Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những thông tin cơ bản về các loại mô trong cơ thể không phải ai cũng biết

Ngày 25/07/2024
Kích thước chữ

Mô là bộ phận quan trọng trên cơ thể của con người tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ mô là gì. Trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ bật mí cho bạn đọc những thông tin cơ bản nhất về mô và các loại mô.

Vậy mô là gì? Có các loại mô nào? Chức năng của các mô ra sao? Nếu bạn cũng đang quan tâm về chủ đề này thì hãy cùng Nhà thuốc Long Châu đi tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây bạn nhé.

Mô là gì?

Cơ thể người là một hệ thống nhất, toàn vẹn có thể chia thành nhiều mức độ tổ chức khác nhau với mức độ lớn nhất là cơ thể sau đó lần lượt đến hệ thống cơ quan, mô, tế bào và phân tử.

Trong quá trình phát triển phôi, các phôi bào có sự phân hoá để hình thành các cơ quan khác nhau trong cơ thể để thực hiện các chức năng khác nhau nên các tế bào thường có cấu trúc, hình dạng và kích thước khác nhau.

Tế bào là đơn vị sống cơ bản về cấu tạo cũng như chức năng của mọi cơ thể sống. Tuy nhiên, cơ thể đa bào hiếm khi chỉ có một tế bào đơn độc thực hiện một chức năng nào đó mà thường là một tập hợp các tế bào cùng nhau thực hiện và đó chính là mô. Vậy mô là gì?

Các nhà khoa học định nghĩa mô là tập hợp các tế bào chuyên hóa có sự giống nhau về cấu tạo và đảm nhận chức năng nhất định trong cơ thể.

Mô trong cơ thể bao gồm 4 loại chính đó là mô biểu bì, mô cơ, mô liên kết và mô thần kinh. Theo dõi phần tiếp theo của bài viết để hiểu rõ hơn về 4 loại mô này bạn nhé.

Những thông tin cơ bản về các loại mô trong cơ thể không phải ai cũng biết 1
Mô là gì?

Các loại mô

Như đã trình bày phía trên, mô trong cơ thể gồm 4 loại mô chính đó là mô biểu bì, mô cơ, mô liên kết và mô thần kinh. Trong đó:

Mô biểu bì

Mô biểu bì hay còn gọi là biểu mô. Đây là một loại mô được tạo thành bởi các tế bào nằm sát nhau còn chất gian bào rất ít. Đa số biểu mô trong cơ thể có nguồn gốc từ 2 lá phôi là ngoại bì và nội bì. Chẳng hạn như: Biểu bì có nguồn gốc từ ngoại bì, biểu mô ống tiêu hoá có nguồn gốc từ nội bì.

Về chức năng, mô biểu bì đảm nhận một số chức năng sau đây:

  • Bao phủ mặt ngoài của cơ thể.
  • Lớp mặt trong của các tạng rỗng như dạ dày, ruột, các khoang như khoang mũi, khoang miệng…
  • Hấp thụ, chế tiết và bài xuất một số chất có vai trò quan trọng trong chuyển hoá biến đổi các chất dinh dưỡng.
  • Bảo vệ cơ thể vì chống lại những va chạm cơ học, chống bốc hơi làm mất độ ẩm của da.
  • Thu nhận cảm giác.

Về phân loại, dựa theo chức năng, mô biểu bì được chia thành 2 loại đó là biểu bì bao phủ và biểu bì tuyến.

  • Biểu bì bao phủ: Biểu bì bao phủ hay biểu mô phủ là những biểu mô do các tế bào sắp xếp thành hàng để bao phủ mặt ngoài của cơ thể, mặt trong của các tạng rỗng và các khoang như khoang miệng, khoang mũi… Cấu tạo thường có một hoặc nhiều lớp tế bào có hình dáng có thể giống hoặc khác nhau.
  • Biểu bì tuyến hay biểu mô tuyến: Là loại biểu mô được tạo bởi các tế bào nằm sát nhau tạo thành các tuyến có khả năng chế tiết hoặc bài xuất các chất bào môi trường bên trong hoặc ra ngoài cơ thể. Loại biểu mô này thường nằm trong các tuyến của cơ thể như tuyến nội tiết, tuyến mồ hôi, tuyến nước bọt…
Những thông tin cơ bản về các loại mô trong cơ thể không phải ai cũng biết 2
Hình ảnh minh hoạ mô biểu bì

Mô liên kết

Mô liên kết là một trong các loại mô cơ bản, có mặt ở hầu hết các cơ quan, bộ phận và nằm xen kẽ giữa các mô khác, giúp gắn kết các mô lại với nhau. Nguồn gốc của loại mô này là từ lá thai giữa.

Về cấu tạo, mô liên kết được tạo bởi 3 thành phần cơ bản là chất gian bào liên kết, sợi liên kết và tế bào liên kết. Trong đó:

  • Chất gian bào liên kết gồm 2 phần chính là phần dịch mô và chất căn bản liên kết.
  • Sợi liên kết vùi mình trong chất căn bản liên kết.
  • Các tế bào liên kết nằm rải rác trong chất căn bản.

Căn cứ vào sự khác nhau chủ yếu của chất căn bản liên kết, mô liên kết được chia ra thành 3 loại chính đó là:

  • Mô liên kết chính thức: Mật độ mềm, có mặt ở mọi nơi trong cơ thể.
  • Mô sụn: Chất căn bản nhiễm Cartilagen, mật độ rắn vừa phải.
  • Mô xương: Chất căn bản nhiễm ossein và muối Ca, mất độ rất rắn.

Trong 3 loại mô liên kết này thì mô sụn và mô xương thuộc nhóm mô liên kết cơ học giúp hình thành bộ khung chống đỡ cho cơ thể còn mô liên kết chính thức thuộc nhóm mô liên kết dinh dưỡng gồm máu và mô bạch huyết có chức năng chính là vận chuyển chất dinh dưỡng đến các cơ quan trong cơ thể.

Mô cơ

Mô cơ cũng là một trong các loại mô của cơ thể, được tạo bởi các tế bào cơ hay còn gọi là sợi cơ đã biệt hoá cao. Loại mô này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động của hệ vận động. Hoạt động chính của mô cơ là duỗi và tốc chuyển động.

Trong cơ thể con người có 3 loại mô cơ chính đó là mô cơ vân, mô cơ trơn và mô cơ tim. Ba loại mô cơ này đều có nguồn gốc từ trung mô song lại có sự khác biệt về cấu tạo hình thái, vị trí, sự phân bố thần kinh cũng như đặc điểm co duỗi. Cụ thể:

  • Mô cơ vân: Là những cơ bám xương, bám mặt, bám da đầu, cơ lưỡi… Khi hệ thần kinh kích thích, các sợi cơ co lại và nở ra, cho phép cơ thể có thể di chuyển.
  • Mô cơ trơn: Cơ trơn là cơ tham gia tạo nên thành các tạng rỗng, ở thành mạch, da và một số cơ quan thuộc các tuyến. Tuy hoạt động không theo ý muốn song loại mô cơ này chịu sự chi phối của hệ thần kinh thực vật.
  • Mô cơ tim: Cấu tạo của mô cơ tim tương tự như mô cơ vân song có cơ chế tham gia cấu tạo và hoạt động co bóp nên cũng hoạt động như cơ trơn, chống lại ý muốn của con người.
Những thông tin cơ bản về các loại mô trong cơ thể không phải ai cũng biết 3
Mô cơ cũng là một trong các loại mô cơ bản của cơ thể

Mô thần kinh

Mô thần kinh là một trong 4 loại mô cơ bản tham gia cấu tạo nên mọi cơ quan bộ phận của cơ thể người. Cùng với yếu tố thể dịch, mô thần kinh đảm nhận chức năng tiếp nhận kích thích, xử lý thông tin, điều hoà hoạt động của các cơ quan, đảm bảo sự thống nhất các cơ quan bộ phận trong cơ thể với nhau và sự thích nghi giữa cơ thể với môi trường.

Thành phần cơ bản của mô thần kinh gồm có các tế bào thần kinh chính thức hay còn gọi là nơron và các tế bào thần kinh đệm hay còn gọi là thần kinh giao. Trong đó:

  • Nơron: Mỗi nơron gồm thân, sợi nhánh, sợi trục và cúc tận cùng hay còn gọi là synap. Trong đó, thân nowrowrron là trung tâm dinh dưỡng, tiếp nhận và phân tích các tín hiệu còn sợi nhánh là những sợi dẫn truyền xung động về thân nơron (hướng tâm) và sợi trục dẫn truyền xung động thần kinh từ thân nơron đến các tế bào khác (ly tâm).
  • Mô thần kinh đệm được cấu tạo từ các tế bào ít nhánh, tế bào sao, vi bào đệm và tế bào thần kinh đệm dạng biểu mô, đảm nhận chức năng chống đỡ, bảo vệ và dinh dưỡng cho các nơron.
Những thông tin cơ bản về các loại mô trong cơ thể không phải ai cũng biết 4
Hình ảnh minh hoạ mô thần kinh

So sánh các loại mô

Trong khuôn khổ của bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc so sánh mô biểu bì với mô liên kết và mô cơ với mô thần kinh.

So sánh mô biểu bì và mô liên kết

Mô biểu bì và mô liên kết giống nhau ở chỗ đều là tập hợp các tế bào chuyên hóa, có cấu tạo giống nhau và đảm nhận chức năng trao đổi chất giống nhau. Tuy nhiên, 2 loại mô này lại có những điểm khác biệt nhất định, cụ thể:

  • Mô biểu bì: Bao phủ bên ngoài cơ thể và lót các tạng rỗng. Tế bào nằm chặt trong các mô. Chức năng là bảo vệ và che chở cho cơ thể cùng các cơ quan.
  • Mô liên kết: Máu, mô mỡ liên kết các cơ quan hoặc cấu trúc, mô xương, mô sụn. Các tế bào được phân tán và tách rời nhau. Chức năng là ổn định vị trí của các cơ quan (mô sợi), bảo vệ và nâng đỡ cơ thể (mô xương, mô sụn), nuôi dưỡng (mô máu, mô mỡ).

So sánh mô cơ và mô thần kinh

Cả mô cơ và mô thần kinh đều là mô động vật, được tạo thành từ các tế bào, có mặt ở mọi nơi trong cơ thể. Sự khác biệt giữa 2 loại mô này đó là:

  • Mô cơ là mô đảm nhận chức năng co bóp.
  • Mô thần kinh là mô đảm nhận chức năng tiếp nhận và xử lý thông tin, điều hoà hoạt động của các cơ quan trong cơ thể và đảm bảo sự thích nghi của cơ thể với môi trường ngoài.

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh các loại mô trong cơ thể mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến quý độc giả. Hy vọng, với những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu hơn về mô, các loại mô đồng thời phân biệt được các loại mô. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đón đọc bản tin sức khỏe hôm nay của Nhà thuốc Long Châu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin