Viêm loét dạ dày là một căn bệnh thường gặp trong xã hội hiện đại, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên khắp thế giới. Viêm loét dạ dày khiến cho lớp niêm mạc bị tổn thương và viêm nhiễm gây ra nhiều biểu hiện khó chịu cũng như ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nắm rõ các dấu hiệu viêm loét dạ dàygiúp bạn phát hiện và điều trị bệnh hiệu quả.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu những dấu hiệu viêm loét dạ dày đặc trưng, từ những cảm giác đau đớn đến những biểu hiện khác như buồn nôn, ợ hơi, và các vấn đề về tiêu hóa. Cùng nhận biết chính xác các dấu hiệu để khắc phục, duy trì một cuộc sống khỏe mạnh và thoải mái.
Viêm loét dạ dày là bệnh gì?
Viêm loét dạ dày là một tình trạng bệnh lý trong đó lớp niêm mạc ở bên trong của dạ dày bị tổn thương và hình thành các vết loét hoặc tổn thương mở. Các vết loét thường xuất hiện khi lớp niêm mạc bị bào mòn hoặc tổn thương do tác động của axit dạ dày và enzym tiêu hóa. Viêm loét dạ dày thường gây ra các triệu chứng như đau bao tử, khó tiêu, nôn mửa và có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa trong những trường hợp nghiêm trọng. Do đó, nếu có dấu hiệu bất thường gì thì người bị bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và điều trị đúng cách.
Nguyên nhân chính gây ra viêm loét dạ dày
Hai nguyên nhân chính gây ra viêm loét dạ dày:
Sự xâm nhập của vi khuẩn Helicobacter pylori (HP): Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là một trong những nguyên nhân chính gây ra viêm loét dạ dày. Khi vi khuẩn này xâm nhập vào dạ dày, chúng tấn công lớp niêm mạc bảo vệ và làm suy yếu chức năng chống axit của niêm mạc. Do đó, môi trường dạ dày trở nên mất cân bằng, tính axit tăng cao, dẫn đến việc hình thành viêm loét.
Sử dụng quá thường xuyên các thuốc giảm đau, kháng viêm: Việc sử dụng một cách quá thường xuyên các loại thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs) như aspirin, ibuprofen có thể góp phần gây ra viêm loét dạ dày. Những loại thuốc này có khả năng làm giảm tổng hợp prostaglandin - một chất bảo vệ niêm mạc dạ dày. Khi mức prostaglandin giảm, lớp niêm mạc bảo vệ trở nên yếu hơn, dễ bị tổn thương và dẫn đến viêm loét.
Cảm giác đau bụng tại vùng trên rốn (thượng vị): Đây là dấu hiệu phổ biến và đặc trưng nhất của viêm loét dạ dày. Cơn đau có thể biểu hiện dưới dạng đau âm ỉ, đau tức, hoặc đau quặn. Thường xuất hiện khi đói hoặc sau khi ăn trong khoảng 2 - 3 giờ, hoặc thậm chí vào ban đêm.
Cảm giác đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn hoặc nôn: Viêm loét dạ dày có thể làm suy yếu chức năng tiêu hóa, gây cảm giác bụng đầy, khó tiêu, buồn nôn và thậm chí nôn mửa.
Vùng thượng vị có cảm giác nóng rát, ợ hơi, ợ chua: Do quá trình tiêu hóa bị ảnh hưởng, người bệnh có thể trải qua cảm giác ợ hơi, ợ chua, cảm giác nóng rát ở vùng thượng vị. Điều này cũng thường xuyên xuất hiện ở những người bị trào ngược dạ dày thực quản.
Chức năng tiêu hóa bị rối loạn: Viêm loét dạ dày có thể gây ra tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy, dẫn tới sự mệt mỏi và sút cân.
Chất lượng giấc ngủ kém: Các triệu chứng như khó tiêu, cảm giác chướng, đầy hơi thường khiến người bệnh mất ngủ hoặc có giấc ngủ không tốt.
Tuy nhiên, việc chẩn đoán viêm loét dạ dày cần được thực hiện bởi bác sĩ. Để xác định chính xác tình trạng của bệnh và đảm bảo điều trị thích hợp, bác sĩ thường sẽ kết hợp khám lâm sàng, xét nghiệm và thậm chí là nội soi dạ dày để kiểm tra vết loét và kiểm tra vi khuẩn Helicobacter pylori.
Cách phòng tránh và khắc phục các triệu chứng của viêm loét dạ dày
Bên cạnh việc thăm khám và tích cực điều trị theo hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa, một số biện pháp sau sẽ giúp bạn hạn chế các triệu chứng khó chịu của viêm loét dạ dày hiệu quả.
Hạn chế tác nhân gây bệnh: Tránh sử dụng đồ uống có cồn một cách tối đa. Nếu không thể tránh được thì hãy hạn chế uống không quá hai ly nhỏ mỗi ngày. Nên tránh các thuốc kháng viêm, giảm đau trừ khi được bác sĩ chỉ định.
Giữ vệ sinh tay: Đây là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa sự nhiễm trùng và vi khuẩn xâm nhập.
Chế biến thực phẩm an toàn: Thực phẩm cần được nấu chín kỹ để đảm bảo sự an toàn về sức khỏe.
Bỏ thuốc lá: Nếu bạn hút thuốc lá, hãy thử bỏ hút hoặc giảm thiểu việc hút thuốc lá. Thuốc lá có thể làm suy yếu dạ dày và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.
Dinh dưỡng cân đối: Tập trung vào việc ăn uống lành mạnh và cân đối. Hạn chế thức ăn và đồ uống có khả năng gây kích thích dạ dày như thức ăn chứa nhiều gia vị, cồn, cafein.
Chế độ ăn uống: Uống sữa nóng có thể giúp cân bằng lượng axit trong dạ dày. Chế biến thực phẩm như trứng bằng cách hấp hoặc nấu chung với cháo và hạn chế ăn trứng 2 - 3 lần mỗi tuần. Ưu tiên các loại thịt nạc như cá nạc, thịt lợn nạc và rau củ họ cải.
Ăn nhiều rau củ hữu cơ: Sử dụng dầu hữu cơ chế biến từ các loại hạt như hướng dương, hạt cải, vừng, đậu nành,...
Chế biến thực phẩm: Ưu tiên nấu mềm hoặc thái nhỏ thực phẩm và tránh ăn các thực phẩm nguội, chế biến sẵn như xúc xích, thức ăn nhanh,... vì chúng có thể không tốt cho dạ dày.
Lối sống lành mạnh: Duy trì một lối sống lành mạnh, bao gồm tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng, và kiểm soát cân nặng.
Việc duy trì sức khỏe dạ dày là vô cùng quan trọng để đảm bảo một chất lượng cuộc sống tốt hơn. Viêm loét dạ dày có thể gây ra nhiều biểu hiện khó chịu làm ảnh hưởng đến cả tâm lý và thể chất của người bệnh. Tuy nhiên, thông qua việc hiểu rõ các dấu hiệu viêm loét dạ dày cũng như các nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này, chúng ta có thể áp dụng những biện pháp phòng tránh và khắc phục hiệu quả.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.