Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ợ chua, buồn nôn: Nguyên nhân và cách khắc phục

Ngày 19/09/2023
Kích thước chữ

Thỉnh thoảng ợ chua, buồn nôn do trào ngược acid là bình thường. Bài viết này sẽ chỉ ra nguyên nhân gây ợ chua, buồn nôn và những cách đơn giản để làm dịu chúng.

Ợ chua, buồn nôn là triệu chứng khá phổ biến ở những người bị khó tiêu hay bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và thường xảy ra cùng nhau. Chúng có thể gây khó chịu nhưng không có gì đáng ngại. Bài viết này sẽ chỉ ra nguyên nhân của ợ chua, buồn nôn và phương pháp để khắc phục chúng.

Ợ chua, buồn nôn là gì?

Ợ chua xảy ra khi dịch trong dạ dày trào lên thực quản gây ra cảm giác buồn nôn, nóng, đau rát ở ngực, đôi khi có cả thức ăn đi ngược lên miệng nên bạn sẽ cảm thấy có vị chua hay đắng. Tình trạng này có thể xảy ra sau khi ăn hoặc vào ban đêm, sẽ đau hơn khi nằm hoặc cúi xuống. Ợ chua, buồn nôn là 2 triệu chứng thường đi đôi với nhau.

Nếu các triệu chứng trào ngược acid xảy ra nhiều hơn hai lần một tuần, bạn có thể mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

o-chua-buon-non-nguyen-nhan-cach-khac-phuc-2.jpg
Trào ngược acid dạ dày gây cảm giác khó chịu trong vài phút hoặc vài giờ

Nguyên nhân gây ợ chua, buồn nôn

Khi chúng ta ăn một cái gì đó, thức ăn sẽ đi từ miệng xuống thực quản vào dạ dày. Ngăn cách thực quản và dạ dày là cơ thắt thực quản, nó sẽ giãn ra để những gì ăn vào chảy xuống dạ dày, sau đó đóng lại. Vì một lý do nào đó, cơ thắt thực quản dưới không hoạt động bình thường, dịch trong dạ dày chảy ngược lên thực quản (trào ngược acid) và gây ợ chua, buồn nôn.

o-chua-buon-non-nguyen-nhan-cach-khac-phuc-3.jpg
Cơ thắt thực quản mở ra bất thường gây ợ chua, buồn nôn

Những đối tượng dễ mắc chứng ợ chua, buồn nôn bao gồm:

  • Người có tiền sử mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản;
  • Phụ nữ có thai;
  • Người lớn tuổi: Cơ thể hoạt động không còn tốt khi về già, kể cả cơ vòng thực quản dưới;
  • Ăn/Uống thực phẩm có tính kích thích như thức ăn cay, thức uống có tính acid, thực phẩm chiên nhiều dầu mỡ bão hòa hay chất béo chuyển hóa, rượu, đồ uống có ga, cà phê,...;
  • Ăn quá no;
  • Nằm ngay sau khi ăn;
  • Người đang căng thẳng, lo lắng, bất an,...;
  • Người hút thuốc chủ động và thụ động;
  • Người đang dùng một số thuốc có tác dụng phụ là ợ chua, buồn nôn như thuốc kháng sinh, thuốc NSAIDs.

Phương pháp hỗ trợ giảm triệu chứng ợ chua, buồn nôn

Chứng ợ chua, buồn nôn thỉnh thoảng gây khó chịu nhưng nó sẽ không gây ra bất kỳ thiệt hại thực sự nào. Trên thực tế, trào ngược acid ở một mức độ nào đó là bình thường và mọi người thậm chí không cảm nhận được điều đó. Hầu hết mọi người có thể tự mình kiểm soát sự khó chịu của chứng ợ chua, buồn nôn bằng cách thay đổi lối sống.

Quản lý thực phẩm ăn vào

Khi bạn bị trào ngược dạ dày thực quản, bạn nên tránh ăn một số thực phẩm có tính kích thích như đã kể trên để ngăn ngừa và giúp thoát khỏi chứng ợ chua.

Bạn có thể sử dụng nước ép nha đam để làm dịu cảm giác nóng rát cổ họng và vùng ngực. Có thể dùng 1 - 2 cốc nước ép mỗi ngày để giảm kích ứng dạ dày, thực quản do trào ngược acid gây ra.

o-chua-buon-non-nguyen-nhan-cach-khac-phuc-4.jpg
Nha đam ngoài tác dụng làm đẹp da còn dịu đường tiêu hóa

Bạn cũng có thể sử dụng vài quả chuối chín để giảm nồng độ acid vì chuối có tính bazo sẽ trung hòa acid trong dạ dày. Ngoài ra, gừng, nghệ cũng là một lựa chọn tốt cho người ợ chua, buồn nôn. Bạn có thể sử dụng để chế biến trong các món ăn hoặc pha trà uống. Đặc biệt, trên thị trường hiện nay đã có sẵn viên uống tinh bột nghệ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh rất tốt.

Chế độ ăn

Không nên ăn quá no vì dạ dày phải co bóp nhiều hơn để tiêu hóa thức, tăng áp lực lên cơ thắt thực quản, dẫn đến tăng tỷ lệ ợ chua, buồn nôn. Bạn nên hạn chế có đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, thay vào đó hãy luộc, hấp, hầm,... Bổ sung chất xơ từ rau, củ, quả. Uống đủ nước (trung bình 2 lít/ngày), chia ra nhiều lần uống, không uống một lúc quá nhiều nước. Bạn có thể vận động nhẹ nhàng sau ăn như đi bộ 30 phút giúp dễ tiêu hoá và chỉ ngủ sau khi ăn 3 tiếng.

o-chua-buon-non-nguyen-nhan-cach-khac-phuc-5.jpg
Những thực phẩm nên ăn và không nên ăn ở người bị ợ chua, buồn nôn

Điều chỉnh tư thế ngủ

Ngủ nghiêng bên trái có thể hạn chế trào ngược acid dạ dày. Tư thế này giữ dịch dạ dày ở vị trí xa cơ thắt thực quản, giúp giảm nguy cơ phát triển các triệu chứng ợ nóng. Thêm một mẹo nữa là kê cao gối khi ngủ để tránh chứng ợ chua.

Phương pháp điều trị ợ chua, buồn nôn

Nếu bị trào ngược acid thường xuyên, niêm mạc thực quản không có đủ thời gian để lành lại và để lại biến chứng lâu dài như loét dạ dày thực quản, ung thư thực quản,... Nếu bạn bị ợ chua trầm trọng hoặc ợ nóng hai lần trở lên một tuần, bạn có thể mắc một tình trạng gọi là GERD (bệnh trào ngược dạ dày thực quản) và bạn nên đi khám bác sĩ. Sau đây là một số thuốc có thể được sử dụng khi bị ợ chua, buồn nôn:

  • Thuốc kháng acid: Thuốc sẽ trung hòa acid dạ dày, giúp giảm tạm thời chứng ợ chua. Tuy nhiên, không được lạm dụng vì sẽ gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm tiêu chảy, ảnh hưởng quá trình chuyển hóa canxi và tích tụ magiê trong cơ thể dẫn đến tăng vấn đề ở người bệnh thận. Nếu triệu chứng ợ nóng kéo dài dù đã dùng thuốc kháng acid 2 tuần thì có thể thuốc kháng acid không giúp ích cho tình trạng của bạn. Lúc này, bạn nên đến gặp bác sĩ.
  • Thuốc PPI: Thuốc ức chế enzyme H,K-ATPase ngăn bài tiết acid dạ dày, giúp làm giảm chứng ợ nóng, trào ngược acid và cảm giác buồn nôn.
  • Thuốc kháng Histamin H2: Thuốc này dùng khoảng 30 phút trước bữa ăn sẽ làm giảm sản xuất acid dạ dày, giúp ngăn ngừa chứng ợ nóng do trào ngược acid.

Chứng ợ chua, buồn nôn không thường xuyên xảy ra và có thể kiểm soát nó bằng lối sống sinh hoạt. Nhưng nếu triệu chứng này thường xuyên xuất hiện, không kiểm soát được bằng việc thay đổi lối sống, bạn có thể cần được chăm sóc y tế. Đừng để chứng ợ chua, buồn nôn mãn tính không được điều trị sẽ dẫn đến các bệnh lý nghiệm trọng hơn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin