viêm.
Nguyên nhân khởi phát bệnh gút là do purin cùng với một số hoạt chất khác được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm. Thịt, cá, nội tạng, động vật có vỏ cùng một số loại rau là thực phẩm chứa nhiều purin cần hạn chế sử dụng đối với người bị gút.
Viêm khớp dạng thấp thuộc dạng bệnh tự miễn và xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công ngược đến cấu trúc khớp. Biểu hiện ban đầu của bệnh lý này cũng là viêm sưng, cứng khớp và đau đớn.
Tổn thương bệnh lý chủ yếu xảy ra ở khớp ngoại vi khiến người bệnh bị sưng, nóng, đỏ ở các khớp như khớp ngón tay, khớp bàn tay, bàn chân. Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể gây ra những tổn thương vĩnh viễn nếu như không được điều trị sớm.
Những đối tượng dễ mắc phải chứng bệnh này đó là người cao tuổi, người bị tiểu đường, béo phì, người thường hay làm việc nhiều áp lực - căng thẳng - mệt mỏi, người trong gia đình có tiền sử của bệnh…
Viêm khớp dạng thấp cũng gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác như phổi, tim, mắt và da. Bệnh đặc biệt phổ biến hơn ở nữ giới với các triệu chứng bao gồm sốt, mệt mỏi; đau cơ từ nhẹ đến trung bình và nặng; cứng khớp; xuất hiện phổ biến ở các khớp nhỏ ở bàn tay, cổ tay, bàn chân, những khớp đối xứng ở 2 bên cơ thể; khớp bị đau, đỏ hoặc sưng; giảm cân không rõ lý do.
Bệnh lý có thể bùng phát thành từng đợt, nhất là trong điều kiện thời tiết giao mùa. Triệu chứng của bệnh thường phát triển từ từ, nếu không điều trị kịp thời, dễ gây các biến chứng như loãng xương, teo cơ, biến dạng, dính và cứng khớp, tăng nguy cơ bệnh tim và viêm mắt…
Có một số đặc điểm quan trọng sẽ giúp bạn phân biệt gút và viêm khớp dạng thấp dễ dàng hơn:
Đối với bệnh gút, vị trí khớp bị đau thường là ở các khớp ngón chân, chủ yếu là ngón cái. Những vị trí ít phổ biến hơn đó là mắt cá chân, đầu gối, giữa bàn chân và khuỷu tay.
Trong khi đó, bị viêm khớp dạng thấp thường đau nhiều ở các khớp đối xương như đầu gối, khuỷu tay, mắt cá chân… Thời gian đầu bệnh sẽ có xu hướng phát triển ở các vùng ngón tay trước.
Bệnh nhân bị gout thường sẽ thấy các khớp bị sưng đỏ nhiều hơn và phải trải qua các cơn đau dữ dội, gây khó khăn cho việc đi lại. Mỗi đợt đau thường diễn ra nhanh và đạt đỉnh điểm trong 24 tiếng đồng hồ. Cùng với cảm giác đau là tình trạng nóng rát ngoài da, chỉ cần gió quạt thổi qua thôi cũng sẽ thấy đau đến mức không chịu nổi.
Các cơn đau của viêm khớp dạng thấp cũng khá dữ dội nhưng thường diễn ra từ từ và chỉ đau bên trong khớp. Cơn đau có thể không quá rõ rệt ở giai đoạn đầu, người bệnh chỉ cảm thấy nhức khớp, mỏi khớp trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, cơn đau do viêm khớp dạng thấp vẫn sẽ kéo dài nếu như người bệnh không điều trị. Còn cơn đau do gout chỉ kéo dài trong khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn (kể cả khi bệnh nhân chưa điều trị).
Phương pháp điều trị của gút và viêm khớp dạng thấp sẽ không giống nhau do 2 bệnh lý này xuất phát từ những nguyên nhân gây bệnh khác nhau, cụ thể cách điều trị như sau:
Mục tiêu điều trị gút là nhằm làm giảm lượng axit uric trong máu, để từ đó ngăn ngừa những đợt tái phát cấp tính, đồng thời, phòng ngừa các biến chứng.
Một số loại thuốc được sử dụng đó là Probenecid, Allopurinol, nhóm thuốc chống viêm không Steroid… Cần kết hợp việc dùng thuốc với chế độ ăn uống phù hợp (bổ sung nhiều nước, hạn chế những thực phẩm, đồ uống làm tăng nguy cơ gây bệnh).
Mục đích điều trị viêm khớp dạng thấp là kiểm soát tình trạng bệnh và hạn chế những tổn thương từ các triệu chứng.
Bệnh nhân sẽ được kê đơn thuốc ngăn ngừa thoái hóa khớp, giảm các thương tổn xảy ra ở khớp và tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà sẽ có kế hoạch điều trị và chăm sóc phù hợp. Chế độ ăn uống cũng cần được chú trọng, kết hợp với việc tập luyện vừa phải để làm chậm ảnh hưởng của bệnh.
Trên đây là các thông tin chi tiết để phân biệt gút và viêm khớp dạng thấp. Hy vọng rằng bài viết này của nhà thuốc Long Châu đã giúp ích được cho bạn. Lời khuyên hữu ích là bạn nên đến gặp bác sĩ nếu như có bất cứ triệu chứng nào liên quan đến khớp để được chẩn đoán, phát hiện và điều trị đúng bệnh sớm, kịp thời, gia tăng hiệu quả chữa bệnh.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.