Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những tác hại của việc uống thuốc hạ huyết áp mà người bệnh cần lưu ý

Ngày 03/09/2023
Kích thước chữ

Tăng huyết áp là một bệnh lý không bao giờ hết và phải điều trị bằng thuốc suốt đời để ổn định huyết áp. Sử dụng thuốc hạ huyết áp cũng cần lưu ý những điều quan trọng mà người bệnh không nên bỏ qua. Đặc biệt là không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.

Khi bị tăng huyết áp, bắt buộc phải sử dụng thuốc để kiểm soát huyết áp. Tuy nhiên, ngoài tác dụng hạ huyết áp, nếu không sử dụng đúng cách, thuốc sẽ gây ra những tác hại không lường trước được cho cơ thể. Vì vậy người bệnh cần lưu ý những tác hại của việc uống thuốc hạ huyết áp.

Thông tin về thuốc hạ huyết áp

Tùy theo từng người bệnh và mức độ nặng nhẹ của tăng huyết áp mà bác sĩ sẽ có những lựa chọn thuốc hạ huyết áp phù hợp. Điều trị ban đầu có thể bằng thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin II, thuốc chẹn kênh calci hoặc thuốc lợi tiểu thiazid. Khi phối hợp 2 loại thuốc có thể phối hợp thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin II với thuốc lợi tiểu thiazid hoặc thuốc chẹn kênh calci.

Những tác hại của việc uống thuốc hạ huyết áp mà người bệnh cần lưu ý - 1
 Thuốc điều trị hạ huyết áp

Khi có dấu hiệu của tăng huyết áp cấp cứu cần sử dụng thuốc hạ áp để hạ huyết áp ngay lập tức. Tuy nhiên, một số thuốc hạ huyết áp có chống chỉ định trong một số trường hợp như thuốc chẹn beta chống chỉ định với những bệnh nhân bị hen hay có một số thuốc được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân tăng huyết áp kèm theo những rối loạn nhất định (thuốc chẹn kênh calci cho người bị đau thắt ngực, thuốc ức chế men chuyển và thuốc chẹn thụ thể angiotensin II cho những người bị tiểu đường có protein niệu). Vì vậy, trong quá trình sử dụng thuốc hạ huyết áp cần hết sức lưu ý những tác hại của thuốc và không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ.

Tác hại của việc uống thuốc hạ huyết áp

Tác hại của việc uống thuốc hạ huyết áp cần được lưu ý vì bất kỳ thuốc hạ huyết áp nào cũng có tác dụng phụ.

Thuốc ức chế men chuyển, ức chế thụ thể Angiotensin II

Angiotensin là một chất hóa học khiến cho các động mạch bị thu hẹp lại, các thuốc ức chế men chuyển hay ức chế thụ thể giúp cơ thể ít sản xuất ra angiotensin hơn và hỗ trợ giúp mạch máu giãn ra làm giảm huyết áp. Tuy nhiên trong khi sử dụng cơ thể có thể sẽ xảy ra những phản ứng sau: Ho khan kéo dài, mất vị giác, phát ban,... Tác dụng phụ ho khan sẽ thể hiện rõ ràng nhất khi sử dụng loại thuốc này.

Ngoài ra, phụ nữ đang sử dụng thuốc ức chế men chuyển để điều trị thì không nên mang thai vì loại thuốc này được chứng minh là nguy hiểm cho phụ nữ mang thai và em bé. Vì vậy nếu đang sử dụng thuốc và có ý định mang thai, hãy gặp bác sĩ ngay lập tức.

Những tác hại của việc uống thuốc hạ huyết áp mà người bệnh cần lưu ý - 2
Tác hại của việc uống thuốc hạ huyết áp

Thuốc chẹn kênh calci

Thuốc chẹn calci giúp làm thư giãn và mở các mạch máu đang bị thu hẹp, giảm nhịp tim và làm giảm huyết áp. Khi uống thuốc này có thể gặp các tác dụng phụ như: Táo bón, sưng mắt cá chân, rối loạn nhịp tim, đau đầu, chóng mặt. Vì vậy những người đang có vấn đề về tim mạch cần lưu ý khi sử dụng loại thuốc này.

Thuốc lợi tiểu thiazid

Thuốc lợi tiểu là một trong những loại thuốc khá phổ biến trong việc điều trị tăng huyết áp. Thuốc lợi tiểu giúp loại bỏ natri (muối) và nước dư thừa giúp làm hạ huyết áp.

Khi sử dụng thuốc sẽ gây ra những tác dụng phụ sau:

  • Đi tiểu thường xuyên: Vì đây là thuốc lợi tiểu làm hạ huyết áp bằng cách giảm lượng nước trong máu, do vậy bạn sẽ đi tiểu thường xuyên hơn.
  • Làm giảm lượng kali: Điều này sẽ dẫn đến bạn hay cảm thấy mệt mỏi và chuột rút ở chân.
  • Nguy cơ mắc bệnh gout: Đây là tác dụng phụ hiếm gặp khi sử dụng thuốc.
  • Làm tăng hàm lượng đường trong máu: Đây là tác dụng phụ cần lưu ý với những người mắc bệnh đái tháo đường.
  • Rối loạn tình dục ở nam giới: Đây là tác hại gặp phải ở một số nam giới.
Những tác hại của việc uống thuốc hạ huyết áp mà người bệnh cần lưu ý - 3
Thuốc lợi tiểu khiến cho bạn đi tiểu thường xuyên

Thuốc chẹn beta

Thuốc chẹn beta làm hạ huyết áp bằng cách làm giảm nhịp tim và khối lượng công việc của tim vì vậy khi sử dụng bạn có thể cảm thấy những triệu chứng sau: Tay chân lạnh, các triệu chứng của bệnh hen, mệt mỏi, trầm cảm, chậm nhịp tim, rối loạn giấc ngủ, rối loạn tình dục ở nam giới.

Lưu ý khi sử dụng thuốc hạ huyết áp

Vì bất kỳ thuốc hạ huyết áp nào cũng có tác dụng phụ, nếu không sử dụng đúng cách sẽ gây ra nhiều tác hại cho cơ thể. Vậy nên cần lưu ý những điều sau khi sử dụng thuốc hạ huyết áp.

  • Không nên tự ý tăng liều thuốc hạ huyết áp: Việc tăng liều thuốc hạ huyết áp sẽ khiến cho huyết áp giảm đột ngột, gây trụy mạch thậm chí tử vong.
  • Không nên tự ý ngưng thuốc và không theo đuổi liệu trình: Nhiều người sau khi sử dụng thuốc thấy huyết áp đã trở về bình thường nên không tiếp tục sử dụng thuốc. Tuy nhiên, điều này là sai lầm vì ngưng thuốc điều trị cũng cần có chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Dùng thuốc sai giờ.
  • Dùng chung đơn thuốc với người khác.
  • Không tái khám định kỳ, chỉ dùng quen một đơn thuốc.
  • Không phối hợp với các chế độ ăn và luyện tập.
Những tác hại của việc uống thuốc hạ huyết áp mà người bệnh cần lưu ý
 Nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ khi dùng thuốc hạ huyết áp

Tác hại của việc uống thuốc hạ huyết áp là rất nhiều và có từ mức độ nhẹ đến nặng. Tuy nhiên, lợi ích mà thuốc hạ huyết áp mang lại thường lớn hơn tác hại. Để hạn chế các tác hại từ thuốc hạ huyết áp, bạn cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ khi sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin