Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Những người không nên uống sắn dây để đảm bảo sức khoẻ và một số lưu ý cần biết

Ngày 30/07/2023
Kích thước chữ

Sắn dây là món ăn giải nhiệt phù hợp vào mùa hè. Thế nhưng, tình trạng sức khoẻ sẽ nặng hơn đối với những người không nên uống sắn dây. Vậy sắn dây ảnh hưởng ra sao với những người không nên uống loại thức uống này? Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu rõ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây.

Sắn dây là một loại thức uống hạ nhiệt cơ thể, rất thích hợp thưởng thức vào mùa hè. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp không nên uống sắn dây để đảm bảo sức khoẻ của bản thân. Vậy những người không nên uống sắn dây là những đối tượng nào và cần có những lưu ý gì quan trọng?

Sắn dây có lợi đối với sức khoẻ như thế nào?

Bột sắn dây sở hữu phong phú về lợi ích sức khoẻ, nhất là có lợi cho chức năng gan, huyết mạch và tim mạch, cũng như chống lão hoá và ung thư. Cùng Nhà thuốc Long Châu điểm qua một số tác dụng tuyệt vời của sắn dây dưới đây.

Chứa puerarin điều trị tiểu đường

Theo nghiên cứu viên tại hai trường Đại học Macau và Đại học Y Zunyi, chất puerarin chứa trong sắn dây có tác dụng giảm lượng đường trong máu, đồng thời cải thiện tình trạng kháng insulin. Ngoài ra, puerarin còn chống viêm và oxy hoá, bảo vệ tuyến tụy hiệu quả.

Hơn nữa, chất này có thể ức chế phản ứng Maillard, một phản ứng tạo ra một hợp chất giữa axit amin và đường khử. Khi kiểm soát được phản ứng này đồng nghĩa với việc phòng ngừa được bệnh tiểu đường, hoặc ngăn chặn sự phát triển của bệnh tiểu đường.

Puerarin còn cải thiện được một số bệnh lý khác, đặc biệt là các biến chứng từ bệnh tiểu đường: Biến chứng tim mạch, thần kinh tiểu đường, võng mạc tiểu đường…

Những người không nên uống sắn dây để đảm bảo sức khoẻ và một số lưu ý cần biết 1
Uống sắn dây giúp hỗ trợ phòng ngừa tiểu đường và các biến chứng liên quan

Hỗ trợ cai nghiện rượu

Dung nạp sắn dây có thể giúp những người nghiện rượu giảm việc uống rượu. Theo một nghiên cứu cho biết, những người nghiện rượu sau một tuần uống sắn dây đã tiêu thụ ít rượu hơn bình thường. Theo Natural News, đây được xem là phương pháp điều trị nghiện rượu từ thời Trung Quốc xa xưa.

Bổ sung hàm lượng sắt

Sắt là một thành phần quan trọng giúp lưu thông huyết mạch và cải thiện tình trạng thiếu máu. Mỗi một cốc sắn dây sẽ bổ sung khoảng 13% hàm lượng sắt cần thiết để duy trì sức khoẻ và giảm thiểu một số bệnh lý liên quan do thiếu sắt.

Cải thiện vòng 1

Sắn dây dồi dào hàm lượng protein và lecithin có khả năng kích thích sản sinh hormone estrogen ở nữ. Nhờ đó, vòng 1 của nữ giới có thể săn chắc và đầy đặn hơn. Ngoài ra, sắn dây còn được biết là một nguồn dưỡng chất có thể điều hoà cơ thể sau kỳ nguyệt san.

Đều đặn uống vào buổi sáng và tối trong ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt, những ngày tiếp theo uống 1 cốc trong ngày. Chỉ cần kiên trì sẽ nhận thấy rõ kết quả. Ngoài ra, sắn dây giúp thanh lọc cơ thể, không lo bị nóng, cải thiện làn da hồng hào và hạn chế nổi mụn.

Những người không nên uống sắn dây là đối tượng nào?

Mặc dù sắn dây có công dụng vô cùng tuyệt vời nhưng có một số người được khuyến cáo không nên sử dụng sắn dây để đảm bảo sức khoẻ. Vậy những ai không nên uống sắn dây?

Người mắc phải dương khí hư

Trong đông y, những bệnh nhân mắc chứng dương khí hư có các biểu hiện sau đây: Đại tiện lỏng; thường xuyên cảm thấy chướng bụng, đầy hơi, tứ chi dễ bị lạnh, không cảm thấy khát nước, miệng bị nhạt... Uống sắn dây sẽ làm hạ nhiệt cơ thể khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

Người bị bệnh huyết áp

Những người mắc bệnh tim mạch hoặc huyết áp thấp hay suy nhược cơ thể là những người không nên uống sắn dây vào buổi sáng. Bởi vì đây là thời điểm lượng hormone trong máu không cao, nếu uống sắn dây thì chính tính hàn của sắn dây sẽ khiến cho bụng người bệnh dễ bị đầy hơi và khó tiêu.

Những người không nên uống sắn dây để đảm bảo sức khoẻ và một số lưu ý cần biết 2
Các đối tượng bị bệnh huyết áp là những người không nên uống sắn dây

Trẻ em không nên uống sắn dây

Sắn dây khi pha thành nước là dạng “sống” và có tính hàn rất mạnh. Do đó, trẻ em khi uống sắn dây sẽ dễ bị đau bụng và tiêu chảy. Vì vậy, người lớn nên chú ý nếu muốn cho trẻ uống sắn dây nên pha chín để giảm tính hàn. Đồng thời, cơ thể trẻ sẽ dễ hấp thụ hơn các thành phần tốt có trong sắn dây.

Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai

Phụ nữ đang mang thai nếu cơ thể sinh nhiệt cao nên uống sắn dây để giải nhiệt cơ thể, vô cùng tốt. Tuy nhiên, nếu cơ thể đang có dấu hiệu lạnh, nhiệt độ thấp hơn bình thường, có dấu hiệu huyết áp thấp không nên uống sắn dây.

Thêm vào đó, phụ nữ bị động thai, bị doạ sảy thai, dạ con co bóp nhiều cũng nên hạn chế sử dụng sắn dây để đảm bảo sức khoẻ cho cả mẹ và bé. Tốt nhất, đang trong thai kỳ nên có chế độ ăn uống hợp lý và theo sự hướng dẫn, tư vấn từ bác sĩ phụ sản.

Vì sao sắn dây không nên uống sống?

Đa phần bột sắn dây được bày bán đại trà trên thị trường, nhất là ở các chợ địa phương thường được chế biến theo cách thủ công. Quy trình chế biến bột sắn dây có thể lẫn tạp chất, bụi bẩn, vi khuẩn... không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chính vì thế, nguy cơ mắc phải các vấn đề về tiêu hoá xảy ra khá cao.

Vì thế, sắn dây được khuyến cáo pha bằng nước nóng hoặc đun sôi trên bếp để tiêu diệt vi khuẩn gây mầm bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho người dùng, nhất là đối với phụ nữ mang thai, đang cho con bú và trẻ em.

Những người không nên uống sắn dây để đảm bảo sức khoẻ và một số lưu ý cần biết 3
Pha bột sắn dây với nước nóng để đảm bảo sức khoẻ

Pha chế sắn dây ở nhiệt độ cao sẽ phân nhỏ các thành phần trong sắn dây thành các đoạn ngắn hơn, giúp cơ thể hấp thụ nhanh hơn, tránh được các triệu chứng đầy hơi, chướng bụng. Sắn dây nên uống nóng, hoặc để nguội và bỏ đá vẫn giữ được nguyên vị mà không làm đường ruột khó chịu.

Công thức chế biến một cốc sắn dây không hề khó khăn, chỉ vài bước đơn giản. Đầu tiên, pha vài muỗng bột sắn dây cùng với nước sôi, khuấy đều để bột tan hết. Cho thêm một muỗng cà phê đường hoặc mật ong, nước cốt chanh sẽ có ngay một món giải nhiệt cơ thể tốt lành cho ngày hè nóng bức.

Một số lưu ý cần cẩn trọng khi uống sắn dây

Khi uống sắn dây, bên cạnh việc lưu ý những người không nên uống sắn dây thì người dùng cũng nên cẩn trọng một số phương pháp pha chế để tăng hiệu quả của sắn dây khi hấp thụ vào cơ thể, tránh khả năng gây phản tác dụng khi uống loại thức uống này.

  • Nên pha bột sắn dây bằng nước nóng hoặc nấu chín để tránh gây đau bụng và tiêu chảy.
  • Không pha cùng với mật ong, vì khi chúng được kết hợp sẽ tạo ra một số chất có hại cho sức khoẻ.
  • Không ướp hoa bưởi với sắn dây, chúng sẽ làm giảm đi các dược liệu hữu ích có sẵn trong sắn dây.
  • Không uống sắn dây khi bụng đói. Tốt nhất nên uống sau bữa trưa hoặc buổi tối, cách bữa ăn từ 30 phút đến 1 tiếng.
  • Tốt nhất là uống 1 cốc/ngày sẽ giúp cơ thể khoẻ mạnh hơn. Chớ uống sắn dây quá nhiều trong ngày.
Những người không nên uống sắn dây để đảm bảo sức khoẻ và một số lưu ý cần biết 4
Người bệnh cần cẩn trọng trong việc pha chế sắn dây

Thông qua bài viết của Nhà thuốc Long Châu này, bạn đã biết được những người không nên uống sắn dây là đối tượng nào. Uống sắn dây đúng cách là phương pháp phòng bệnh hơn chữa bệnh, mang lại dưỡng chất dồi dào và tránh được các tình trạng bệnh hiệu quả.

Xem thêm: 

Người bị huyết áp thấp có uống được bột sắn dây không?

Uống thuốc tây có uống được sắn dây không?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin