Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phân biệt cận thị và viễn thị như thế nào?

Ngày 31/05/2023
Kích thước chữ

Các tật khúc xạ về mắt như cận thị và viễn thị xuất hiện khá phổ biến. Do chế độ ăn uống, môi trường sống, thói quen sinh hoạt mà số người mắc các hiện tượng này ngày càng gia tăng. Những thông tin cụ thể về cận thị và viễn thị dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất, từ đó có cách phòng ngừa và khắc phục hiệu quả.

Cận thị và viễn thị là các tật khúc xạ về mắt thường gặp ở mọi đối tượng. Các nguyên nhân dẫn đến cận thị và viễn thị có khá nhiều điểm tương đồng, tuy nhiên vẫn tồn tại những đặc điểm và cách khắc phục khác nhau. Trong chế độ chăm sóc sức khỏe đôi mắt, nhiều người vẫn chưa phân biệt rõ cũng như hiểu đúng và đủ về hai loại tật khúc xạ này, khiến cho việc điều chỉnh có những hạn chế. Dưới đây là những thông tin tổng hợp giúp bạn có hình dung tổng quát hơn.

Phân biệt cận thị và viễn thị

Để phân biệt cận thị và viễn thị, bạn có thể dựa vào những khác biệt trên những tiêu chí dưới đây: 

Khái niệm và triệu chứng 

Cận thị và viễn thị đều là những tật khúc xạ ở mắt gây ảnh hưởng đến thị lực. Người mắc một trong hai chứng này sẽ có hiện tượng thường xuyên khô mắt hoặc mỏi mắt, mắt bị căng thẳng khi cố gắng nhìn các vật ở gần hoặc ở xa, mắt nhạy cảm hơn bình thường, thậm chí là hay bị chảy nước mắt, nheo mắt.

Vậy khác nhau cơ bản giữa hai chứng này là gì? Ngoài những triệu chứng tương đồng thì khác nhau rõ rệt nhất chính là khi mắc cận thị, người bệnh sẽ nhìn không rõ các vật ở xa, nếu cố gắng nhìn có thể bị mỏi mắt, họ thường đọc sách, xem tivi, điện thoại,... ở khoảng cách gần. Ngược lại, người mắc viễn thị thì thường nhìn các vật ở khoảng cách gần bị mờ, thậm chí cảm thấy nhức mắt, đau đầu khi cố gắng nhìn, thường đọc sách, xem tivi, điện thoại,... ở khoảng cách xa.

can-thi-va-vien-thi-1.jpg
Cận thị là hiện tượng người bệnh không thể nhìn rõ các vật ở xa

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hai chứng bệnh này cũng khác nhau. Đối với cận thị, có thể do yếu tố di truyền, bẩm sinh, khi cấu tạo mắt khác biệt khiến trục nhãn cầu dài hơn so với bình thường. Ngoài ra, phần lớn nguyên nhân là do thói quen sinh hoạt, học tập không đúng cách như cúi đầu quá sát so với sách vở, xem ti vi, máy tính quá gần, đọc sách và làm việc trong môi trường thiếu ánh sáng hay chơi game, xem điện thoại liên tục, mắt không được nghỉ ngơi,...

Còn đối với viễn thị, cũng không loại trừ nguyên nhân do yếu tố di truyền, bẩm sinh, cấu tạo mắt có trục nhãn cầu ngắn hoặc mỏng hơn so với người bình thường. Bên cạnh đó, các nguyên nhân chủ quan khác thường là do nhìn xa lâu ngày làm cho tinh thể mắt mất khả năng đàn hồi hoặc thuỷ tinh thể thoái hóa do tuổi già, bệnh lý liên quan đến võng mạc,...

Hệ lụy của cận thì và viễn thị

Cận thị và viễn thị đều gây cản trở đến quá trình sinh hoạt, học tập hằng ngày. Mặc dù ở giai đoạn nhẹ, hai chứng này không áp lực nhiều cho mắt nhưng khi bệnh phát triển nặng thì có thể làm xuất hiện những biến chứng gây nguy hiểm.

Những biến chứng thường gặp của cận thị như rách võng mạc, bong võng mạc, đục thuỷ tinh thể, điểm vàng bị thoái hoá, tăng nhãn áp. Đối với viễn thị có thể gặp các biến chứng như mắt bị lé, nhược thị. Những biến chứng trên đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mắt, nếu người bệnh không được phát hiện và chữa trị kịp thời thì rất dễ dẫn đến mù lòa.

can-thi-va-vien-thi-2.jpg
Viễn thị là hiện tượng người bệnh không nhìn rõ các vật ở gần 

Cách phòng ngừa, điều trị cận thị và viễn thị

Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa, điều trị cận thị và viễn thị mà bạn cần lưu ý: 

Cách phòng ngừa cận thị và viễn thị

Để hạn chế tối đa mắc phải cận thị và viễn thị, bạn nên có ý thức giữ gìn đôi mắt với các biện pháp phòng ngừa như sau: 

  • Thực hiện kiểm tra mắt định kỳ 3 - 6 tháng/lần tại các cơ sở chuyên khoa mắt uy tín để kịp thời phát hiện và can thiệp.
  • Bạn cần lưu ý cho mắt nghỉ ngơi khi ngồi làm việc, đọc sách hay xem máy tính quá lâu. Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, cứ sau 30 - 45 phút bạn nên cho mắt nhìn xa 5 - 10 phút.
  • Lưu ý làm việc, học tập trong môi trường đầy đủ ánh sáng, ngồi đúng tư thế, khoảng cách với mắt phù hợp.
  • Chú ý bảo vệ mắt trong quá trình làm việc, tránh thức quá khuya và làm việc với máy tính với cường độ cao, rèn luyện thói quen ngủ sớm và ngủ đủ giấc.
  • Chú ý bổ sung thực phẩm, dưỡng chất tốt cho mắt vào thực đơn bao gồm nhóm thực phẩm vitamin A như trứng gà, sữa, sữa chua, cà rốt,... nhóm thực phẩm vitamin B như thịt gà, bò, các loại đậu, rau màu xanh,... Ngoài ra, bạn có thể uống thuốc bổ mắt trong trường hợp thường xuyên tiếp xúc với máy tính hoặc có nguy cơ cao mắc các tật khúc xạ. 
  • Kiểm tra sức khỏe thường xuyên, hạn chế tối đa việc dùng các chất kích thích như thuốc lá, cà phê,...
can-thi-va-vien-thi-3.jpg
Bổ sung các sản phẩm bổ mắt giúp bạn ngăn ngừa cận thị và viễn thị

Cách điều trị cận thị và viễn thị

Hiện nay, có hai giải pháp cơ bản để khắc phục tình trạng cận thị và viễn thị là đeo kính hoặc phẫu thuật khôi phục thị lực gồm:

Đeo kính gọng, kính áp tròng: Đây là giải pháp đơn giản, ít tốn kém, được nhiều người áp dụng. Mỗi tật mắt sẽ phù hợp với loại thấu kính khác nhau, người bị cận thị thì dùng thấu kính lõm còn người mắc tật viễn thị sẽ dùng thấu kính lồi. Những người có chuyên môn sẽ đo mắt bằng thiết bị chuyên dụng để cắt kính đúng diop, giúp người bệnh nhìn rõ hơn. Với phương pháp này, bạn cần chú ý vệ sinh kính, đeo kính đúng cách và để ý thời gian sử dụng để không gây nhiễm trùng và loét giác mạc.

Phẫu thuật khôi phục thị lực: Đây là phương pháp nhanh chóng và hiệu quả giúp khắc phục cận thị, viễn thị dứt điểm, làm giảm độ viễn thị và cận thị trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, phương pháp này khá tốn kém chi phí, trước và sau khi phẫu thuật, bạn cần được thăm khám kỹ lưỡng và lựa chọn cách thức phẫu thuật cũng như đơn vị y tế uy tín để thực hiện.

Như vậy, với những thông tin trên đây, bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cận thị và viễn thị, phân biệt hai tật ở mắt này cũng như các phương pháp phòng ngừa, điều trị hiệu quả. Mắt là một trong những bộ phận quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày. Do đó, bạn cần giữ gìn và có chế độ chăm sóc đúng cách nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: suckhoedoisong.vn 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin