Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Triệu chứng gout cấp, nguyên nhân và cách chữa trị

Ngày 27/11/2019
Kích thước chữ

Bệnh gout có thể bắt đầu ở giai đoạn cấp tính và gây ra những cơn đau dữ dội. Triệu chứng gout cấp tính khi tái phát nhiều lần có thể dẫn đến giai đoạn gout mãn tính nếu không được chẩn đoán và điều trị và phòng ngừa bệnh tái phát.

Gout là một dạng của bệnh viêm khớp cấp và xảy ra khá phổ biến. Bệnh gout không xảy ra không do các tác nhân truyền nhiễm như vi khuẩn hay virus, mà do sự rối loạn chuyển hóa axit uric trong cơ thể dưới sự ảnh hưởng của chế độ ăn uống hằng ngày. Người mới mắc bệnh sẽ gặp triệu chứng gout cấp có thể tái phát nhiều lần làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vậy gout xảy ra khi nào và những dấu hiệu nhận biết triệu chứng gout cấp là gì?

Nguyên nhân của bệnh gout

Để tìm hiểu về bệnh gout, gout xảy ra do phản xạ của hệ miễn dịch trước sự hình thành và tích tụ của các tinh thể axit uric tại các khớp xương và các mô quanh khớp. Cơ thể người luôn tự sản sinh ra axit uric sau quá trình chuyển hóa purine – là chất được cơ thể hấp thụ từ các loại thực phẩm như thịt và hải sản. Các loại thức uống có cồn như bia, rượu hoặc các loại nước trái cây cũng góp phần làm tăng nồng độ axit uric trong máu. Thông thường, axit uric trong máu được cơ thể đào thải qua thận và đi vào nước tiểu. Khi cơ thể sản sinh nồng độ acit uric trong máu quá cao, thận không thể lọc hết tượng axit uric dư thừa và các tinh thể axit uric có dạng gai nhọn hình thành tại các khớp xương hoặc các mô mềm quanh khớp. Điều này dẫn đến sưng khớp, viêm khớp và được gọi là bệnh gout.

Ngoài chế độ ăn uống làm tăng nồng độ axit uric trong máu, cơ thể của những người mắc bệnh béo phì cũng sản sinh nhiều axit uric hơn người bình thường. Tương tự, những người mắc bệnh tim, thận, tiểu đường, hay rối loạn trao đổi chất đều có nguy cơ mắc bệnh gout cao. Những người bệnh gout có nhiều khả năng di truyền cho các thế hệ sau. Ngoài ra theo thống kê các trường hợp mắc bệnh gout thì bệnh xảy ra nhiều hơn ở nam giới do cơ thể nữ giới thường có nồng độ axit uric trong máu thấp hơn. Khả năng bệnh gout cao hơn ở nam giới giữa độ tuổi 30 đến 50, trong khi nữ giới dễ bị gout ở độ tuổi sau mãn kinh.

Triệu chứng gout cấp, nguyên nhân và cách chữa trị 1Phản xạ của hệ miễn dịch trước sự hình thành và tích tụ của axit uric tại các khớp xương và các mô quanh khớp tạo nên bệnh gout

Triệu chứng gout cấp

Triệu chứng gout cấp thường được nhận biết khi người bệnh có những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các vị trí khớp xương, nhất là sưng đỏ tại các khớp ngón tay, chân, và một số ít trường hợp viêm xảy ra ở các khớp đầu gối, cổ chân, cổ tay, khuỷu tay. Số lượng khớp bị ảnh hưởng thường chỉ 1 – 3 khớp. Ngoài ra bệnh nhân còn có thể có các triệu chứng khác bao gồm mệt mỏi, mất ngủ và khó khăn trong vận động do đau khớp, sốt nhẹ, nước tiểu có màu sậm.

Các cơn đau có thể kéo dài trong vài giờ, xảy ra trong vài ngày và thường xuất hiện đột ngột về đêm. Nếu nặng hơn thì người bệnh sẽ đau trong vài tuần. Triệu chứng gout cấp thường tự khỏi sau khi hết đau và bệnh hoàn toàn có thể tái phát sau vài tháng hoặc vài năm.

Tuy nhiên, khi triệu chứng gout cấp đã xảy ra thì đó là dấu hiệu bạn cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống sinh hoạt hằng ngày. Nếu không có biện pháp xử lý sớm thì những cơn đau tái phát sẽ xuất hiện nhiều hơn và dẫn đến giai đoạn gout mãn tính khó kiểm soát kèm nhiều biến chứng và tổn thương nặng khó phục hồi, như tổn thương khớp, sỏi thận, khối u tophi gây lở loét dưới da.

Bệnh gout là dạng bệnh lành tính và hoàn toàn có thể được ngăn chặn bằng cách sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và duy trì chế độ ăn kiêng hợp lý.

Triệu chứng gout cấp, nguyên nhân và cách chữa trị 2Triệu chứng gout cấp thường được nhận biết khi người bệnh có những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các vị trí khớp xương

Cách chữa trị và phòng ngừa bệnh gout

Người bệnh cần gặp bác sĩ ngay sau khi phát hiện triệu chứng gout cấp để biết chính xác tình trạng bệnh và cách xử lý. Luôn sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và không tự ý uống thuốc ngoài chỉ định hoặc bỏ thuốc.Triệu chứng gout cấp, nguyên nhân và cách chữa trị 3Người bệnh cần gặp bác sĩ ngay sau khi phát hiện triệu chứng gout cấp

Diễn tiến bệnh gout phụ thuộc phần lớn vào thói quen sinh hoạt. Đặc biệt cần kiểm soát chế độ dinh dưỡng hằng ngày:

  • Người bệnh cần tránh ăn thịt đỏ và các loại hải sản, không uống bia, rượu, trà, cà phê hoặc các thức uống có cồn khác
  • Duy trì cân nặng hợp lý, tránh ăn nhiều thức ăn chứa chất béo
  • Người béo phì cần duy trì chế độ thể dục thể thao đều đặn để giảm nguy cơ gout
  • Tăng cường bổ sung chất xơ bằng các loại rau củ
  • Sử dụng đường tự nhiên có trong các loại rau củ, ngũ cốc
  • Duy trì thói quen uống nhiều nước (2 – 3 lít mỗi ngày)

Khi bạn có triệu chứng gout cấp có thể sẽ thấy cơn đau tự khỏi và không thấy tái phát sau khoảng thời gian dài. Nhưng đó là dấu hiệu của sự mất cân bằng chuyển hóa và trao đổi chất trong cơ thể. Những cơn đau gout cấp tái phát không báo trước sẽ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của chính bạn. Hãy đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.

Nhân Tâm

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin