Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Niệu quản sau tĩnh mạch chủ: Chẩn đoán và điều trị bệnh

Ngày 10/12/2023
Kích thước chữ

Niệu quản sau tĩnh mạch chủ là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp gây ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh với tỷ lệ mắc vào khoảng 1/1000 trẻ. Vậy cụ thể bệnh lý niệu quản sau tĩnh mạch chủ là gì? Điều trị bệnh lý trên như thế nào?

Niệu quản sau tĩnh mạch chủ được hình thành do sự bất thường tại tĩnh mạch chủ dưới trong thời kỳ phát triển phôi thai. Tìm hiểu về bệnh lý trên, giúp phát hiện sớm bệnh, phân biệt được với một số bệnh lý thường gặp khác từ đó có biện pháp điều trị thích hợp.

Niệu quản sau tĩnh mạch chủ là gì ?

Theo giải phẫu, hệ tiết niệu bao gồm các cơ quan: Hai thận có nhiệm vụ lọc bài tiết và nước tiểu, hai niệu quản có nhiệm vụ dẫn nước tiểu từ thận đổ xuống bàng quang, một bàng quang để tích trữ nước tiểu và một niệu đạo có vai trò đào thải nước tiểu từ bàng quang ra ngoài.

Đối với người bình thường, niệu quản là ống dài nối với thận ở vị trí đài bể thận, chảy dọc ở phía ngoài tĩnh mạch chủ dưới sau đó bắt chéo đi qua bó mạch chậu rồi nối với bàng quang.

Trong bệnh lý niệu quản sau tĩnh mạch chủ hay niệu quản quanh tĩnh mạch chủ, niệu quản sẽ không nằm theo vị trí giải phẫu bình thường mà lại đi vào trong bắt chéo phía sau và uốn xung quanh tĩnh mạch chủ. Sau đó, niệu quản vòng ra ngoài ở phía trước tĩnh mạch chủ để trở lại đường đi bình thường của nó.

Dựa vào phương pháp chẩn đoán bằng chụp UIV, niệu quản sau tĩnh mạch chủ được chia làm 2 loại bao gồm:

  • Loại 1: Niệu quản sau tĩnh mạch chủ loại 1 hay còn gọi là loại vòng thấp là loại thường gặp với tỷ lệ khoảng 90% số ca. Ở loại 1, điểm bị tắc nghẽn ở niệu quản ngang với đốt sống lưng thứ 3 với hình ảnh điển hình trên phim chụp UIV giống với hình chiếc kèn saxophone. Điểm tắc nghẽn loại này có khoảng cách với bờ bên phải của tĩnh mạch chủ ở vị trí ngang mức đốt sống thắt lưng L3.
  • Loại 2: Niệu quản sau tĩnh mạch chủ loại 2 hay còn gọi là vòng cao, loại này ít gặp hơn so với loại 1. Ở loại 2 vị trí bị tắc nghẽn ở trên cao với hình ảnh trên phim UIV giống hình lưỡi liềm.

Biểu hiện của niệu quản sau tĩnh mạch chủ

Niệu quản quấn quanh tĩnh mạch chủ dưới khiến cho tĩnh mạch chủ dưới bị chèn ép, gây nên tình trạng tắc nghẽn niệu quản trên, cản trở sự lưu thông của nước tiểu, nước tiểu bị ứ đọng dẫn đến ứ nước thận, giãn đài bể thận.

Đây là bệnh lý bẩm sinh hiếm gặp với các triệu chứng xuất hiện khá muộn, thường không biểu hiện triệu chứng cho đến độ tuổi từ 30 - 50 tuổi. Các triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào mức độ tắc nghẽn nước tiểu, một số các biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân bao gồm:

Niệu quản sau tĩnh mạch chủ: Chẩn đoán và điều trị bệnh 2
Đau hạ sườn phải là triệu chứng thường gặp của bệnh lý niệu quản sau tĩnh mạch chủ

  • Đau hạ sườn phải: Xuất hiện trong khoảng 70% người mắc bệnh, từ đau ít cho đến đau dai dẳng, âm ỉ, dữ dội tùy theo bản chất và mức độ tắc nghẽn của niệu quản.
  • Đái máu, đái máu vi thể hoặc đại thể có thể xuất hiện trong khoảng 20% trường hợp mắc bệnh.
  • Có thể kèm theo rối loạn tiểu tiện như tiểu buốt, tiểu rắt.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát nhiều lần kèm với các biểu hiện như sốt cao, bạch cầu tăng, bạch cầu niệu.

Các triệu chứng của bệnh lý niệu quản sau tĩnh mạch chủ cũng khá nghèo nàn và không đặc hiệu, thường nhầm lẫn với bệnh lý thận - tiết niệu nói chung. Hầu hết, các triệu chứng trên chỉ xuất hiện trong khoảng 20% trường hợp mắc bệnh, do đó chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa trên các đặc điểm cận lâm sàng.

Xem thêm: Sỏi niệu quản: Các hạt rắn trong hệ tiết niệu

Chẩn đoán niệu quản sau tĩnh mạch chủ

Chẩn đoán niệu quản sau tĩnh mạch chủ thường dựa trên các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng. Thông thường người bệnh sẽ tới khám khi có các triệu chứng của tình trạng tắc nghẽn đường tiết niệu trên như đau thắt lưng, đái máu ở các mức độ khác nhau, nhiễm khuẩn niệu.

Khi có những dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ mắc niệu quản sau tĩnh mạch chủ, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh làm các xét nghiệm cận lâm sàng sau:

Niệu quản sau tĩnh mạch chủ: Chẩn đoán và điều trị bệnh 3
Chụp CT là phương pháp được ưu tiên để chuẩn đoán bệnh

  • Chụp UIV (Niệu đồ tĩnh mạch): Hình ảnh điển hình của bệnh trên phim chụp là hình chữ S ngược hoặc hình lưỡi liềm, hình chữ J ngược hay kèn saxophone.
  • Chụp CT: Ngày nay, trước một nghi ngờ niệu quản sau tĩnh mạch chủ, chụp CT là phương pháp được ưu tiên lựa chọn hàng đầu do nó có thể đánh giá toàn bộ đường đi của niệu quản, đánh giá tình trạng của tĩnh mạch chủ dưới, sự liên quan giữa tĩnh mạch chủ dưới và niệu quản. Ngoài ra, phương pháp chụp CT còn cho phép đánh giá các tổ chức, cơ quan quanh niệu quản. Phương pháp trên có thể cho tỷ lệ phát hiện bệnh lý niệu quản sau tĩnh mạch chủ dưới lên tới 94%.
  • Chụp MRI (Chụp cộng hưởng từ hạt nhân): Có giá trị chẩn đoán tương đương với chụp CT tuy nhiên phương pháp này còn có ưu điểm là cho hình ảnh chi tiết hơn, ít xâm lấn hơn, không tiếp xúc với bức xạ so với chụp CT.

Điều trị niệu quản sau tĩnh mạch chủ như thế nào?

Nguyên nhân gây ra bệnh lý niệu quản sau tĩnh mạch chủ là do những bất thường của tĩnh mạch chủ trong thời kỳ phát triển phôi thai, thường gặp ở niệu quản bên phải kết hợp với đảo vị trí tĩnh mạch chủ dưới.

Tất cả các trường hợp phát hiện bệnh kèm ứ nước tại thận độ I, II, III đều nên được chỉ định phẫu thuật sớm. Mục đích của phẫu thuật là đưa được niệu quản về vị trí bình thường và tái lập sự lưu thông của niệu đạo, từ đó hạn chế hiện tượng ứ đọng nước tiểu ở thận.

Việc điều trị bệnh sớm giúp hạn chế các biến chứng nguy hiểm như ứ nước thận, nhiễm khuẩn tiết niệu, suy thận, thận mất chức năng. Các phương pháp phẫu thuật được sử dụng để điều trị niệu quản sau tĩnh mạch chủ bao gồm:

Phẫu thuật mổ mở

Phẫu thuật mổ mở tạo hình niệu quản từng được coi là tiêu chuẩn vàng để điều trị bệnh tại những năm 1990. Việc lựa chọn kỹ thuật này phụ thuộc vào mức độ ứ nước, chức năng thận và loại tổn thương.

Phẫu thuật mổ mở tạo hình niệu quản sẽ giúp nối lại niệu quản, đưa niệu quản về vị trí đúng với giải phẫu. Tuy nhiên phương pháp này cũng có một số nhược điểm như vết mổ lớn, khả năng hồi phục sau phẫu thuật chậm do đó làm tăng thời gian nằm viện.

Phương pháp phẫu thuật nội soi

Phương pháp phẫu thuật nội soi ổ bụng hay sau phúc mạc chỉ định trong trường hợp người bệnh được xác định là ứ nước thận do niệu quản sau tĩnh mạch chủ. Trước khi tiến hành phẫu thuật, các kỹ thuật như chụp niệu đồ tĩnh mạch, chụp cắt lớp vi tính và xét nghiệm đánh giá chức năng thận được thực hiện để kiểm tra các chỉ số của người bệnh.

Niệu quản sau tĩnh mạch chủ: Chẩn đoán và điều trị bệnh 4
Nội soi ổ bụng hay sau phúc mạc là phương pháp điều trị thường được sử dụng do nhiều ưu điểm

So với mổ mở thì phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm hơn như có thể tiếp cận trực tiếp với thận, niệu quản và tĩnh mạch chủ dưới, ít xâm lấn, vết mổ nhỏ, có tính thẩm mỹ cao, ít gây nguy cơ tổn thương các tạng trong ổ bụng. Bên cạnh đó, phương pháp trên còn đồng thời xử trí được các bệnh lý thận - tiết niệu khác, thời gian hồi phục nhanh hơn, giảm thời gian nằm viện.

Bệnh lý niệu quản sau tĩnh mạch chủ không có biểu hiện rõ ràng, khó phát hiện và chủ yếu được xác định khi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Do đó, người bệnh nên khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để phát hiện sớm bệnh và có phương pháp can thiệp, điều trị sớm nhằm hạn chế xuất hiện biến chứng nguy hiểm.  

Xem thêm: Cách phòng ngừa sỏi niệu quản khi mang thai

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin