Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nhiễm trùng hậu sản gây ra những hậu quả gì? Cách phòng bệnh nhiễm trùng hậu sản

Ngày 19/05/2023
Kích thước chữ

Trong quá trình sinh nở, phụ nữ phải đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe. Trong đó nhiễm trùng hậu sản là một tai biến sản khoa thường gặp do nhiều nguyên nhân từ cơ sở vật chất y tế chưa được đảm bảo đến các quy trình khống chế nhiễm khuẩn chưa tốt. Do đó gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sản phụ, thậm chí là tính mạng.

Nhiễm trùng hậu sản là một rủi ro thường gặp nhất, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Vậy nhiễm trùng hậu sản là gì? Làm cách nào để phòng ngừa căn bệnh này? Để biết thêm thông tin về vấn đề này, bạn đọc hãy cùng Nhà thuốc Long Châu theo dõi bài viết ngay dưới đây nhé!

Nhiễm trùng hậu sản là gì? 

Nhiễm trùng hậu sản hay nhiễm khuẩn hậu sản là nhiễm khuẩn xảy ra ở sản phụ sau thời gian sinh sản, nó xuất phát từ đường sinh dục (bắt đầu tính từ âm đạo đến cổ tử cung và tử cung). Nhiễm trùng hậu sản thường xảy ra trong 6 tuần đầu sau khi sinh. Do các vi khuẩn gây bệnh thường gặp gây ra như: liên cầu, tụ cầu và các vi khuẩn kỵ khí như Bacteroides, Clostridium.

Nhiễm trùng hậu sản do các yếu tố thuận lợi gây ra như: thiếu máu, dinh dưỡng kém, ối vỡ non, nhiễm độc thai nghén, chuyển dạ kéo dài, bế sản dịch và các thủ thuật như kiểm soát tử cung, bóc rau… Hình thái nhiễm trùng hậu sản đa phần là nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm đạo, âm hộ, viêm niêm mạc tử cung, viêm quanh tử cung và viêm tử cung, viêm phúc mạc toàn bộ, viêm phúc mạc tiểu khung, viêm tắc tĩnh mạch, nhiễm trùng huyết.

Bất kỳ sản phụ nào cũng đều có nguy cơ bị nhiễm trùng hậu sản, tuy nhiên một số những đối tượng có nguy cơ mắc cao hơn như: Người bị thiếu chất dinh dưỡng, thiếu máu, bị nhiễm độc thai nghén, thừa cân, béo phì, nhiễm khuẩn âm đạo hoặc nhiễm trùng lây qua đường tình dục, chuyển dạ kéo dài, bị ứ sản dịch, sót rau, băng huyết sau sinh

Nhiễm trùng hậu sản gây ra những hậu quả gì? Cách phòng bệnh nhiễm trùng hậu sản 1
Nhiễm trùng hậu sản do các vi khuẩn thường gặp gây ra 

Hậu quả khi bị nhiễm trùng hậu sản

Tùy thuộc vào hình thái và nguyên nhân gây ra nhiễm trùng hậu sản mà sản phụ gặp phải những hậu quả khác nhau, điển hình như: 

Bị nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ hoặc âm đạo

Sau sinh, những sản phụ có vết khâu tầng sinh môn không được vô trùng, sót gạc trong âm đạo, không khâu tầng sinh môn hoặc kỹ thuật khâu không đạt tiêu chuẩn có nguy cơ mắc nhiễm khuẩn tầng sinh môn. Kết quả là vị trí nhiễm khuẩn bị sưng, nóng, đỏ, đau, xuất hiện mưng mủ, sản dịch không hôi. Để khắc phục nhiễm khuẩn tầng sinh môn cần chăm sóc tại chỗ, rửa sạch bằng thuốc sát khuẩn, trường hợp có mưng mủ cần cắt chỉ, đóng khố vệ sinh và gạc vô khuẩn.

Viêm niêm mạc tử cung do nhiễm trùng hậu sản

Viêm niêm mạc tử cung do nhiều nguyên nhân như: Sót màng, sót rau, nhiễm khuẩn ối, bóc rau nhân tạo không vô khuẩn, thủ thuật kiểm soát tử cung. Từ đó gây ra những hậu quả không tốt cho sản phụ như:

  • 3 ngày đầu sau khi sinh bị sốt 38°C, cơ thể mệt mỏi, khó chịu.
  • Sản dịch ra nhiều, bị hôi, có thể lẫn máu và mủ.
  • Cổ tử cung bị hé mở, ấn tử cung đau, co hồi chậm.
  • Lâu dài có thể gây viêm tử cung toàn bộ. Viêm lan tới lớp cơ tử cung, làm xuất hiện những ổ áp xe nhỏ. Có những triệu chứng nặng hơn viêm mạc tử cung, dễ gây tình trạng viêm phúc mạc hay nhiễm khuẩn huyết.
Nhiễm trùng hậu sản gây ra những hậu quả gì? Cách phòng bệnh nhiễm trùng hậu sản 2
Sốt, cơ thể mệt mỏi, khó chịu là biểu hiện của viêm niêm mạc tử cung

Viêm quanh tử cung và viêm tử cung

Viêm quanh tử cung, viêm tử cung gây ra triệu chứng sốt sau khi sinh từ 8 đến 10 ngày và những dấu hiệu khác như nắn tiểu khung thấy một khối mềm, bờ không rõ, đau, di động bị hạn chế, ra nhiều sản dịch, hôi, cổ tử cung đóng chậm hoặc co hồi chậm.

Tùy theo từng trường hợp và bệnh lý tiến triển khác nhau, nếu được điều trị tích cực có đáp ứng thì bệnh có thể khỏi hoặc trở thành viêm phúc mạc tiểu khung. Khi phát hiện sản phụ bị viêm tử cung, viêm quanh tử cung nên cho sản phụ nghỉ ngơi, dùng đá lạnh để chườm và dùng kháng sinh thích hợp. Trong trường hợp bị viêm nhiễm nặng, đã hình thành túi mủ thì phải tiến hành chọc túi mủ và dẫn lưu qua túi cùng âm đạo. Nếu không đáp ứng thì buộc phải cắt bỏ tử cung kết hợp với dùng kháng sinh liều cao truyền bằng tĩnh mạch.

Nhiễm trùng hậu sản gây ra những hậu quả gì? Cách phòng bệnh nhiễm trùng hậu sản 3
Viêm quanh tử cung hoặc viêm tử cung gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của sản phụ

Viêm phúc mạc toàn bộ

Viêm phúc mạc toàn bộ thường do nguyên nhân: Sau mổ lấy thai không vô khuẩn, viêm tử cung toàn bộ và viêm niêm mạc tử cung không được tiếp nhận điều trị tốt, thực hiện các thủ tục sản khoa bóc nhau cùng kiểm soát tử cung không tốt hoặc do vi khuẩn bị lan tràn từ bệnh lý ứ mủ ở vòi trứng gây ra. 

Sản phụ sau khi sinh 7 - 10 ngày hoặc 3 - 4 ngày sau khi mổ đẻ bị viêm phúc mạc toàn bộ có những dấu hiệu sau:

  • Lưỡi bẩn, môi khô, mắt trũng.
  • Có hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc.
  • Phân lỏng và có mùi hôi, có phản ứng thành bụng hoặc cảm ứng phúc mạc lúc rõ lúc không.
  • Quai ruột giãn trong phim chụp X-quang, điện giải đồ ghi nhận các thông số Ca++, Cl- giảm.

Chẩn đoán viêm phúc mạc toàn bộ cần lưu ý phân biệt với bệnh lý liệt ruột cơ năng và viêm phúc mạc tiểu khung. Điều trị bệnh bằng cách sử dụng kháng sinh toàn thân kết hợp với bồi phụ nước và các chất điện giải. Tiếp đó thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tử cung bán phần và tiến hành rửa, dẫn lưu ổ bụng. 

Nhiễm khuẩn huyết

Hình thái nặng nhất của nhiễm trùng hậu sản là nhiễm khuẩn huyết. Biểu hiện toàn thân của nhiễm khuẩn huyết trên sản phụ như: 

  • Nhiệt độ dao động, sốt cao liên tục kèm theo rét run, mệt mỏi toàn thân.
  • Nhiễm độc, nhiễm trùng: Lưỡi bẩn, môi khô, khó thở, nước tiểu sẫm màu, vàng da.

Nhiễm khuẩn huyết gây ra những biến chứng khác như:

  • Suy thận cơ năng, viêm thận kẽ.
  • Áp xe phổi, áp xe não.
  • Viêm màng não, viêm nội tâm mạc.
Nhiễm trùng hậu sản gây ra những hậu quả gì? Cách phòng bệnh nhiễm trùng hậu sản 4
Nhiễm khuẩn huyết là biến chứng nặng nhất của nhiễm trùng hậu sản

Nhiễm trùng hậu sản gây viêm tắc tĩnh mạch

Viêm tắc tĩnh mạch thường gặp ở người sinh non, chuyển dạ trong thời gian dài, hệ tĩnh mạch (lưu thông mạch máu) bị cản trở, tăng sinh sợi huyết. Viêm tắc tĩnh mạch phát hiện muộn, do triệu chứng chỉ rõ sau khi sinh từ 12 đến 15 ngày:

  • Sốt nhẹ kèm rét run, mạch nhanh.
  • Viêm tắc tĩnh mạch chi dưới: Chân phù, ấn đau, màu trắng, không nhấc được gót chân ra khỏi giường.
  • Nếu không được chữa trị kịp thời thì có nguy cơ viêm tắc động mạch thận, phổi và gây tử vong.

 Cách phòng bệnh nhiễm trùng hậu sản

Nhiễm trùng hậu sản do nhiều nguyên nhân và gây ra những biến chứng xấu cho thai phụ. Do đó, việc phòng bệnh là điều cần thiết. Dưới đây là một số cách phòng bệnh hiệu quả:

  • Chú ý điều trị các ổ viêm trong thời kỳ mang thai: Viêm đường sinh dục, đường tiết niệu…
  • Chủ động phòng ngừa nhiễm khuẩn ối và hạn chế chuyển dạ kéo dài.
  • Trong khi sinh: Không để sót rau, tuân thủ đúng và đủ các chỉ định kiểm soát tử cung, vô khuẩn và chế độ vệ sinh sạch sẽ.
  • Sau khi sinh: Vệ sinh và chăm sóc tầng sinh môn sạch sẽ, đúng quy trình, tránh bế sản dịch.

Trên đây là những thông tin về bài viết “Nhiễm trùng hậu sản gây ra những hậu quả gì? Cách phòng bệnh nhiễm trùng hậu sản” mà Nhà thuốc Long Châu chia sẻ. Chúc bạn đọc có một sức khỏe tốt và đừng quên theo dõi trang web của Nhà thuốc Long Châu để biết thêm nhiều thông tin bổ ích về sức khỏe.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin