Những loại vắc xin tiêm trước khi mang thai được miễn dịch bao nhiêu năm?
Ngày 28/11/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Tiêm phòng trước khi mang thai là biện pháp quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đồng thời giảm thiểu nguy cơ biến chứng trong thai kỳ. Mỗi loại vắc xin có thời gian miễn dịch và lịch tiêm khác nhau, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi mang thai. Việc tiêm phòng đúng thời điểm không chỉ đảm bảo an toàn mà còn giúp tăng hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Giải đáp bởi Bác sĩ Nguyễn Văn My, chuyên ngành Truyền Nhiễm, Nhiệt đới.
Việc tiêm phòng trước khi mang thai đóng vai trò vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe của người mẹ và thai nhi khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Các vắc xin này không chỉ giúp ngăn ngừa các bệnh lý mà còn giúp tránh các biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ. Tuy nhiên, mỗi loại vắc xin có thời gian miễn dịch khác nhau, và điều này ảnh hưởng đến hiệu quả bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và con. Dưới đây là thông tin về các vắc xin thường được khuyến cáo và thời gian miễn dịch của chúng.
Vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella (MMR)
Vắc xin MMR là một trong những loại vắc xin quan trọng nhất cần tiêm trước khi mang thai vì các bệnh sởi, quai bị, và rubella có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho thai nhi. Đặc biệt, rubella có thể dẫn đến hội chứng rubella bẩm sinh, gây mù, điếc hoặc các khuyết tật phát triển khác ở thai nhi.
Thời gian miễn dịch: Sau khi hoàn thành phác đồ tiêm 2 liều, vắc xin MMR cung cấp miễn dịch gần như suốt đời. Nếu đã được tiêm từ nhỏ, thường không cần tiêm nhắc lại, nhưng bạn có thể xét nghiệm kháng thể để kiểm tra.
Lưu ý: Đây là vắc xin sống giảm độc lực nên cần tiêm ít nhất 1 tháng trước khi có kế hoạch mang thai.
Vắc xin thủy đậu
Bệnh thủy đậu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm viêm phổi do thủy đậu và các nguy cơ cho thai nhi như hội chứng thủy đậu bẩm sinh, gây ra khuyết tật về da, thần kinh và xương.
Thời gian miễn dịch: Vắc xin thủy đậu sinh miễn dịch bền vững, hiện không có khuyến cáo tiêm nhắc sau khi thực hiện lịch tiêm chủng thường quy (bao gồm 2 mũi, cách tối thiểu ít nhất là 01 tháng).
Lưu ý: Cần tiêm cách ít nhất 1, 2 hoặc 3 tháng, tùy theo chế phẩm vắc xin, trước khi mang thai để đảm bảo an toàn cho thai nhi.
Vắc xin viêm gan B
Viêm gan B là một bệnh lý nguy hiểm có thể lây truyền từ mẹ sang con. Nhiễm viêm gan B có thể dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh gan mạn tính ở trẻ sơ sinh, gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
Thời gian miễn dịch: Sau khi hoàn thành phác đồ 3 mũi tiêm, miễn dịch từ vắc xin viêm gan B có thể kéo dài gần như suốt đời. Việc tiêm nhắc lại thường không cần thiết trừ khi ở những đối tượng có nguy cơ cao.
Lưu ý: Nếu bạn không chắc chắn về tình trạng miễn dịch của mình, xét nghiệm viêm gan B là cách tốt nhất để xác định và có kế hoạch tiêm phòng kịp thời.
Vắc xin cúm
Cúm là bệnh truyền nhiễm phổ biến có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho phụ nữ mang thai như viêm phổi và làm tăng nguy cơ sinh non. Tiêm phòng cúm trước khi mang thai là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
Thời gian miễn dịch: Vắc xin cúm có hiệu lực bảo vệ khoảng 1 năm. Virus cúm liên tục thay đổi, do đó cần tiêm nhắc lại hàng năm để đảm bảo được bảo vệ tốt nhất.
Lưu ý: Bạn có thể tiêm vắc xin cúm bất cứ lúc nào trong thai kỳ nếu chưa tiêm trước khi mang thai.
Vắc xin uốn ván và Tdap
Uốn ván là một căn bệnh nguy hiểm có thể gây ra tình trạng co giật, và tử vong nếu không điều trị kịp thời. Bệnh này có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và bé, đặc biệt là trong quá trình sinh nở nếu điều kiện vệ sinh không được đảm bảo.
Thời gian miễn dịch: Sau khi tiêm đủ liều theo lịch tiêm cơ bản (thường là hai mũi), và được tiêm nhắc 01 mũi, vắc xin uốn ván cung cấp miễn dịch bảo vệ khoảng mỗi 10 năm.
Lưu ý: Vắc xin Tdap (phòng uốn ván, bạch hầu, ho gà) nên được tiêm trước khi mang thai hoặc trong những tháng đầu thai kỳ để bảo vệ cả mẹ và bé khỏi bệnh ho gà, đặc biệt nguy hiểm với trẻ sơ sinh. Hiệu lực của vắc xin Tdap cũng bảo vệ tương đương mỗi 10 năm/hoặc cho mỗi lần mang thai từ tuần 27 đến 36 của thai kỳ (Theo hướng dẫn CDC Hoa kỳ cập nhật 21/11/2024).
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Bác sĩ đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò là Bác sĩ điều trị, đặc biệt là các bệnh liên quan đến chuyên ngành Truyền Nhiễm, Nhiệt đới. Nhiều năm trực tiếp thực hiện nghiên cứu về bệnh Sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với đối tác là Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford tại Hà Nội và hơn 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tiêm chủng Vắc xin: Nghiên cứu, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn,... Đặc biệt là lĩnh vực xử trí các phản ứng sau tiêm.