Những điều cần biết về hội chứng ống cổ tay khi mang thai
Ngày 31/08/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Hội chứng ống cổ tay không chỉ gặp ở phụ nữ sau sinh mà còn ở bà bầu. Để tìm hiểu rõ hơn về hội chứng ống cổ tay khi mang thai, Nhà thuốc Long Châu mời bạn cùng khám phá bài viết dưới đây.
Hội chứng ống cổ tay khi mang thai có thể xảy ra ở mọi lần mang thai. Phụ nữ mắc hội chứng này vào lần mang thai trước sẽ có nguy cơ tái phát cao khi mang bầu lần tiếp theo. Tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng hội chứng này gây rất nhiều khó khăn cho phụ nữ mang thai.
Nguyên nhân bà bầu mắc hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay ở bà bầu không còn là vấn đề xa lạ bởi tỷ lệ người mắc hội chứng này đang ngày một tăng cao, đặc biệt là đối tượng có nguy cơ như bà bầu, phụ nữ sau sinh, người có cổ tay nhỏ, chấn thương xương khớp, bong gân,... Vậy nguyên nhân nào dẫn đến hội chứng ống cổ tay khi mang thai?
Theo khảo sát, có đến hơn 30% bà bầu mắc hội chứng ống cổ tay và có dấu hiệu từ tam cá nguyệt thứ 2 hoặc tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ. Bà bầu thực chất cũng nằm trong nhóm đối tượng dễ mắc hội chứng ống cổ tay bởi khi mang bầu, cơ thể tăng trưởng nhiều hormone nên lượng chất nhầy cũng tăng cao, từ đó dễ tích tụ trong cơ thể và dẫn đến chèn ép dây thần kinh và hội chứng ống cổ tay khi mang thai.
Bà bầu mắc hội chứng này thường xuyên cảm thấy tê mỏi tay, mất cảm giác ở tay hoặc tay có nhiều biểu hiện khó chịu, khó kiểm soát vận động,... Tình trạng này thường xảy ra nhiều hơn vào ban đêm và có xu hướng tăng dần theo thời gian nếu không kịp thời can thiệp.
Cách phát hiện hội chứng ống cổ tay ở bà bầu
Để hỗ trợ điều trị sớm và đạt hiệu quả chữa trị cao hội chứng ống cổ tay khi mang thai, bà bầu cần nhận biết bệnh từ sớm. Dấu hiệu đầu của hội chứng này dễ bị nhầm lẫn với tình trạng tê tay thông thường nhưng khi bệnh tiến triển xấu hơn, bạn sẽ dễ phát hiện bệnh hơn.
Cảm giác bứt rứt và ngứa ran ở lòng bàn tay, đầu ngón tay và bị tê bàn tay.
Bạn có thể cảm thấy tình trạng ngứa ngáy nhiều ở các ngón trỏ, ngón cái ngón áp út, đặc biệt là ngón giữa.
Bệnh phát triển nặng có thể làm triệu chứng đau nhức lan đến toàn cánh tay và bắp tay.
Đau nhức ở ngón cái, giảm hoạt động và rối loạn cảm giác ở các ngón tay.
Da ở đầu ngón tay có thể khô hơn và nhăn nheo hơn thông thường.
Hội chứng ống cổ tay có thể làm tay bị sưng tấy, sờ vào thấy đau mỏi khó chịu.
Hội chứng ống cổ tay khi mang thai có gây nguy hiểm không?
Hội chứng ống cổ tay khi mang thai là một trong những hội chứng thường gặp, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây nhiều bất tiện và khó khăn trong sinh hoạt, cuộc sống của bà bầu. Mất cảm giác ở tay, rối loạn cảm giác,... khiến việc hoạt động, cầm nắm,... trở nên khó khăn hơn.
Không chỉ vậy, cảm giác đau nhức, sưng tấy, tê bàn tay,... xảy ra vào ban đêm còn khiến chị em phụ nữ dễ mất ngủ, đặc biệt là khi mang thai những tháng cuối cơ thể nhạy cảm hơn. Mất ngủ kéo dài ở bà bầu dễ dẫn đến stress, lo âu, thay đổi tâm trạng, cáu gắt, suy nhược cơ thể,...
Bệnh nếu không chữa trị đúng phương pháp và kịp thời có thể gây giảm hoạt động cánh tay, teo cơ, tàn tật do dây thần kinh chèn ép lâu ngày dẫn đến tổn thương nặng, mạch máu, mô mềm xung quanh cũng bị ảnh hưởng. Chính vì vậy khi nhận thấy cảm giác bất thường ở tay, bàn tay,... bạn cần đến bệnh viện, trao đổi với bác sĩ và thực hiện khám chữa bệnh kịp thời.
Cách chữa hội chứng ống cổ tay khi mang thai
Đối với hội chứng ống cổ tay khi mang thai, bác sĩ thường chỉ định các biện pháp điều trị an toàn, lành tính và có hiệu quả cao nhằm dứt điểm triệu chứng nhưng không khiến mẹ bầu và thai nhi bị ảnh hưởng. Cách chữa hội chứng ống cổ tay ở bà bầu gồm những cách sau:
Thay đổi tư thế khi ngồi sao cho thoải mái hơn, giữ cột sống thẳng nhằm giảm nguy cơ cong vẹo cột sống, hỗ trợ lưu thông máu đến cánh tay tốt hơn.
Mỗi khi thấy cổ tay hoặc bàn tay có cảm giác ngứa ngáy râm ran bạn nên lắc nhẹ tay để cảm thấy thoải mái hơn, giảm đau nhức, đề phòng cơn đau nặng hơn.
Bà bầu không nên đè ép cổ tay quá lâu, tốt nhất nên thường xuyên vận động cổ tay, giữ cổ tay luôn thẳng. Nếu do đặc thù công việc cần đánh máy nhiều, hoạt động cổ tay nhiều bạn nên dành ra ít phút thư giãn, nghỉ ngơi sau khoảng 30 - 45 phút làm việc liên tục.
Một số bài tập nhẹ nhàng dành cho cổ tay cũng thích hợp để cải thiện hội chứng ống cổ tay khi mang thai đấy. Mẹ bầu có thể tập mỗi khi rảnh hoặc khi thấy cổ tay có cảm giác khó chịu.
Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung thêm nhiều vitamin nhóm B từ các loại đậu, thịt nạc, trứng, sữa, rau xanh, trái cây,...
Nẹp cổ tay giúp bà bầu giảm triệu chứng khó chịu mà hội chứng ống cổ tay gây ra vào ban đêm.
Phòng tránh nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay ở bà bầu
Ngoài điều trị, bạn cũng nên tăng cường phòng tránh hội chứng ống cổ tay khi mang thai vì tuy đây là bệnh lý đơn giản nhưng nếu để lại biến chứng sẽ rất bất lợi đối với sức khỏe và khả năng vận động của tay đấy. Dưới đây là một số lưu ý cần làm để ngăn ngừa hội chứng ống cổ tay.
Chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ các nhóm chất và ăn thêm nhiều rau xanh, trái cây.
Duy trì cân nặng ở mức ổn định từ trước và trong khi mang thai.
Bổ sung đầy đủ các loại vitamin và chất khoáng cần cho bà bầu như vitamin D, axit folic, canxi,...
Hạn chế ăn nhiều muối và thực phẩm chế biến sẵn, nên ưu tiên các món ăn được chế biến đơn giản bằng cách luộc, hấp,...
Nên để tay có thời gian nghỉ ngơi nếu tần suất làm việc cao. Massage tay thường xuyên cũng là cách hiệu quả để phòng tránh hội chứng ống cổ tay đấy.
Tóm lại, hội chứng ống cổ tay khi mang thai không gây nguy hiểm cho bà bầu nhưng lại bất tiện và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động hàng ngày, chất lượng giấc ngủ của bà bầu nên cần điều trị sớm, tích cực ngay khi phát hiện bệnh. Bạn không nên tự ý chữa trị hội chứng ống cổ tay tại nhà, thay vào đó hãy đến bệnh viện để được tư vấn chuyên khoa và hướng dẫn cách chữa tốt nhất.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.