Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Phác đồ điều trị nhiễm trùng tiểu mới nhất theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Ngày 29/02/2024
Kích thước chữ

Nhiễm trùng tiểu là các bệnh lý thường do vi khuẩn gây ra. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng tiểu có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm thận, suy thận,... Theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu phác đồ điều trị nhiễm trùng tiểu mới nhất của Bộ Y tế.

Nhiễm trùng tiểu là các bệnh lý khá phổ biến hiện nay thường do vi khuẩn gây ra. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng tiểu có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Vậy làm thế nào để điều trị? Phác đồ điều trị nhiễm trùng tiểu mới nhất bao gồm những gì? Theo dõi bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này nhé!

Nhiễm trùng tiểu là gì?

Nhiễm trùng tiểu (hay nhiễm trùng tiết niệu) là các bệnh lý liên quan đến hệ tiết niệu, có thể gặp ở cả nam giới và nữ giới. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này thường là do sự xâm nhập của vi khuẩn gây viêm, nhiễm trùng. Các loại vi khuẩn thường gặp là Escherichia coli, Streptococcus, Enterococcus, Enterobacteriaceae, Staphylococcus, Pseudomonas,... Ngoài ra, nhiễm khuẩn tiết niệu cũng có thể do lây nhiễm từ các cơ quan khác như nhiễm khuẩn cơ quan sinh dục, nhiễm khuẩn tiêu hóa,...

Theo giải phẫu dựa trên vị trí bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng tiểu được chia thành 2 nhóm:

  • Nhiễm khuẩn tiết niệu trên: Bao gồm viêm bể thận cấp và viêm bể thận mạn.
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu dưới: Bao gồm viêm niệu đạo, viêm bàng quang và viêm tuyến tiền liệt.
Phác đồ điều trị nhiễm trùng tiểu mới nhất theo hướng dẫn của Bộ Y tế 1
Nhiễm trùng tiểu được chia làm 2 nhóm: Nhiễm khuẩn tiết niệu trên và nhiễm khuẩn tiết niệu dưới

Các triệu chứng điển hình của nhiễm trùng tiểu

Dưới đây là các dấu hiệu thường gặp ở những bệnh nhân bị nhiễm trùng tiết niệu:

  • Tiểu buốt, đau rát, khó chịu khi đi tiểu: Khi bị nhiễm trùng, các mô sẽ bị viêm, tổn thương và trở nên rất nhạy cảm. Chính vì thế, khi đi tiểu, nước tiểu đi qua sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy đau rát, khó chịu.
  • Tiểu rắt, tiểu khó, tiểu són: Bệnh nhân vừa đi tiểu xong lại muốn đi tiếp, đi tiểu thường xuyên, tần suất cao hơn bình thường nhưng lượng nước tiểu rất ít.
  • Nước tiểu đục hoặc có lẫn máu: Với bệnh lý như viêm bể thận, khi bị nhiễm trùng, khả năng lọc và bài tiết của hệ tiết niệu bị ảnh hưởng. Do đó, nước tiểu không được lọc kỹ, bị lẫn một số thành phần như protein, hoặc có thể là chính các mô bị tổn thương.
  • Đau vùng bụng dưới: Bệnh nhân có biểu hiện đau âm ỉ vùng bụng dưới. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo viêm bàng quang cấp.
Phác đồ điều trị nhiễm trùng tiểu mới nhất theo hướng dẫn của Bộ Y tế 2
Bệnh nhân có biểu hiện đau vùng bụng dưới khi bị nhiễm trùng tiểu

Vậy phương án điều trị cho những trường hợp nhiễm trùng đường tiểu như thế nào? Để nắm rõ về phác đồ điều trị nhiễm trùng tiểu mới nhất, mời bạn cùng theo dõi phần tiếp theo của bài viết.

Phác đồ điều trị nhiễm trùng tiểu mới nhất

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, loại nhiễm trùng và mức độ đáp ứng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị khác nhau. Dưới đây là các phác đồ điều trị nhiễm trùng tiểu mới nhất theo tài liệu "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về thận - tiết niệu" của Bộ Y tế ban hành vào ngày 21 tháng 9 năm 2015 mà bạn có thể tham khảo.

Viêm bể thận cấp

Với viêm bể thận không biến chứng, bác sĩ có thể kê đơn các kháng sinh sau:

  • Amoxicillin + Acid clavulanic: Với liều 500mg x 3 viên/ngày, chia 3 lần. Nếu tình trạng bệnh nặng, dùng đường tiêm tĩnh mạch với liều 1g x 2 lọ/ngày, chia 2 lần.
  • Hoặc Cephalosporin (thế hệ thứ 2 và thế hệ thứ 3): Cefuroxim liều 250mg x 2 viên/ngày, chia 2 lần.
  • Hoặc Trimethoprim - Sulfamethoxazole: Liều 480mg x 4 viên/ngày, chia 2 lần.
  • Hoặc nhóm Fluoroquinolon: Norfloxacin 400mg x 2 viên/ngày, chia 2 lần. Hoặc Ofloxacin 200mg x 2 viên/ngày, chia 2 lần. Tuy nhiên, nhóm thuốc này không được dùng cho phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em dưới 15 tuổi và lưu ý giảm liều ở bệnh nhân suy thận.

Ở bệnh nhân có diễn biến nặng, bác sĩ nên lựa chọn kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch. Sau đó, khi bệnh đã thuyên giảm mới chuyển sang đường uống.

  • Amoxicilin hoặc Ampicillin: Liều 1g x 4 lọ/ngày, chia 4 lần.
  • Hoặc Cephalosporin (thế hệ 2, thế hệ 3): Cefuroxime 750mg x 3 lọ/ngày, chia 3 lần; hoặc Cefotaxime 1g x 3 lần/ngày, chia 3 lần; hoặc Ceftriaxone 1g/ngày; hoặc Cefoperazone 1 - 2g x 2 lần/ngày, chia 2 lần.

Ngoài các thuốc kháng sinh, bệnh nhân cần phối hợp thêm thuốc hạ sốt Paracetamol (nếu bị sốt), thuốc giảm đau, giãn cơ và các sản phẩm bù dịch bằng đường uống như NaCl 0.9%, Ringer 5%,...

Phác đồ điều trị nhiễm trùng tiểu mới nhất theo hướng dẫn của Bộ Y tế 3
Phác đồ điều trị nhiễm trùng tiểu mới nhất bao gồm các loại kháng sinh

Viêm bàng quang cấp

Phác đồ điều trị viêm bàng quang cấp ở nữ giới (không mang thai):

  • Trimethoprim Sulfamethoxazole: Viên 480mg x 1 - 2 viên/lần, 2 lần/ngày trong 3 - 5 ngày.
  • Hoặc Cephalexin: Viên 500mg x 1 - 2 viên/lần, 2 lần/ngày trong 5 ngày.
  • Hoặc Nitrofurantoin: Viên 100mg x 1 viên/lần, 2 lần/ngày trong 5 ngày.
  • Hoặc Amoxicillin + Clavulanate: Viên 625mg x 1 viên/lần, 2 lần/ngày trong 5 ngày.
  • Nhóm Fluoroquinolones: Không phải là lựa chọn đầu tay, chỉ dùng khi thất bại với các kháng sinh khác. Thuốc thường dùng là Norfloxacin 400mg x 1 viên/lần, 2 lần/ngày trong 3 - 5 ngày.

Phác đồ điều trị viêm bàng quang cấp ở phụ nữ có thai:

  • Cephalexin: Viên 500mg x 1 - 2 viên/lần, 2 lần/ngày trong 7 ngày.
  • Hoặc Amoxicillin + Clavulanate: Viên 625mg x 1 viên/lần, 2 lần/ngày trong 7 ngày.

Phác đồ điều trị viêm bàng quang cấp ở nam giới:

  • Trimethoprim Sulfamethoxazole: Viên 480mg x 2 viên/lần, 2 lần/ngày trong 7 - 10 ngày.
  • Hoặc Cephalexin: Viên 500mg x 2 viên/lần, 2 lần/ngày trong 7 - 14 ngày.
  • Hoặc Amoxicillin + Clavulanate: Viên 1000mg x 1 viên/lần, 2 lần/ngày trong 7 - 14 ngày.
  • Hoặc Norfloxacin (nhóm Quinolon): Viên 400mg x 1 viên/lần, 2 lần/ngày trong 7 - 14 ngày. Nên ưu tiên nhóm Quinolon vì khả năng phân bố đến các mô tuyến tiền liệt là khá tốt.
Phác đồ điều trị nhiễm trùng tiểu mới nhất theo hướng dẫn của Bộ Y tế 4
Người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc theo phác đồ điều trị nhiễm trùng tiểu

Viêm niệu đạo cấp không do lậu

Tùy theo tác nhân gây bệnh mà phác đồ điều trị sẽ khác nhau.

Với người bị nhiễm Chlamydia và Mycoplasma

Có thể dùng một trong các thuốc sau:

  • Azithromycin: Viên 1g, uống liều cao nhất.
  • Hoặc Doxycyclin: Viên 100mg/lần, uống 2 lần/ngày trong 7 ngày.
  • Hoặc Ofloxacin: Viên 300mg/lần, uống 2 lần/ngày trong 7 ngày.
  • Hoặc Erythromycin: Viên 500mg/lần, uống 4 lần/ngày trong 14 ngày.

Trong đó, Doxycycline và Azithromycin là lựa chọn ưu tiên.

Với người bị nhiễm Trichomonas

Metronidazol: Viên 500mg/lần, uống 2 lần/ngày trong 7 ngày.

Với người bị viêm niệu đạo do các vi khuẩn thông thường, phác đồ điều trị tương tự như điều trị viêm bàng quang cấp.

Viêm ống thận kẽ cấp

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn, ngộ độc, dị ứng,... mà sẽ có các phác đồ điều trị khác nhau.

  • Thuốc kháng sinh: Nếu nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm Beta-lactam, Aminoside, Quinolon.
  • Các loại thuốc điều trị dị ứng, ngộ độc: Nếu nguyên nhân gây bệnh là do dị ứng, ngộ độc, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc chữa dị ứng, thuốc giải độc và tiến hành lọc máu nếu cần.
Phác đồ điều trị nhiễm trùng tiểu mới nhất theo hướng dẫn của Bộ Y tế 5
Tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương án điều trị tối ưu nhất

Tóm lại, nhiễm trùng tiểu là các bệnh lý do vi khuẩn gây ra ở hệ tiết niệu. Tùy thuộc vào loại bệnh, mức độ đáp ứng mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp. Hy vọng những thông tin về phác đồ điều trị nhiễm trùng tiểu mới nhất sẽ giúp ích cho bạn. Lưu ý rằng việc lựa chọn phác đồ điều trị và dùng thuốc nên được thực hiện bởi bác sĩ chuyên môn. Người bệnh không nên tự ý uống thuốc khi chưa có chỉ định của chuyên gia.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin