Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những điều cần biết về hoại tử xương hàm do Bisphosphonate

Ngày 16/09/2023
Kích thước chữ

Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh hoại tử xương hàm thấp. Nhưng do số lượng bệnh nhân dùng các thuốc Bisphosphonate có xu hướng gia tăng nên số lượng bệnh nhân hoại tử xương hàm do Bisphosphonate cũng tăng lên.

Hoại tử xương hàm là một dạng hoại tử xương có thể đến từ nhiều nguyên nhân như do xạ trị, do các bệnh lý nha khoa không được điều trị kịp thời, do biến chứng hậu covid…Một trong số những nguyên nhân gây chú ý nhất là hoại tử xương hàm do Bisphosphonate bởi số lượng bệnh nhân dùng thuốc ngày ngày càng gia tăng. Bài viết này sẽ gói gọn những điều bạn cần biết về tình trạng xương hàm hoại tử do Bisphosphonate.

Bisphosphonate là gì?

Bisphosphonate là một loại thuốc được nghiên cứu từ thế kỷ 19 và được thử nghiệm lần đầu vào năm 1960 trong điều trị rối loạn chuyển hóa xương. Nhóm thuốc Bisphosphonate được cho là có tác dụng làm chậm quá trình phá hủy xương, giảm tiêu xương. Tử năm 1995, nhóm thuốc này đã được FDA phê duyệt dùng làm thuốc điều trị loãng xương, ung thư di căn xương, đa u tủy.

Tuy nhiên, không phải tất cả các loại thuốc Bisphosphonate đều liên quan đến tình trạng hoại tử xương hàm. Các thuốc Bisphosphonate thuộc thế hệ thứ nhất không chứa nitrogen như Etidronate, Clodronate và Tiludronate được cho là không gây ra hoại tử xương hàm. 

Các thuốc Bisphosphonate chứa nitrogen, đặc biệt là thuốc được sử dụng qua đường tiêm và truyền như Pamidronate hoặc Zoledronate mới được đánh giá là có liên quan đến hoại tử xương hàm.

hoai-tu-xuong-ham-do-Bisphosphonate-1.jpg
Một bệnh nhân bị biến dạng mặt vì hoại tử xương hàm

Vì sao Bisphosphonate gây hoại tử xương hàm?

Hoại tử xương hàm do Bisphosphonate là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Xương hàm là khu vực dễ tác động và ổ xương răng của răng hàm có khả năng tái mô hình nhanh gấp khoảng 10 lần các xương dài khác trên cơ thể. Trong khi đó, thuốc Bisphosphonate lại giảm tiêu xương nhờ tác động làm giảm sự tạo mạch trong xương. Điều này làm chậm lại quá trình chu chuyển xương vốn diễn ra rất nhanh ở xương ổ răng nên đã dẫn đến hoại tử xương hàm.

Hầu hết các trường hợp hoại tử xương hàm do thuốc Bisphosphonate là những bệnh nhân ung thư được điều trị bằng Bisphosphonate đường truyền tình mạch. Rất ít trường hợp ghi nhận bệnh nhân dùng Bisphosphonate trong điều trị loãng xương với thời gian điều trị trên 4 năm. Nguy cơ hoại tử xương hàm ở những người ung thư di căn xương dùng Bisphosphonate (dưới 5%) cao hơn rất nhiều lần so với điều trị loãng xương dùng Bisphosphonate (dưới 0,05%).

Ngoài ra, nguy cơ hoại tử xương hàm do dùng Bisphosphonate đường uống là cực kỳ thấp. Lý do là vì Bisphosphonate dùng đường uống ít hòa tan trong chất béo nên ít tích lũy trong xương. Cứ khoảng 100.000 bệnh nhân hoại tử xương hàm mới có 1 trường hợp bị hoại tử do dùng Bisphosphonate đường uống.

hoai-tu-xuong-ham-do-Bisphosphonate-3.jpg
Hình ảnh thực tế bệnh nhân bị hoại tử xương hàm

Triệu chứng hoại tử xương hàm do Bisphosphonate

Hoại tử xương hàm do Bisphosphonate có triệu chứng tương đối giống các trường hợp hoại tử xương hàm do các lý do khác. Ngoài ra các bác sĩ có thể kết hợp thêm các yếu tố nguy cơ như bệnh nhân đang dùng Bisphosphonate và không có tiền sử xạ trị để chẩn đoán bệnh. Một số dấu hiệu nhận biết hoại tử xương hàm do dùng thuốc Bisphosphonate phổ biến nhất như:

  • Xương hàm mặt bị lộ ra trong thời gian từ 8 tuần trở lên.
  • Lộ xương ổ răng nhưng có thể không gây chảy mủ, có thể không gây đau.
  • Bệnh nhân đau răng, hàm, miệng và có dấu hiệu nhiễm trùng tại chỗ.
  • Khi nhiễm trùng lan rộng và có mủ có thể gây ra gãy xương hàm bệnh lý.
  • Các tổn thương có thể xuất hiện ở cả răng, hàm và lợi.
  • Có lỗ rò thông giữa miệng và mũi hoặc miệng và xoang hàm.
  • Hoại tử xương hàm do thuốc Bisphosphonate thường xảy ra ở hàm dưới nhiều hơn hàm trên.

Giai đoạn tiến triển của hoại tử xương hàm do Bisphosphonate

Theo Hội phẫu thuật Miệng và Hàm mặt Hoa Kỳ, quá trình tiến triển của bệnh hoại tử xương hàm do Bisphosphonate được phân ra làm các giai đoạn như:

  • Giai đoạn có nguy cơ: Không quan sát thấy xương hàm hoại tử ở bệnh nhân dùng thuốc Bisphosphonate.
  • Giai đoạn 0: Xương hàm hoại tử chưa lộ diện nhưng bệnh nhân đã có các dấu hiệu lâm sàng thể hiện trên phim chụp X-quang.
  • Giai đoạn 1: Xương hàm bị hoại tử đã lộ diện hoặc xuất hiện lỗ rò thông đến xương hàm. Lúc này bệnh nhân có thể chưa có triệu chứng bệnh và không có tình trạng nhiễm trùng.
  • Giai đoạn 2: Xương hàm hoại tử bị lộ hoặc có lỗ rò thông đến xương đồng thời có nhiễm trùng tại chỗ. Quan sát vùng nhiễm trùng có thể thấy vùng có mủ, có thể sưng đỏ hoặc không sưng.
  • Giai đoạn 3: Xương hàm hoại tử bị lộ hoặc có lỗ rò thông đến xương làm bệnh nhân đau đớn. Ở giai đoạn này có thể xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng như: Xương hàm bị lộ ra và hoại tử lan khỏi ổ xương gây gãy xương bệnh lý, có lỗ rò thông giữa xoang hàm và miệng hoặc giữa miệng và mũi, tình trạng tiêu xương đã lan đến bờ dưới xương hàm hay sàn xoang hàm.
hoai-tu-xuong-ham-do-Bisphosphonate-2.jpg
Dấu hiệu hoại tử xương hàm trên phim X-quang

Điều trị hoại tử xương hàm do Bisphosphonate

Cách điều trị hoại tử xương hàm do Bisphosphonate tùy theo giai đoạn phát triển của bệnh. Cụ thể là

  • Ở giai đoạn có nguy cơ, bệnh nhân không cần điều trị nhưng cần được khuyến cáo về nguy cơ hoại tử xương hàm do dùng thuốc. Theo đó, bệnh nhân cũng cần được hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng và cách nhận biết những dấu hiệu ban đầu của bệnh để thăm khám kịp thời.
  • Ở giai đoạn 0, bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát tình trạng đau đớn và chỉ định dùng kháng sinh nếu cần thiết.
  • Khi bệnh phát triển đến giai đoạn 1, bệnh nhân cần súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn hàng ngày và theo dõi 3 tháng một lần. Lúc này, bác sĩ cũng có thể tư vấn cho bệnh nhân xem có nên tiếp tục dùng Bisphosphonate để điều trị bệnh hay không.
  • Ở giai đoạn 2, bệnh nhân được điều trị triệu chứng bằng các loại kháng sinh phù hợp. Bệnh nhân cần súc miệng hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn. Các vết thương sẽ được làm sạch để các mô mềm không bị kích thích và để kiểm soát nhiễm khuẩn. Bác sĩ cũng sẽ chỉ định bệnh nhân dùng thuốc để kiểm soát cảm giác đau đớn nếu cần.
  • Giai đoạn 3 là giai đoạn mà hoại tử tiến triển nặng. Ngoài súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn, dùng kháng sinh và kiểm soát cơn đau, bệnh nhân còn được phẫu thuật cắt bỏ xương hàm. Phẫu thuật loại bỏ phần xương hàm hoại tử giúp giảm đau đớn và tránh nhiễm khuẩn lâu dài.
hoai-tu-xuong-ham-do-Bisphosphonate-4.jpg
Phẫu thuật cắt bỏ xương hàm hoại tử để tránh nhiễm khuẩn lan rộng

Phòng ngừa hoại tử xương hàm do Bisphosphonate

Để phòng ngừa hoại tử xương hàm do Bisphosphonate, cả bác sĩ và bệnh nhân đều cần lưu ý:

  • Với bệnh nhân có dùng thuốc Bisphosphonate, bác sĩ nên cung cấp thông tin để bệnh nhân nắm được nguy cơ hoại tử xương hàm. Ngoài ra, bác sĩ cũng nên tư vấn cách chăm sóc răng miệng, súc miệng bằng dung dịch kháng khuẩn để giảm tối đa nguy cơ hoại tử xương hàm.
  • Bệnh nhân có dùng thuốc Bisphosphonate cần khám nha khoa thường xuyên để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ dẫn đến hoại tử. Việc tầm soát hoại tử xương hàm cũng rất hữu ích trong việc giúp phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm.

Hoại tử xương hàm do Bisphosphonate là một trong những biến chứng nghiêm trọng của việc điều trị bệnh bằng thuốc Bisphosphonate. Hoại tử xương hàm phát hiện sớm có thể không gây hậu quả nặng nề. Nhưng nếu bệnh được phát hiện và điều trị muộn có thể gây biến dạng khuôn mặt, nhiễm trùng huyết,… vô cùng nguy hiểm.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin