Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Sinh con

Những điều cần biết về kỹ thuật hỗ trợ sinh con bằng Forceps

Ngày 15/04/2024
Kích thước chữ

Phương pháp hỗ trợ sinh con bằng forceps được sử dụng rất phổ biến trong sản khoa. Trong một số trường hợp cần biết khi thai phụ sinh khó, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng các biện pháp sinh giúp để hỗ trợ cho sản phụ, bao gồm giác hút hoặc sử dụng kẹp forceps.

Trong quá trình thai phụ chuyển dạ sinh con bằng ngã âm đạo, không phải lúc nào người mẹ cũng thuận lợi đưa trẻ ra ngoài. Vì thời gian giai đoạn sổ thai không cho phép kéo dài nên khi bác sĩ dự đoán thai phụ gặp khó khăn sẽ phải tiến hành trợ giúp bằng các biện pháp khác nhau, trong đó có hỗ trợ sinh bằng forceps.

Kỹ thuật đặt forceps là gì?

Cuộc chuyển dạ là quãng thời gian vô cùng khó khăn và phức tạp, bao gồm nhiều giai đoạn quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Một trong những thời điểm quan trọng trong quá trình này là giai đoạn chuyển dạ thứ hai, còn được gọi là giai đoạn sinh nở, hay giai đoạn sổ thai. Sở dĩ nói giai đoạn này rất quan trọng là vì người mẹ lúc này đang tích cực thực hiện các cơn rặn sinh kết hợp với cơn co của tử cung để tống xuất thai ra. Thông thường, giai đoạn sổ thai không nên kéo dài quá 30 phút do có những rủi ro đi kèm, chẳng hạn như suy thai và khả năng trẻ sơ sinh bị ngạt thở, có thể đe dọa tính mạng.

Những điều cần biết về kỹ thuật hỗ trợ sinh con bằng Forceps 1
Thai phụ mắc nhiều bệnh lý, có thể được chỉ định dùng biện pháp hỗ trợ Forceps

Hơn nữa, một số tình trạng bệnh lý ở người mẹ, chẳng hạn như suy tim, hen suyễn hoặc các biến chứng từ các cuộc phẫu thuật trước đó, có thể làm phức tạp đáng kể quá trình rặn đẻ. Trong những tình huống như vậy, bác sĩ sẽ cân nhắc dùng biện pháp hỗ trợ không để căng thẳng kéo dài sẽ kéo theo nguy cơ làm trầm trọng thêm những vấn đề sức khỏe sẵn có, khiến việc sinh nở càng trở nên rủi ro cho cả mẹ và con.

Đối với những ca sinh khó, có nhiều rủi ro, bác sĩ sản khoa có thể lựa chọn kỹ thuật hỗ trợ sinh nở. Trong số này, phương pháp sinh con bằng kẹp forceps là một biện pháp can thiệp đã được áp dụng rất phổ biến nhằm hỗ trợ đẩy nhanh quá trình sinh nở một cách an toàn. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng một công cụ chuyên dụng được gọi là kẹp, hình dạng trông giống như hai nhánh cong của chiếc thìa rỗng đặt cẩn thận quanh đầu em bé và khóa lại với nhau. Thiết kế của kẹp forceps cho phép lực kéo được kiểm soát, nhẹ nhàng mà không gây hại cho bé hoặc mẹ.

Trong quá trình đỡ đẻ bằng kẹp forceps, bác sĩ tỉ mỉ căn chỉnh các kẹp quanh đầu em bé, đảm bảo cổ tử cung giãn ra hoàn toàn và đầu của em bé ở đúng vị trí thấp trong ống sinh. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng một lực có tính toán để hướng em bé ra ngoài, phù hợp với cơ chế sinh nở tự nhiên. Sau khi đầu trẻ được sinh ra, kẹp sẽ được tháo ra và quá trình sinh nở tự nhiên vẫn tiếp tục để đưa vai và phần còn lại của cơ thể ra ngoài.

Forceps sản khoa là một thủ thuật phức tạp, không chỉ đòi hỏi điều kiện thích hợp mà còn đòi hỏi chuyên môn, kinh nghiệm của bác sĩ sản khoa. Nếu được sử dụng đúng cách, kỹ thuật này sẽ tối đa hóa sự an toàn, đồng thời giảm thiểu sự khó chịu cho cả mẹ và trẻ sơ sinh. Nói cách khác, forceps sản khoa là một biện pháp hữu hiệu trong sản khoa hiện đại, sử dụng khi việc sinh nở tự nhiên được đánh giá là không khả thi hoặc thiếu an toàn.

khi đặt lên đầu thai nhi hai cành này sẽ khớp với nhau bởi một cái khóa. Khi đã khớp với nhau, bác sĩ dùng tay để kẹp, xoay và kéo em bé ra ngoài với điều kiện đầu thai nhi lọt thấp, cổ tử cung của người mẹ mở trọn mẹ rặn sinh kém.

Những điều cần biết về kỹ thuật hỗ trợ sinh con bằng Forceps 2
Forceps sản khoa là một thủ thuật phức tạp

Chỉ định đỡ đẻ bằng kẹp Forceps

Phương pháp hỗ trợ sinh bằng forceps được chỉ định thực hiện trong các trường hợp sau đây:

Về phía mẹ

  • Mẹ rặn sinh nhưng không sổ thai sản;
  • Mẹ mắc các bệnh lý nội khoa (tim, phổi, thận, thần kinh), tử cung có sẹo mổ cũ, tiền sản giật nặng, sản giật… và có chống chỉ định cho rặn;
  • Mẹ có tầng sinh môn rắn, không giãn nở.

Về phía thai nhi

  • Thai nhi suy;
  • Forceps đầu hậu trong ngôi mông.

Điều kiện thực hiện thủ thuật Forceps

Để kỹ thuật forceps tiến hành thuận lợi, thành công, an toàn cho cả mẹ và bé, bác sĩ thực hiện thủ thuật phải là người có kinh nghiệm giúp sinh bằng dụng cụ. Đồng thời, cơn chuyển dạ thỏa những điều kiện sau:

  • Cổ tử cung lúc này đã mở trọn;
  • Màng ối đã vỡ;
  • Đầu thai đã lọt;
  • Ngôi thai nhi lẫn kiểu thế đã được xác định rõ;
  • Trọng lượng thai và khung chậu người mẹ phải cân xứng để tránh nguy cơ thai nhi bị kẹt vai trong quá trình sổ thai;
  • Mẹ đã giảm đau đầy đủ;
  • Bàng quang rỗng;
  • Bệnh nhân đồng ý thực hiện;
  • Có phòng mổ đảm bảo tiêu chí thực hiện.
Những điều cần biết về kỹ thuật hỗ trợ sinh con bằng Forceps 3
Forceps được chỉ định sử dụng khi ngôi thai nhi rõ ràng 

Các trường hợp bắt buộc ngưng thực hiện thủ thuật:

  • Khó đặt dụng cụ;
  • Khi kéo, đầu thai thai không xuống dễ dàng;
  • Sau ba lần kéo mà vẫn không sổ thai.

Chống chỉ định dùng forceps

Các trường hợp sau đây chắc chắn không chỉ định tiến hành forceps:

  • Thai nhi có các bệnh lý như bệnh tạo xương bất toàn, bệnh lý mô liên kết (hội chứng Ehlers-Danlos và Marfan), bệnh lý về máu (hemophilia, alloimmune thrombocytopenia;
  • Đầu thai nhi không lọt hoặc lọt không đối xứng;
  • Ngôi thai bất thường (ngôi mặt, ngôi trán).

Những nguy cơ có thể gặp khi đỡ đẻ bằng kỹ thuật đặt forceps

Forceps sản khoa không phải lúc nào cũng thuận lợi. Trong một số trường hợp, kỹ thuật này vẫn có thể gây nguy cơ chấn thương cho cả mẹ và bé. Cụ thể:

Rủi ro có thể xảy ra với thai phụ

  • Sau khi sinh, sản phụ có thể bị đau vùng đáy chậu - mô giữa âm đạo và hậu môn.
  • Chấn thương tầng sinh môn là biến chứng phổ biến nhất hậu can thiệp forceps. Trường hợp làm forceps eo dưới, tỷ lệ rách tầng sinh môn độ 3 và 4 ở sản phụ là khoảng 13%.
  • Són tiểu không tự chủ.
  • Khả năng gặp chấn thương bàng quang, niệu đạo.
  • Thành tử cung bị rách, vỡ tử cung khiến em bé hoặc nhau thai bị đẩy vào khoang bụng của thai phụ.
  • Cơ và dây chằng hỗ trợ các cơ quan vùng chậu có khả năng bị suy yếu.
  • Trường hợp chấn thương tầng sinh môn nặng sau can thiệp forceps dẫn đến mất nhiều máu.
  • Nhiễm trùng hậu sản.
Những điều cần biết về kỹ thuật hỗ trợ sinh con bằng Forceps 4
Són tiểu sau sinh là biến chứng khi dùng dụng cụ hỗ trợ Forceps

Thực tế là những rủi ro kể trên cũng liên quan đến việc sinh nở qua ngả âm đạo nói chung, song, với sản phụ được hỗ trợ sinh bằng forceps thì sẽ gặp nguy cơ này cao hơn. Một số trường hợp bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật cắt tầng sinh môn trước khi đặt forceps.

Đối với thai nhi

Kỹ thuật trợ sinh forceps có khả năng khiến sản phụ gặp tai biến nhưng ít gây ảnh hưởng xấu cho thai nhi. Tuy vậy, một số tai biến thai nhi có thể gặp bao gồm chấn thương bề mặt nhỏ do áp lực của kẹp, dưới da đầu bị tụ máu, liệt dây thần kinh sọ VII, liệt đám rối thần kinh cánh tay.

Riêng các vết xước nhỏ trên mặt trẻ sơ sinh chào đời bằng can thiệp forceps là điều rất bình thường và mang tính tạm thời. Hiếm trường hợp trẻ sơ sinh sau khi sinh forceps bị chấn thương nghiêm trọng nên mẹ không cần lo lắng về điều này.

Lưu ý dành cho sản phụ sau sinh bằng forceps

Trong quá trình chuyển dạ qua ngã âm đạo, nếu thai phụ bị cắt tầng sinh môn hoặc trong khi sinh có bị rách âm đạo thì vết thương này có thể gây đau trong vài tuần mới hết.

Trường hợp vết rách lớn hơn sẽ cần nhiều thời gian hơn để vết thương lành hẳn. Riêng với các dấu hiệu bất thường sau sinh, điển hình như đau nhiều hơn, bị sốt, có dấu hiệu nhiễm trùng, đại tiện không tự chủ, sản phụ phải nhanh chóng đi khám bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra tình trạng sức khoẻ cụ thể và đưa ra hướng xử lý kịp thời, hiệu quả.

Những điều cần biết về kỹ thuật hỗ trợ sinh con bằng Forceps 5
Rách tầng sinh môn sau sinh gây nhiễm trùng nên đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa

Tóm lại, kỹ thuật trợ sinh forceps là rất phổ biến trong sản khoa. Tùy từng trường hợp chuyển dạ của thai phụ mà bác sĩ cân nhắc dùng biện pháp hỗ trợ sinh phù hợp. Biến chứng sau sinh forceps là hoàn toàn có thể xảy ra, điều này đòi hỏi bác sĩ sản khoa phải có kinh nghiệm, chuyên môn để giúp thai phụ “vượt cạn” thành công, mẹ tròn con vuông.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin