Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tai biến sản khoa và các biến chứng thai kỳ có thể xảy ra

Ngày 21/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tai biến sản khoa và biến chứng thai kỳ là một trong những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của một người phụ nữ, thậm chí là đe dọa đến cả đứa trẻ trong bụng khi mà họ mang thai. Bài viết dưới đây sẽ cho bạn biết về một số biến chứng thai kỳ, tai biến sản khoa phổ biến trong quá trình mang thai hoặc sau khi sinh nở.

Tính tới hiện tại, có đến gần 8% tỷ lệ phụ nữ mang thai gặp phải các biến chứng thai kỳ và tai biến sản khoa. Tình trạng này có thể xảy ra đột ngột với bất kỳ phụ nữ nào, kể cả những phụ nữ khỏe mạnh từ trước khi mang thai cũng có nguy cơ sẽ gặp phải các biến chứng. 

Tai biến sản khoa và biến chứng thai kỳ nguy hiểm như thế nào?

Biến chứng thai kỳ là tình trạng bệnh lý có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ trong quá trình đang mang thai hoặc thai nhi đang trong thai kỳ. Các biến chứng xảy ra chủ yếu trong quá trình sinh con được gọi là tai biến sản khoa, là một khó khăn hoặc bất thường phát sinh trong quá trình chuyển dạ hoặc sinh nở. 

Các biến chứng thai kỳ và tai biến sản khoa được cho là rất nguy hiểm bởi vì mặc dù có một số biến chứng sẽ được cải thiện hoặc giải quyết hoàn toàn sau khi đã sinh con, nhưng vẫn sẽ có một vài biến chứng để lại những ảnh hưởng lâu dài, bệnh tật hoặc trong trường hợp nghiêm trọng nhất là gây tử vong cho người mẹ hoặc thai nhi hoặc là cả hai.

Tai biến sản khoa và các biến chứng thai kỳ 1
Biến chứng sản khoa và tai biến thai kỳ có thể xảy đến với bất kỳ người phụ nữ nào

Nguyên nhân của tai biến sản khoa và biến chứng thai kỳ là do đâu?

Các biến chứng thai kỳ và tai biến sản khoa có nguy cơ xảy ra vì nhiều lý do. Có thể là do các tình trạng bệnh lý đã có từ trước hoặc các tình trạng bệnh lý mới (do mang thai) có thể gây ra biến chứng. Một vài nguyên nhân đã được các chuyên gia liệt kê như:

  • Sản phụ có độ tuổi nhỏ hơn 20 và lớn hơn 35.
  • Người mẹ trước hoặc trong quá trình mang thai sinh sống và làm việc trong môi trường độc hại như nhiều khói bụi, chất thải, chất phóng xạ,...
  • Lối sống và thói quen sinh hoạt của sản phụ thiếu lành mạnh, ví dụ như biếng ăn, hay hút thuốc, sử dụng các chất kích thích và đồ uống có cồn.
  • Phụ nữ có tiền sử sảy thai, nạo phá thai, thực hiện các loại phẫu thuật ở ổ bụng và khối u tử cung.
  • Sản phụ tự tiện dùng thuốc hoặc thay đổi loại, liều thuốc khi không có hướng dẫn của bác sĩ trong suốt quá trình của thai kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu mang thai.
  • Sản phụ mang đa thai, thai đôi, thai ba hoặc nhiều hơn.
  • Người mẹ có sẵn các bệnh lý sức khỏe từ trước và trong khi mang thai như tiểu đường, ung thư, huyết áp cao, béo phì hoặc thiếu cân, bệnh lây qua đường tình dục, các bệnh về thận, tim mạch, động kinh, thiếu máu,... làm tăng khả năng mắc các biến chứng thai kỳ và tai biến sản khoa.
Tai biến sản khoa và các biến chứng thai kỳ 2
Thuốc lá và bia rượu là hai trong số các tác nhân gây tai biến sản khoa

Một số tai biến sản khoa thường gặp

Dưới đây là một số tai biến sản khoa thường gặp mà bạn có thể tham khảo:

  • Nhiễm trùng hậu sản: Tình trạng nhiễm trùng ở đường sinh dục gây ra phản ứng nghiêm trọng dẫn đến suy tim và hô hấp (tim và phổi), chảy máu ồ ạt,...
  • Vỡ tử cung: Một trình trạng nguy hiểm trong quá trình sinh nở, khi thành tử cung xuất hiện vết rách, từ từ xé toạc các lớp của thành tử cung cho đến khi nó vỡ hoàn toàn. Vỡ tử cung có thể đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và bé.
  • Uốn ván rốn, uốn ván sơ sinh: Vi khuẩn uốn ván Clostridium tetani xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương của bé thông qua đường rốn hoặc vết cắt dây rốn bị nhiễm trùng.
  • Thuyên tắc ối: Nước ối hòa lẫn vào máu của mẹ gây ra phản ứng nghiêm trọng dẫn đến suy tim, suy hô hấp và chảy máu ồ ạt.
  • Băng huyết: Mất máu nhiều dẫn đến sốc giảm thể tích , tưới máu không đủ cho các cơ quan quan trọng và tử vong nếu không được điều trị nhanh chóng.
  • Nhau bong non: Là hiện tượng bánh nhau bong sớm một phần hoặc hoàn toàn, cắt đứt dòng máu để nuôi dưỡng thai nhi.
  • Sa dây rốn và dây rốn quấn cổ: Sa dây rốn xảy ra khi cuống rốn bị chèn ép hoặc dây rốn sa ra khỏi tử cung cùng hoặc trước thai nhi. Tình trạng dây rốn quấn cổ khiến thai nhi bị ngạt thở và có thể chết non.
  • Dị tật bẩm sinh: Các dị tật nặng bẩm sinh ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ sau này và cần được phát hiện và can thiệp kịp thời.
Tai biến sản khoa và các biến chứng thai kỳ 4
Trẻ có thể bị dị tật bẩm sinh từ trong bụng mẹ

Một số biến chứng thai kỳ

Ngoài tai biến sản khoa, biến chứng thai kỳ là một vấn đề nghiêm trọng mà bất kì thai phụ nào cũng cần phòng ngừa. Dưới đây là một số biến chứng thai kỳ thường gặp:

  • Huyết áp cao: Tăng huyết áp thai kỳ khiến máu khó đến được nhau thai, nơi cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho thai nhi.
  • Tiểu đường thai kỳ: Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai khiến cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng insulin như bình thường.
  • Mang thai ngoài tử cung: Trứng thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung thay vì trong ống dẫn trứng khiến trứng không thể phát triển bình thường. Một vài nguyên nhân bao gồm hút thuốc, tuổi sản phụ đã cao, ống dẫn trứng có sẹo.
  • Nhiễm trùng: Nhiều bệnh nhiễm trùng do virus và vi khuẩn gây ra trong quá trình mang thai và sinh nở bao gồm nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), nhiễm trùng nấm men, liên cầu khuẩn nhóm B và viêm âm đạo do vi khuẩn. Một số bệnh nhiễm trùng lây từ mẹ sang con (nhiễm trùng TORCH) ví dụ như nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.
  • Tiền sản giật: Là một vấn đề về huyết áp phát triển trong nửa sau của thai kỳ có thể dẫn đến sinh non và tử vong. Một số nguyên nhân gây ra như: Mang thai lần đầu, bệnh lý từ trước.
  • Chuyển dạ sớm và sinh non: Sản phụ chuyển dạ trước tuần thứ 37 của thai kỳ, gây ảnh hưởng cho thai nhi và khiến bé mắc các vấn đề sức khỏe như nhẹ cân hoặc cơ quan kém phát triển.
  • Sảy thai và thai lưu: Sảy thai là tình trạng mất thai trong 20 tuần đầu tiên. Các dấu hiệu có thể bao gồm nổi đốm, chảy máu âm đạo, chuột rút, chất lỏng hoặc mô chảy ra từ âm đạo. Ngược lại, trường hợp bị chảy máu âm đạo thì chưa chắc đã là sảy thai. Sảy thai sau tuần thứ 20 của thai kỳ được gọi là thai chết lưu.
  • Trầm cảm và lo lắng: Nỗi buồn hoặc lo lắng tột độ khi đang mang thai hoặc sau sinh có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
  • Ốm nghén nặng: Người mắc chứng nôn nghén nặng sẽ cảm thấy buồn nôn và nôn mửa dữ dội, dai dẳng, sụt cân, chán ăn, mất nước, ngất xỉu.
  • Thiếu máu: Thiếu máu là do cơ thể sản phụ thiếu sắt dẫn đến thai phụ ỉu xìu, mệt mỏi, ngất xỉu, khó thở và xanh xao.
Tai biến sản khoa và các biến chứng thai kỳ 3
Ốm nghén nặng cũng có thể là dấu hiệu của biến chứng thai kỳ

Trên đây là những biến chứng thai kỳ và tai biến sản khoa mà phụ nữ có thể gặp phải khi mang thai. Hãy lưu ý những biến chứng nêu trên và phòng ngừa cẩn thận để tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra trong tương lai.

Xem thêm: U nang đơn thuỳ buồng trứng có mang thai được không?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm