Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, tăng biến chứng, ngày điều trị, chi phí nằm viện, tỷ lệ tử vong. Nhiễm khuẩn bệnh viện cũng gây quá tải, giảm chất lượng và uy tín bệnh viện và trở thành gánh nặng chăm sóc y tế.
Tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện hiện nay là một trong những nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của người bệnh. Chúng có khả năng làm tăng tỷ lệ tử vong, gây nên các biến chứng, mất nhiều thời gian điều trị, làm tăng mức sử dụng kháng sinh, xảy ra tình trạng kháng thuốc, tốn kém chi phí và trở thành gánh nặng cho bản thân người bệnh, gia đình cũng như các cơ sở y tế. Cùng với Nhà thuốc Long Châu, hãy cùng tìm hiểu về nhiễm khuẩn bệnh viện cũng như cách khắc phục.
Khái niệm chung chỉ sự nhiễm vi sinh vật là Nhiễm trùng (infection). Căn nguyên gây bệnh là vi khuẩn được gọi là nhiễm khuẩn, do virus gây bệnh thì là nhiễm virus. Tác nhân gây nhiễm trùng bệnh viện có thể là vi khuẩn hoặc virus hoặc ký sinh trùng. Hay gặp và đóng vai trò quan trọng hơn là các căn nguyên vi khuẩn. Vì vậy, trong nhiều tài liệu khi nói về nhiễm trùng bệnh viện người ta thường nghĩ tới nhiễm khuẩn bệnh viện.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiễm khuẩn bệnh viện là tình trạng nhiễm khuẩn do người bệnh mắc phải trong thời gian nằm điều trị tại bệnh viện mà vào thời điểm nhập viện không phát hiện thấy có yếu tố nhiễm khuẩn hay ủ bệnh nào có liên quan.
Hầu hết các nhiễm khuẩn bệnh viện thường xảy ra sau khi nhập viện đã 48 giờ hoặc lâu hơn (48 giờ là thời gian đặc trưng cho giai đoạn ủ bệnh). Tuy thế, mỗi loài vi khuẩn gây bệnh lại có thời kỳ ủ bệnh khác nhau; hơn nữa còn phụ thuộc vào sức đề kháng của người bệnh, nên mỗi trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện cần được đánh giá riêng rẽ bằng các chứng cứ có liên quan với việc điều trị trong bệnh viện.
Những căn cứ để xác nhận sự có mặt và xếp loại nhiễm khuẩn bệnh viện phải là phối hợp của những bằng chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm.
Chứng cứ lâm sàng được chia ra thành: Quan sát trực tiếp vị trí nhiễm khuẩn hoặc là tập hợp của các dữ liệu như bệnh án.
Kết quả xét nghiệm bao gồm: Kết quả nuôi cấy vi khuẩn, test phát hiện kháng nguyên hoặc kháng thể hay quan sát bằng kính hiển vi. Thông tin hỗ trợ là kết quả các xét nghiệm khác như X- quang, siêu âm, nội soi, sinh thiết.
Có 2 tình huống đặc biệt được xem xét là nhiễm khuẩn bệnh viện:
Tình huống đặc biệt không được coi là nhiễm khuẩn bệnh viện đó là nhiễm trùng có liên quan với biến chứng hay mở rộng nhiễm trùng có sẵn khi nhập viện, trừ khi có sự thay đổi tác nhân gây bệnh hoặc có triệu chứng rõ ràng của một nhiễm trùng mới.
Nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh do truyền qua rau thai (ví dụ giang mai bẩm sinh) và có bằng chứng trong vòng 48 giờ sau khi sinh cũng không được coi là nhiễm khuẩn bệnh viện sau sinh nếu chỉ có hiện tượng vi khuẩn nhập cư và có mặt trên da, niêm mạc hay ở vết thương hở mà không gây triệu chứng lâm sàng nào; hoặc hiện tượng viêm do mô phản ứng với tổn thương hay phản ứng với hoá chất.
Tác nhân gây bệnh hay mầm bệnh có thể gây nên tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện bao gồm nhiều loại vi sinh vật khác nhau như vi khuẩn, vi-rút, ký sinh trùng, nấm... Tuy vậy, vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất và thường có khả năng đã kháng lại với các loại kháng sinh sử dụng hoặc ít ra cũng đã kháng với mức độ cao trong cộng đồng.
Vi khuẩn là tác nhân quan trọng gây nên nhiễm khuẩn bệnh viện nên các nhà khoa học đã dùng thuật ngữ nhiễm khuẩn bệnh viện để gọi chung cho các trường hợp nhiễm các loại vi sinh vật. Vi-rút cũng là tác nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện lây truyền qua đường tiêu hóa hay đường hô hấp và qua đường máu. Ngoài ra, nhiễm khuẩn bệnh viện cũng còn do một số tác nhân khác ít gặp hơn gồm nấm, ký sinh trùng, đơn bào thường gặp ở khoa hồi sức cấp cứu.
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc nhiễm trùng bệnh viện là những người bệnh có suy giảm sức đề kháng và có chịu những can thiệp y học. Thường hay gặp ở người bị bệnh nặng, người cao tuổi hoặc trẻ đẻ non.
Không thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc vô trùng, không đảm bảo an toàn truyền máu sẽ gây nhiễm khuẩn bệnh viện. Tỷ lệ mắc nhiễm khuẩn bệnh viện hay gặp ở các khoa hồi sức cấp cứu, khoa ngoại, phụ sản, tiết niệu, vị trí thường hay gặp là viêm nhiễm đường tiết niệu, nhiễm khuẩn vết mổ, viêm phổi và nhiễm trùng máu.
Ngoài ra môi trường trong bệnh viện không đảm bảo vệ sinh, quản lý bệnh phòng không tốt hay lạm dụng các thủ thuật, kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch cũng là tác nhân gây bệnh.
Để hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện, theo các chuyên gia, mọi nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vô khuẩn trong chăm sóc ở mọi bệnh nhân; phát hiện và tổ chức cách ly sớm bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn bệnh viện để phòng ngừa lan truyền các vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Đồng thời, có chương trình đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản cho học viên tại các trường đào tạo Y trước khi tới thực hành tại các bệnh viện.
Bên cạnh đó, cần cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng kiểm soát nhiễm khuẩn: nơi xử lý đồ bẩn, phương tiện vệ sinh, hệ thống xử lý nước sinh hoạt, nước thải. Những khu vực cần tập trung nguồn lực là các đơn vị Hồi sức tích cực, cấp cứu, chống độc, nhi sơ sinh và ngoại khoa... Duy trì phương tiện kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản phục vụ công tác vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiệt khuẩn dụng cụ, đồ vải...
Thực tế hiện nay bất cứ ai mắc bệnh vào điều trị tại bệnh viện đều rất dễ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn bệnh viện và mắc thêm bệnh khác, đây là điều không thể tránh khỏi. Cần phải có sự hiểu biết, quan tâm đến vấn đề thực hiện những biện pháp cơ bản phòng chống nhiễm khuẩn nhằm góp phần hạn chế, giảm thiểu mức tối đa sự lây nhiễm có thể do nhiều tác nhân gây nên để nhiễm khuẩn bệnh viện không thành nỗi ám ảnh của người bệnh khi không may mắc bệnh phải vào bệnh viện để điều trị.
Yến Quỳnh
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.