Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh gout có nguy hiểm không? Một số biến chứng bệnh gout có thể gặp

Ngày 13/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Gout là một căn bệnh diễn biến âm thầm, nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra những biến chứng bệnh gout rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu cụ thể về vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Cùng sự phát triển của đời sống, tỷ lệ người mắc bệnh gout ngày càng tăng, đặc biệt là đối với nam giới ở độ tuổi trung niên. Biến chứng bệnh gout mà bệnh nhân có thể gặp phải như hạt tophi, bệnh về thận, tim mạch,.. gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống thường ngày của bệnh nhân cả về thể chất lẫn tinh thần.

Bệnh gout là bệnh gì?

Bệnh gout (hay gút) là một dạng viêm khớp cho sự ứ đọng tinh thể muối urat tại khe khớp hoặc mô xung quanh gây tình trạng viêm, mà sự ứ đọng tinh thể urat này có nguyên nhân sâu xa do sự rối loạn chuyển hóa purin làm tăng acid uric máu quá cao hoặc có rối loạn trong quá trình chuyển hóa acid uric trong cơ thể hay đào thải acid uric ở thận.

Bệnh gout có để lại biến chứng không? Biến chứng bệnh gout là gì? - 1
Bệnh gout là một dạng viêm khớp

Nguyên nhân gây ra bệnh gout

Bệnh gout liên quan đến tình trạng tăng nồng độ acid uric trong máu. Các nghiên cứu cho thấy tần suất mắc bệnh gout liên quan đến độ tuổi, giới tính, lượng mỡ, tiền sử gia định, có hội chứng rối loạn chuyển hóa,... Cụ thể như sau:

  • Thức ăn nạp vào cơ thể: Chế độ ăn thiếu khoa học như nạp quá nhiều hải sản, nội tạng như gan cật, thịt đỏ (đều là những loại thức ăn chứa nhiều purin); thức ăn chứa nhiều fructose như siro bắp, mật ong, nước ngọt; đồ uống có cồn đặc biệt là bia; đồng thời ăn ít rau xanh đều là những yếu tố nguy cơ bệnh gout.
  • Tuổi tác và giới tính của đối tượng: Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bệnh gout xảy ra ở nam giới đặc biệt trong độ tuổi 30 - 50 là cao nhất. Nữ giới thường ít mắc hơn nam giới do có nồng độ acid uric trong máu thấp hơn, tuy nhiên sau độ tuổi mãn kinh nồng độ acid uric máu cần được kiểm soát chặt chẽ hơn.
  • Tiền sử gia đình của đối tượng: Nếu trong gia đình của đối tượng có người mắc bệnh gout thì nguy cơ mắc bệnh gout của đối tượng đó cao hơn người có tiền sử gia đình không có ai mắc bệnh gout.
  • Người mắc các hội chứng chuyển hóa: Người mắc các bệnh như béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, tăng đường huyết có mối liên hệ với bệnh gout và điều này đã được nghiên cứu và chứng minh.
  • Liên quan đến thuốc: Người bệnh có sử dụng các thuốc như: Lợi tiểu thiazid, lợi tiểu quai, niacin, pyrazinamide, aspirin liều cao trong giảm đau. Các thuốc trên làm tăng acid uric máu chủ yếu do ức chế bài tiết acid uric ở ống thận.

Triệu chứng thường gặp trong bệnh gout

Nắm bắt được các triệu chứng của bệnh gout sẽ giúp người bệnh dễ dàng nhận biết được bệnh. Dưới đây là những triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh gout theo từng giai đoạn mà bạn có thể tham khảo:

  • Cấp tính: Bệnh thường gây viêm cấp ở một khớp. Triệu chứng bao gồm sưng đau dữ dội ở khớp, khớp bị sưng to, đỏ, căng bóng, phù nề, bệnh nhân có thể sốt nhẹ, tình trạng đau thường đạt đỉnh trong vòng 6 - 12 tiếng. Ngoài ra còn có các dấu hiệu bệnh gout ở tay như sưng tấy, nóng cổ tay, thường xuyên đau nhức tay, không thể cử động tay dễ dàng.
  • Mạn tính: Bệnh nhân có thể xuất hiện các hạt ở sụn vành tai, ngón tay, cổ tay, khuỷu tay, đầu gối hoặc bàn chân. Các hạt này gọi là hạt tophi, khi xuất hiện các hạt này bệnh nhân cần phải kiểm soát chặt chẽ nồng độ acid uric trong máu hơn.

Nếu gặp bất kì triệu chứng nào được nêu trên, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị hiệu quả, kịp thời.

Một số biến chứng bệnh gout có thể gặp

Bệnh gout có thể gây ra nhiều biến chứng, tác động tiêu cực đến chất lượng sức khỏe và đời sống của người bệnh. Một số biến chứng có thể gặp của bệnh gout mà bệnh nhân có thể gặp phải như:

Gây biến dạng khớp

Đây là biến chứng bệnh gout hay được thấy ở người bị gout mạn tính và có thể thể dẫn đến tình trạng hủy hoại các đầu xương, sụn khớp, thậm chí tổn thương khớp vĩnh viễn gây biến dạng và cứng khớp. Trường hợp xấu nhất, bác sĩ có thể phải phẫu thuật để khắc phục biến dạng khớp.

Gây hình thành sỏi thận

Nồng độ acid uric trong máu cao làm lắng đọng các tinh thể urat không chỉ ở các mô mà còn ở thận. Thống kê cho thấy, cứ 10 bị bệnh gout thì sẽ có 2 bị bệnh sỏi thận hay viêm khe thận, viêm cầu thận. Nguyên nhân là acid uric được đào thải ở thận, nhưng ở người bệnh gout nồng độ acid uric quá cao vượt mức lọc của thận làm dư thừa và ứ ở thận. Từ đó hình thành nên các sỏi tinh thể sắc nhọn ở bể thận và ống thận, lâu ngày gây giãn đài bể thận, tổn thương ống thận và suy giảm chức năng thận.

Bệnh gout có để lại biến chứng không? Biến chứng bệnh gout là gì? - 2
Sỏi thận là một trong những biến chứng bệnh gout

Vấn đề về thị lực

Mặc dù tỷ lệ người mắc các biến chứng về mắt ở bệnh nhân gout không cao. Nhưng vẫn cần lưu ý vì các tinh thể urat có thể ảnh hưởng đến thị giác thông qua các tác động lên mí mắt, giác mạc và mống mắt.

Mắc các bệnh lý về tim mạch

Tuy không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh tim mạch nhưng các tinh thể urat tích tụ có thể hình thành cục máu đông từ đó gây ra các bệnh lý tim mạch. Các nghiên cứu cho thấy người bị gout có nguy cơ suy tim hay đột quỵ gấp 2 lần so với người chưa từng bị bệnh gout.

Hạt tophi

Hạt tophi là những tinh thể muối urat, hiện diện ở các khớp và các mô xung quanh. Hạt tophi thường xuất hiện ở những người bị bệnh khớp lâu năm, có thể thấy bằng mắt thường và sờ vào được.

Vùng mô xung quanh hạt tophi bị sưng đỏ, phù nề căng bóng gây khó khăn cho người bệnh khi cử động khớp gây bất tiện trong sinh hoạt. Khi hạt tophi kết hợp cùng thoái hóa khớp sẽ chèn ép các mạch máu từ đó gây nên các bệnh lý về máu, thần kinh. Và khi các hạt tophi vỡ ra có thể dẫn đến nhiễm trùng gây hoại tử các chi.

Các biến chứng liên quan đến tác dụng phụ của thuốc điều trị

Các biến chứng liên quan đến thuốc dùng để điều trị gout có thể là viêm loét dạ dày tá tràng đến từ thuốc chống viêm, giảm đau. Tiêu chảy do dùng colchicin, corticoid làm tăng nguy cơ loãng xương, đái tháo đường, tăng huyết áp, nó còn làm giảm thải acid uric qua thận từ đó tăng hình thành hạt tophi.

Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng để phòng ngừa bệnh gout

Các biến chứng của bệnh gout đều rất nguy hiểm và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Vì thế điều cần thiết nhất là phòng ngừa bệnh gout ngay từ ban đầu. Sau đây là chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng để phòng ngừa bệnh gout hiệu quả:

  • Hạn chế tối đa sử dụng đồ uống có cồn, đặc biệt là bia.
  • Đối với người thừa cân, béo phì phải có chế độ ăn phù hợp để kiểm soát cân nặng.
  • Thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe, tăng độ linh hoạt cho các khớp. Nhưng cũng nên tránh tập luyện, lao động quá mức.
  • Ăn thức ăn ít đạm và tránh các thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, nội tạng, hải sản.
  • Ăn nhiều rau xanh, và trái cây, sữa và các chế phẩm phomat trắng không lên men.
  • Uống nhiều nước đặc biệt là các loại nước khoáng để tăng sự bài tiết acid uric qua thận.
Bệnh gout có để lại biến chứng không? Biến chứng bệnh gout là gì? - 3
Nên ăn nhiều rau củ quả để phòng ngừa bệnh gout

Bệnh gout gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày. Không những thế, các biến chứng bệnh gout đều rất nguy hiểm đối với sức khỏe. Người bệnh nên tuân thủ điều trị theo lời dặn của bác sĩ, đồng thời có lối sống lành mạnh để tránh dẫn đến tình trạng bệnh diễn tiến nặng hơn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm