Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Những điều cần biết về bệnh gout cấp tính

Ngày 28/11/2019
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh gout cấp tính gây ra những cơn đau, khiến bệnh nhân vô cùng thống khổ, không thể chịu được sức nặng của kể cả một tấm chăn mỏng. Vậy những điều cần biết về bệnh gout cấp tính là gì, hãy cùng tìm hiểu những thông tin trong bài viết sau nhé!

Theo thống kê có 95% nam giới tuổi trung niên bị mắc bệnh gout, ngoài ra, những người béo phì, nghiện rượu, cà phê, phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh... cũng có nguy cơ cao mắc bệnh. Cùng tìm hiểu về bệnh gout cấp nhé!

Bệnh gout cấp tính là gì?

Bệnh gout được chia thành 2 giai đoạn chính là bệnh gout cấp tính và gout mạn tính. Gout cấp tính là giai đoạn bệnh nhân có nồng độ acid uric máu cao và đã xuất hiện cơn đau khớp. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, bệnh chỉ gây đau đớn mà chưa gây ra biến chứng nguy hiểm. Cơn đau nhẹ và tái phát thưa.

Bệnh gout cấp tính không được kiểm soát tốt sẽ tiến triển sang giai đoạn mạn tính với nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như: Tàn phế, tổn thương gan, thận, nổi hạt tophi,…

Gout cấp tính được đặc trưng bởi cơn đau khởi phát nhanh chóng ở khớp bị ảnh hưởng, sau đó là cảm giác sưng, tấy và đau nhức rõ rệt. Khớp nhỏ ở gốc ngón chân cái là nơi phổ biến nhất cho một cuộc tấn công gout cấp. Các khớp khác cũng có thể bị ảnh hưởng, bao gồm: Mắt cá chân, đầu gối, cổ tay, ngón tay và khuỷu tay.

Ở một số người, cơn đau cấp tính dữ dội đến mức ngay cả một tấm chăn mỏng chạm vào cũng gây ra cơn đau dữ dội. Cơn đau do gout thường giảm dần trong vài giờ đến vài ngày dù bệnh nhân có uống thuốc điều trị hay không. Trong những trường hợp hiếm hoi, một cuộc tấn công có thể kéo dài trong nhiều tuần. Hầu hết những người bị bệnh gout sẽ trải qua những cơn đau lặp đi lặp lại trong nhiều năm.

Những điều cần biết về bệnh gout cấp tính 1Người bị bệnh gout cấp sẽ trải qua những cơn đau lặp đi lặp lại trong nhiều năm

Nguyên nhân mắc bệnh gout cấp tính

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh gout cấp tính nhưng chủ yếu là do chế độ ăn uống không hợp lý và thiếu lành mạnh. Bệnh sẽ dễ dàng phát triển nếu có sự tác động của các yếu tố thuận lợi như:

  • Ăn quá nhiều thực phẩm giàu đạm, giàu nhân purin – một hợp chất khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành acid uric.
  • Sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật.
  • Lao động nặng, đi lại nhiều hoặc đi giày quá chật trong thời gian dài.
  • Dùng nhiều loại thuốc lợi tiểu trong nhóm: Chlorothiazid, tinh chất gan, vitamin B12, steroid,…

Hiểu được nguyên nhân gây ra bệnh gout cấp tính chúng ta sẽ có phương pháp điều trị thích hợp với thể trạng của từng người.

Những điều cần biết về bệnh gout cấp tính 2Do chế độ ăn uống không hợp lý và thiếu lành mạnh gây nên bệnh gout

Bệnh gout cấp tính có nguy hiểm không?

Bệnh gout cấp tính không gây nguy hiểm ngay lập tức tới tính mạng. Nếu kiểm soát tốt, bệnh sẽ ít tái phát hơn và không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh gout cấp tính không kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như biến dạng khớp, cứng khớp, cao huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… Những biến chứng từ triệu chứng gout cấp này đều là những căn bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Điều trị bệnh gout cấp bằng cách nào?

Hiện nay, chưa có cách điều trị bệnh gout triệt để mà các phương pháp chủ yếu đảm bảo mục tiêu: Giảm nồng độ acid uric máu, từ đó giảm mức độ đau và kéo dài thời gian tái phát. Điều trị bệnh gout được chia làm 2 phương pháp chính là điều trị bệnh bằng thuốc Tây và sử dụng thuốc đông y.

Điều trị bệnh gout bằng thuốc Tây

Hiện tại, thuốc để điều trị bệnh gout chủ yếu tập trung giúp: Giảm đau các đợt tấn công cấp tính và kiểm soát nồng độ acid uric nhằm ngăn ngừa cơn đau tái phát trong tương lai.

  • Nhóm thuốc chống viêm, giảm đau: Đây là nhóm thuốc giúp giảm đau và chống viêm trong các đợt tấn công cấp tính, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu ngay khi sử dụng và không làm ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống.
  • Nhóm thuốc hạ acid uric máu: Các loại thuốc này giúp làm giảm acid uric, phòng ngừa cơn đau gout và ngăn chặn bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính. Thuốc hạ acid uric máu thường được chỉ định sử dụng sau khi cơn đau gout cấp kết thúc.
Những điều cần biết về bệnh gout cấp tính 3Thuốc Tây giúp giảm đau do các đợt tấn công cấp tính và kiểm soát nồng độ acid uric

Điều trị bệnh gout bằng Đông y

Theo Đông y, rất nhiều thảo dược thiên nhiên quý có tác dụng chống viêm, giảm đau, hạ acid máu như cây hoàng bá, nhọ nồi, ba kích… Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh gout bằng đông y bạn có thể tham khảo:

  • Bài thuốc 1: Dùng 4g củ ráy, tỳ giải 2g, 3g chuối hột, khổ qua 1g sao khô. Mỗi ngày dùng 10g pha với nước đun sôi uống từ 2 – 3 lần mỗi ngày. Bạn nên thực hiện đều đặn, liên tục để có hiệu quả tốt nhất.
  • Bài thuốc 2: Trạch tả, mộc qua, uy linh tiên, hoàng bá, cát căn, phòng phong, xương truật, sinh địa mỗi loại 12g; thổ phục linh, cốt khí mỗi vị 20g; táo 3 quả; cam thảo 4g. Cho các vị thuốc này vào nồi, đổ 5 bát nước, sắc thành 3 bát và chia thành 3 lần uống trong ngày.
  • Bài thuốc 3: Dùng 50g lá sa kê vàng tự rơi xuống đất sắc cùng nước, uống thay trà hàng ngày. Lá sa kê có tác dụng tăng đào thải acid uric ra ngoài cơ thể theo đường tiểu rất hiệu quả.

Cuối cùng, khi mắc phải bệnh gout thì chế độ ăn uống là điều vô cùng quan trọng để có thể chung sống hòa bình và chiến đấu với căn bệnh này. Thực hiện tốt lối sống lành mạnh, loại bỏ các yếu tố nguy cơ (hạn chế rượu bia, thức ăn có chứa nhiều nhân purin,…). Xử trí và điều trị kịp thời khi có cơn gout cấp và các bệnh phối hợp khác.

Nhân Tâm

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm