Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Omicron tàng hình và cách nhận biết sớm

Ngày 07/02/2023
Kích thước chữ

Omicron tàng hình là một trong những loại virus dễ lây lan và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chủng virus này, những triệu chứng có thể dễ dàng nhận biết và các cách phòng ngừa hiệu quả hiện nay.

Omicron tàng hình là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong những năm gần đây. Đây là loại virus mới xuất hiện, có khả năng gây ra nhiều ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Hãy cùng tìm hiểu những thông tin về Omicron tàng hình để trang bị kiến thức chủ động phòng ngừa loại virus này bạn nhé!

Omicron tàng hình là gì?

Omicron tàng hình hay còn được gọi với tên khác là Omicron BA.2. Đây là một trong các biến thể phụ của chủng virus Omicron gây ra đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới đảo lộn cuộc sống trong thời gian qua. Có tên gọi là “tàng hình” vì chủng này không có các đột biến đặc trưng của Omicron. 

Omicron tàng hình được phát hiện vào cuối năm 2021, trong một số các mẫu phân tích gen của virus Corona thu thập được ở Nam Phi, Australia và Canada. Đây được xem là một trong nhiều biến thể đáng chú ý nhất của Omicron bởi nó có đặc điểm là lây lan với tốc độ vô cùng nhanh chóng, khiến số người mắc tăng nhanh trong một thời gian ngắn.

Ca nhiễm Omicron tàng hình đầu tiên được ghi nhận là vào đầu năm 2022. Chỉ trong vòng 2 tháng sau đó, biến thể này đã xuất hiện tại 92 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, khi theo dõi tình trạng của các ca bệnh, các chuyên gia thấy rằng, biến thể phụ này không gây ra những biến chứng nghiêm trọng hơn so với Omicron gốc. Mặc dù vậy, nó vẫn gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đặc biệt là đối với người già, trẻ nhỏ và những người có sẵn bệnh nền.

omicron tàng hình 1
Omicron tàng hình còn có tên gọi khác là Omicron BA.2

Các triệu chứng dễ nhận biết của Omicron tàng hình 

Dưới đây là một số triệu chứng dễ nhận biết của Omicron tàng hình mà bạn có thể tham khảo đối chiếu với tình hình sức khỏe bản thân:

  • Sốt: Đây là triệu chứng phổ biến của người nhiễm Covid-19. Những trường hợp nhiễm biến thể Omicron tàng hình thường sốt nhẹ hoặc thậm chí không gây sốt. 
  • Đau nhức đầu: Khi nhiễm Omicron, người bệnh thường đau đầu trong khoảng một vài ngày, cơn đau tập trung ở hai bên thái dương. Kể cả khi sử dụng thuốc giảm đau thì những cơn đau vẫn không thuyên giảm. Theo giải thích của các chuyên gia, tình trạng này có thể là do cơ thể đang phản ứng để chống lại virus.
  • Ngạt mũi: Đây là triệu chứng có thể xảy ra, giống như cảm lạnh. Mũi tiết ra nhiều dịch nhờn chính là một phản ứng để tạo ra “bẫy” để tiêu diệt virus.
  • Ho nhiều, dai dẳng: Triệu chứng này là “đặc trưng” của những trường hợp mắc Covid-19 nói chung. Việc trị đau họng rát cổ thường mất nhiều thời gian hơn, gây nên khó chịu cho người bệnh.
  • Chóng mặt và mệt mỏi: Khi bị nhiễm Omicron tàng hình, người bệnh thường mệt mỏi, kiệt sức, thường xuyên chóng mặt, toàn thân đau nhức ê ẩm...
  • Khó thở: Các virus của biến thể Omicron tàng hình thường cư trú tại hệ hô hấp trên. Vì thế, người bệnh thường gặp phải một số biểu hiện như khó thở, hụt hơi, đau tức ngực...
omicron tàng hình 2
Ho, sốt, mệt mỏi là những triệu chứng phổ biến của Omicron tàng hình 

Chẩn đoán chính xác Omicron tàng hình bằng cách nào? 

Khi bạn có những triệu chứng nghi ngờ nhiễm Omicron tàng hình như trên, bạn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp chẩn đoán chính xác để có phương án điều trị phù hợp. Hiện nay, có hai phương pháp có thể áp dụng là test nhanh và xét nghiệm PCR. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, bạn nên áp dụng phương pháp xét nghiệm PCR để xác định mình có dương tính với chủng virus này hay không. Khác với việc test nhanh covid- 19 ở các chủng khác, test nhanh đối với Omicron đôi khi không mang lại kết quả chính xác. 

Xét nghiệm PCR là xét nghiệm được thực hiện bằng kỹ thuật Real-time. Nhân viên y tế sẽ dùng que test để lấy dịch tỵ hầu trong cơ thể người, sau đó đưa vào hệ thống máy xét nghiệm để phân tích, tìm ra đoạn gen của virus. Từ đó có thể xác định mẫu xét nghiệm âm hay dương tính với chủng virus này.

Xét nghiệm PCR có giá thành cao hơn, được sử dụng tại các cơ sở y tế có trang bị máy xét nghiệm. Phương pháp này tốn khá nhiều thời gian để máy phân tích, tuy nhiên cho ra kết quả khá chính xác. Do đó, khi có biểu hiện nghi nhiễm Omicron tàng hình, bạn nên chủ động đến các cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm nhằm sớm có phương án điều trị hiệu quả. 

omicron tàng hình 3
Xét nghiệm PCR là cách chẩn đoán Omicron tàng hình khá chính xác

Biện pháp phòng tránh lây nhiễm Omicron tàng hình 

Để phòng tránh lây nhiễm Omicron tàng hình, bạn cần chủ động thực hiện một số vấn đề sau đây theo khuyến cáo của Bộ Y tế:

  • Thực hiện tiêm vắc xin Covid - 19 đầy đủ các liều theo quy định của Bộ Y tế để phòng tránh bệnh hiệu quả hơn. 
  • Luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài là cách hiệu quả để phòng tránh bệnh. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý sử dụng loại khẩu trang chất lượng, vừa vặn với khuôn mặt, không nên dùng khẩu trang quá rộng và không tái sử dụng nhiều lần. 
  • Thường xuyên rửa tay sát khuẩn, súc họng là cách được khuyến cáo để phòng tránh hiệu quả sự tấn công của virus vào cơ thể. Việc này sẽ giúp phòng ngừa tình trạng lây nhiễm chéo Covid-19 nói chung, chủng Omicron tàng hình nói riêng. 
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa và không gian sống sạch sẽ, tránh việc hình thành ổ dịch. 
  • Chủ động tăng cường sức đề kháng của bản thân và cả gia đình bằng cách bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và có chế độ tập luyện khoa học. Đây là phương pháp không chỉ giúp bạn phòng tránh Omicron tàng hình mà còn có thể phòng tránh được nhiều căn bệnh nguy hiểm khác. 
omicron tàng hình 4
Đeo khẩu trang đúng cách khi ra ngoài giúp bạn phòng ngừa Omicron tàng hình 

Như vậy, với những thông tin mà Long Châu cung cấp trên đây, có thể thấy Omicron tàng hình là chủng virus có sự lây lan nhanh chóng, gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, bạn cần thực hiện các biện pháp chủ động phòng ngừa như trên để tạo thành “hàng rào” tránh sự xâm nhập của virus gây bệnh nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Suckhoedoisong

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.